Không gian đối đãi nghệ thuật ở "Rạp chiếu phim nhỏ nhất thế gian"
Tìm nơi lưu giữ những kỷ niệm
Với những người yêu Hà Nội, không gian "Ơ kìa Hà Nội" là một địa điểm quen thuộc để lui tới. Đó là một không gian rộng, thoáng, đặc biệt là vô cùng yên tĩnh. Dù nằm sâu trong một con ngõ trên đường Hoàng Hoa Thám nhưng ở đây luôn đông khách qua lại. Nhiều người còn nói với nhau, đến đây để trốn cả thế giới ồn ã.
Chủ nhân của không gian đặc biệt này vốn là người thích những thứ xưa cũ, chị luôn ấp ủ có cho riêng mình một nơi lưu giữ những khoảng kỷ niệm. Và rồi, những ấp ủ ấy đã trở thành hiện thực. "Ơ kìa Hà Nội" bản chất là một không gian nơi mà chủ nhân có thể lưu giữ những thứ thuộc về Hà Nội của thời "Ơ kìa".
Một buổi nói chuyện về điện ảnh tại phòng chiếu phim nhỏ nhất thế gian. |
Để tìm được nơi ưng ý, chị Điệp đã tốn không ít thời gian và công sức. Đến một ngày chị tìm thấy một không gian, nơi có một khóm tre, có những cây tán lớn, có kiểu kiến trúc nhà 2 tầng cổ xưa hợp với sự tưởng tượng của chị. "Khi ấy tôi đã bàn với ông xã quyết định biến ngôi nhà này thành không gian mang đậm cảm giác về kỷ niệm. Chúng tôi đã làm việc đó trong quãng thời gian hai tháng, sau đó thì mọi thứ dần dần đi vào hoàn thiện" - chị Điệp nhớ lại.
Có lẽ từng đó chưa thể làm nên một không gian "Ơ kìa Hà Nội" đặc biệt, mà ở đây còn thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh. Điều khiến nhiều người ấn tượng nhất chính là phòng chiếu phim "nhỏ nhất thế gian" đậm chất Hà Nội xưa, phim chiếu vào cuối tuần và mở cửa miễn phí. Nhà văn Bình Ca, tác giả của cuốn sách bán chạy "Quân khu Nam Đồng" đã đến "Ơ kìa Cinema" để xem lại một bộ phim mình từng bỏ lỡ cách đây mấy chục năm.
"Khi đàn sếu bay qua" là bộ phim kinh điển của Liên Xô. “Cách đây nửa thế kỷ tôi đã bỏ lỡ khi điện ảnh Quân đội chiếu ở sân bóng Nhà 2 Khu tập thể Nam Đồng do lũ bạn rủ đi đánh nhau. Đến đây, tôi thực sự bất ngờ vì không chỉ có những người lớn tuổi như tôi mà nhiều bạn trẻ cũng đến xem. Tôi thấy họ rất hào hứng với những bộ phim kinh điển" - nhà văn Bình Ca chia sẻ.
Nhiều bộ phim được chiếu ở "Ơ kìa Cinema" hầu hết đều là những bộ phim chưa được chiếu ở đâu. Chủ rạp phim sẽ lên chủ đề cho từng tuần, như tuần lễ "Ơ kìa tháng Mười Nga". Khi ấy sẽ là những bộ phim Liên Xô đã được trình chiếu phục vụ khán giả như: "Sân ga dành cho hai người"; "Người thợ cạo thành Sebiria"; "Bài ca người lính"; "Matxcova không tin vào nước mắt"...
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: "Matxcova không tin vào nước mắt - nội cái tên thôi đã đủ nói lên sự nổi tiếng của bộ phim rồi. Đây là bộ phim ít nhất vài thế hệ người Việt luôn có thể say sưa, long lanh xúc động khi nhớ về!
Nhưng không chỉ bởi nó lôi người xem ngược về vùng ký ức, mà quan trọng nhất vẫn là ngôn ngữ của tác phẩm thật quá thân thương và tinh tế. Lôi cuốn và gợi lên biết bao niềm yêu mến. Đây là bộ phim Tổng thống Mỹ Ronald Reagan xem đến 8 lần để hiểu những gì người Nga nghĩ, những gì làm nên tinh thần Nga... trước cuộc gặp lịch sử với Mikhail Gorbachov".
Rạp chiếu mở cửa tự do, chiếu phim phi lợi nhuận, ở đó sẽ là những cuộc trò chuyện về điện ảnh trước và sau mỗi buổi chiếu. Hoàn toàn miễn phí dành cho công chúng có tem xem phim. Người có nhu cầu chỉ cần đăng ký qua Facebook của "Ơ kìa Hà Nội" là được nhận tem.
Những buổi trò chuyện điện ảnh ở đây rất đa dạng. Ở đó cĐịa chỉ quen thuộc mà rất nhiều người lui tới.
ó cả những chia sẻ về lần đầu tiên mình xem phim, có những người trẻ và cả những người từng trải. Có cả những phụ huynh đưa con tới xem cùng, rồi cả những người xem phim xong thì muốn hát và họ hát rất hay.
