“Hamlet” xuất ngoại và giấc mơ cho sân khấu kịch kinh điển
- 'Hamlet' của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn tại Singapore
- Đạo diễn – NSƯT Anh Tú: Quyết tâm mang “Hamlet” lên sân khấu lần nữa
- “Hamlet” sẽ gây bão sân khấu nước nhà?
Cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà hát
Trước đó, khi ra mắt khán giả tại tại Nhà hát Lớn hồi tháng 11/2015, với giá 1 triệu đồng/vé, “Hamlet” đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả. Và “Hamlet” Nam tiến cũng nhận được những phản hồi tốt từ phía khán giả. Tuy nhiên, đó mới chỉ là thành công bước đầu.
Nếu ai đã xem “Hamlet” mới thấy được sức lao động nhọc nhằn của nghệ sĩ, sự đầu tư về nhân lực, vật lực cho những vở diễn kinh điển lớn đến mức nào. Kèm theo nó là tâm huyết, đam mê của cả một ekip muốn dấn thân, muốn sáng tạo và trả lại cho thánh đường sân khấu những giá trị nguyên khởi của nó. Nhưng một vở diễn được đầu tư như thế, nếu chỉ đỏ đèn một vài buổi thì thật đáng tiếc. Song đó đang là thực trạng của sân khấu miền Bắc.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Việc dựng vở kịch “Hamlet” là một cuộc thử sức đối với các nghệ sĩ trẻ khi đảm nhận những vai diễn kinh điển trong tác phẩm kinh điển, đồng thời cũng là cuộc thử sức của Nhà hát Kịch để gây được tiếng vang lớn, kéo được công chúng về rạp chiếu”.
Vở kịch kinh điển “Hamlet”. |
Được đầu tư với kinh phí dựng vở gấp đôi so với các vở kịch khác - hơn 1 tỉ đồng, điều đáng mừng là cả hai cuộc thử sức này bước đầu nhà hát đã thành công khi “Hamlet” “cháy vé” ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo ông Vinh, việc đưa “Hamlet” công diễn ở nước ngoài cũng sẽ là một cuộc thử tiếp theo, nhằm tạo sức hút với xã hội để xã hội cùng đồng hành đưa vở diễn đến với khán giả không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Những tín hiệu vui của một vở diễn nặng ký như “Hamlet” cho thấy sự quan tâm, dù mới chỉ nhỏ giọt của xã hội tới những giá trị kinh điển. Dù NSND Anh Tú khẳng định, việc “Hamlet” sang Singapore diễn chỉ là sự may mắn, ăn xổi”, thì sự kết hợp của một doanh nghiệp với sân khấu cũng mở ra một hướng đi mới cho sân khấu nước nhà vốn đang “ngủ đông”.
Ở lần xuất ngoại này, “Hamlet” được mang tới khán giả Singapore bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do tập đoàn Tân Hiệp Phát tài trợ. Nhà hát lấy bản gốc tiếng Anh của kịch bản để chạy phụ đề cho lời thoại. Và để chuẩn bị cho việc lưu diễn tại Nhà hát Victoria, từ những ngày đầu tháng 3, vở kịch “Hamlet” đã được đạo diễn - NSND Anh Tú cùng các nghệ sĩ nhà hát chuốt lại. Ông Chuk Searcy (người Mỹ), tư vấn viên quốc tế đã đánh giá cao chất lượng nghệ thuật vở diễn: “Các bạn đã có một vở “Hamlet” tuyệt vời, rất Shakespeare nhưng cũng rất Việt Nam…”.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, những vở kịch kinh điển của Việt Nam mới được trình làng ở những sân khấu lớn của thế giới. Cách đây 10 năm, Nhà hát Tuổi trẻ đã từng đưa “Nhà búp bê” lưu diễn ở các nước châu Âu, rồi “Mùa hạ cay đắng” sang Hàn Quốc. Năm ngoái, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đưa “Cô gái đội mũ nồi xám” sang lưu diễn ở Đức. Nhưng để có sự tài trợ của một doanh nghiệp cho một lĩnh vực mang tính chiều sâu như sân khấu kịch, có lẽ là hiếm.
Vở “Quan thanh tra” của Nhà hát Tuổi trẻ đang có kế hoạch xuất ngoại. |
Nhà hát Tuổi trẻ, trong công cuộc tự nuôi sống mình đã có cuộc “bắt tay” rất mạnh mẽ với ngân hàng SHB (Ngân hàng thương mại và cổ phần Sài Gòn - Hà Nội). Năm 2014, 100 suất diễn miễn phí của “Mùa hạ cuối cùng” đã đến với hơn 100 trường đại học. Và năm 2015, 100 suất diễn “Ai là thủ phạm” đã làm một tour diễn ở các tỉnh nghèo, xa xôi ở miền Bắc. Sự hợp tác thành công đó đã đem lại hiệu ứng tốt cho cả hai.
