Thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam:

Hy vọng mới cho việc bảo vệ bản quyền

Thứ Bảy, 16/11/2019, 10:37
Sau một thời gian dài chờ đợi, ngày 12-11, Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam chính thức được thành lập. Việc thành lập Hội, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của những người tham gia hoạt động điện ảnh được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ được một trong những “nút thắt” quan trọng của điện ảnh Việt.


Ngang nhiên ăn cắp tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình

So với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật khác, điện ảnh đang là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể vào thúc đẩy phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung của đất nước. 

Trong đó, bảo vệ bản quyền điện ảnh là một trong những nhân tố có vai trò quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển này nhưng lâu nay chưa hẳn được triển khai một cách bài bản, có hệ thống. 

Nhiều nhà sản xuất phim Việt từng vô cùng bức xúc khi phim vừa phát hành đã bị sao chép, phát tán. Dư luận cũng từng chỉ trích, bất bình khi nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bắt tại trận một khán giả livestream phim “Cô Ba Sài Gòn” vào thời điểm phim mới ra rạp. Sau đó, vụ việc dừng ở cảnh cáo khán giả vi phạm.

Đại hội thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

Cũng liên quan đến tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh, mới đây nhất, trong buổi góp ý về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cũng lên án và ví von rằng, nếu một người ăn cắp một chiếc xe máy giá trị vài chục triệu sẽ bị bắt ngay nhưng một bộ phim là tài sản lớp gấp nhiều lần, được nhà sản xuất đầu tư nhiều tỷ đồng, thậm chí là nhiều chục tỷ đồng thì ít được quan tâm bảo vệ… 

Tuy nhiên, hầu hết người làm điện ảnh mới chỉ than thở, bức xúc xong rồi thôi. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực khác như văn học, âm nhạc, nghệ sĩ biểu diễn… đã vận động, thành lập được cả những tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và đi vào hoạt động, thậm chí hoạt động hiệu quả cao, mà nổi bật là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vài năm gần đây.

Với phim truyền hình, tình trạng vi phạm bản quyền cũng là vấn nạn nhức nhối không kém. Ngay với một đơn vị lớn như Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng phải “khóc ròng” vì các phim “ăn khách” như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Về nhà đi con”, “Nàng dâu oder”… liên tục bị ăn cắp bản quyền. 

Dù rằng, ngoài kênh phát sóng chính thức trên truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam đã có phát phim song song qua trang giải trí riêng. Nhưng, theo công bố của đơn vị này, ngay trong tháng đầu tiên phát sóng “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, vẫn có trên 400 tài khoản facebook, youtube vi phạm bản quyền, thu hút một lượng lớn người xem, thu được hiệu quả kinh tế nhờ lượng người theo dõi này. 

Thời điểm bộ phim “Về nhà đi con” đang “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ lẫn cộng đồng mạng và ngoài đời thực, chỉ cần gõ tên phim là có hàng loạt địa chỉ phán tán, từ trích đoạn phim cho đến phát toàn tập. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hiệu quả kinh tế của nhà sản xuất. Với các diễn viên có vai diễn nổi bật trong các phim này, hình ảnh bị khai thác vô tội vạ. 

Thậm chí, có những chương trình, sự kiện, ban tổ chức hồn nhiên mượn tên tuổi của diễn viên, của đoàn làm phim nhằm thu hút sự quan tâm của số đông công chúng. Khi chúng tôi liên lạc với nhà sản xuất phim, hỏi thông tin về sự kiện, đơn vị xác nhận hoàn toàn không biết và cũng chưa từng nhận được sự xin phép nào, dù chỉ qua điện thoại hay văn bản.

Phim "Về nhà đi con" giúp nhiều địa chỉ tăng đáng kể lượng người theo dõi khi phát lậu các trích đoạn.

Về vấn đề này, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam cũng nhận định: Những năm qua, nhờ chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh và truyền hình của Nhà nước, hoạt động sáng tác, sản xuất, phổ biến phim điện ảnh và truyền hình những năm qua phát triển mạnh mẽ. 

