Lùm xùm nghệ sĩ làm từ thiện

Thứ Bảy, 03/12/2016, 11:56
Một điểm chung của giới nghệ sĩ châu Âu - châu Á là hầu hết các nghệ sĩ lớn đều tự lập quỹ từ thiện. Suốt nhiều năm qua, những quỹ này đã quyên góp được rất nhiều tiền ủng hộ thiên tai, thảm họa. Tuy vậy, lùm xùm quanh các quỹ này cũng không ít.


Bộ Tư pháp Mỹ khoảng giữa tháng 10-2016 đã hoàn tất hồ sơ mà Tòa án Los Angeles trình lên, khẳng định tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio có liên quan, thậm chí là nhân tố chủ chốt trong vụ án tham nhũng dính líu Công ty Đầu tư quốc gia Malaysia 1MBD. 

Trên thực tế, 136 trang hồ sơ của tòa án không hề nêu thẳng tên của Leonardo, nhưng cái danh xưng “nam diễn viên số 1 Hollywood” được ám chỉ khiến dư luận không khỏi nghĩ đến tài tử lừng danh vừa đoạt giải Oscar.

Bị cáo buộc rửa tiền

Cũng theo hồ sơ này, số tiền trong Quỹ từ thiện Leonardo DiCaprio Foundation (LDF) có nguồn gốc từ hàng tỉ USD tham nhũng của nhiều quan chức cấp cao Malaysia. Các chuyên gia cho rằng việc Leonardo lập LDF và không phải công khai thu nhập hay chi tiêu. Với các mối quan hệ mờ ám giữa LDF và 1MBD, tài tử hạng A Hollywood trở thành đối tượng bị quy trách nhiệm.

Tại cuộc họp báo “Phục hồi những tài sản đã mất của Malaysia” diễn ra vào giữa tháng 10 vừa qua, Tổ chức Bruno Manser (BMF) đã yêu cầu Leonardo  làm rõ mối quan hệ của tài tử với các quan chức cấp cao Malaysia trong vụ tham nhũng tầm cỡ thế giới 1MBD, đồng thời hoàn trả toàn bộ số tiền bất hợp pháp mà anh đã đút túi riêng thông qua bộ phim “Sói Già Phố Wall” (The Woft of Wall Street) và các công việc từ thiện. 

Sau khi đoạt giải Oscar danh giá, Leonardo DiCaprio dính cáo buộc rửa tiền thông qua quỹ từ thiện mang tên mình. 

Ông Lukas Straumann, Giám đốc BMF cho hay, “Nếu DiCaprio không làm rõ trắng đen, chúng  tôi sẽ yêu cầu ông ấy rút lui khỏi vị trí Sứ giả Hòa bình của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (mà nam tài tử đã đảm nhiệm từ năm 2014), đơn giản vì thiếu sự tín nhiệm cho một vị trí quan trọng như thế. Chúng ta không thể cứu vãn môi trường nếu không chấm dứt tình trạng tham nhũng. Ông ấy lẽ ra nên là một phần trong giải pháp, nhưng giờ thì ông ấy lại trở thành một phần vấn đề”.

Ngôi sau Hollywood đã liên hệ với Bộ Tư pháp Mỹ để đệ đơn kiện cáo buộc; đồng thời cũng tuyên bố sẽ trả lại bất kỳ quà tặng nào có liên quan đến quỹ đầu tư Malaysia, trong quá trình chờ Mỹ và các quốc gia khác vào cuộc điều tra.

“Nuốt” tiền từ thiện dưỡng già

One Foundation (OF) là quỹ từ thiện được ngôi sao điện ảnh võ thuật Lý Liên Kiệt thành lập vào tháng 4-2007. Từ năm 2008, ngôi sao người Trung Quốc tuyên bố sẽ dành nhiều thời gian để tập trung điều hành OF hơn là đóng phim. Cũng từ thời điểm đó, quỹ từ thiện này bắt đầu hoạt động riêng lẻ. 

Tân Hoa xã cho biết, ban đầu tổ chức này hoạt động theo cơ cấu một chương trình đặt biệt của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, vì chính phủ khi đó chưa có quy định thành lập quỹ phi chính phủ. 

Nói về OF, Lý Liên Kiệt từng cười đùa rằng, “tôi có lẽ là người ăn xin nhiều nhất cả nước”. Nhưng chính quỹ này đã gây nhiều rắc rối và thị phi cho ngôi sao.

Lý Liên Kiệt cũng không thoát khỏi bão thị phi vì chưa minh bạch chi tiêu của quỹ từ thiện.

