Ra mắt phim "Quyên" tại Hà Nội:

Làm phim để bán vé, chuyện đâu có đùa

Thứ Tư, 01/07/2015, 13:00
Câu chuyện ra rạp của điện ảnh Việt chưa bao giờ hết gian nan, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với phim nhập, chủ yếu là phim Mỹ. Hằng năm, số lượng phim Việt được sản xuất ít đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay, và cơ hội để có doanh thu tốt, được khán giả chờ đợi mua vé vào xem khó khăn vô cùng.
Nhìn lại, những phim "thắng" về mặt thị trường thường là những phim phát hành dịp hè hoặc dịp Tết, và chủ yếu là phim hài, lấy yếu tố diễn viên hot và câu chuyện hài giải trí để hút khán giả. Còn lại những phim gọi là phim nghệ thuật, có kịch bản văn học tốt, câu chuyện xúc động, cũng không ít lần ngậm ngùi ra rạp rồi về không, vì không được khán giả ngó ngàng tới.

Nguyễn Phan Quang Bình vốn là đạo diễn ưa mạo hiểm. Anh đã mang "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư lên phim, và giờ đây là "Quyên" của Nguyễn Văn Thọ. Hai cuốn sách văn học kể về số phận hai người đàn bà Việt, chỉ khác nhau là một người vượt qua những ngang trái trên mảnh đất quê hương mình, còn một người thì truân chuyên nơi đất khách quê người.

Một người làm điện ảnh tư nhân dám bỏ tiền túi đầu tư vào những dự án phim mà rõ ràng nội dung phim không phải thứ được xếp vào phim thị trường, chênh vênh lo âu không biết có thể hòa vốn hay không, chứ đừng nói đến lãi, thì đó là người dám đùa với lửa. 22 tỷ đồng đầu tư cho phim "Quyên"- cuộc chơi của vị đạo diễn U50 này không khỏi làm cho những người thân của anh hồi hộp.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng hồi hộp không kém, dù ông tham gia cùng đạo diễn ở nhiều khâu, đặc biệt là kịch bản, chia sẻ từng chi tiết của tác phẩm, đắn đo lựa chọn góp ý để đạo diễn có thể cảm và hiểu sâu sắc nhất từng trang sách, từng số phận nhân vật. Xem xong "Quyên", nhà văn Nguyễn Văn Thọ thở thào. Ông hài lòng với diễn xuất của Vũ Ngọc Anh, người đẹp đã hóa thân vào Quyên.

"Tôi lo nhất là người thủ vai Quyên, vì đây là nhân vật phức tạp, nhiều giằng xé. Một diễn viên có nghề quá chưa chắc đã diễn ra Quyên đâu. Và việc Nguyễn Phan Qụang Bình chọn Ngọc Anh, cô gái lần đầu chạm điện ảnh, với sự thơ ngây tự nhiên của cô ấy, lại là vừa vặn với Quyên của tôi".

Một cảnh trong phim “Quyên”.

Cái khó của một bộ phim khi nó được chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học đó đã từng gây tiếng vang, ở chỗ, nó luôn luôn phải nằm trong thế so sánh. Sự thật là trong lịch sử văn học của thế giới, rất ít bộ phim khi biến thành tác phẩm điện ảnh được xem là hay hơn tác phẩm văn học gốc. Đơn giản là mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ riêng của nó.

Nhiệm vụ của người đạo diễn là làm sao trong một khoảng thời gian nhất định, họ phải biến câu chuyện trên giấy thành những nhân vật sống động trên màn ảnh, với những đòi hỏi hấp dẫn của thể loại. Sức ép đó đạo diễn phải vượt qua, và phải tự tin với câu chuyện kể của mình. Nói khác đi, tác phẩm điện ảnh là một giá trị khác. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nói, chị không quan tâm đến "Cánh đồng bất tận" khi nó đã trở thành điện ảnh. Vì điện ảnh và văn học, theo chị, là không liên quan nhiều đến nhau.

Và thực ra, câu chuyện ám ảnh nhất với đạo diễn không phải là bộ phim có hay hơn tác phẩm văn học hay không, mà làm thế nào để hút khán giả tới rạp. Làm thế nào để đủ độ hấp dẫn mà bán vé, chứ không phải chuốc lấy sự thờ ơ của khán giả. Ở "Quyên", dường như đạo diễn đã tinh khôn nhìn ra những yếu tố hấp dẫn khán giả.

Đầu tiên là bối cảnh phim. Một câu chuyện xảy ra ở nước Đức, kể về những thân phận người Việt làm ăn trên nước Đức, thời kỳ bức tường Berlin sụp đổ. Những cảnh quay trên tuyết trắng, với hành trình đi tìm cuộc sống, đi tìm tương lai của nhân vật thực sự là ám ảnh.

Phim với những câu chuyện tình có số phận nghiệt ngã khác nhau, xoay quanh thân phận một phụ nữ Việt lưu lạc nơi xứ người. Và việc chọn diễn viên cho từng vai diễn, phải  nói là khôn ngoan của đạo diễn. Vũ Ngọc Anh không phải là diễn viên sành sỏi, nhưng cô được chọn vì sự phù hợp nhân vật và vì yếu tố mới mà Nguyễn Phan Quang Bình thường hướng tới trong phim của anh.

Như "Cánh đồng bất tận", cô bé Lan Ngọc cũng là một phát hiện gây bất ngờ khi vào vai nữ chính. - "Quyên" đáng nói nữa ở phần hình ảnh và âm nhạc. Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh và Giám đốc âm nhạc Quốc Trung là những cái tên đảm bảo cho chất lượng của phim.

Mặc dù có ý kiến cho rằng kịch bản của "Quyên" chưa chặt chẽ, cũng như diễn xuất của vai nữ chính Vũ Ngọc Anh chưa đủ nặng, hay phần thoại của cô chưa tốt, nhưng nhìn một cách tổng thể, "Quyên" đủ dư âm trong khán giả, có thể lấy nước mắt của khán giả.

Ngôn ngữ kể của đạo diễn không cố tình nặng nề hóa một câu chuyện mà bản chất của nó là rất nặng nề. Hiệu ứng của nó là tạo ra sự vừa đủ trong cảm nhận của người xem. Và chắc chắn là nó sẽ thu hút không chỉ khán giả trẻ tuổi, khán giả tuổi teen, mà là những khán giả lớn tuổi, những người muốn đến rạp để xem một thứ gì đó không tầm phào. Một thứ gì đó để suy ngẫm.

Dĩ nhiên, mới chỉ qua mấy ngày đầu tiên công chiếu, chưa thể kết luận về doanh thu của phim. Nhưng với sự chào đón của khán giả Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Berlin (Đức) trong các buổi công chiếu, có thể cảm nhận phần nào sự chờ đợi và hy vọng của khán giả dành cho "Quyên".

Nếu mỗi tác phẩm là cuộc vượt qua nấc thang nào đó, thì Nguyễn Phan Quang Bình có thể hy vọng vào một tác phẩm tiếp theo, giống như anh đã vượt qua "Cánh đồng bất tận" để đến với "Quyên" vậy. Vì xét cho cùng, nếu làm phim nghệ thuật chiếu rạp mà lỗ, thì các nhà làm phim tư nhân chắc không mạo hiểm nhiều lần.

Vũ Quỳnh
.
.
.