Hành trình gian nan
Cũng chừng này năm ngoái, "Lửa Thiện Nhân" của Đặng Hồng Giang đã tạo nên một cơn sốt ở Hà Nội. Điều đó khai mở một con đường với niềm tin như một xác tín rằng, ranh giới của thể loại không còn quan trọng và làm phim tử tế, chân thực sẽ có khán giả.
Giống "Lửa Thiện Nhân", chùm phim "Đáng sống" là dòng phim tài liệu hiện thực, trên thực tế không nhiều người theo đuổi ở Việt Nam, đó là cách tiếp cận cuộc sống một cách chân thực, xù xì và khách quan nhất.
Khán giả sẽ được giải thoát khỏi những lời bình đôi khi khiên cưỡng, khô cứng. Và Đặng Hồng Giang, miệt mài đi con đường đó.
Mất 4 năm, để có một series "Đáng sống" với 3 phim ngắn "Mầm sống", "Đáng sống" và "Một con đường", trong đó, "Một con đường" anh khởi quay cùng thời điểm làm "Lửa Thiện Nhân".
Ba câu chuyện về ba cuộc đời, ở ba vùng miền khác nhau, Bắc - Trung - Nam, đều gặp những hoàn cảnh éo le trong cuộc đời, nhưng họ đã vượt lên số phận bằng niềm tin. Nếu ai đã từng xem "Đáng sống" sẽ thấy quý giá hơn những gì mình đang có và yêu thương hơn cuộc đời này.
"Mầm sống", mang một vẻ đẹp lộng lẫy của tình yêu, của sự tái sinh kỳ diệu. Câu chuyện về người phụ nữ mong muốn có con với người chồng đã mất vì tai nạn giao thông. Đó là hành trình đi tìm sự sống từ cái chết với mong muốn được giữ lại tình yêu và hình hài của chồng qua những đứa trẻ.
Điều thần kỳ đã xảy ra. Ba năm sau ngày chồng mất, chị Dung sinh được hai bé trai kháu khỉnh, Hồ Sĩ Hoàng Hải và Hồ Sĩ Hoàng Đức. Câu chuyện như một phép màu của tình yêu và thành tựu tuyệt vời của y học.
Chị Hoàng Thị Kim Dung và các con - “Phim Mầm sống”. |
Nếu "Mầm sống" mang vẻ đẹp kỳ diệu của cuộc sống thì "Đáng sống" lại là câu chuyện buồn về một số phận nhiều bi kịch, được Tăng A Pẩu - một người đàn ông trải qua nhiều sóng gió của cuộc sống kể lại một cách trầm tĩnh, lạc quan.
Phá sản, thất nghiệp, nay đây mai đó kiếm sống, Tăng A Pẩu tưởng cuộc sống đã đi vào ngõ cụt. Nhưng rồi anh lại phất lên nhờ gặp thời, mở công ty, lao vào guồng quay của công việc. Một ngày, bác sĩ nói anh bị mắc ung thư gan, chỉ còn sống được tám tháng.
"Tôi luôn nghĩ chuyện đó xảy ra với ai chứ không thể với mình". "Những con số như thế này, chắc cái ung thư gan của tôi cũng chỉ là ung thư thường thôi". Bấu víu vào những niềm tin đó, A Pẩu đã cắt bỏ khối u nhưng bác sĩ vẫn khẳng định, tế bào ung thư luôn sẵn sàng quay trở lại.
Tuyệt vọng, đau khổ, mất niềm tin ư. Không, Tăng A Pẩu đã chọn cách đối diện với bệnh tật. Anh bắt đầu một hành trình mới, mua máy ảnh, khoác ba lô vào rừng, sống hòa với thiên nhiên, bỏ lại sau lưng phố xá bụi bặm và những cuộc nhậu triền miên.