Một tài khoản trên mạng xã hội Weibo đã đặt câu hỏi rằng, “tính đến tháng 4, đúng một năm sau trận động đất ở Tứ Xuyên, 219 tổ chức từ thiện trên khắp cả nước đã nhận về 1,696 tỉ NDT tiền quyên góp, và chi phí các tổ chức này đã chi để cứu trợ nạn nhân là 645 triệu NDT. 

Một trong số những tổ chức đó, OF, đã nhận gần 400 triệu NDT (khoảng 60 triệu USD), nhưng chỉ trích 9% trong số đó cho công tác khắc phục hậu quả. Vậy tiền quyên góp của chúng tôi đã đi đâu?”.

Dương Bằng, Tổng thư ký của OF, cho biết việc tái thiết 5 trường học sau động đất là chi phí đắt đỏ nhất của dự án phục hồi sau động đất, tiền của quỹ cũng không được phân bổ cho đến khi quá trình đấu thầu hoàn thành vào tháng 7-2014.

Không mấy ngạc nhiên khi hàng chục ngàn ý kiến đoán già đoán non rằng Lý Liên Kiệt đã biển thủ gần 90% số tiền còn lại để lận túi riêng, bởi chưa có giải trình nào cụ thể cho khoản tiền khổng lồ này. Một bình luận trên mạng xã hội cho rằng “số tiền đó Lý Liên Kiệt dùng để dưỡng già rồi”. Còn blogger nổi tiếng Tống Tổ Đức thì khẳng định đây là “một kẻ tham lam không hơn không kém”.

Trả lời cho biển dư luận đang sôi sục, ngôi sao Kungfu lại nửa đùa nửa thật rằng “tôi cũng muốn lấy hết tiền từ thiện lắm nhưng tôi không có con dấu hay thẩm quyền để ký quỹ, ai đó có thể chỉ tôi cách lấy tiền bỏ vào tài khoản riêng mà không ai biết không?”. Và vẫn kiểu trả lời “giỡn chơi”, Lý Liên Kiệt chia sẻ “300 triệu NDT không đủ để chia cho các thành viên quản trị khác của OF, làm ơn cho tôi vài lời khuyên về cách chia tiền đi”. 

Bản thân tài tử cho rằng cứu trợ chia làm 3 giai đoạn: khẩn cấp, duy trì cuộc sống và tái thiết sau thiên tai, trong đó giai đoạn cuối cùng là tốn kém và kéo dài nhất.

Trên thực tế, không riêng gì Lý Liên Kiệt, các sao Trung Quốc đình đám như Thành Long, Lý Á Bằng cũng từng đứng tên quản lý các quỹ từ thiện và dính nghi án biển thủ, dùng tiền vào mục đích riêng. Báo chí tốn không ít giấy mực cho chuyện Thành Long chi tiêu quỹ nhập nhằng, trong khi Lý Á Bằng bị điều tra sử dụng tiền quỹ cho trẻ em hở hàm ếch mang tên Yên Nhiên vào đầu tư bất động sản.

Trong cơn bão thị phi, Lý Liên Kiệt đưa ra sự so sánh: “Ở các nước khác, sau khi góp tiền từ thiện, việc chi tiêu ra sao người đóng góp không hề lên tiếng. Tôi thấy họ đặt lòng tin vào các tổ chức có thẩm quyền. Hoạt động từ thiện cũng thường xuyên, dù có thiên tai hay không. Nhưng tại Trung Quốc, ai cũng muốn tham gia vào việc sử dụng các nguồn tiền. Quyên góp cũng mang tính thời vụ, có sự cố mới ủng hộ. Phát hiện ra một chút gì đó chưa rõ ràng là lập tức đưa ý kiến, dìm người kêu gọi quyên góp trong bão thị phi”.

Lòng tin mà ngôi sao võ thuật đề cập đến không sai, nhưng ai đã làm mất đi lòng tin ấy nơi người quyên góp, khi nhan nhản nhiều sự thật được phơi bày sau các đợt cứu trợ. Để rồi những cái lắc đầu ngao ngán vì “đến tận nơi, đưa tận tay” cũng chưa chắc giúp được đúng người. Để rồi khi một ngôi sao nào đó đứng ra quyên góp rồi đi cứu trợ, người tin và góp tiền nhiều đến bất ngờ, dù đó chỉ là một cá nhân. Trong khi các tổ chức lớn lại trở nên kém uy tín trong mắt người dân, ai biết vì đâu?

Khánh Nguyên (theo Guardian)
.
.
.