Liveshow trực tuyến - xu hướng thưởng thức âm nhạc thời 4.0
Chỉ khác một điều, trong không gian biểu diễn âm nhạc chỉ có các nghệ sĩ, còn khán giả thì ở bất cứ đâu có thể. Không giới hạn vùng miền, không phải trả phí, không cần rời khỏi nhà và không phân biệt điều kiện sống, mọi người đều có thể được thưởng thức âm nhạc chất lượng với những chương trình dàn dựng có ý tưởng đặc sắc, cùng những giọng ca hàng đầu, chỉ cần có thiết bị công nghệ để kết nối internet. Đây chính là một sự thay đổi ngoạn mục, một bước ngoặt trong thưởng thức âm nhạc và là một xu hướng nghe nhạc của tương lai.
Ban nhạc Anh Em là linh hồn của các show âm nhạc trực tuyến Music Home. |
Những dấu ấn tiên phong
Hình thức xem truyền hình trực tiếp qua internet, xuất hiện trên thế giới từ năm 2007 thông qua một website có tên là Livestream. Sau đó, “Youtube” đã hợp tác với các công ty truyền thông lớn trên thế giới để tham gia phát triển loại hình giải trí mới này bằng việc phát sóng trực tiếp các sự kiện thể thao, hòa nhạc của các ca sĩ nổi tiếng.
Công nghệ livestream cho phép hàng triệu người có thể “tham gia” một buổi trình diễn âm nhạc mà không có cơ hội đến tận nơi. Một trong những ưu thế hàng đầu của livestream là tiện ích.
Ở các nước phương Tây, bên cạnh việc dùng livestream kết hợp buổi trình diễn của các ca sĩ nổi tiếng, người ta cũng tận dụng công cụ này để quảng bá những lễ hội âm nhạc lớn được tổ chức hằng năm.
Hà Anh Tuấn - Một trong những ca sĩ tiên phong làm chương trình ca nhạc trực tuyến. |
Tại châu Á, trang web xem video online có lượng xem nhiều là Tencent của Trung Quốc đã kết hợp Cantara Global, một công ty truyền thông Hàn Quốc cho ra mắt dự án phát trực tiếp buổi trình diễn âm nhạc của các thần tượng Hàn Quốc một tháng một lần từ thời điểm tháng 2-2015.
Tại Việt Nam, chương trình biểu diễn âm nhạc trực tuyến đầu tiên là thời điểm năm 2016, là chương trình ra mắt trực tiếp sản phẩm âm nhạc của ca sĩ Sơn Tùng- MTP với MV ca nhạc “Âm thầm bên em”. Một chương trình bùng nổ tiếp theo là liveshow của cố ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập: “Đôi bàn tay thắp lửa”.
Chương trình của Trần Lập vừa được diễn ra tại sân khấu Triển lãm Giảng Võ vừa được truyền trực tuyến trên ứng dụng VTV Go và Youtube. Số lượng khán giả tiếp cận của chương trình đã đạt tới một con số kỷ lục, là điều mà các nhà tổ chức chương trình chưa từng nghĩ đến.
Một liveshow không chỉ bó gọn trong việc lấp đầy mấy trăm đến một ngàn chỗ ngồi mà có thể tiếp cận hàng triệu khán giả bất kể không gian, địa lý tại sao không - đó là câu hỏi dẫn lối các nhà làm show chuyên nghiệp đi tìm kiếm câu trả lời.
Năm 2017, ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng với ê-kip của mình đã quyết định thực hiện hẳn 1 dự án dài hơi theo hình thức show online. “See Sing Share” của Hà Anh Tuấn đã thành công hơn cả dự kiến, mỗi chương trình phát trực tiếp trên nền tảng công nghệ số thu hút tới 10 triệu lượt xem.
Tiếp sau Hà Anh Tuấn, một đơn vị cung cấp đường truyền cũng đồng thời là nhà sản xuất nghiêm túc đặt nền tảng vững chắc cho một chương trình ca nhạc trực tiếp qua ứng dụng online, đó là FPT. Dự án âm nhạc “Music Home” của FPT chính thức phát sóng số đầu tiên vào thứ 6 cuối cùng của tháng 11/2018.
“Music Home” được định dạng là một liveshow âm nhạc có chất lượng nghệ thuật và tiêu chuẩn âm thanh giống như nhà hát. Đó là liveshow dành cho cá nhân từng nghệ sĩ vào thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng. Ban nhạc gạo cội Anh Em là “hạt nhân” của các chương trình. Nhà tổ chức lựa chọn khách mời, là những tên tuổi nghệ sĩ có dấu ấn, có sức hút, có phong cách ca nhạc độc đáo để xây dựng chương trình.
Nghệ sĩ và ban nhạc được nhà tổ chức đầu tư tốt nhất và phải tập luyện với nhau hệt như các liveshow bình thường để đảm bảo mặc dù biểu diễn online nhưng chất lượng âm nhạc mà khán giả tiếp thu sẽ có tiêu chuẩn giống như khi xem tại nhà hát.
