Luka Modric bị cáo buộc trốn thuế Thông minh trên sân cỏ, tinh ranh trong phòng thuế

Thứ Hai, 12/12/2016, 13:43
Tiền vệ trụ cột của Real Madrid đang đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế vụ của Tây Ban Nha truy tố khi tìm cách lách tiền thuế từ bản quyền hình ảnh của mình.


Những thông tin rò rỉ từ báo giới cho thấy Luka Modric đã tính toán đường đi nước bước kỹ càng để chỉ phải trả khoản phí thấp nhất cho thu nhập của mình.

Rõ ràng, cầu thủ sinh năm 1985 này không chỉ thể hiện sự thông minh trong những đường chuyền, mà còn ở khả năng lách luật của mình.

Công ty… 2 thành viên

Theo thông tin từ báo giới Tây Ban Nha, Modric đã tìm cách lách thuế suất cao ở Tây Ban Nha khi giao cho một công ty tại Luxembourg bảo vệ “bản quyền hình ảnh” của mình kể từ khi tiền vệ Croatia chuyển sang Real Madrid từ Tottenham.

Mức thuế suất chênh lệch giữa hai quốc gia được xem là nguyên nhân chính trong kế hoạch của Luka Modric.

Tiền vệ Modric đang nằm trong diện điều tra của cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha vì tội trốn thuế.

Cụ thể, trong khi Tây Ban Nha luôn duy trì mức thuế 30% và có thể tăng lên mức 51% theo quy định mới của Bộ Tài chính thì tại Luxembourg, mức thuế cho bản quyền hình ảnh chỉ là 1%.

Rõ ràng mức chênh lệch khủng khiếp này ảnh hưởng rất lớn đến mức thu nhập của các cầu thủ có mức thu nhập cao lên đến vài triệu euro/năm như ngôi sao của Real Madrid.

Modric đã nghĩ ra một kế hoạch rất chi tiết để lách thuế. Đó là thành lập một công ty ma tại Luxembourg với số vốn đăng ký là 3,6 triệu euro. Những điều tra gần đây của cơ quan thuế Tây Ban Nha phát hiện ra công ty của Modric chỉ có đúng một cổ đông trong Hội đồng quản trị là… chính anh.

“Làm tất ăn cả”, Modric đặt tên công ty theo tên con trai anh Ivano và bổ nhiệm luôn vợ của mình là Vanja Bosnic làm Giám đốc điều hành!

Chỉ trong vòng ít năm, tài sản của Công ty Ivano đã tăng từ 3,6 triệu lên 6 triệu euro. Theo điều tra của cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha, Modric chuyển tiền từ doanh thu quảng cáo của mình vào Công ty Ivano và thông qua đó, tái đầu tư vào trái phiếu hoặc các quỹ tín thác để hợp pháp hóa khoản lợi nhuận gia tăng.

Modric thành lập Công ty Ivano ngay sau khi ký hợp đồng với Real Madrid. Tiền vệ người Croatia chuyển vào đó toàn bộ doanh thu từ các hợp đồng quảng cáo từ hãng Nike mà anh làm đại diện hình ảnh, cùng với đó là các khoản tiền khác được Real Madrid chi trả cho việc sử dụng hình ảnh của anh trong những sự kiện đặc biệt.

Trong hai năm 2013 và 2014, báo cáo tài chính cá nhân của Modric hoàn toàn không thống kê khoản tiền bản quyền từ hình ảnh của cầu thủ này. Trong khi đó, lãi suất ròng trước thuế của Công ty Ivano lại đạt mức 14 triệu euro. Chính sự bất hợp lý này đã khiến cơ quan thuế vụ của Tây Ban Nha nghi ngờ và vào cuộc.

Một chi tiết đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Modric bị điều tra vì tội trốn thuế. Tháng 9/2015, cơ quan thuế của Anh đã yêu cầu tiền vệ này chi trả 500.000 bảng Anh tiền thuế mà anh chưa nộp trong hai năm 2009 và 2010 khi Modric còn khoác áo Tottenham.

