Hành trình "Trúc Chỉ"

Thứ Hai, 07/11/2016, 09:39
Sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, họa sĩ Phan Hải Bằng-giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã tạo ra một chất liệu mới là trúc chỉ (giấy tre).


Lấy yếu tố thẩm mỹ và sáng tạo là xuất phát điểm cho dự án trên tinh thần kế thừa truyền thống trong bối cảnh đương đại, thành công của Phan Hải Bằng đã góp phần cộng thêm cho Huế, cho đất nước Việt Nam một giá trị văn hóa mới- nghệ thuật trúc chỉ. Với anh, hành trình cùng trúc chỉ không chỉ là duyên nợ, mà còn như một sự trở về với truyền thống quê hương.

Tiếp biến truyền thống giấy dó

Nói nghệ thuật là quê hương với Phan Hải Bằng có vẻ hơi đao to búa lớn. Thế nhưng khi đến vườn Trúc Chỉ, một địa chỉ quen thuộc tại Huế với những ai muốn khám phá một khái niệm hoàn toàn mới về giấy nghệ thuật, người ta sẽ bắt gặp những sản phẩm từ giấy tre được tạo hình một cách tinh xảo, mang tính ứng dụng cao trong đời sống như: ô, ví, cà vạt, quần áo, sản xuất đồ dùng học tập và thậm chí là những bức tranh, bình phong trúc chỉ "độc nhất vô nhị", mới thấy Phan Hải Bằng đã tận tâm đi lên từ nghề truyền thống như thế nào.

Nghệ thuật đồ họa với trúc chỉ.

Phải mất hơn 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm chất liệu, họa sĩ Hải Bằng mới có thể cho ra đời trúc chỉ như hiện nay.

Thực ra việc sản xuất giấy từ tre đã xuất hiện tại một số nước châu Á từ lâu. Quy trình đó hoàn thành khi tấm giấy được hình thành trên khung seo, chỉ việc nén ép, bóc và làm khô.

Sinh viên Hà Nội thưởng lãm trúc chỉ.

Nhưng với trúc chỉ thì đây mới là lúc bắt đầu. Nguyên liệu tre thay thế nguyên liệu vỏ dó để tạo nên trúc chỉ và những công đoạn xử lý tre được dựa trên nguyên tắc nhất định của việc làm giấy thủ công.

Tre sau khi được chẻ nhỏ sẽ được ngâm trong nước khoảng 1 đêm. Sau đó, người ta đem nấu với nước vôi khoảng 12 tiếng rồi xả sạch, đem đi phân loại và nghiền nhỏ thành bột để seo giấy.

Họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết: Trúc chỉ được sinh ra khi các nghệ sỹ tác động lên bề mặt tấm giấy đang ướt bằng các phương thức khác nhau, vận dụng nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa (printmaking) để thay đổi bản chất cấu trúc cũng như bề mặt nhằm tạo nên các tác phẩm mang đặc trưng ngôn ngữ đồ họa.

Trên tấm trúc chỉ, anh và các cộng sự của mình đã dùng vòi phun nước, bóc đi từng lớp trúc chỉ và tạo ra những sắc độ như ý muốn.       

Với phương pháp đó, anh và các cộng sự của mình đã chọn riêng cho mình cách ứng xử với truyền thống: Sự tiếp biến, có nghĩa là khai thác những năng lượng tích cực và tính sáng tạo của truyền thống chứ không bị bó buộc trong tính vật chất hay trong những niêm luật.

"Bởi vì nếu như vậy chúng tôi sẽ đi về hướng phục dựng. Khi đã phục dựng thì giới hạn hiện ngay trước mắt bởi nếu vậy chúng tôi chỉ phục dựng lại đúng với những giá trị đã có mà thôi. Điều đó cũng có nghĩa tính sáng tạo sẽ bị đóng lại.

