Khi ông Miura chơi tất tay

Thứ Tư, 07/10/2015, 18:00
Ngày 8 và 13/10, Đội tuyển Việt Nam lần lượt gặp ĐT Iraq và Thái Lan trên sân nhà Mỹ Đình, trong khuôn khổ bảng F vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, và theo giới quan sát đó là hai trận đấu quyết định - hai trận đấu tất tay của thuyền trưởng người Nhật Bản Toshiya Miura.
Nói thế là bởi sau 2 trận đấu đầu tiên tại vòng loại World Cup (thua Thái Lan 0-1 và thắng Đài Loan - Trung Quốc 2-1) ông Miura đã nhận phải vô số những chỉ trích xung quanh một thứ bóng đá "lực sĩ thái quá". Cái tư duy lực sĩ không chỉ được thể hiện ở những pha chuyền dài chuyền bổng vô tội vạ từ tuyến dưới lên trên mà còn thể hiện ở những pha phạm lỗi và cả những lần đối thủ nằm sân, phá bóng ra biên nhưng sau đó cầu thủ chúng ta không hề... trả bóng.

Nói như chính ông Phó Chủ tịch Tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức thì nếu vẫn còn Miura, ĐTVN không thể phát triển một cách lành lặn, tử tế được. Ông Đức thậm chí còn bảo, nếu Thường trực VFF đề nghị biểu quyết quanh việc có nên cho Miura về nước hay không thì ông sẽ giơ tay đồng ý đầu tiên. Thông tin từ VFF cho hay, trước trận gặp Thái Lan, Thường trực VFF sẽ họp tại Hà Nội, và sẽ không bất ngờ nếu "vấn đề Miura" được đưa ra mổ xẻ trong cuộc họp dự kiến là đầy sóng gió này.

Chắc chắn là ông Miura hiểu được và hiểu rõ những sức ép nặng nề đang đổ dồn lên mình. Và chắc chắn là ông hiểu kết quả cùng phong cách thi đấu của ĐT trong hai trận gặp Iraq, Thái Lan sẽ quyết định tối quan trọng đến cái ghế hiện tại của ông. Thế thì ông đã và đang chuẩn bị những gì cho 180 phút "tất tay" của mình?

Xét ở góc độ nhân sự, ông Miura đã gọi vào đội tuyển tất cả những con bài tốt nhất có thể. Tiền đạo Lê Văn Thắng (Cần Thơ) - người đã bị bỏ qua trong lần tập trung trước, giờ đã góp mặt. Tiền đạo trẻ Nguyễn Công Phượng - người sẽ sang giải hạng 2 Nhật Bản chơi bóng vào năm tới giờ cũng góp mặt. Và cầu thủ Việt kiều Đặng Văn Robert cũng lần đầu tiên được khoác áo ĐT Việt Nam sau 7 năm nhập tịch, trải qua quá trình dài thi đấu từ Hải Phòng đến Bình Dương. Chắc chắn ông Miura không muốn bỏ sót nhân tài trong hai trận đánh mang tính quyết định của ông.

Xét ở góc độ lối chơi, khác hẳn so với những lần hội quân đội tuyển trước đây, lần này ông Miura đã không còn "ép" các cầu thủ vào cái tư tưởng bóng dài bóng bổng, mà thay vào đó là những pha ban chuyền nhanh, ngắn, ít chạm trong không gian hẹp. Có lẽ sức ép từ giới chuyên gia và những tư vấn, góp ý của VFF đã giúp ông hiểu rằng với các cầu thủ không có ưu thế về thể hình thể lực như cầu thủ Việt Nam thì bóng dài bóng bổng chẳng khác gì tự sát.

HLV Miura đang phải đối diện với áp lực nặng nề. (H.M)

Có một chi tiết mà chúng tôi được biết là trước và sau trận thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1, dù không nói ra nhưng phần lớn các tuyển thủ Việt Nam đều không cảm thấy thoái mái với thứ bóng đá "cứ có bóng là phất..." mà ông Miura xây dựng. Họ thèm được đá 4-2-3-1 với những pha cầm bóng, ban bật nhỏ như dưới thời cựu thầy Henrique Calisto ngày nào. Thế nên trong những buổi tập gần đây, khi ông Miura bắt đầu cho thấy những sự thay đổi lớn về triết lý chơi bóng của mình thì các cầu thủ cũng có cảm giác thoải mái, hào hứng hơn.