Trong năm phát sóng đầu tiên với 14 chương trình, “Music Home” đã trở thành sân chơi của phần lớn các ngôi sao nổi bật như Uyên Linh, Tùng Dương, Thu Minh, Thu Phương, Trọng Tấn, Trần Thu Hà, Uyên Thảo…
Phản hồi của khán giả là rất tốt, thể hiện ở lượng người xem online mỗi chương trình lại tăng lên hơn trước. “Music Home” đã đạt tới hơn 25 triệu lượt người xem và được lọt vào đề cử giải thưởng âm nhạc “Cống hiến 2020” ở hạng mục “Chuỗi chương trình của năm”. Ngay trong mùa đại dịch COVID-19 đang diễn ra, một số ca sĩ như Tuấn Hưng, Minh Vương cũng đã biểu diễn các show online để phục vụ khán giả của mình.
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong chương trình mới nhất của Music Home. |
Xu hướng tất yếu
Không phải đợi đến đại dịch COVID-19 bùng phát mới khiến cho các liveshow ca nhạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đời sống âm nhạc Việt những năm vừa qua chứng kiến một sự khó khăn trong tổ chức các show ca nhạc.
Số lượng các chương trình nhìn qua có vẻ nhiều, nhưng chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều show phải chịu cảnh ế vé thê thảm bởi thực tế là giá vé của các chương trình khá cao, nhiều khán giả yêu âm nhạc không phải khi nào cũng đủ tiền mua vé. Mức vé hạng VIP của một show diễn của một ngôi sao hạng A có thể lên tới cả chục triệu đồng/ cặp. Ngay cả những chỗ ngồi “xấu” nhất trong nhà hát được bán với giá bèo nhất cũng phải 1 triệu/cặp trở lên.
Với mức tiền như vậy, thì nói không quá, chỉ có những người giàu, thu nhập tốt mới có thể thường xuyên đến tụ điểm sân khấu xem ca nhạc. Những đối tượng khán giả như sinh viên, công nhân, người thu nhập trung bình và thấp cũng không dễ để tiếp cận và thưởng thức các chương trình của các nghệ sĩ mà mình yêu mến.
Ca sĩ Tuấn Hưng biểu diễn online giữa mùa dịch covid-19. |
Tuy nhiên, theo các nghệ sĩ và các nhà sản xuất, việc đầu tư cho một show diễn chất lượng với rất nhiều loại chi phí rất khó có thể hạ giá vé xuống được. Trong tình cảnh như vậy, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khi quyết định làm show là chấp nhận lỗ, vì việc bán vé lấp đầy địa điểm biểu diễn cũng không dễ dàng gì. Khán giả thì phần lớn dù muốn xem chương trình nhưng lại không đủ khả năng tài chính mua vé.
Liveshow online hay nói cách khác làm chương trình ca nhạc trực tuyến phát trên các nền tảng công nghệ số sẽ bù đắp được sự thiếu hụt này. Khi sân khấu chỉ là một căn phòng đủ tiêu chuẩn âm thanh, nhà tổ chức cũng như nghệ sĩ sẽ thoát khỏi nỗi lo tài chính thuê địa điểm tổ chức, rồi lại phải lo bán vé, mà chỉ tập chung vào chất lượng chương trình. Với các ca sĩ trẻ thì việc làm show online đang là một phép thử cần thiết, một “cứu cánh” cho họ.
Từ show diễn trực tuyến, qua những thông số cụ thể như số lượng người xem online, số lượng người xem lại chương trình đã phát, nghệ sĩ có thể tự đo lượng khán giả của mình nhiều hay ít để dự liệu mình có thể tổ chức một liveshow hoành tráng trên sân khấu ngoài đời thực mà không bị đuối về mặt khán giả.
Không chỉ vậy, từ sân khấu online, thông qua các tính năng được cung cấp trên các nền tảng công nghệ, ca sĩ có thể tương tác nhiều hơn với khán giả của mình như trả lời các comment được khán giả gửi đến ngay lập tức, từ đó gần gũi hơn với khán giả của mình.
Về phía người xem thì các chương trình âm nhạc biểu diễn online mang lại cho họ nhiều lợi ích. Họ không phải bỏ tiền mua vé, không phải mất thời gian chuẩn bị, di chuyển đến nơi xem biểu diễn.
Họ chỉ việc ngồi nhà, tại chỗ, với một thiết bị trên tay và một đường truyền đủ tốt và có thể thưởng thức bất kỳ chương trình ca nhạc nào mình muốn, thậm chí có thể xem lại chương trình vào bất cứ lúc nào.
Giới ca sĩ và nhà tổ chức biểu diễn tin rằng liveshow online là cách để lôi kéo khán giả yêu âm nhạc trở lại sân khấu. Có thể nói chưa khi nào công nghệ số có thể tạo ra những thay đổi lớn lao và những tiện ích quan trọng như vậy đối với người thưởng thức nghệ thuật.
Liveshow trực tuyến đang dần trở thành một xu hướng có lợi cho các nhà sản xuất âm nhạc, nhất là trong việc mở rộng khán giả và tạo ra khả năng trải nghiệm, kết nối không biên giới. Khi nhạc Việt hòa trong xu thế biểu diễn mới của thế giới, các nghệ sĩ cũng sẽ học hỏi được rất nhiều và nhanh chóng tiếp cận các trào lưu mới, đây cũng là điều vô cùng có lợi cho đời sống âm nhạc trong nước.