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhiều nguồn vốn từ xã hội và cả từ nước ngoài đã tham gia vào hoạt động điện ảnh và làm phim truyền hình với các phương thức liên doanh, liên kết, hợp tác hết sức đa dạng khiến sản lượng phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam tăng mạnh, tạo điều kiện cho công chúng khán giả thưởng thức nguồn sản phẩm nghe nhìn hết sức phong phú về hình thức cũng như về xuất xứ chủ sở hữu tác phẩm. 

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp, chưa được xử lý và ngăn chặn kịp thời đã gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho các chủ sở hữu tác phẩm. Việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và các quyền liên quan vì thế ngày càng trở nên cấp thiết.

Hiệu quả đến đâu còn phải… chờ

Trước tình hình trên, một nhóm những người hoạt động điện ảnh và truyền hình đã nhận lãnh trách nhiệm đứng ra vận động thành lập Hội Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình và vừa qua đã trình Đề án tới các cơ quan có thẩm quyền xin thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam. 

Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định cho phép thành lập Hội.  Đây là tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tập hợp và đoàn kết các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình. Hội sẽ đại diện để bảo vệ, khai thác quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên trong bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình, trong bảo vệ, khai thác hình ảnh của hội viên nhằm góp phần xây dựng môi trường hoạt động điện ảnh và phim truyền hình lành mạnh, minh bạch. 

Dự kiến, nhiệm kỳ I, giai đoạn 2019 - 2014, Hội sẽ kết nạp từ 200 đến 300 hội viên và bắt đầu tiến hành các biện pháp quản lý, khai thác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình.

Phim "Người phán xử" - một trong số phim truyền hình bị vi phạm bản quyền nhiều nhất thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ sĩ Quyền Linh, tân Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam thừa nhận, từ hàng chục năm trước, vấn nạn vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình đã được nêu ra, bị lên án gay gắt. 

Người làm nghề đều bức xúc trước tình trạng này nhưng ai là người đủ uy tín, chịu đứng ra tập hợp, kết nối, vận động thành lập Hội thì rất khó. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam là một trong những người dành nhiều tâm huyết cho vấn đề này. 

Khoảng 6-7 năm trước, NSND Đặng Xuân Hải đã có ý tưởng thành lập Hội. Nghệ sĩ lâu nay chỉ quen làm nghệ thuật nên gặp rất nhiều khó khăn trong tìm hiểu các quy định, triển khai thực hiện các thủ tục xin phép thành lập Hội… Vì vậy, đến tận hôm nay, Hội mới chính thức “chào đời” và cũng chưa hẳn đã hoàn thiện. Hiện tại, dự thảo Điều lệ hoạt động và nhiều nội dung khác vẫn chờ phê duyệt của Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng. 

Sau khi được thông qua, Hội mới đủ cơ sở pháp lý để chính thức hoạt động. Trong thời gian tới, hiệu quả hoạt động Hội như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu chỉ dựa vào các thành viên trong Ban chấp hành vừa được bầu ra thì Hôi sẽ rất khó khăn vì các tác phẩm điện ảnh được sản xuất ngày càng nhiều, hình thức phổ biến rất đa dạng, số lượng phim truyền hình sản xuất, phát sóng tăng từng ngày. 

Ngoài yêu cầu về nhân lực, Hội còn cần cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, sự hỗ trợ của những người am tường về luật pháp như các luật sư. Cơ chế hoạt động minh bạch, công tâm, đủ sức thuyết phục các hội viên và những người chưa phải là hội viên cũng mang tính quyết định tới hiệu quả hoạt động của Hội.

Phim "Cô Ba Sài Gòn" - tác phẩm điện ảnh từng là tâm điểm chú ý khi vừa ra rạp đã bị vi phạm bản quyền.

May mắn là đến thời điểm hiện tại, người làm nghề hưởng ứng khá tốt, có sự ủng hộ tích cực về tinh thần và vật lực. Tuy nhiên, ngày Đại hội thành lập mới chỉ là bước đầu, là ngày đầu tiên các thành viên cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc xem ai có gì thì đóng góp cái đó. Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình vẫn phải là xác định là chuyện dài lâu, không phải chỉ trong “một sớm một chiều”. 

Hải Hà
.
.
.