Khi nghệ sĩ tri ân các thương binh, liệt sĩ
- “Linh thiêng Việt Nam”: Chương trình nghệ thuật tri ân các thương binh, liệt sĩ
- Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND tri ân các thương binh, liệt sĩ
Những MV, những câu chuyện chân thật và xúc động được sẻ chia, gọi về trong mỗi khán giả một cảm thức rất đỗi tự hào, tình yêu đất nước.
1. Là một nghệ sỹ dòng nhạc dân gian luôn hướng tâm về những giá trị nguồn cội, Huyền Trang Sao mai vừa ra mắt công chúng dự án âm nhạc mang tên “Mãi vẹn nguyên” để tri ân những người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.
Xuất phát từ ý tưởng muốn làm điều gì đó dành cho quê hương miền Trung của mình, nên khi có duyên hát các ca khúc “Lời yêu lặng thầm” (Lời Hồ Xuân Tứ - Nhạc Lê An Tuyên - Phối khí Quang Hưng), “Em vẫn đợi anh” (Sáng tác Bùi Hoàng Uyên Minh - Phối khí Tuấn Anh), “Những bông hoa huyền thoại” (Sáng tác Đậu Hoài Thanh - Phối khí NSƯT Quang Hưng), Huyền Trang đã tìm được về những miền yêu thương và thành kính trong tâm hồn.
Cô hát để tỏ lòng biết ơn những anh hùng của dân tộc một cách đầy thành kính, trân trọng nhưng vẫn vô cùng ngọt ngào và cảm xúc. Chính vì cảm nhận được sợi dây vô hình trong tâm hồn mình với những ca khúc viết về những mối tình và sự khốc liệt của chiến tranh ấy, Huyền Trang ngay lập tức lên ý tưởng và thực hiện dự án âm nhạc “Mãi vẹn nguyên” để tri ân, hướng về ngày thương binh, liệt sỹ.
Được sự nhận lời và sự làm việc tận tâm của đạo diễn Anh Quân, dự án âm nhạc gồm 3 ca khúc “Lời yêu lặng thầm”, “Em vẫn đợi anh”, “Những bông hoa huyền thoại” đã ra đời.
Những hình ảnh gợi nhớ về chiến tranh xúc động trong MV của Huyền Trang. |
Huyền Trang đã thể hiện những bài hát truyền thống theo cách nhìn của một người trẻ về chiến tranh. Đây là những ca khúc mang hơi hướng âm nhạc dân gian nhưng được các nhạc sỹ phối khí theo phong cách hiện đại tạo nên cảm giác tươi mới, văn minh.
Nếu “Lời yêu lặng thầm” là một câu chuyện tình đẹp, tinh tế và đầy cảm xúc của một người phụ nữ đối với anh bộ đội, thì ca khúc “Em vẫn đợi anh” lại kể về lòng chung thuỷ, đức hi sinh của người vợ có chồng đi chiến trận, sự hi sinh mòn mỏi nhưng quyết không thay lòng đổi dạ của người vợ ở hậu phương là một trong những đức tính quý báu nhất của những người phụ nữ Việt Nam.
Riêng MV thứ 3 có tên “Những bông hoa huyền thoại” tôn vinh vẻ đẹp và sự anh dũng hi sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam.
Cả 3 bài hát này đều viết về đề tài chiến tranh, về sự hi sinh cao cả của những người phụ nữ - một đề tài không mới nhưng lại được các nhạc sỹ Lê An Tuyên, Đậu Hoài Thanh, Bùi Hoàng Uyên Minh khai thác những góc khác, không quá bi thương mà mang nhiều nét tình ca lãng mạn, ngợi ca vẻ đẹp nhân văn, lạc quan và yêu đời của những người lính, những cô gái thanh niên xung phong giữa phong ba bảo lửa của chiến tranh. Vì thế, giai điệu và lời ca của cả 3 bài hát đều rất trữ tình, nhẹ nhàng và mang nhiều âm điệu dân gian.
Sao Mai Huyền Trang. |
NSND Thanh Hoa chia sẻ, bà rất cảm động trước những tâm huyết của các bạn trẻ với dòng nhạc này, để thấy rằng thế hệ trẻ hôm nay không hề lãng quên quá khứ, những hy sinh mất mát của ông cha. Những MV không chỉ xúc động mà còn thể hiện sự trân trọng, biết ơn của những người trẻ đối với thế hệ cha anh đi trước.
“Tôi vui vì thế hệ tôi, những người sống trong thời chiến, hát và diễn cho bộ đội nghe thì hôm nay, có các bạn trẻ như Huyền Trang tiếp nối để dòng nhạc ấy không bị lãng quên. Tôi nghĩ, cần nhiều Huyền Trang hơn nữa để dòng nhạc này phổ biến hơn trong đời sống, đặc biệt là trong giới trẻ”, NSND Thanh Hoa chia sẻ.
Và không chỉ làm MV, Huyền Trang còn đến Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc và hát cho những người nằm xuống. Tiếng hát nhắc nhở chúng ta nhớ về quá khứ, về những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.
