Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Kỳ vọng những đổi thay

Thứ Năm, 14/11/2019, 12:59
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27-11 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là hoạt động thường niên của ngành điện ảnh nhằm biểu dương các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, vinh danh nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật. 2019 được xem là một năm nhiều khó khăn với điện ảnh Việt, tuy nhiên vẫn có những điểm sáng để kỳ vọng.


Đa dạng các hoạt động

Chủ đề của Liên hoan phim năm nay là “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Cục Điện ảnh cho biết, đối tượng tham dự Liên hoan phim Việt Namlần này gồm tất cả các cơ sở điện ảnh trong nước có sản xuất phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình có chất liệu phim kỹ thuật số (thấp nhất là định dạng HD).

Các tác phẩm tham dự Liên hoan phải là những phim đã được Cục Điện ảnh hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hoá - Thể thao cấp phép trong khoảng thời gian từ 11/9/2017 đến 10/9/2019. Các phim dự Liên hoan phải chưa tham dự Liên hoan Phim Việt Nam và Liên hoan Truyền hình toàn quốc, đồng thời, không vi phạm bản quyền tác giả dưới mọi hình thức.

Các nghệ sĩ trong buổi ra mắt phim ''Lật mặt'' 4, phim có doanh thu phòng vé ấn tượng năm 2019.

Ngoài ra, phim tham dự phải đáp ứng yêu cầu sau: Phim truyện điện ảnh có thời lượng từ 80 phút trở lên, được cấp giấy phép phổ biến phim trong khoảng thời gian là 2 năm. Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình phải là bộ phim hoàn chỉnh, không quá 100 phút.

Trong đó, phim tài liệu nằm trong 60% tổng số phim đã được sản xuất cấp giấy phép phổ biến; phim khoa học thuộc tỷ lệ 75% và phim hoạt hình có tỷ lệ 70% tổng số phim đã được sản xuất và cấp giấy phép phổ biến phim.

Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, hiện có 16 bộ phim tranh Bông sen vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh có thời điểm phát hành trải dài từ cuối năm 2017 đến tháng 8 năm nay, gồm các phim “Khi con là nhà”, “11 niềm hy vọng”, “Người bất tử”, “Tháng năm rực rỡ”, “Thạch Thảo”, “Song Lang”, “100 ngày bên em”, “Anh thầy ngôi sao”, “Lật mặt”, “Nhà có khách”, “Cua lại vợ bầu”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Hai Phượng”, “Thưa mẹ con đi”, “Nơi ta không thuộc về”, “Hợp đồng bán mình”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”.

Trong số các phim truyện điện ảnh tham gia Liên hoan lần này đáng chú ý có 3 phim Nhà nước đặt hàng, đánh dấu sự trở lại của dòng phim nhà nước sau một thời gian khá dài vắng bóng. Đó là các phim “Nơi ta không thuộc về”, “Hợp đồng bán mình” và “Truyền thuyết Quán Tiên”.

Cảnh trong phim ''Trạng Quỳnh'' của đạo diễn Đức Thịnh

Cũng trong danh sách phim dự thi, có thể nhận ra một số phim Việt đại diện “đi đấm xứ người” tại các kỳ Liên hoan phim quốc tế như “Hai Phượng” (đại diện Việt Nam ở Oscar 2020), “Song Lang” (dự Liên hoan phim Tokyo năm 2018), “Người bất tử” (Liên hoan phim Tokyo năm 2019), “Thưa mẹ con đi” (Liên hoan phim Busan năm 2019)... Những phim gây sốt vé năm nay như “Cua lại vợ bầu”, “Lật mặt”, “Nhà có khách” cũng góp mặt.

Ở các thể loại phim khác, danh sách dự thi do Ban tổ chức công bố có 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 20 phim hoạt hình. Các hoạt động được chờ đợi trong Liên hoan phim lần này là Tuần phim chào mừng tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, giao lưu giữa nghệ sĩ và công chúng điện ảnh, triển lãm với chủ đề: “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh” và hội thảo về chủ đề bối cảnh quay phim tại Việt Nam.

Như thường lệ, các giải thưởng được trao sẽ bao gồm Bông sen Vàng, Bông sen Bạc cho các bộ phim xuất sắc thuộc các thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình; giải thưởng dành cho đạo diễn xuất sắc, tác giả kịch bản xuất sắc, nữ diễn viên chính xuất sắc, nam diễn viên chính xuất sắc và giải bình chọn của khán giả...

Nhìn lại điện ảnh Việt 2019

Đầu tiên phải nói tới phim “Hai Phượng”, một bộ phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt do “đả nữ” Ngô Thanh Vân thủ vai nữ chính. Đây là một phim hành động gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả và đạt doanh thu 200 tỷ tại Việt Nam, Mỹ và Canada, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Về mặt chất lượng phim, “Hai Phượng” cũng được đánh giá là phim hành động Việt đáng xem nhất mọi thời đại, có thể sánh ngang với nhiều phim hành động hay của thế giới.

