Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng người nặng lòng với làng cổ

Thứ Năm, 04/06/2020, 13:38
Đề tài làng, làng quê, làng cổ không phải là đề tài phổ biến đối với các họa sĩ đương đại nhưng có một họa sĩ lại yêu làng, yêu làng cổ Cự Đà nơi mình hiện sinh sống (mặc dù anh không phải là dân gốc của làng Cự Đà) một cách tha thiết.

Ngôi làng cổ hơn 400 năm tuổi với những mái ngói thâm nâu, những con đường lát gạch cũ với những nghề truyền thống vẫn còn sót lại trong cuộc sống hiện đại ngày nay như làm tương, làm miến dong... một lần nữa lại được sống lại trong tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng.

1. Sự phát triển vội vã của cuộc sống đô thị hiện đại khiến làng Cự Đà cũng không thể tránh khỏi bị đô thị hóa, những mái ngói rêu phong cổ kính dần nhường chỗ cho những ngôi nhà bê tông cốt thép cao tầng, đối với những người yêu văn hóa cổ, yêu các giá trị truyền thống khi thấy làng dần biến mất thì thật đau xót vô cùng. 

Lưu giữ lại vẻ đẹp truyền thống trước khi nó biến mất cũng là một cách yêu làng, lưu giữ làng như họa sĩ Quốc Thắng đang làm. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, nhiều lần triển lãm nhóm, mới đây, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại Mành Studio. Triển lãm gồm khoảng hơn 50 tác phẩm cùng chất liệu bột màu (trên giấy báo hoặc giấy bìa) vẽ phong cảnh, tĩnh vật, ký họa lấy cảm hứng từ nơi họa sĩ sinh sống, làm việc gần 10 năm nay.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng.

Với cách tiếp cận thông thường khi vẽ về làng cổ hay phố cổ, thường người họa sĩ hay bị ám ảnh bởi màu thời gian, hoài niệm với những di sản còn sót lại trong nhịp sống hiện đại. Nguyễn Quốc Thắng chọn một cách nhìn cởi mở và lãng mạn hơn, là hòa điệu được sự cổ kính của những cổng làng, nếp nhà, ngõ nhỏ với những gam màu tươi tắn, rực rỡ. Làng đi qua bốn mùa trong tranh vừa bảng lảng, nên thơ, ẩn chứa mơ ước "một sự tươi mới, hạnh phúc".

Tôi hỏi Nguyễn Quốc Thắng vì sao anh chọn bột màu báo cũ, Thắng chia sẻ, đó là một chủ ý của anh. Bản thân việc vẽ trên một tờ giấy có chữ đem lại cảm xúc rất khác với "vẽ trên một tờ giấy trắng tinh". Nét thấp thoáng của chữ, sự nhấn nhá ở cổng làng, mái nhà, ngõ sâu, ô cửa, hàng chum, phên nứa gợi lên vẻ đẹp của hình họa và văn hóa. 

Con đường của cái đẹp, dưới con mắt của người nghệ sĩ, là từ những "đối cảnh"- giá trị vật thể, người ta thấy được, đọc được ở đó giá trị lớn về tinh thần. Giấy báo gợi lại một vẻ đẹp xưa cũ. Ngày xưa, trước năm 1986 còn khó khăn, sơn dầu thiếu thốn thì bột màu và giấy báo cũ là lựa chọn của nhiều họa sĩ đương thời. 

Giấy báo có thể nhuộm cho ngả màu trước khi vẽ. Giấy báo có những họa tiết và mảng miếng cho người họa sĩ tung tẩy. Nền giấy báo trong tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng là những mảng tường, ô cửa, có khi là những khoảng trời riêng rất đặc trưng. Nó vừa gợi lại màu của ký ức, của thời gian, vừa tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt của từng bức tranh. Giấy báo cũng làm nên vẻ xù xì, thô ráp, rất ấm áp của Thắng.

Tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật, Nguyễn Quốc Thắng từng được biết đến với mảng tranh khắc gỗ, anh cũng từng vẽ nhiều tranh sơn dầu; tuy nhiên ở lần ra mắt này, anh chọn chất liệu bột màu. Chất liệu mà theo anh "rất gần gũi, phổ thông" nhưng lại "bông xốp, trong trẻo", cho phép thể hiện cảm xúc ào ạt về một nơi chốn bình dị, thân thuộc là làng.

Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Đối cảnh Cự Đà” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng.