Ông Đỗ Việt Dũng (Kim Mã, Ba Đình) háo hức nói với chúng tôi, ông rất thích xem phim ở không gian này, bởi những bộ phim tại đây đều được chọn lọc rất kỹ lưỡng. Cách thưởng thức điện ảnh cũng vô cùng đặc biệt, nhờ có những buổi trò chuyện, trao đổi cởi mở và ấm cúng sau suất chiếu, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ. Từ đó, góp phần truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối những người yêu điện ảnh.
Với đạo diễn Hoàng Điệp, điện ảnh rất cần cho mọi người, nó có thể thay đổi thế giới, thay đổi quan điểm, làm cho con người thấy yêu đời hơn. Thế nhưng thế giới điện ảnh lại vô cùng rộng lớn, rộng hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy ở các rạp chiếu phim.
Nơi mà dường như chỉ dành cho những người có biên độ từ 16 đến 25 tuổi. Còn đối với những người khác dường như cảm thấy lạc lõng vì họ không thấy mình ở trong rạp chiếu bóng đó. Từ không gian, bài trí, âm nhạc, phong cách, không khí rồi người xem phim… tất cả không thuộc về họ, không dành cho họ.
"Đó chính là lý do vì sao mà vào những cuối tuần, tôi rất chú tâm lựa chọn những bộ phim mà tôi nghĩ rằng có thể nhanh chóng đem đến công chúng một cái nhìn vừa đẹp đẽ vừa chân thực về thế giới xung quanh, để trình chiếu trong “Ơ kìa Cinema - Rạp chiếu phim nhỏ nhất thế gian" - Đạo diễn Hoàng Điệp chia sẻ.
Không gian sáng tạo
Không hiểu vì lý do gì, chủ nhân lại lựa chọn con số 39 cho không gian nghệ thuật đặc biệt ấy. Ngôi nhà số 39, ngách 39, ngõ 639 và phòng chiếu phim cũng chỉ có 39 chỗ ngồi. Với chị Điệp, điện ảnh là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì rất cần một không gian đối đãi phù hợp. Theo chị, đây là một trong những cách đối đãi phù hợp với điện ảnh và còn rất nhiều cách khác nữa. Đó là ước mơ nhỏ bé trong tầm với mình và có thể mang lại cho những người yêu điện ảnh.
"Có những khán giả đến buổi chiếu phim ở “Ơ kìa”, có người trở đi trở lại, họ theo dõi một cách trường kỳ, và tôi cũng biết rằng có người nói với người thân và bạn bè đến để xem bộ phim nào đấy, hoặc đôi khi bộ phim không phù hợp với họ, chuyện đó cũng có thể xảy ra chứ, họ có thể ra ngoài hít thở bên rặng tre xanh. Nói cho cùng, điện ảnh, nghệ thuật cần cho rất nhiều người, và tôi nghĩ rằng càng có nhiều người tiếp cận với điện ảnh, với nghệ thuật bao nhiêu sẽ giúp cho cuộc sống của họ bớt khó khăn bấy nhiêu" - chị Điệp nói với chúng tôi.
"Rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian" mới được đưa vào hoạt động từ tháng 4 -2018, và được vận hành bằng cách xây dựng đội ngũ thực tập sinh từ chính nhóm khán giả yêu thích phim ảnh. Các danh mục phim sẽ do chính đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tuyển chọn và giới thiệu. Các buổi trò chuyện đặc biệt về phim ảnh sẽ được nhóm thực tập sinh này tổ chức.
Rạp chiếu phim nhỏ bé nhưng với nữ đạo diễn thì đó là nơi đối đãi với nghệ thuật. |
Chỉ một thời gian rất ngắn, không gian sáng tạo này đã có lượng khán giả và danh mục phim liên tục được mở rộng. Chính vì nhu cầu ngày càng lớn, rạp phải tăng cường buổi chiếu thêm vào tối thứ năm, chiều thứ bảy và chiều chủ nhật. "Phần lớn khán giả là phụ nữ, người cao tuổi và các bạn học sinh, sinh viên nữ.
Các gia đình 2, 3 thế hệ cùng xem phim với sự hướng dẫn của bố mẹ với con nhỏ hoặc con cái với bố mẹ lớn tuổi không kịp đọc phụ đề…" - Nữ đạo diễn cho biết. Bên cạnh đó, rạp cũng là điểm hẹn của các nhóm, hội, những người yêu nghệ thuật, đồng sở thích. Cá biệt có những buổi chiếu riêng cho các nhóm mẹ đơn thân, nhóm cặp đôi đang tìm hiểu thủ tục ly hôn. Ước tính gần 10.000 người đã tham gia chuỗi hoạt động xem phim này.
Trong một lần ghé thăm rạp "Ơ kìa cinema", họa sĩ Đào Hải Phong cho biết: "Không gian chiếu được cải tạo từ một ngôi nhà cấp bốn. Với tôi, một họa sĩ từng thiết kế mỹ thuật cho phim, tôi thấy việc thiết kế cải tạo này rất khéo. Nó khéo ở chỗ nó đẹp như một không gian Hà Nội cũ, lại có âm thanh của phòng chiếu tốt. Nếu không cải tạo, tôi nghĩ đó chỉ là một nhà kho. Nhưng bây giờ thì đã trở thành một không gian cho những người yêu điện ảnh".