Liên hoan phim Việt Nam 2017: Khi phim giải trí lên ngôi

Thứ Bảy, 02/12/2017, 20:49
Không quá bất ngờ khi "Em chưa 18" được xướng tên Bông sen vàng tại Liên hoan phim 2017 khi ''bàn tiệc'' chỉ có một món - phim tư nhân. Việc trao giải cho một bộ phim thương mại, dù đạt doanh thu kỷ lục trong lịch sử điện ảnh Việt đang đi xa tiêu chí ban đầu của nó.

Bông sen vàng 2017 đã xướng tên ''Em chưa 18", cùng với đó, giải diễn viên chính xuất sắc nhất cũng được trao cho Kaity Nguyễn với vai diễn đầu tay này. "Cha cõng con" và "Cô hầu gái" đoạt giải Bông sen bạc.

Giải thưởng Ban giám khảo: "12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy", "Cô Ba Sài Gòn". Mặc dù không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực của "Em chưa 18" về mặt doanh thu và là một bộ phim giải trí sạch sẽ, hấp dẫn giới trẻ (vốn là đối tượng chính đến rạp), nhưng việc trao giải thưởng danh giá mang tính nghệ thuật cao, hướng tới những giá trị nhân văn cho một bộ phim thương mại cho thấy bộ mặt của điện ảnh Việt đang mất cân bằng.

Đoàn làm phim ''Em chưa 18'' giành giải Bông sen vàng.

 Lần đầu tiên trong lịch sử 47 năm của nền điện ảnh, Liên hoan phim chỉ có một món ăn: phim tư nhân; và sự áp đảo của dòng phim thương mại. "Đảo của dân ngụ cư" và "Cha cõng con", hai bộ phim nghệ thuật xuất hiện trong tỷ lệ 16 phim tham gia tranh giải cho thấy một sự mất thăng bằng của điện ảnh Việt.

Hai bộ phim này giành khá nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, nhưng họ vẫn chưa có "duyên" với giải thưởng trong nước, nhất là tác phẩm được chờ đợi của đạo diễn Hồng Ánh, "Đảo của dân ngụ cư" chỉ giành được giải Quay phim xuất sắc cho nhà quay phim Lý Thái Dũng.

Về mặt lý thuyết, tư nhân hay Nhà nước không quá quan trọng, nhất là trong xu thế cổ phần hóa như hiện nay và phim thị trường do các đơn vị tư nhân sản xuất vẫn đảm bảo tính nghệ thuật. Nhưng thực tế, phim thị trường mới chỉ đảm bảo tiêu chí giải trí, rất hiếm phim cân bằng được cả hai yếu tố giải trí và nghệ thuật.

Chưa kể, các nhà làm phim đang loay hoay học hỏi, remark lại phim của nước ngoài nhưng đôi khi là những bản copy. Còn những nhà làm phim muốn quay trở về với những giá trị truyền thống như "Cô Ba Sài Gòn" hay "Sài Gòn anh yêu em" lại chưa làm thỏa mãn khán giả, khi họ chấp chới giữa phim nghệ thuật và giải trí.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng, nên xóa bỏ chuyện phân biệt phim thương mại và phim nghệ thuật, bởi anh chia sẻ quan điểm của thành viên Ban giám khảo "phim thương mại cũng mang tính nghệ thuật trong đó".

Diễn viên Nhật Kim Anh chia sẻ: "Năm nay phim nghệ thuật ít hơn phim thương mại nhưng Ban giám khảo không chủ động phân ra như vậy. Trong phim thương mại cũng có nghệ thuật. Còn phim nghệ thuật không có nghĩa là thiếu tính thương mại".

Thực tế không có sự phân định rõ ràng, bởi một tác phẩm nghệ thuật, phải có sự dung hòa giữa hai yếu tố nghệ thuật và thương mại. Nhưng thiết nghĩ, với một giải thưởng uy tín như Liên hoan phim, điều hướng tới không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật hay giải trí mà nó phải là những tác phẩm thực sự ám ảnh người xem, nói được tiếng nói của đời sống hôm nay. Bởi ai đó đã từng nói, nhìn vào một nền điện ảnh, sẽ thấy đời sống văn hóa của một đất nước.

Kaity Nguyễn trong “Em chưa 18”.

Những người đau đáu cho điện ảnh nước nhà chắc không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến Liên hoan phim lần thứ 13, năm 2001, mùa phim cuối cùng còn có những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật. Đó là thời của "Mùa ổi" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), "Thung lũng hoang vắng" (đạo diễn Nhuệ Giang), "Đời cát" (đạo diễn Thanh Vân), những bộ phim đã đi sâu vào số phận con người, nói lên những tiếng nói của đời sống. Và đến bây giờ, nó vẫn là những thước phim mẫu mực của điện ảnh Việt.

Bao giờ, điện ảnh Việt lại có những tác phẩm như vậy? Chẳng lẽ, chúng ta cứ sống mãi trong hoài niệm khi nhắc về một thời kỳ huy hoàng của điện ảnh Việt trong quá khứ? Nhưng rõ ràng, điện ảnh Việt đang thiếu hụt những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, những tác phẩm thực sự lay động tâm hồn người xem bởi những giá trị nhân văn mà nó chuyển tải. Nói như nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, chúng ta đang chạy đua về công nghệ, về kỹ xảo, nhưng lại bỏ trống một giá trị rất quan trọng của tác phẩm, đó là giá trị tư tưởng.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - Thành viên Ban Giám khảo: Chúng ta thiếu những bộ phim có giá trị nghệ thuật đúng nghĩa

Việc trao giải Bông sen vàng cho "Em chưa 18" cũng ngẫu nhiên khi cộng điểm của Ban giám khảo vào và bộ phim này có điểm cao nhất, nó không nằm trong dự đoán ban đầu của Ban giám khảo. Nhiều ý kiến thắc mắc rằng, vì sao trao giải cho một bộ phim thương mại và điều đó có sai lệch với tiêu chí của Liên hoan phim.

