Khi V.League 'trở bệnh'

Thứ Sáu, 07/08/2015, 10:00
Bao giờ cũng thế, cứ đến giai đoạn chạy đua cuối cùng, nơi mà nhiều đội bóng đã an bài trụ hạng, còn một vài đội bóng phải quyết liệt chạy trốn xuống hạng là V.League lại “trở bệnh”. Cái bệnh ấy khán giả biết, báo giới, truyền thông biết, những nhà tổ chức biết, nhưng dường như luôn bất lực trong việc chữa bệnh đến nơi đến chốn.
Vòng 18 V.League cách đây 2 tuần, chính những khán giả ruột của CLB Hải Phòng đã ầm ầm phản ứng trận thua sốc của đội nhà trên sân Cần Thơ. Sốc ở chỗ, với lý do chấn thương, thẻ phạt, Hải Phòng cất một loạt chủ lực binh trên ghế dự bị, và những cầu thủ vốn chỉ quen dự bị khi được đưa vào sân đá chính lại không thể hiện được chút sinh khí nào.

Những cổ động viên (CĐV) đất Cảng sau đó thậm chí còn giăng biểu ngữ đòi VFF, VPF phải làm cho ra nhẽ. Ông trưởng Ban tổ chức (BTC) V.League Nguyễn Minh Ngọc cũng đã vào cuộc khi đề nghị chủ tịch CLB Hải Phòng phải giải trình, nhưng nghe những giải trình đại loại "chúng tôi có căng sức ra, tung đội hình mạnh nhất vào sân cũng khó thắng Cần Thơ" thì rất nhiều người đã phải ôm bụng cười.

Quả đúng là ở giai đoạn lượt về, Cần Thơ được tăng cường lực lượng, và quả đúng là trong bóng đá tuyệt nhiên tuyệt đối không thể nói trước điều gì, nhưng trước trận đấu này, Hải Phòng đang đứng thứ 3 từ trên xuống trong khi Cần Thơ đứng thứ 3 từ dưới lên, và thật khó tin là một đội "đứng thứ 3 từ trên xuống" lại không dám nghĩ đến một chiến thắng trước một đội bóng "đứng thứ 3 từ dưới lên".

Mà để hiểu rõ hơn sức mạnh của đội bóng "đứng thứ 3 từ trên xuống" - Hải Phòng cần phải nhìn vào chiến thắng 2-0 ngay sau đó của họ trước một đội bóng có trình độ khá là SHB. Đà Nẵng. Đấy là một trận đấu mà HLV trưởng Lê Huỳnh Đức của Đà Nẵng đã thừa nhận: "Chúng tôi thua tâm phục, khẩu phục Hải Phòng".

Cả Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ lẫn HLV trưởng ĐTQG Việt Nam Toshiya Miura đều có mặt trên sân Lạch Tray chứng kiến chiến thắng thuyết phục của Hải Phòng. Và khi chứng kiến chiến thắng này có lẽ họ sẽ không thể nào hiểu nổi việc Hải Phòng không dám nghĩ đến chuyện chiến thắng Cần Thơ trước đó. Còn nói như một CĐV trên sân Lạch Tray hôm đó thì: "Nếu đội bóng chịu đá và cứ đá như hôm nay, chắc chắn Cần Thơ không có cửa".

Rõ ràng, trận Hải Phòng - Cần Thơ là một trận đấu bất thường, và nếu BTC giải chỉ ứng xử với hiện tượng bất thường này bằng những nhắc nhở, cảnh báo chung chung thì giai đoạn nhạy cảm tới đây, những bất thường tương tự nhiều khả năng tiếp diễn.

HLV Trương Việt Hoàng đã bị la ó dữ dội sau trận Hải Phòng thua lạ Cần Thơ. Ảnh:H.M.

Ở đây cũng phải mở một dấu ngoặc để nói rằng sau trận thua trên sân Cần Thơ, Hải Phòng đã bị chính đông đảo CĐV của mình tẩy chay, mà bằng chứng là trận Hải Phòng - Đà Nẵng sau đó, số lượng khán giả đến sân Lạch Tray giảm hẳn. Rõ ràng, người ta có thể dùng những thủ thuật hay những lý luận này nọ để vượt qua sự soi xét của ban tổ chức, nhưng người ta không thể dễ dàng che mắt khán giả của mình. Và một khi đánh mất niềm tin của khán giả là mất hết.

