Lê Quang Liêm, một người hùng bị lãng quên
Tuy nhiên, những cống hiến bền bỉ cho môn cờ vua suốt gần 2 thập niên của kỳ thủ này lại hiếm khi nào được vinh danh xứng tầm với danh hiệu Đại kiện tướng anh sở hữu.
Cậu học trò dám cãi lời thầy
Nếu không theo đuổi sự nghiệp cờ vua hẳn Lê Quang Liêm sẽ trở thành một nhà nghiên cứu hoặc một doanh nhân thành đạt. Kỳ thủ có đẳng cấp cao nhất trong lịch sử cờ vua Việt Nam hiếm khi nào chia sẻ về cuộc sống cá nhân bởi anh không phải một tấm gương nghèo vượt khó.
Sinh ra trong một gia đình thành đạt, Liêm có vô vàn lựa chọn để theo đuổi trong tương lai. Nhưng rốt cục anh lại bén duyên với nghiệp cờ vua một cách rất tình cờ.
Lần đầu Liêm biết đến cờ vua là khi anh mới 7 tuổi. Người anh trai Lê Quang Long lúc đó hẳn cũng không ngờ anh lại trở thành người thầy đầu tiên của một Đại kiện tướng cờ vua trong tương lai.
Chỉ sau vài tháng chỉ dẫn, Long nhận ra anh không thể đánh bại cậu em mình được nữa. Gần như cứ mỗi lần xuất quân là Long lại thua. Thấy con trai có hứng thú với những quân cờ, bố mẹ Liêm đăng ký cho anh theo học CLB cờ vua tại TP HCM.
Kể từ đó, tài năng của Liêm ngày càng nở rộ. Các HLV tại TP HCM không ngờ họ lại sớm có một cậu bé học tiểu học sẵn sàng thách thức những người đàn anh như Từ Hoàng Thông, Đào Thiên Hải.
Quá nôn nóng trước viễn cảnh đào tạo Liêm trở thành một Đại kiện tướng cờ vua trong tương lai, các thầy bảo Liêm cố dẹp hết mọi cảm xúc nếu muốn trở thành VĐV chuyên nghiệp. Cho dù gia đình có người thân mới mất, họ cũng phải tập trung thi đấu, giành chiến thắng rồi mới làm tròn chữ hiếu.
"Nếu phải làm như các thầy nói thì con không làm kỳ thủ chuyên nghiệp đâu", cậu nhóc Liêm khiến các HLV bất ngờ vì dám cãi lời thầy. "Con đọc Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, thấy Tiên đang đi thi biết tin mẹ mất thì khóc đến mức hai mắt lòa đi không nhìn được gì nữa. Con muốn học theo Lục Vân Tiên, phải tròn chữ hiếu với cha mẹ mới làm nên sự nghiệp. Con không muốn làm kỳ thủ nữa đâu".
Cả gian phòng lặng đi trong giây lát vì câu trả lời của cậu học trò nhỏ. Ngay ở lứa tuổi mà những đứa trẻ khác chỉ biết nghe lời người lớn, Liêm đã có suy nghĩ của riêng mình về con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Cho dù thành công đến mấy, họ cũng phải ưu tiên cho gia đình trước. Quan niệm đó đồng hành với Liêm suốt 20 năm sau đó và trở thành bệ phóng giúp anh thành công đến tận hôm nay.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm, một trong những VĐV Việt Nam thành công nhất trên trường quốc tế. |
Người "đá ghế" Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Philippines
SEA Games 30 là kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên tổ chức thi đấu môn cờ vua sau 6 năm. Lê Quang Liêm là kỳ thủ duy nhất của Việt Nam giành HCV nhưng lại không được tính vào bảng tổng sắp huy chương vì nước chủ nhà Philippines xếp nội dung anh thi đấu là thể thao biểu diễn.
Nguyên nhân sâu xa khiến môn cờ vua bị lãng quên tại các kỳ SEA Games đến từ một thất bại bẽ bàng của chính quốc gia này diễn ra vào 15 năm trước.
SEA Games 23 năm 2005, Philippines đưa cờ vua vào danh sách các môn thi đấu với tham vọng thống trị bộ môn thể thao trí tuệ này. Họ hoàn toàn có cơ sở bởi trước đó các VĐV Philippines đã giành tới 3/8 HCV ở SEA Games 22, chỉ đứng sau nước chủ nhà Việt Nam.
Họ nắm ưu thế tuyệt đối ở các nội dung nam nhờ sở hữu nhiều Đại kiện tướng dày dạn kinh nghiệm. Nhưng nước chủ nhà SEA Games 23 hẳn không ngờ họ lại có ngày thua tuyệt đối trên sân nhà.
Với một đội hình đầy những kỳ thủ trẻ như Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm, Đội tuyển cờ vua Việt Nam đã tạo nên một cơn địa chấn tại SEA Games 23 khi giành trọn bộ 8 Huy chương Vàng (HCV), và một nửa trong số đó đến từ việc đánh bại các kỳ thủ của Philippines trong trận chung kết.
Cay đắng nhất cho nước chủ nhà là họ phải ngồi ngoài chứng kiến trận tranh HCV nội dung cờ tiêu chuẩn cá nhân nam. Liêm chỉ chịu thua người đàn anh Trường Sơn trong sát nút.
"Một thất bại bẽ bàng của cờ vua nước nhà tại SEA Games", truyền thông Philippines liên tục chỉ trích các kỳ thủ đồng hương. Họ chưa bao giờ tưởng tượng hai cựu binh Torre Eugenio và Antonio Rogelio lại thua trước những cậu bé Việt Nam mặt búng ra sữa. Quá xấu hổ với thất bại này, ông Goh Teng Kok, Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua Philippines phải tuyên bố từ chức.
