Khủng bố và biểu tình sẽ làm hỏng bữa tiệc Euro 2016?

Chủ Nhật, 26/06/2016, 22:00
Việc quyết tâm tổ chức "Ngày hành động" vào ngày 23-6 tại Paris nhằm phản đối dự luật cải cách lao động của các tổ chức công đoàn Pháp, đứng đầu là Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) khiến dư luận bất an. Bởi động thái này có thể làm ảnh hưởng lớn tới Euro 2016. 


Và việc này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve lại đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trong thời gian diễn ra Euro 2016, bất chấp việc Paris đã triển khai mọi biện pháp nhằm tăng cường an ninh trên toàn quốc.

Theo ông Bernard Cazeneuve, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vẫn còn đó và Pháp phải luôn đề cao cảnh giác. Ông Bernard Cazeneuve còn tiết lộ, kể từ khi bắt đầu diễn ra Euro 2016, Pháp đã bắt giữ 557 người có các hành vi bạo lực hoặc có hoạt động bất hợp pháp và nhiều đối tượng đã bị kết án tù hoặc bị trục xuất về nước.

Một người hâm mộ Anh bị cảnh sát Pháp bắt giữ vì hành vi gây rối.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng nhấn mạnh, tại các sân vận động và nơi đóng quân của 24 đội tuyển, các fanzone tập trung người hâm mộ, khách sạn của quan chức, sẽ được bố trí nhiều vòng kiểm soát và các chốt kiểm tra an ninh sẽ hoạt động thường trực.

Đồng thời khẳng định, lực lượng an ninh và cảnh sát Pháp đủ khả năng đề phòng cũng như vượt qua mọi thách thức đặt ra. Giám đốc CIA John Brennan vừa cảnh báo, khả năng khủng bố và tiếp cận của IS không hề suy giảm và chúng hiện có hàng chục nghìn tay súng hoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới.

Được biết, Sở Cảnh sát Paris đã đồng ý cho tiến hành cuộc biểu tình tại chỗ (không cho phép biểu tình trên tuyến đường nối quảng trường Bastille với quảng trường Nation) sau khi 7 tổ chức công đoàn gồm CGT, FO, FSU, Solidaires, Unef, Fidl và UNL đệ đơn xin tổ chức biểu tình.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cảnh báo, trong bối cảnh căng thẳng xã hội và xung đột liên tục tái diễn, việc tổ chức biểu tình trên một tuyến đường trung tâm thủ đô là việc "khó có thể xem xét". Sở Cảnh sát Paris cũng cho biết, chỉ từ tháng 3 đến nay, đã có hơn 1.000 người bị bắt và hơn 300 cảnh sát bị thương bởi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Manuel Valls đều tuyên bố, sẵn sàng chịu trách nhiệm và cấm một số cuộc biểu tình trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng lệnh cấm biểu tình có thể thổi bùng căng thẳng hiện nay. Giới truyền thông cho rằng, Pháp đang đau đầu trước "vấn nạn" biểu tình và nguy cơ khủng bố. Bởi nhiều người Pháp đang lo lắng về tình trạng xã hội lộn xộn, cùng những hệ lụy của kinh tế tới những cuộc biểu tình, đình công đang diễn ra, và nguy cơ khủng bố tiềm ẩn.

Trong một diễn biến liên quan, các công tố viên Bỉ cho biết, hoạt động chống khủng bố đang được tiến hành tại trung tâm mua sắm City 2 ở thủ đô Brussels sau khi có cảnh báo đánh bom, và một người đàn ông đã bị bắt sáng 21-6 ở gần trung tâm mua sắm kể trên.

Thủ tướng Charles Michel đã phải họp khẩn với các thành viên thuộc Trung tâm đối phó khủng hoảng để thảo luận về cảnh báo này. Trước đó, người phát ngôn Văn phòng Công tố Liên bang Bỉ Thierry Werts cho biết, cảnh sát đã bắt Ibrahim Abrini, anh trai của Mohamed Abrini - đối tượng người Bỉ gốc Maroc có liên quan tới các vụ tấn công khủng bố ở Paris và Brussels vừa qua.

Cổ động viên Croatia và Cộng hòa Czech đánh nhau trên khán đài.

Ngoài ra, Viện Công tố Liên bang Bỉ còn cho biết, cảnh sát đã bắt 6 người để điều tra vụ mưu toan tấn công khủng bố trên tàu tốc hành Thalys đi từ Amsterdam đến Paris hồi tháng 8-2015. Trong số 6 đối tượng kể trên, 4 người bị bắt tại Molenbeek, 2 người bị bắt ở Woluwe-Saint-Lambert và Haren.

Và cuộc điều tra này là chiến dịch lớn thứ hai tại Bỉ trong 3 ngày qua. Bởi trước đó, cảnh sát Bỉ đã tiến hành hơn 40 vụ lục soát sau khi biết tin về âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào hàng nghìn cổ động viên bóng đá trong trận đội tuyển Bỉ gặp đội tuyển Ireland hôm 18-6, tại giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2016.

Quyết định ra mắt trái bóng phục vụ vòng knock-out Euro 2016 của UEFA và nhà tài trợ chính Adidas được giới chuyên môn quan tâm. Bởi UEFA cùng Adidas đã cho ra mắt trái bóng Beau Jeu phục vụ riêng vòng knock-out (từ vòng 1/8) và điều này đồng nghĩa với việc có 2 trái bóng chính thức cùng được sử dụng tại Euro 2016 và đây là lần đầu tiên trong lịch sử vòng chung kết giải Vô địch bóng đá châu Âu. Trước đây, chỉ có một trái bóng được sử dụng trong suốt thời gian diễn ra vòng chung kết. Về cơ bản, thiết kế của trái bóng Beau Jeu không khác nhiều so với quả bóng đã được sử dụng tại vòng bảng - chỉ có màu sắc trên các chi tiết của bóng thay đổi.


Mạnh Phong
.
.
.