2.Thắng sinh ra ở Hải Phòng, nhưng lại chọn một ngôi làng cổ ở Hà Nội để sinh sống. Thấm thoắt đã 10 năm anh bỏ phố về làng, tìm thấy sự bình yên, ấm áp của làng quê. Nếu về Cự Đà, men theo những con đường nhỏ, qua cánh cổng làng đã cũ, ngã màu rêu, bước đến một khoảng sân rộng của ngôi nhà cổ ba gian, hai chái điển hình của Đồng bằng Bắc Bộ, sẽ thấy nơi làm việc của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng. 

Về với làng, với sự dân dã, mộc mạc đó, Nguyễn Quốc Thắng như được trở về với chính mình. Nhiều người bảo anh lánh xa đời sống và sự phồn hoa của đô hội. Còn họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng cho rằng, anh yêu làng và anh chọn được sống ở làng. Chính đằng sau sự bình yên của những ngôi làng đó cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện về sự đổi thay và những biến thiên của thời cuộc. Đó cũng là chất liệu tạo cảm hứng cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Những ngày tháng thanh bình, cuộc sống trôi đi chậm hơn những gì người ta thường sống. Nếp làng thì luôn vậy chỉ là anh đã có cái nhìn mới, cái cảm mới về những bức tường vôi loang lổ, những cột điện chằng chịt hay những hồi nhà xưa cũ. Những con ngõ bé hun hút vào mỗi chiều sấp bóng, những bóng dáng người làng đi liêu xiêu đội miến, hay những cụ già bước thật chậm nắm tay nhau đầy hạnh phúc. 

Đôi lúc hạnh phúc theo anh cảm nó thật giản dị. Lối sống làng và con người thế hệ trẻ tuổi luôn là một sự đối lập khó có thể thấu hiểu sâu sắc. Ở đây dường như Thắng thấy làng không xa lạ, dọc đường sông Nhuệ là một quần thể các đền, chùa, miếu trải qua vài trăm năm thâm trầm.

Tranh của Thắng vẽ bằng nhiều chất liệu, vẽ than trên giấy; chì, mực nho, bột màu. Anh tạm thời gạt bỏ chất liệu sơn dầu vốn dĩ theo anh nhiều năm sáng tác. Anh mê những mảng tường rêu phong, những khoảng trời sương sớm trên những cánh đồng phơi miến đầy màu sắc, những buổi chiều chạng vạng đong đầy cảm xúc bảng lảng trong tranh anh. 

Ngõ làng, cổng làng, đình làng, con người... có một màu trầm mặc bởi sự cổ kính nhưng anh đã khoác lên cho làng một bảng màu rực rỡ của bột màu, những mảng trắng xốp mịn, những khoảng tối trong vắt và những mảng chữ hay hình của báo cũ anh cố tình giữ lại trên tranh. Hai chất liệu bột màu và báo cũ như một nhân duyên đẹp để anh tô lên vẻ đẹp ngôi làng cổ quý giá, mà mọi chất liệu khác không hấp dẫn được anh. Sự tan chảy của màu, với màu báo in ghi đậm tạo nên lớp trung gian trong trẻo đầy tính hội họa. 

Tranh Quốc Thắng như cái gì đó đầy dữ dội về màu sắc, sự gồng mình trong đấu tranh giữ gìn nét đẹp làng đang dần mất đi trong anh. Vẽ về làng cổ, về cái cũ nhưng tranh Thắng đẹp lạ, mới mẻ bởi mảng màu mạnh mẽ nhưng không mất đi nét đẹp cổ kính của kiến trúc làng quê Bắc Bộ ẩn chứa dưới nhiều lớp không gian hình hài kỹ lưỡng đan xen đầy tính đồ họa trong mảng trống dầy đặc hình. Với số lượng tranh trên 100 bức gồm... đã chọn lựa của anh sẽ được in trong 1 cuốn sách nhỏ ra mắt trong thời gian tới. 

"Đối cảnh Cự Đà"- một triển lãm về làng cổ khá độc đáo của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng đã làm sống lại vẻ đẹp xưa cũ của ngôi làng nổi tiếng này. Triển lãm được trưng bày tại ngôi làng cổ Cự Đà. Ngắm nhìn những bức tranh của Thắng, người xem sẽ thấy tiếc nuối về sự mất mát của một ngôi làng trong cơn lốc đô thị hóa. 

Nằm bên bờ sông Nhuệ, cách Trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, làng Cự Đà có địa thế "nhất cận thị, nhị cận giang" một thời phồn thịnh. Làng có những ngôi nhà cổ, những đình, chùa cổ… mang kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ đặc trưng, bên cạnh những ngôi nhà theo lối kiến trúc Pháp có tuổi đời hơn 100 năm.

Linh Nguyễn
.
.
.