10 năm, không biết bao nhiêu khu rừng anh đã đi qua, tình yêu thiên nhiên đã giúp anh quên đi căn bệnh thế kỷ và những hệ lụy của nó. Và gia tài anh có được trong hành trình đầy niềm vui đó là bộ ảnh quý về 500 loài chim đang sống ở khắp núi rừng Việt Nam. A Pẩu đã lựa chọn một cuộc đời "đáng sống".
Tăng A Pẩu - người sở hữu bộ ảnh về chim lớn nhất Việt Nam. |
Khép lại là tác phẩm "Một con đường", câu chuyện về những người dân Quảng Trị ngày ngày đi kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu chiến tranh. Nhân vật chính là anh Nguyễn Ngọc Triệu, hằng ngày vẫn cơm nắm muối vừng cùng cuốc và máy dò lên đường.
Một ngày đi làm như những người nông dân khác, nhưng có thể vĩnh viễn không trở về nếu số phận kém may mắn. Và rất nhiều người đã không trở về, rất nhiều người trở về trong thương tích, nằm liệt giường. Nỗi đau ấy, không chỉ của người dân nghèo Quảng Trị.
Những ai đã xem "Lửa Thiện Nhân" sẽ nồng nhiệt với "Đáng sống" bởi Đặng Hồng Giang trung thành với lối kể chân thực, giản dị nhưng đôi khi vẫn có những tình huống bất ngờ, những hình ảnh khiến ta phải liên tưởng, suy ngẫm.
Những câu chuyện trong "Đáng sống" đều đã được báo chí đề cập, nhưng Đặng Hồng Giang vẫn chọn góc nhìn và cách kể riêng của mình, nên câu chuyện vẫn giữ được vẹn nguyên cảm xúc và sự hồi hộp cho khán giả. Đặc biệt, khâu hậu kỳ của “Đáng sống” ngang ngửa với phim truyện.
"Tôi luôn khắt khe với chính mình. Trong từng cảnh phim tôi luôn tự hỏi mình đã đủ mặn mà với khán giả chưa. Bởi khi tôi chưa mặn mà với khán giả thì mơ gì khán giả mặn mà với mình".
Lần đầu tiên, phim tài liệu được một rạp có uy tín như BHD nhận phát hành trên toàn bộ hệ thống của rạp từ ngày 18-11, ngoài ra còn ba suất chiếu hàng ngày ở rạp Tháng Tám là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, con đường không trải hoa hồng, bởi lịch chiếu của BHD chẳng hạn, khá làm khó nhà làm phim và khán giả khi chỉ có vài ba suất chiếu vào các khung giờ khoảng 13h, 17h, 18h. Hiện tại, đạo diễn đang thương lượng lại các suất chiếu ở các rạp hợp lý hơn và hy vọng khán giả sẽ có nhiều cơ hội hơn đến với "Đáng sống".
Thực tế, sau nhiều ngày ra rạp, "Đáng sống" không được đông đảo khán giả quan tâm như kỳ vọng. Tuy nhiên, đó không phải là câu chuyện quá khó hiểu ở Việt Nam.