Không giống như một số VĐV được tạo mọi điều kiện để tốt nghiệp phổ thông như bây giờ, theo đuổi cờ vua là một cuộc đấu trí giữa Liêm và gia đình. Anh phải hoàn tất chương trình học văn hóa với kết quả tốt mới được tiếp tục chơi cờ.
Sau khi chinh phục tấm HCV SEA Games 23 cùng ĐT Việt Nam, Liêm về nước tất bật với chuyện đèn sách để thi vào THPT. Vừa chơi cờ, vừa học bài, Liêm hiếm khi nào có thời gian vui chơi cùng bạn bè như những cậu bé đồng trang lứa.
Vợ chồng Lê Quang Liêm. |
Nhà vô địch không ngai
Tương tự VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh, Lê Quang Liêm chỉ có thể chinh chiến hết giải đấu này đến giải đấu khác nhờ có hậu thuẫn từ gia đình.
Mọi người từng bất ngờ với khoản thu nhập lên đến 2-3 tỷ đồng/năm của Liêm ở các giải đấu quốc tế lớn mà không biết cha mẹ anh có thể đã phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần như thế để giúp nước nhà có một Đại kiện tướng cờ vua quốc tế. Nếu không có sự hy sinh thầm lặng ấy, hẳn Việt Nam sẽ không có một kỳ thủ thách thức nhà vô địch Magnus Carlsen.
Là một trong số những VĐV hiếm hoi của Việt Nam đạt đến đẳng cấp thế giới nhưng Liêm vẫn thường xuyên tham dự những giải đấu trong nước. Sự hiện diện của một Đại kiện tướng quốc tế như anh đã nâng tầm giải vô địch cờ vua cấp quốc gia, cũng như thu hút nhiều đối thủ mạnh đến tranh tài.
Với Liêm, lúc nào sứ mệnh phụng sự đất nước cũng được đặt lên hàng đầu. Đáng tiếc là những nỗ lực bền bỉ cống hiến cho cờ vua Việt Nam của anh suốt nhiều năm qua lại không được thừa nhận xứng tầm.
Trong con mắt của nhiều người, họ định nghĩa thể thao là những môn tranh tài bằng thể chất, cơ bắp, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trên sân đấu.
Do đó cờ vua khó có thể coi là một môn thể thao đúng nghĩa vì các kỳ thủ thường chỉ ngồi im lặng với nhau trong phòng. Quan niệm đó khiến Liêm thường bị bỏ quên trong những giải thưởng và cuộc bình chọn. Thật khó tin khi người Việt Nam đầu tiên vô địch giải cờ vua châu Á lại không được vinh danh VĐV tiêu biểu nhất năm 2019.
Chưa bao giờ được thừa nhận xứng tầm một Đại kiện tướng quốc tế nhưng dường như Liêm chẳng mấy để tâm đến chuyện đó. Cờ vua với anh là nghề nghiệp, là đam mê, thế nên anh luôn kiên trì theo đuổi.
Những ngày phải cách ly xã hội vì dịch COVD-19, Liêm vẫn tích cực tham dự các giải đấu quốc tế được tổ chức trực tuyến. Đó là cách để anh tiếp tục sống với những quân cờ và truyền cảm hứng cho những người đàn em.
Chàng trai đa tài Cờ vua không phải lĩnh vực duy nhất Lê Quang Liêm thể hiện tài năng vượt trội. Năm 20 tuổi, anh được nhận học bổng từ trường Đại học Webster danh giá. Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận này cho biết đây là phần thưởng xứng đáng cho Liêm vì những nỗ lực giúp phát triển cờ vua học đường của anh bằng việc liên tục chiến thắng những giải cờ danh giá ở tuổi còn rất trẻ. Tại Webster, Liêm là Đội trưởng đội cờ vua của trường. Anh cũng tốt nghiệp 2 chuyên ngành Tài chính và Nghệ thuật Quản trị với kết quả rất cao. Liêm tiết lộ bí quyết duy trì phong độ đỉnh cao của anh là sống lành mạnh, ăn uống điều độ để giữ vóc dáng cân đối. Phải có hình thể tốt thì trí lực mới đủ tỉnh táo để bước vào những ván cờ cân não. Đó cũng là bí quyết giúp anh vừa học tốt vừa chơi cờ giỏi. Ít ai biết Liêm là một trong số ít những kỳ thủ Việt Nam thành thạo mọi thể loại của môn cờ vua, từ cờ nhanh, cờ chớp, đến cả... cờ mù. Tại SEA Games 26 diễn ra ở Indonesia vào năm 2011, Liêm tranh tài ở hai nội dung cờ nhanh cá nhân nam và cờ mù. Đây là một trong những thể loại khó nhất của môn cờ vua khi các kỳ thủ phải hình dung ván cờ trong đầu mà không được nhìn hay chạm vào một quân cờ nào cả. Họ phải viết ra giấy từng nước đi của mình rồi chuyển ra bên ngoài cho trọng tài. Ở kỳ SEA Games đó, Liêm đánh bại kỳ thủ John Paul Gomez của Philippines để lên ngôi vô địch. Không giống nhiều đàn anh khác chọn kết hôn với đồng nghiệp, bạn đời của Liêm là một chuyên viên hoạt động trong ngành thiết bị giáo dục. Họ quen nhau trong một giải đấu Liêm tham gia hồi năm 2011. Cả hai nói chuyện, làm bạn với nhau trong nhiều năm trước khi yêu nhau. Năm 2018, Liêm chính thức lên xe hoa. Đám cưới diễn ra khá chóng vánh trong khoảng thời gian ngắn Liêm về nước, vừa tham dự giải cờ vua vô địch quốc gia, vừa lo gửi thiệp mời đến bạn bè. |