Kiểm duyệt phim tại Việt Nam: Cứ sex là phải cấm?
Các bộ phim Việt Nam hay phim nước ngoài công chiếu ở Việt Nam đều phải qua một hội đồng duyệt phim. Cái hội đồng tưởng như nhỏ gọn đó lại nắm trong tay "sinh mệnh" của các bộ phim - đó là tài sản, tiền bạc và tâm huyết của rất nhiều con người. Và họ đã thực sự công tâm chưa khi đưa ra một quyết định cắt hay cấm nào đó đối với một bộ phim?
Vì sao "Bẫy cấp ba" bị cấm phát hành tại Việt Nam?
Một vị trong hội đồng thẩm định phim "Bẫy cấp ba" (xin được giấu tên) cho rằng, riêng đối với phim trong nước việc đưa ra quyết định cấm hay được phát hành rất thận trọng. Hội đồng thẩm định đều là những người trong nghề, họ cũng hiểu được những tổn thất từ phía nhà sản xuất khi một bộ phim bị đóng dấu chấm hết. Thường thì một hội đồng thẩm định gồm 9 người, có đủ cả biên kịch, đạo diễn, họa sĩ, phát hành, quay phim, đánh giá phim từ nhiều góc độ khác nhau. Thế nên, quyết định của họ thường là đúng.
Với những phim có vấn đề, vị phạm thuần phong mỹ tục, chạm đến những vấn đề nhạy cảm chính trị, họ đều bàn thảo rất kỹ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Trở lại với "Bẫy cấp ba" của đạo diễn Lê Văn Kiệt, nếu phát hành, thì đây sẽ là một "thảm họa" của phim Việt (?!). Lê Văn Kiệt đã từng thành công với "Ngôi nhà trong hẻm", cũng đi theo xu hướng làm phim tâm lý rùng rợn. Nhưng đó không phải là một phim hay, chưa nói là còn non kém về nghề, nhưng chưa đến mức vi phạm những quy định trong điều luật nên vẫn có thể phát hành. Còn với "Bẫy cấp 3", vị này cho rằng, họ "khủng hoảng" ngay trong khi xem.
Thứ nhất, xét ở góc độ nghệ thuật, "Bẫy cấp ba" là một bộ phim non kém về nghệ thuật- tuy nhiên, vấn đề này vẫn có thể chấp nhận trong việc cho phép phổ biến, dù về lý thuyết thì "không nên trình diễn một thứ nghệ thuật khiến người xem cảm thấy bị đùa cợt". Nhưng đó chưa phải là vấn đề cốt lõi của "Bẫy cấp ba" hay những bộ phim bị cấm. Bởi thực tế, có nhiều bộ phim không ăn khách, Hội đồng vẫn duyệt để cho ra. Hoặc dòng phim giải trí, "có những cái nhạt, vớ vẩn", vẫn cho phát hành, dù chắc chắn những sản phẩm như vậy sẽ không có sức sống lâu bền, thậm chí không thể kéo được khán giả đến rạp và phải bù lỗ.
Một cảnh trong phim “Bi đừng sợ”. |
Nói như vậy để thấy, hội đồng thẩm định đã nương nhẹ, hay nói cách khác, không qúa khắt khe về mặt nghệ thuật với các tác phẩm điện ảnh, vì lượng phim và trình độ sản xuất phim ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Thế nên, mới có tình trạng nhiều phim ra rạp và chết yểu ngay khi đang công chiếu. Đó là một thực tế mà hội đồng thẩm định hiện nay đang phải chấp nhận.
"Với "Bẫy cấp ba", thì câu chuyện không đơn giản chỉ là sự yếu kém về nghệ thuật. Quan trọng nhất là vấn đề thanh niên được nhìn nhận méo mó trong một xã hội không đáng sống, không có lối thoát. Một lũ người vui vẻ, vô tư, đùa bỡn trên nỗi đau của người khác, giết người một cách thoải mái, trả thù chẳng vì mục đích gì. Phim nước ngoài có bạo lực, rùng rợn, nhưng họ vẫn luôn có một thông điệp về những giá trị nhân văn, tình yêu thương con người. Với "Bẫy cấp ba", thì chỉ thấy một xã hội thối nát về mặt nhân cách, không hề có một thông điệp gì. Họ chỉ có một dàn diễn viên và những cảnh nóng để câu khách, trong khi đó phim lại dành cho lứa tuổi rất nhạy cảm. Tôi không tin đó là tư duy làm phim mới, một học sinh trong nước làm còn tử tế hơn" - vị này gay gắt nói.