Cho nên chúng tôi chọn phép tiếp biến để có thể mở ra và tiếp nhận rất nhiều kĩ thuật khác. Đó là cơ hội để tạo ra những điều mới mẻ mà vẫn có nền tảng truyền thống"- anh lý giải.

Quy luật của trúc chỉ cũng không ngoài quy luật sáng tạo của nghệ thuật. Họa sĩ Phan Hải Bằng tâm niệm phải làm một điều gì đó khác hơn trên nền tảng khái niệm về nghề giấy truyền thống.

"Nếu định kiến là giấy ở trong đầu thì sự tiếp nhận những nỗ lực của chúng tôi trong dự án nghệ thuật "Trúc Chỉ Việt Nam" sẽ bị chững lại ở khái niệm giấy bởi vì chúng tôi đã đi quá xa với câu chuyện của giấy, như một đứa con đã đi khỏi làng quê của mình.

Tuy nhiên sự kết nối với quê hương của chúng tôi rất chặt chẽ bởi phương hướng năng lượng và tính sáng tạo, để rồi trả lại cho quê hương một giá trị mới: đó là nghệ thuật Trúc Chỉ"- họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ.

Con đường tìm ra trúc chỉ với Phan Hải Bằng giống như một sự trở về. Bắt đầu từ năm 2000, anh đã nghiên cứu về giấy thủ công. Hành trình đó bị ngắt quãng đến năm 2007, khi anh giành được học bổng đi nghiên cứu điền dã ở các làng giấy Đống Cao- Bắc Ninh và làng giấy Chiềng Mai-Thái Lan. Lúc đầu anh đã thử dùng những nguyên liệu có sẵn như rơm, nứa, bẹ chuối, dâu...

Và cuối cùng cây tre đã được chọn làm nguyên liệu chính cho dự án trúc chỉ. Không chỉ là một biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam, cây tre với đặc tính xơ sợi của nó có thể đáp ứng được hai hướng đi của dự án là nghệ thuật thị giác và nghệ thuật tạo hình.

Và bắt đầu từ năm 2012, kết thúc quá trình thí nghiệm trong trường Đại học Nghệ thuật Huế, Phan Hải Bằng đã chuyển ra ngoài để nghiên cứu độc lập với các dự án về nghệ thuật của mình.

Nghệ thuật trúc chỉ và ứng dụng trong đời sống

Không dừng lại ở việc thay đổi kĩ thuật hay tìm ra một chất liệu mới, họa sĩ Phan Hải Bằng cùng với cộng sự là các nghệ sỹ trẻ và sinh viên nghệ thuật đang cố gắng xây dựng một giá trị mới có tên là Nghệ thuật Trúc Chỉ, với tâm niệm: Giấy là nghệ thuật, nghề giấy cũng là một nghệ thuật. "Việc sáng tạo này cần một nền tảng và sự bảo chứng nhất định của các giá trị khác cho một giá trị mới. Và với chúng tôi thì đó là giá trị của nền tảng truyền thống.

Cách ứng xử với truyền thống của chúng tôi là cách tiếp biến-khai thác năng lượng tích cực và tính sáng tạo của các giá trị truyền thống mà thôi" - Họa sĩ Phan Hải Bằng nói.

Họa sĩ Phan Hải Bằng.

Trở về với tinh hoa nghề truyền thống, từ đó Phan Hải Bằng cập nhật, cải tiến, thích nghi với đời sống hiện đại, tạo ra những giá trị mới. Năm 2012, một dự án mới mang tên "Trúc Chỉ" cùng với triển lãm chính thức ra mắt đầu tiên ở Huế.

Để rồi những năm sau đó, trúc chỉ vừa hiện hữu ở các triển lãm nghệ thuật thị giác trong và ngoài nước như "Giấc mơ sau lũy tre làng qua nghệ thuật Trúc Chỉ" (2013), "Đồ họa không giới hạn", "Đối thoại tranh in Việt-Bỉ" (2014)... giành nhiều giải thưởng, đồng thời xuất hiện trong đời sống với các sản phẩm ứng dụng từ nhiều đơn đặt hàng.