Trước đó nữa, Modric cũng từng bị cơ quan chống tham nhũng của Croatia sờ gáy khi còn là thành viên của Dynamo Zagreb. Những chi tiết này cho thấy tiền vệ sinh năm 1985 đã hình thành ý thức “lách thuế” kể từ khi còn chưa nổi tiếng.

Bản quyền hình ảnh – lý do trốn thuế số 1

Bản quyền hình ảnh cầu thủ là một khái niệm không mới mẻ trong thế giới bóng đá. Đây là một giao kèo bắt buộc với cá nhân cầu thủ và đội bóng của anh ta cùng các thương hiệu mà cầu thủ nhận lời cộng tác. Tỷ lệ phần trăm trong lợi nhuận được thỏa thuận tùy theo sự đồng thuận của hai bên.

Các cầu thủ có thể tự mình quản lý số tiền thu được từ bản quyền hình ảnh, tuy nhiên hầu hết đều lựa chọn một công ty đại diện để ủy thác trách nhiệm đàm phán và tính toán với các đối tác.

Cristiano Ronaldo trong một quảng cáo của Konami.

Trong đa số trường hợp, các cầu thủ luôn lựa chọn một công ty có mối liên hệ khăng khít với bản thân và thường do một người trong gia đình quản lý. Một ví dụ tiêu biểu là Neymar, người giao bản quyền hình ảnh do một công ty do cha anh làm lãnh đạo.

Sự lỏng lẻo trong việc quản lý bản quyền hình ảnh là lý do dẫn đến tâm lý muốn lách thuế của các cầu thủ. Tại các nước như Anh và Tây Ban Nha, mức thuế suất cho người thu nhập cao là rất lớn, ảnh hưởng rõ rệt tới thu nhập của các ngôi sao sân cỏ.

Việc lựa chọn những quốc gia có mức thuế thấp hơn giúp cho các cầu thủ giữ lại được nhiều tiền hơn trong tài khoản.

Tại sao các công ty trung gian lại được các cầu thủ tin tưởng để ủy thác quản lý tiền bản quyền hình ảnh? Nguyên nhân xuất phát từ việc tiền bản quyền hình ảnh cá nhân của cầu thủ chỉ được đạt mức trần là 15% tổng thu nhập và chịu thuế suất 28%.

Nếu vượt qua mức này, số tiền trội ra sẽ phải chịu mức thuế lên đến 47% như khoản tiền lương mà các cầu thủ được nhận.

Bằng việc chuyển tiền bản quyền cho các công ty trung gian, các cầu thủ muốn tiền bản quyền hình ảnh của mình được đánh thuế theo mức thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì thuế thu nhập cá nhân.

Ronaldo chọn Ireland, Etoo chọn Hungary

Nếu Modric chọn Luxembourg thì các danh thủ khác cũng có những lựa chọn “thiên đường thuế” cho riêng mình.

Cristiano Ronaldo lựa chọn CH Ireland để “gửi” tiền bản quyền hình ảnh của những hợp đồng thương mại với Nike, KFC, Toyota và Konami. Mức thuế suất doanh nghiệp của CH Ireland chỉ ở mức 12,5% và nhiều công ty lớn của thế giới như Google hay Amazon cũng thường gửi hóa đơn kê khai lợi nhuận tại khu vực châu Âu của họ đến Dublin để hưởng thuế suất ưu đãi này.

Trong khi đó Samuel Etoo lại chọn Hungary, một quốc gia Đông Âu để tránh thuế suất cao tại Tây Ban Nha. Gần đây, các luật sư được cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha đã yêu cầu tiền đạo Cameroon phải chịu một án phạt lên đến 10 năm tù và đóng khoản phí 68,86 triệu euro tiền trốn thuế trong suốt những năm khoác áo Barcelona.

Một cầu thủ khác là Lionel Messi lại chọn nhiều quốc gia để phân tán tài khoản của mình. Cơ quan điều tra của Tây Ban Nha cho hay Messi cùng cha của anh đã lập ra nhiều công ty ở Belize, Uruguay và Thụy Sỹ để ký gửi tài sản khổng lồ mà La Pulga sở hữu.