Còn một chi tiết bên lề của đợt tập trung đội tuyển này cần phải nhắc đến, đó là lấy lý do mặt sân ở trung tâm bóng đá trẻ VFF không thật tốt, thi thoảng ông Miura đã kéo quân lên khu huấn luyện Viettet ở Hoà Lạc tập luyện. Nhiều người cho rằng đấy cũng là một cách để ông tránh sự nhòm ngó của truyền thông, dư luận, từ đó tạo cho mình và các học trò của mình một sự tĩnh lặng cần thiết trước hai trận đánh lớn. Rõ ràng, làm được những gì tốt nhất thì ông Miura đã làm, nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận rằng mọi thứ không phải dễ dàng đi theo ý muốn của ông.

Chỉ sau vài ngày tập trung, liên tiếp các cầu thủ Vũ Minh Tuấn, Phí Minh Long, Dương Thanh Hào... đã bị trả lại CLB vì lý do chấn thương, và thật khó đoán biết trong số những con người này đâu là "chấn thương cái chân" và đâu là "chấn thương cái đầu".

Mặt khác, ông Miura hội quân đợt này trong bối cảnh V.League 2015 vừa kết thúc, và cứ nhìn vào cái đoạn kết thực thực - giả giả không biết đâu làm lần, nhiều người lại lo cho ông phải sở hữu cả một tập hợp con người với những dấu hỏi về phong độ và thể lực trong thời điểm hiện tại. Đã thế, ông lại không có dù chỉ một trận giao hữu để kiểm nghiệm đội hình trước khi chính thức bước vào hai trận đánh lớn. Mà đối thủ của ông trong hai trận đánh ấy đều được đánh giá là có trình độ, đẳng cấp cao hơn ĐT Việt Nam một bậc.

Với đối thủ Iraq, cần nhắc lại rằng tứ kết Asian Cup 2007, ĐT Việt Nam từng thua đội này 0-2, và ở thời điểm hiện tại, trong khi ĐT Việt Nam là tập hợp của những cầu thủ đến từ một giải VĐQG đầy bệnh tật thì Iraq lại là tập hợp của nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Mỹ, châu Âu. Sau hai trận đấu đầu tiên tại bảng F, Iraq thắng dễ Đài Loan (Trung Quốc) và hoà trên chân trước chủ nhà Thái Lan trong 90 phút mà mình đã dẫn trước 2-0.

Còn với đối thủ Thái Lan, trận lượt đi giữa hai đội ở Bangkok cách đây chưa lâu đã chỉ rõ một sự thật: trong khi cầu thủ Việt Nam chỉ có thể tử thủ rồi phá bóng càng xa khung thành càng tốt thì cầu thủ Thái Lan lại cầm bóng áp đặt một cách kĩ thuật, bài bản và hiệu quả. Mặc dù HLV trưởng Thái Lan Kiatisak tỏ ra rất thận trọng trước khi cầm quân tới Mỹ Đình, nhưng ai cũng thấy, cũng hiểu ẩn sâu trong sự thận trọng, khiêm tốn vốn là bản chất của "Zico Thái" lại là một sự tự tin cao độ.

Rõ ràng ông Miura đang rơi vào thế khó. Nó khó hơn hẳn cái thế ông dẫn Olympic tham dự Asiad hay ĐT Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup năm 2014 trước đây. Mục tiêu mà VFF đặt ra cho ông là phải cố gắng hoà Iraq, thắng Thái Lan để nuôi cơ hội đi tiếp tại vòng loại World Cup khu vực châu Á, nhưng cũng nên thực tế thấy rằng: đó là một mục tiêu quá khó, và sau cái khó ấy nếu điều không may nhất xảy đến với Miura thì cũng mong là mối quan hệ đang rất tốt đẹp giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Nhật Bản cũng không vì thế mà sứt mẻ.