Tiến Sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Trúc chỉ - nguồn năng lượng mới cho nhiều họa sĩ

Phan Hải Bằng là một con người luôn muốn làm cái mới, cái gì đó khác biệt. Thông qua những hoa văn trên trúc chỉ có thể thấy quá trình sáng tạo của Phan Hải Bằng, với mong muốn hội tụ những biểu tượng của văn hóa Việt. Trúc chỉ như một nguồn năng lượng mới cho nhiều họa sĩ không chỉ ở Huế mà còn với những ai đam mê đồ họa. Theo thời gian, nhu cầu cuộc sống đã tác động phần nào đến trúc chỉ. Bản thân sản phẩm thủ công đã là nghệ thuật nhưng nó có thêm chức năng sử dụng. Tư tưởng nghệ thuật bây giờ cũng không có sự phân biệt nghệ thuật thuần túy và nghệ thuật ứng dụng. Giấy trúc chỉ hay nghệ thuật thủ công từ trúc chỉ đều là các sản phẩm nghệ thuật với chức năng khác nhau.

Từ khi có thêm người cộng sự là họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi hỗ trợ, Phan Hải Bằng đã phát triển mảng sản phẩm trúc chỉ ứng dụng, làm ra những chiếc ví, chiếc túi, quạt, CD, bìa sách, ô, dù có thể đi ngoài trời được. 

Luôn muốn làm những điều mới mẻ, đã có lúc Phan Hải Bằng định để lại dự án Trúc Chỉ cho sinh viên, còn mình lại tiếp tục tìm kiếm những chất liệu khác.

Thế nhưng, theo Nguyễn Phước Nhật, thành viên của dự án thì Trúc Chỉ rất cần họa sĩ Phan Hải Bằng với vai trò định hướng, tìm kiếm sự thay đổi cho những giá trị mà anh đã tìm ra. "Ý tưởng là điều quan trọng nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Phương trong một chương trình thực hành đồ họa tại Huế (nguồn internet).

Tinh thần của chúng tôi là sáng tạo, làm việc miệt mài, luôn cần cù, không ngại khó khăn. Trúc chỉ với tôi sau 2 năm gắn bó vẫn còn mới lạ và còn nhiều điều muốn khám phá" - Nguyễn Phước Nhật nói.

Hiện nay Phan Hải Bằng và các cộng sự của mình đang kết hợp nghệ thuật Trúc Chỉ với các nghề thủ công truyền thống khác của Huế, chế tác trên cả hai phương diện: nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng nhằm tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn đất cố đô.

Đến với nghệ thuật Trúc Chỉ, Phan Hải Bằng tự ví mình và các cộng sự như những người đang bước ra gió. Anh cho rằng, đó cũng là quá trình đấu tranh với nội tại để giữ vững con đường của mình, đến mức độ hoàn chỉnh chứ không chấp nhận những sản phẩm "lấp lửng", chưa hoàn thiện.

Nhà phê bình mỹ thuật Đào Mai Trang: Trúc chỉ đem lại một cách hiểu khác về giấy

Đôi khi chúng ta thường mặc định giấy gắn liền với thủ công, mỹ nghệ, như một di sản hơn là với nghệ thuật. Trúc chỉ đã cho ta một cách hiểu khác. Nếu để ý ta sẽ thấy những tấm giấy trúc chỉ có thể được bồi trên những chất liệu khác như nhựa, mêca... có thể xuyên sáng được. Do vậy, tôi cảm nhận sự linh hoạt của trúc chỉ có thể giúp cho nghệ thuật ứng dụng của nó phát triển mạnh mẽ, cho ra đời nhiều bản thiết kế khác nhau, kích thích sự sáng tạo và tạo ra số lượng sản phẩm ứng dụng của nghệ thuật Trúc Chỉ rất phong phú.

Đậu Dung
.
.
.