TS Ngô Phương Lan phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật điện ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Bộ phim tiếp theo phải kể đến là “Lật mặt 4” của Lý Hải. Với sự nỗ lực của ê kip làm phim, “Lật mặt 4” được khán giả đón nhận nhiệt tình nhờ tính giải trí cao. Nội dung hấp dẫn theo mô-tip tình người duyên ma vừa nhẹ nhàng vừa hài hước là yếu tố hút khách giúp đạo diễn thu về 120 tỷ đồng, một con số doanh thu vô cùng ấn tượng so với các phim Việt khác.

Năm 2019 tên tuổi của đạo diễn Đức Thịnh tiếp tục được nhắc tới với thành công của phim “Trạng Quỳnh”. Trước đó, phim "Siêu sao siêu ngố" của Đức Thịnh được xem là hiện tượng phòng vé năm 2018 khi cán mốc 100 tỷ đồng. Với doanh thu phòng vé hơn 70 tỷ “Trạng Quỳnh” được xếp vào top những phim chiến thắng phòng vé của năm 2019.

Ngoài ra một tên phim khác cũng được liệt kê là những phim được công chúng đánh giá cao như “90 ngày hạ” của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chuyển thể từ truyện ngắn “Cuối mùa nhan sắc” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái tên hút phòng vé vừa kể trên, thì năm 2019 còn là một năm không mấy vui vẻ đối với nhiều người làm điện ảnh. Số lượng những phim chiến thắng doanh thu ngoài rạp vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, và chiếm một tỷ lệ nhỏ so với những phim thất bại.

Chẳng hạn, phim “Hạnh phúc của mẹ” thua lỗ thảm hại hồi đầu năm. Những phim hè như “Vô gian đạo”, “Cà chớn anh đừng đi”, “Ước hẹn mùa thu”, “Tháng năm để dành”… cũng ngậm ngùi nhận phần thua lỗ sau thời gian công chiếu. Thậm chí có những phim phải âm thầm lặng lẽ rút lui chỉ sau mấy ngày ra rạp vì những suất chiếu liên tiếp trống ghế không có người xem.

Khán giả trông đợi vào mùa phim tết sắp tới đây phim Việt sẽ lấy lại phong độ hơn. Một số phim sẽ được tung ra vào dịp Tết này gồm các phim kinh dị như “Thất Sơn tâm linh”, “Pháp sư mù”, “Bắc Kim Thang”…, phim dành cho lứa tuổi học trò được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “Mắt biếc”, và một phim tâm lý hội tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng của điện ảnh Việt có tên “Chị chị em em”.

Nhìn chung năm 2019 là một năm nhiều khó khăn trong điện ảnh. Những lùm xùm về việc gây xì căng đan quá đà để PR cho phim như hiện tượng Cát Phượng - Kiều Anh Tuấn khiến dư luận không mấy thiện cảm.

Rồi đến chuyện phim “Người vợ ba”- một phim được giới phê bình quốc tế khen ngợi nhưng sau đó phải dừng công chiếu vì liên quan đến việc để một nữ diễn viên tuổi 13 tham gia vào các cảnh nóng trong phim.

Một cảnh trong phim ''Hai Phượng''.

Năm 2019 cũng là năm mà nhiều vấn đề liên quan đến luật của điện ảnh chưa được tháo gỡ triệt để, thỏa đáng. Các vấn đề như khai thác, phổ biến phim trên internet hay các thiết bị điện tử vẫn chưa được luật hóa, gây khó cho vấn đề bản quyền, cấp phép.

Rồi vấn đề nên hay không việc sáp nhập các trung tâm phát hành chiếu bóng địa phương vào các thiết chế văn hóa khác, có nên để một cụm rạp của nhà nước chỉ một phòng chiếu như hiện nay hay cần nhiều phòng chiếu.

Thực tế, số cụm rạp và phòng chiếu của các đơn vị nhà nước ngày càng thu hẹp lại, trong khi đó các cụm rạp của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cứ phình to ra mãi, chiếm đại đa số các cụm rạp trên cả nước.

Việc này vô hình chung đẩy các các nhà làm phim trong nước vào tình huống cực kỳ khó khăn trong phát hành phim. Hiện nay, phim Việt đang phải chịu quá nhiều áp lực khi ra rạp, vì các đơn vị phát hành, chiếu phim nước ngoài ưu tiên hơn với các phim ngoại hơn phim nội.

Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật Điện ảnh khu vực phía Bắc diễn ra hồi giữa năm 2019, các nhà quản lý điện ảnh nêu ra một con số đáng phải suy nghĩ, là hiện nay mỗi năm có khoảng 40 phim Việt ra rạp nhưng số phim thành công và hòa vốn chỉ chiếm khoảng 30%. Có nhiều phim Việt chỉ đạt không tới 5 khán giả một suất chiếu khiến rạp phải hủy suất.

Đây là một thực trạng buồn, có phần ảm đạm của điện ảnh bấy lâu. Người làm phim cũng như công chúng Việt mong muốn ngành văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng phải hành động nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa để tạo một môi trường lành mạnh, thông thoáng cho điện ảnh. Đặc biệt là vấn đề bảo hộ “đầu ra” cho các tác phẩm trong nước, bảo vệ người làm phim Việt trước cơn lốc phim ngoại ồ ạt tràn vào thị trường điện ảnh mỗi năm.

Bảo Bình
.
.
.