Vẫn liên quan đến chủ đề “bệnh tật”, V.League cũng cần nhắc lại trận thua 0-1 của Bình Dương trên sân Pleiku ở vòng 17. Trận thua mà sau đó đích thân giám đốc kĩ thuật Bình Dương Mai Đức Chung đã phải thốt lên: "Có nhiều cầu thủ đá không hết mình để giữ chân lên đội tuyển".

Ngay sau câu nói này của ông Chung, từ ban lãnh đạo đến các cầu thủ Bình Dương, tất cả đều lấy ra những lý do này nọ để phản ứng, nhưng trong bóng đá Việt Nam, trước những đợt tập trung quan trọng và có "màu" của ĐTQG, chuyện các cầu thủ giữ chân trong màu áo CLB là có thật.

"Màu" ở đây có thể liên quan đến chuyện tiền bạc, vật chất mà cũng có thể liên quan đến tiếng tăm, danh dự, và ở trường hợp này, khi ĐTQG tập trung chuẩn bị cho trận giao hữu quốc tế với CLB lừng danh Man City thì có vẻ vấn đề nằm ở vế thứ hai.

Nếu các đội bóng nhường nhịn, xin - cho điểm số có thể coi là một biểu hiện bệnh tật trầm kha thì việc các cầu thủ giữ chân để lên đội tuyển hoặc để thực hiện một âm mưu gì đó cũng có thể xét vào một loại bệnh nguy hiểm. Nhưng thật khó cho những ông "bác sĩ V.League" khi nhiều lúc các cầu thủ "diễn" giỏi tới mức vừa tạo cho người xem cảm giác mình đã đá hết mình, chứ không phải cảm giác "giữ chân" lại vừa thực hiện được  những mưu đồ bất chính.

Ví dụ điển hình nhất chính là trận Quảng Ninh - Đồng Nai ở giai đoạn cuối V.League một năm về trước, trận đấu mà HLV trưởng Đồng Nai Trần Bình Sự thậm chí còn khen đội trưởng đội mình đã thi đấu hiệu quả, nhưng sau này, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì ông mới vỡ lẽ đấy chính là một trong một nhóm cầu thủ tham gia đường dây dàn xếp, cá cược tỉ số.

TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cần có những quyết sách mạnh tay trong giai đoạn nhạy cảm cuối mùa. Ảnh: H.M.

Đừng nghĩ vì tấm gương tày liếp này mà đoạn cuối V.League 2015 sẽ chắc chắn miễn nhiễm với bệnh tật, bởi ngay trước khi nhóm cầu thủ Đồng Nai nhúng chàm, một nhóm cầu thủ Ninh Bình cũng bị đưa ra xét xử vì lý do tương tự, thế nhưng...

Bệnh V.League không chỉ liên quan và để lại hậu quả đến các đội bóng, mà còn có những tác động tới cả những ông vua sân cỏ, khiến những "vua" non tay thường phải trả giá đau.

Trước đây từng có chuyện các đội bóng "đi đêm" với nhau nhưng để che mắt dư luận và đánh bùn sang ao, họ thường chọn cách gây gổ rồi chỉ trích, mắng nhiếc trọng tài nhằm hút mọi sự quan tâm của dư luận vào... vấn đề trọng tài. Thời gian vừa qua cũng đã có những ông trọng tài, đặc biệt là hai trọng tài trẻ người Hà Nội và Long An bị... đưa lên thớt, thế nên suy đi tính lại, việc VPF quyết định mời một vài trọng tài Nhật Bản sang điều khiển những trận đấu nhạy cảm cuối mùa cũng chính là một cách trị bệnh cần thiết.

Năm nay có tới 6 trọng tài trẻ được đôn từ giải hạng Nhất lên V.League, và 6 trọng tài này cần phải được trang bị "áo giáp" đủ tốt để không dễ bị các cầu thủ - đội bóng đẩy vào những kịch bản mà họ cố tình tạo nên. 

Một khi V.League vào giai đoạn trở bệnh thì chắc chắn những nhà tổ chức không thể chỉ kêu gọi tinh thần thi đấu sạch sẽ, trung thực chung chung. Trái lại, nếu đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực (xin nhấn mạnh ngay cả khi chỉ là "dấu hiệu tiêu cực", chứ chưa chắc đã là "tiêu cực") thì cũng cần áp dụng quy chế bóng đá để có hình thức xử phạt đến nơi đến chốn.