Cứ sex là cắt và cấm?
"Touch - Chạm " - phim có khá nhiều cảnh nóng nhưng vẫn được phát hành. |
Thưc tế, "Bẫy cấp ba" cấm không hoàn toàn vì sex. Bởi phim "Touch - Chạm " - phim của một đạo diễn gốc Việt được sản xuất ở Mỹ vừa được phát hành tại Việt Nam - còn nhiều cảnh nóng hơn. Nhưng đó là sex có nghệ thuật và rất đẹp. Bởi một người làm công việc sáng tạo, nói về tội ác để nói về con người và khả năng chống tội ác của con người. Nói về tình dục để ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu, chứ không chỉ để câu khách.
Tuy nhiên, đã có những bộ phim gặp khó khăn khi phát hành vì liên quan đến sex. "Bi đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di là một ví dụ. Dù rất đau lòng nhưng Di đã phải gọt rất nhiều cảnh nóng trước khi ra rạp. Với những người tiên phong như Phan Đăng Di, trong quan điểm của người sáng tạo, họ đã tính cho phim khá kỹ càng từng bối cảnh, chi tiết.
Với "Bi đừng sợ", Di cho rằng, để diễn tả những điều thầm kín trong cuộc sống của con người, những cảnh đó là cần thiết… Khi bị cắt, thì những logic của bộ phim sẽ bị ngắt quãng. "Tôi nghĩ, cách xử lý hay nhất là nên có giới hạn về độ tuổi xem phim, bởi khi cắt bỏ, phim sẽ đi theo một chiều hướng khác, mất đi những giá trị của nó. Hội đồng kiểm duyệt cần có cái nhìn khách quan, phân biệt, yếu tố sex để câu khách hoàn toàn khác với sex là một phương tiện chuyển tải những thông điệp thẩm mỹ của đạo diễn" - Phan Đăng Di nói.
Thực tế, việc cắt hay cấm môt bộ phim nào đó ảnh hưởng rất lớn đến nhà sản xuất, đạo diễn. Chị Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc công ty BHD (đơn vị sở hữu Hãng phim Việt từng sản xuất nhiều bộ phim chất lượng như "Cánh đồng bất tận", "Những nụ hôn rực rỡ", "Hotboy nổi loạn"…) cho rằng, một bộ phim trong nước bị cấm có thể dẫn đến việc công ty phá sản. Điều đó, đòi hỏi hội đồng thẩm định phải làm việc công tâm.
Phim "Bẫy cấp ba" bị cấm. |
"Mỗi khi đứng trước một quyết định, cắt hay cấm, chúng tôi bàn luận rất kỹ và tự thuyết phục chính mình để không phải ân hận" - vị thành viên hội đồng duyệt nói. Ai cũng biết, việc một bộ phim bị cấm sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Nhưng ghê gớm hơn còn làm tổn hại đến cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng đã từng có một kịch bản bị cho là mê tín dị đoan và cấm không được dựng phim. Chị cho đó là một quyết định không đúng, bởi sau đó, kịch bản này đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Nhưng quyết định cấm khiến chị rất tự ái. "Một kịch bản còn làm mình đau lòng như thế, thì một bộ phim còn khủng khiếp đến thế nào" - chị nói.
Khi được hỏi có hay không chuyện "bên lề", "đi đêm" của việc kiểm duyệt phim, nhiều người lâu năm trong hội đồng thẳng thắn: Đã có Luật Điện ảnh. Và mọi quyết định đều dựa trên cơ sở của luật đó. Bản thân những người ngồi hội đồng, chỉ duyệt nội dung phim, ít quan tâm đến nhà đầu tư, đạo diễn…
Chấp nhận rủi ro
Nhưng cuối cùng, thiệt hại và rủi ro nhà sản xuất phim đều phải tự gánh chịu. Giám đốc sản xuất phim "Bẫy cấp ba", ông Trần Trọng Dần không tiết lộ về kinh phí làm phim, nhưng chắc chắn đó là một thiệt hại lớn. "Chúng tôi cũng rất đau lòng khi phải ra quyết định đó, nhưng không thể khác được. Về nguyên tắc là phim này bị cấm hẳn. Mọi người rất buồn, cứ bị ám ảnh mãi, chỉ trừ khi họ làm thành phim khác mới có cơ hội phát hành" - phía hội đồng nói.