Ngay cả những phim truyện không thuộc dòng giải trí, hay bom tấn, thì ra rạp cũng dễ hứng ngay đòn thất bại. Vì thế, giấc mơ mang phim tài liệu ra rạp của đạo diễn Đặng Hồng Giang vẫn còn rất xa. Anh xác định, không thể ngày một ngày hai tiếp cận với khán giả và tạo thói quen này, nhưng anh "nghiến răng" làm và chứng minh khán giả không quay lưng với phim tài liệu, điều còn lại phụ thuộc vào cách làm.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang: Tôi đang "minh oan" cho phim tài liệu - Khi quyết định đưa "Đáng sống" ra rạp, chắc anh đã rất kỳ vọng về hiệu ứng của khán giả, về giấc mơ mà anh theo đuổi trong hành trình của mình? + Tôi suy nghĩ nhiều hơn về bức tranh lớn hơn tham vọng của tôi, khi học ở Úc, tôi học về phim tài liệu, rất chịu khó đi xem phim và mình cứ mơ ước khi nhìn cảnh người nước ngoài mua vé đi xem. Những khái niệm khô khan của phim tài liệu gần như bị chai cứng với khán giả Việt Nam cả thập niên nay. Và khi "Lửa Thiện Nhân" được chọn chiếu trong Liên hoan phim độc lập New York, tôi vui và cứ ước mơ. Liệu tôi có hiện thực hóa được tham vọng biến đổi khái niệm trong lòng công chúng với phim tài liệu, đi "minh oan" cho phim tài liệu. Và chính tôi cũng biết một mình tôi không làm được việc đó, tôi muốn lôi kéo những đồng nghiệp, những người trẻ đi cùng. Càng đông thì sự ảnh hưởng với công chúng khán giả sẽ lớn hơn. Tôi vẫn lấy "Lửa Thiện Nhân" để khuyến khích. Phim vắng khách quá và tôi buồn vì những nỗ lực mình lôi kéo đang thất bại và mọi người sẽ nản. - Và anh sẽ từ bỏ? + Đương nhiên tôi sẽ không từ bỏ. Các bạn đừng buồn vì "Đáng sống" không bán được vé, vì đó chỉ là 50% mục đích của tôi thôi. Những phim này tôi hoàn toàn có thể kết nối với các kênh nước ngoài được. Điều mong muốn lớn nhất của tôi là muốn thổi bùng phim tài liệu này lên, Bắc - Trung - Nam, lôi kéo mọi người cùng tham gia, cùng nhau tạo nên một hiệu ứng nào đó thay đổi thói quen của mọi người. Những câu chuyện này quá cần thiết đối với xã hội. Nhiều người bảo sao tôi làm nhanh thế, họ không hiểu được rằng, tôi đã lao động vất vả như con kiến, mỗi ngày tha một ít về tổ và dần dần kho của mình sẽ đầy lên. - Những câu chuyện khốc liệt của cuộc sống nhưng anh luôn có cái nhìn ấm áp về cuộc đời, vì sao anh chọn góc tươi sáng đó trong xã hội quá nhiều những bất an? + Tôi chọn và tôi định hướng nghề như thế. Hơn 8 năm làm ở Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ở mảng điều tra, tôi đã nhìn thấy quá nhiều mặt trái của xã hội và tôi dừng lại vì nó không giải quyết được vấn đề gì. Tôi đổi hướng, đi tìm những vẻ đẹp trong đời sống này. Nghề của mình là nghề được ưu đãi, xã hội cần những câu chuyện như thế hơn. Rõ ràng, mong muốn của tôi không dễ dàng, nhưng tôi sẽ không nản. Phim "Lửa Thiện Nhân" tôi âm thầm gửi đi Liên hoan phim độc lập New York, chỉ tiêu của tôi là lọt vào liên hoan. Khi tôi vào dự khai mạc, họ tuyên bố sẽ chiếu khai mạc liên hoan phim bằng một bộ phim đến từ Việt Nam. Và tiếng nhạc của "Lửa Thiện Nhân" vang lên. Tôi cứ nghĩ đến cánh cò đang bay ở New York và khóc vì hạnh phúc. Vì thế, tại sao chúng ta không có quyền tin vào phim tài liệu. Tôi nghĩ, con đường đi "minh oan" cho phim tài liệu của mình sẽ nhọc nhằn, gian nan. Nhưng tôi cũng cam đoan sẽ có nhiều điều lý thú. Hơn hết là để cho mỗi chúng ta thêm một nguồn vui sống, để góp phần cho cuộc đời này yêu thương, đáng sống hơn. - Vâng, và tôi tin "mỗi câu chuyện sẽ có một lối thoát" như cách mà các nhân vật của anh đã đi qua. |