Thật hãi hùng khi cứ đến giai đoạn cuối mùa là V.League lại phát tác những căn bệnh cũ!

Cái đp phi chết?

Trong nhóm cạnh tranh suất trụ hạng hiện nay có 3 đội Cần Thơ, Đồng Nai, Hoàng Anh Gia Lai. Trong khi Cần Thơ vừa có trận thắng mang nhiều màu sắc tình cảm trước Hải Phòng thì Đồng Nai cũng bất ngờ giật liền 4 điểm trước Quảng Nam và Hà Nội T&T Hà Nội - hai đội bóng bị nghi ngờ là có cùng một mối quan hệ.

Có vẻ như ở một cuộc chơi mà một vài đội bóng rất hiểu đường đi nước bước của nhau và rất biết làm gì để dìu dắt nhau thì một đội bóng mang tư tưởng sạch - bóng đá sạch như Hoàng Anh Gia Lai đang rất cô đơn. Không phải ngẫu nhiên mà ông trưởng đoàn Tấn Anh của HA.GL đã đăng đàn, mạnh mẽ đòi ban tổ chức giải phải làm rõ nghi vấn trận Hải Phòng - Cần Thơ.

Xét về thực lực, có lẽ HA.GL, Đồng Nai, Cần Thơ cũng chỉ xêm xêm, hơn kém nhau chút ít. Nhưng xét về khả năng nắm bắt thời cuộc và khả năng quan hệ với anh em bạn bè thì xem ra HA.GL không thể sánh bằng đối phương.

Cẩn thận kẻo cái đẹp là cũng là cái thân cô thế cô, và cũng là cái duy nhất rơi vào vòng từ địa!

Tng b tr đim vì... du hiu tiêu cc

Thời bóng đá bao cấp, khi thấy một trận đấu có biểu hiện tiêu cực, ông trưởng giải Ngô Tử Hà từng đè nghiến đội bóng ra trừ điểm mà không phải bận tâm quá nhiều đến chuyện "bằng chứng đâu?".

Sang đến thời bóng đá doanh nghiệp, cũng từng có chuyện Ban Kỷ luật VFF trừ 4 điểm CLB Sài Gòn Xuân Thành sau trận thua rất sốc và rất lạ với tỷ số 0-3 của đội này trên sân Kiên Giang hai năm về trước. Sốc ở chỗ đấy là trận đấu mà cứ trước khi Sài Gòn Xuân Thành thua bàn vài phút là những thành viên của Ban Tư vấn Đạo đức VPF lại nhận được tin nhắn báo động, còn lạ ở chỗ đấy là trận đấu mà nhiều vị trí của Sài Gòn Xuân Thành  đã thi đấu dưới sức rõ ràng.

Sau khi bị trừ điểm, ông chủ tịch đội bóng Nguyễn Đức Thụỵ lập tức tuyên bố giải thể đội bóng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia bóng đá lúc ấy thì "đội bóng này giải tán sớm ngày nào, bóng đá Việt Nam may ngày đấy".

Nực cười ở chỗ trong ngày tổng kết mùa giải năm 2003 thì Phó chủ tịch tài chính VFF Lê Hùng Dũng (giờ đã là chủ tịch VFF) lại đứng lên trách ban Tư vấn Đạo đức ép Ban Kỷ luật VFF trừ điểm SG.XT, khiến bóng đá Việt Nam mất đi một đội bóng.

Ngay lập tức, Phó ban Tư vấn Đạo đức Nguyễn Văn Vinh đã đứng lên phản pháo:  "Thứ nhất, Ban Kỷ luật làm việc dựa trên căn cứ, luật lệ, chứ có phải là trẻ con đâu mà có thể để chúng tôi ép buộc dễ dàng. Thứ hai, không chỉ trận đấu này, một vài trận đấu khác trong mùa giải năm nay SG.XT cũng thi đấu rất lạ, khiến dư luận bức xúc, phản ứng. Chẳng nhẽ chúng ta cứ im lặng mãi sao?".

Theo chúng tôi, cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh khi ấy là điều mà chính BTC giải và Ban Kỷ luật VFF bây giờ phải nêu cao.

Diệp Xưa
.
.
.