2. Không làm MV ca nhạc đình đám như Huyền Trang, ca sĩ Thái Thùy Linh lựa chọn cách hát du ca để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. “Du ca - Đi và hát” là một dự án âm nhạc của ca sĩ Thái Thùy Linh kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12.
Và trong hành trình ấy, cô không quên những ngày ngày tháng 7 lịch sử của đất nước. Linh đã tìm về Ngư Thủy, nơi có những cô gái kéo pháo bên bến sông năm xưa - những nữ anh hùng đã viết nên huyền thoại. Ở đó, Linh gặp gỡ o Trần Thị Gắng - nữ pháo binh anh hùng năm xưa, để cùng o ăn một chén cơm, cùng o đi chợ, sẻ chia, trò chuyện và hát cho o nghe.
Một Thái Thùy Linh không phục trang son phấn rực rỡ như thường thấy, cô cùng o Gắng làm cơm trong một không gian rất đỗi mộc mạc. Không sân khấu, ánh đèn, nhạc đệm... bên căn bếp nhỏ, chỉ có những tiếng hát. Một già, một trẻ vừa nấu cơm, vừa cất tiếng hát về những năm tháng hào hùng không thể nào quên
“Lạ lắm chứ. Bình thường có ai hát cho mình nghe đâu. Hôm nay có một cô bé trạc tuổi con mình, nghêu ngao vừa nhặt rau, vừa hát. O xúc động lắm”, bà Gắng chia sẻ. Còn Thái Thùy Linh nói rằng, cô muốn tìm đến gia đình những người anh hùng còn sống để cảm nhận cuộc sống đời thường của họ. Những con người ở đó mộc mạc, chân tình.
“O Gắng đi chợ, nấu cho cả đoàn chúng tôi ăn mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì. Tôi cứ bị ám ảnh bởi nụ cười của o, dù chỉ mới gặp nhưng o coi chúng tôi như con cháu trong nhà, đi đâu cũng cầm tay”.
Show diễn đặc biệt của Thái Thùy Linh. |
Đặc biệt, khi Linh và ê kíp đang chuẩn bị hát bên bờ biển Ngư Thủy, rất nhiều các cô pháo binh năm xưa, mặc quần áo bộ đội, trên ngực áo đeo huy chương đã đến. Đây cũng là điều bất ngờ vì đoàn du ca của Linh không chuẩn bị trước. Nhưng chính sự bất ngờ ấy lại làm nên những cảm xúc khó quên.
Có lẽ, đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời nghệ sĩ của Thái Thùy Linh khi trong hành trình du ca của mình, cô đã đến và hát cho những người anh hùng năm ấy. Ở đó, bên bãi biển, với cát trắng và những người cựu chiến binh, da sạm đen vì nắng gió miền Trung, Linh đã cất tiếng hát tri ân. Buổi chiều đặc biệt ấy, bên bến thuyền chài, một show nhạc đặc biệt đã diễn ra.
Không sân khấu, không bán vé quảng cáo, Linh để cho âm nhạc và những cảm xúc dẫn lối. Ở đó Linh hát những bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, “Vết chân tròn trên cát”, “Giai điệu tổ quốc”, “Chị tôi” giản dị, mộc mạc nhưng người nghe thấm và xúc động, bởi chính sự giản dị, mộc mạc và thuần khiết ấy. Nhiều khán giả đã khóc khi xem kênh Youtube của Thái Thùy Linh.
Nụ cười mộc mạc của các nữ pháo binh khi nghe Linh hát. |
Một khán giả chia sẻ rằng: “Là một người con Ngư Thủy xa quê nói riêng và là một tín đồ âm nhạc nói chung, tôi rất ấn tượng và cảm ơn Linh, một video mộc mạc giản dị về quê hương đất nước và con người đã đánh thức trong tôi tình yêu, nỗi nhớ quê mà đôi khi vì cuộc sống bộn bề chúng ta có thể lãng quên”. Rất nhiều người chia sẻ, họ thêm yêu đất nước, quê hương khi nghe Linh hát và xem những cảnh đẹp trong kênh Youtube của Linh..
Thanh xuân của các nữ chiến sĩ pháo binh đã gửi lại chiến trường. Ngày xưa, các o hát để xua đi nhọc nhằn, tiếng hát át tiếng bom với biết bao nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ. Nay, cũng với tinh thần ấy, trong những ngày tháng 7 không thể nào quên, du ca “Đi và hát” của Thái Thùy Linh về với Quảng Bình, hát tặng bà con và tri ân những khán giả - đặc biệt là những người đã đi qua cuộc chiến hào hùng của dân tộc.
Thái Thùy Linh xúc động nói: “Tôi thật sự hạnh phúc được làm một người nghệ sĩ đúng nghĩa của nhân dân, khi tiếng hát tôi hòa cùng tiếng sóng biển, hòa cả tiếng bi bô của lũ trẻ xóm chài”.
Chắc hẳn, những câu chuyện Linh chia sẻ, những thước hình chị ghi lại bên bến thuyền chài, về cuộc sống của những nữ pháo binh năm xưa sẽ chạm đến cảm xúc của nhiều người bởi chính sự hồn nhiên mộc mạc của người hát và sự hồn hậu của một mảnh đất kiên cường.