Không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết các nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia đều có hội đồng kiểm duyệt phim. Theo nhiều nhà sản xuất, có một hội đồng kiểm duyệt là cần thiết, do những đặc điểm về văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc khác nhau. Nhưng đó là bài toán khó đối với những doanh nghiệp, nhà sản xuất phim non trẻ, nhất là những nhà làm phim đến từ nước ngoài. Họ sẽ vấp phải bức tường văn hóa mà họ khó lòng nắm được.
Theo chị Ngô Thị Bích Hạnh, thì hiện nay Luật Điện ảnh vẫn mang tính chung chung, các đơn vị sản xuất khi làm phim hay nhập phim chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế, để tránh những vùng nhạy cảm. Tuy nhiên do nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam còn rất mới nên hiện tại gần như không có luật sư chuyên về điện ảnh nên cũng khó để có những điều luật chặt chẽ như những nước công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới.
Với một nền công nghiệp mới thì điểm thuận lợi cũng có mà rủi ro cũng nhiều. Thuận lợi bởi hiện tại vẫn còn có nhiều cơ hội cho các hãng phim, nhưng các nhà làm phim cũng phải chấp nhận có những rủi ro tiềm ẩn trong một thị trường mới khi các cơ sở hạ tầng, các khung luật pháp cũng mới chỉ phát triển song song với sự phát triển của thị trường.
Với các bộ phim trong nước, trước khi sản xuất các hãng phim mới nên kiểm tra thật kỹ khâu kịch bản để tránh rủi ro không được phát hành tại Việt nam. Với phim nước ngoài nhập khẩu nhiều khi các hợp đồng phát hành được ký trọn gói khi phim đang còn là ý tưởng kịch bản, với nỗ lực giúp khán giả Việt Nam có cơ hội tiếp cận sớm nhất với các tác phẩm nổi tiếng của thế giới, thế nên ngay cả những nhà phát hành có kinh nghiệm nhất vẫn có thể gặp rủi ro khi bộ phim hoàn thành có thể không hợp với thuần phong mỹ tục nên bị cắt, hoặc cấm.
Cuối cùng nếu nhà nước muốn đẩy mạnh nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam - việc này quan trọng vì nó không chỉ là một nền công nghiệp kinh tế đơn thuần mà mang rất nhiều yếu tố văn hóa của một quốc gia, thì một trong những việc nên làm là phải có được khung luật điện ảnh đi trước và đón đầu nền công nghiệp thay vì đi song hành cùng nó.
Bài toán này, được nhiều nước như Mỹ và Hàn Quốc giải quyết bằng cách chia phim ra cho các đối tượng, độ tuổi xem khác nhau.
Rõ ràng, với một nền điện ảnh còn non trẻ như ở Việt Nam, thì có một cơ chế kiểm duyệt là cần thiết. Nhưng với xu thế hội nhập, có lẽ cần những cái nhìn thông thoáng hơn, để khán giả Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội xem những bộ phim hay của thế giới và khuyến khích được cá tính sáng tạo của những người làm phim độc lập, giúp nền điện ảnh đi ra biển lớn…
Đạo diễn Phan Đăng Di: Sáng tạo không nên có giới hạn! Việc cắt bỏ một số đoạn trong phim ảnh hưởng rất lớn đến nội dung của câu chuyện mà đạo diễn muốn nói. Hội đồng được giao nhiệm vụ và họ phải hoàn thành nhiệm vụ của mình thôi, nhưng đối với người sáng tạo thì rất đau buồn. Việc cắt nát một bộ phim thực sự rất là phí, về mặt kinh tế và kỹ thuật đều bị tổn thất nặng nề. Thậm chí, nếu đưa ra nước ngoài chiếu sẽ bị ảnh hưởng về chất lượng nghệ thuật, như hình ảnh, âm thanh. Có một câu chuyện cũng khiến tôi ngạc nhiên là khi tôi tham gia công chiếu "Bi đừng sợ" ở Thụy Sĩ, các giáo viên ở một trường trung học đã chọn phim này chiếu cho học sinh của họ, các em đều 15-16 tuổi mà thôi… Ở một số nước, về nguyên tắc là họ không cấm phim. Điều đó tốt hơn cho nghề sáng tạo. Tuy nhiên, tôi nghĩ, mọi sự sáng tạo đều không có giới hạn, và tôi vẫn sẽ làm tới cùng những gì cần làm, đó là niềm hạnh phúc được làm phim của tôi. |