Trước khi có các công ty trung gian, các đội bóng cũng từng lách luật bằng cách chi trả một phần lương vào tiền bản quyền hình ảnh để giúp các cầu thủ chịu thuế thấp hơn. Nhưng mức trần 15% đã nêu ở trên đã khiến điều này không thể tiếp tục.

Mặc dù vậy, lòng tham là vô đáy và các cầu thủ vẫn muốn chịu một thuế suất thấp hơn nữa. Họ tìm đến những quốc gia có mức thuế suất thấp hơn, vốn được gọi là “các thiên đường thuế” để thành lập công ty và chuyển tiền ra nước ngoài.

Tuy nhiên dù có giấu diếm tốt đến đâu thì hành động này sớm muộn cũng bị phát giác. Cơ quan thuế vụ tại quốc gia mà cầu thủ phục vụ sẽ phát hiện ra khoản tiền thuế mà cầu thủ đóng vào ngân khố không tương xứng với bản báo cáo tài chính cá nhân của anh ta.

Tại các quốc gia có sự minh bạch về tài chính cao, việc khai báo thiếu những khoản doanh thu để trốn thuế thường bị phạt rất nặng, thậm chí là ngồi tù. Các cầu thủ đủ khôn ngoan để tránh trường hợp này, tuy nhiên tâm lý muốn lách luật để tối đa lợi nhuận thu lại vẫn luôn tồn tại.

Messi và cha trong phiên tòa xét xử tội trốn thuế.

Trường hợp của Modric không phải là duy nhất và chắc chắn cũng không phải là cuối cùng. Trong hoàn cảnh các cầu thủ ngôi sao hiện tại đều là triệu phú bởi những khoản thu nhập khổng lồ từ bóng đá và ngoài bóng đá, họ sẽ càng ngày càng trở nên tinh vi hơn trong việc cố gắng tránh những mức thuế suất lớn cho người có thu nhập cao.

Đề nghị của cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha gần đây có thể xem là một phương án giải quyết vấn đề: Đó là trừng phạt một cách nghiêm khắc những trường hợp lách luật trong tương lai.

Rất nhiều cầu thủ đã bị phát hiện hành vi trốn thuế, nhưng chưa có một cá nhân nào phải chịu một án phạt nặng như ngồi tù mà chỉ phải chi trả những khoản tiền mà họ gian lận, vốn nằm trong khả năng thanh toán của họ. 

Không chỉ cầu thủ bóng đá trốn thuế

Những hé lộ bí mật trong vụ “hồ sơ Panama” chỉ ra rằng rất nhiều cầu thủ nổi tiếng đã giải nghệ như Ivan Zamorano, Gabriel Heinze… từ lâu đã nghĩ ra cách lách thuế bằng cách tìm đến những thiên đường thuế ở khu vực Caribean. Không chỉ có các cầu thủ bóng đá, những ngôi sao thể thao khác như Nico Rosberg ở môn đua công thức 1 hay Alex Criville trong môn đua xe GP cũng xuất hiện trong các hồ sơ về thuế tại các quốc gia Trung Mỹ được xem là thiên đường thuế trên thế giới.

Với đặc thù các môn thể thao, mỗi VĐV luôn có cách để chọn ra những phương án tối đa hóa lợi nhuận với mức thuế suất thu nhập cá nhân thấp nhất. Nhiều VĐV quần vợt hàng đầu thế giới chọn sinh sống tại Monte Carlo, Monaco; nơi có mức thuế thu nhập cá nhân lý tưởng. Trong khi đó, các cầu thủ bóng đá gặp khó khăn hơn bởi họ phải gắn bó với CLB mà mình khoác áo. Đây cũng là lý do khiến cho những vụ trốn thuế được phát hiện trong giới cầu thủ càng ngày càng nhiều khi các cơ quan thuế vụ vào cuộc một cách quyết liệt.

Đơn Ca
.
.
.