Sẵn sàng cho một... cú sốc?

Năm 2014, khi mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam và lần đầu tiên cầm ĐT Olympic Việt Nam đấu lại ĐT Olympic Iran tại sân chơi Asiad, ông Miura đã tạo nên một bất ngờ lớn khi vừa nhập cuộc đã xua quân tấn công, và hôm ấy chúng ta thắng sốc tới 4-1. Bây giờ tiếp tục phải đối diện với một ngọn núi Tây Á như Iraq, mong là ông Miura cũng tạo ra được một cú sốc cả về cảm hứng lẫn tư tưởng chơi bóng tương tự. Nhìn vào những buổi tập vừa qua của ĐT Việt Nam có cảm giác quả nhiên là ông cũng đang chuẩn bị cho một cú sốc nào đó.

Được ăn cả...

Chính vì việc xác định phải lấy 3 điểm trước đối thủ lớn Iraq, ông Miura mấy ngày qua bất ngờ thay đổi cách chơi cho học trò. Trong các buổi tập, ông luôn bắt buộc cầu thủ phải đá nhanh, ít chạm, lên công về thủ nhịp nhàng và tổng lực. Có khi ông Miura còn tung ra một đội hình với ba mũi chân sút theo kiểu lấy công bù thủ và điều này cũng hé lộ nguyên nhân ông cho gọi đến sáu tiền đạo.

Nhiều tuyển thủ Việt Nam đợt này phải rời đội tuyển vì chấn thương. (H.M).

Suy nghĩ và cách thực hiện ý đồ của HLV Miura ở cuộc chiến một mất một còn này khác hẳn với nhiều thời điểm trước đây, ông cầu toàn lẫn… sợ thua khi gặp các đối thủ lớn thường sắp một đội hình thiên về phòng ngự. Rõ nhất ở trận gặp Thái Lan hồi tháng 5-2015, đội tuyển Việt Nam nhún nhường chấp nhận đá ở thế kèo dưới và không may mắn bị phản tác dụng bởi lối đá rắn khiến bị mất người rồi thua đau. Quan trọng hơn ở cái cách chơi phòng thủ ấy, các học trò ông Miura không có cửa ăn bàn khi từ đầu ông đã xác định chỉ cầm hòa. (Công Tuấn - Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)

Chỉ có Calisto mới trị nổi Thái Lan

Về đối thủ Thái Lan, cựu tuyển thủ QG Phan Văn Tài Em không ngần ngại khẳng định họ bây giờ xếp trên chúng ta một bậc, thắng họ là rất khó.

"Thái Lan mạnh hơn đội tuyển Việt Nam, thắng họ ở thời điểm này quả thực là rất khó khăn. Vì sao? Vì họ vừa mạnh, vừa  được dẫn dắt bởi HLV Kiatisuk, một người hiểu rõ từng chân tơ, kẽ tóc về bóng đá Việt Nam" .

Vậy có cách gì để đánh bại Thái Lan không? Chúng tôi đặt câu hỏi, và như một phản ứng từ tâm thức, Tài Em nhanh nhảu trả lời: "Chỉ có HLV Calisto mới trị được Thái Lan!".

Anh lý giải: "Calisto không chỉ am tường bóng đá Việt Nam mà còn biết rõ các đối thủ trong khu vực của chúng ta mạnh yếu, sở trường, sở đoản ra sao. Không tin cứ hỏi Kiatisuk xem ông ấy sợ đội tuyển Việt Nam dưới thời ai nhất? Câu trả lời chắc chắn sẽ là HLV Calisto". 

Cuối cùng Tài Em kết luận: "Tôi từng là tuyển thủ và cũng có thời điểm chịu rất nhiều áp lực từ dư luận nên rất hiểu những nỗi khổ của thầy trò HLV Miura. Thực lòng mà nói thời điểm này chúng ta nên cổ vũ hết mình cho đội tuyển, nhưng cổ vũ thôi nhé, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng". (Tuệ Chính - Báo Thể thao & Văn hóa)


Diệp Xưa
.
.
.