“Cha cõng con” giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim 2017.

Tôi khẳng định, việc trao giải cho "Em chưa 18" không sai với tiêu chí năm nay của Liên hoan phim là hội nhập và phát triển. Một số phim có thể tốt hơn "Em chưa 18" về nội dung nhưng lại mang yếu tố ngoại lai nhiều như "Cô hầu gái".

Về mặt nghề nghiệp thì "Em chưa 18" là một bộ phim đáng kể, sạch sẽ và chúng ta không thể phủ nhận hiệu ứng khán giả của nó và thông điệp mà nó mang lại, đó là dạy trẻ con phải biết dừng lại ở một ranh giới nào đó. Với một bộ phim tư nhân thì đó là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Năm nay, chỉ có hai phim nghệ thuật tham gia Liên hoan phim, "Đảo của dân ngụ cư" có những đoạn rất sắc sảo nhưng về tổng thể lại bế tắc. "Cha cõng con" là bộ phim về tình cha con xúc động nhưng về mặt nghề nghiệp phim bị gãy chuyện giữa chừng. Vì thế không thể trao giải cho hai tác phẩm này. Vì thế, chúng tôi cũng không phân biệt phim giải trí nay phim nghệ thuật mà vấn đề làm tốt hay không làm tốt thể loại của nó thôi.

Mùa liên hoan nào cũng vậy, trong mấy năm gần đây, chỉ là "so bó đũa, chọn cột cờ" mà thôi, Ban giám khảo cũng không có nhiều lựa chọn khi các phim tham gia chỉ có phim tư nhân, chất lượng khá đồng đều nhau.

Hơn nữa, quy chế của Liên hoan phim là trao giải vàng cho phim đạt điểm cao nhất chứ không được bỏ trống giải vàng. Như vậy, kiểu gì cũng có phim được trao giải vàng. Nhìn mặt bằng chung, chất lượng phim năm nay khá đồng đều, phim rẻ tiền, nhảm nhí ít đi. Các đơn vị tư nhân cũng đầu tư khá kỹ càng cho phim của họ, đó là một nỗ lực đáng kể.

Chúng ta không thể đòi hỏi các nhà sản xuất tư nhân hơn nữa, vì họ còn phải đảm bảo yếu tố doanh thu, nên không tránh khỏi việc đưa vào phim những yếu tố ăn khách, mang tính thời thượng. Điều đáng nghĩ là hiện nay về kỹ năng và công nghệ làm phim, chúng ta đang dần tiệm cận với nước ngoài, nhưng chúng ta thiếu sự đầu tư có chiều sâu của Nhà nước hay một quỹ nào đó cho điện ảnh.

Với một nội lực như hiện nay, nhưng nếu có sự đầu tư của Nhà nước hay các quỹ điện ảnh cho các nhà làm phim, chắc chắn chúng ta sẽ có những bộ phim hay hơn, có giá trị nghệ thuật cao hơn. Chúng ta vẫn thiếu những bộ phim có giá trị nghệ thuật đúng nghĩa. Điều đó chứng tỏ Nhà nước đang buông mặt trận điện ảnh - vũ khí tốt nhất để bảo vệ và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống.

Nhà phê bình điện ảnh Thiên Sơn: Phim Việt bây giờ xem xong rồi quên ngay

Điện ảnh Việt đã đi quá xa, quá khác với lý tưởng nghệ thuật của những thế hệ khoảng 20 năm về trước. Nó cũng không có chút gì giống với những xu hướng mà các tác phẩm đỉnh cao của thế giới đang hướng đến. Tính nhân văn, nếu được hiểu như là sự khám phá cái đẹp, nâng đỡ cái đẹp, là lòng cảm thương trước những bất hạnh của con người thì trong phim Việt giờ thật nghèo nàn.

Bao nhiêu đau thương quằn quại của con người, bao nhiêu bi kịch, bất hạnh, bế tắc đang diễn ra đầy rẫy trong cuộc sống nhưng phim thì chỉ là những câu chuyện giải trí, giả tưởng, những xảo thuật lôi cuốn những tâm hồn ngây thơ, đáp ứng thị hiếu trước mắt của khán giả. Phim xem xong rồi quên. Hơn 20 năm gắn bó với điện ảnh, giờ thấy những thế hệ mới đã thay thế hoàn toàn.

Âu đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng những gương mặt mới đang mang đến cho điện ảnh Việt những gì? Còn những gương mặt danh giá một thời, giờ lặng lẽ, khuất lấp. Cuộc sống đã đi qua, những chuyến tàu về tương lại đang bỏ họ lại phía sau. Nhưng tôi biết, sau những mái tóc bạc kia, sau những ánh nhìn im lặng kia, là bão tố, là những nỗi buồn hóa đá.

Dù lớp trẻ có lý của mình khi sản xuất ra những bộ phim chỉ có vui tươi, giải trí chiều theo những thị hiếu nhất thời. Tôi vẫn mong, sẽ xuất hiện những nhà nghệ thuật có lý tưởng, gắn bó với thực tế xót đau, vươn đến những tầm cao của trí tuệ dân tộc mình.

Điện ảnh sẽ không là gì nếu không phải là tấm gương phản ánh những nét đẹp tâm hồn, những ước vọng thanh cao, những nỗi đau của một dân tộc. Điện ảnh sẽ chẳng là gì nếu nó không mang bản sắc, lối sống và trí tuệ của dân tộc mình.


Hạnh Nguyên
.
.
.