Thương hiệu của SHB đã chiếm lĩnh niềm tin của mọi người với tư cách là một ngân hàng quan tâm đến những dự án cộng đồng và hướng tới những giá trị nhân văn. Việc phát triển thương hiệu bằng tài trợ cho các dự án nghệ thuật, nhất là sân khấu kịch, thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hóa của doanh nghiệp.
NSƯT Chí Trung, người nhiều năm vật lộn để góp phần duy trì sự tồn tại của Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định: “Tuy nhiên không phải sự bắt tay nào cũng có thể thành công. Đó không đơn giản là việc doanh nghiệp cho và nhà hát nhận, hai bên cần nhau thì món quà mang đến khán giả mới đáng quý. Món quà đó phải được dâng lên khán giả bằng hai tay với sự trân trọng và nâng niu nhất. Và cái được lớn nhất, đó là những giá trị nghệ thuật được tôn vinh, sân khấu được đến với cộng đồng. Còn doanh nghiệp, họ cũng phát triển được thương hiệu của mình một cách uy tín, vững chãi”.
NSƯT Chí Trung khẳng định, không phải sự hợp tác nào cũng thành công, mà sự hợp tác phải bắt đầu từ thiện chí và tâm huyết của cả hai bên vì những lợi ích dài lâu cho văn hóa, cho cộng đồng. Bởi hiệu ứng và những tác động của văn hóa là vô cùng.
NSND Anh Tú cũng khẳng định: “Việc “Hamlet” xuất ngoại là một may mắn, bởi thực tế ở Việt Nam, chưa có thói quen tài trợ văn hóa, nhất là những lĩnh vực bị coi là chìm như sân khấu. Các doanh nghiệp có thể tài trợ những chương trình game show hay các hoạt động bề nổi, bởi tài trợ cho kịch, họ không nhìn được những cái lợi trước mắt. Đây là một hướng đi mới cho sân khấu, cố tìm kiếm những tri âm tri kỷ với sân khấu để tìm lối thoát cho mình. Chúng tôi không muốn dựng những vở diễn để rồi đắp chiếu, không có khán giả. Dù cuộc chiến này cũng rất khó khăn, gian nan”.
Sự thành công khởi đầu của “Hamlet” đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, để góp phần đưa xã hội tham gia vào cuộc chiến phục hồi lại thánh đường sân khấu. Việc xuất ngoại của “Hamlet” là một tín hiệu đáng mừng, nhưng điều quan trọng, nghệ sĩ Anh Tú khẳng định, vẫn là công cuộc chinh phục khán giả trong nước.
“Sân khấu có èo uột cũng không thể trông đợi vào khán giả hải ngoại, mọi giải pháp để vực dậy sân khấu đều phải hướng đến hàng chục triệu khán giả trong nước. Thực trạng đó xuất phát từ yếu tố chủ quan của sân khấu, nghệ thuật sân khấu nói chung đang không theo kịp đời sống của khán giả”.
Mặc dù vẫn có nhiều vở diễn hay, chất lượng nhưng một đạo diễn tốt, một tác phẩm xuất sắc không thể làm nên diện mạo và cũng không thể đại diện cho một nền sân khấu được. Thậm chí anh cũng thẳng thắn cho rằng hiện hài kịch ở miền Bắc nhào đi nặn lại về mặt nội dung, khan hiếm kịch bản hay.
Nói một cách thẳng băng thì hoạt động của sân khấu miền Bắc trong thời gian qua gần như bằng lặng. “Còn nhớ, cách đây khoảng 10 năm, bất luận là chính luận, kinh điển, thì thước đo của mỗi vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ phải là 70 suất trở lên. Lên tới 100, 120 suất mới là sự kiện. Bây giờ thì thực sự là hiếm hoi. Kể cả những vở như “Mùa hạ cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”… “Vòng phấn Kafka”, khán giả thích lắm, nhưng khi bán vé thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rất nhiều vở tham gia hội diễn của các nhà hát, chỉ diễn đúng đêm hội rồi cất vào kho.
Ngay như tác phẩm “Quan thanh tra”, được đánh giá là tốt, gần với đời sống đương đại, được trau chuốt, kỹ lưỡng. Nhưng thực sự để khán giả mua vé vẫn là những hài kịch ngắn “Đời cười”. Ngay cả những suất chiếu ngày mồng 8-3, chúng tôi đưa “Quan thanh tra” vào danh mục, nhưng cũng chả ai hỏi, họ chỉ quan tâm đến hài kịch. Những vở kinh điển gần như xếp kho, còn những vở hài mang lại cho chúng tôi nhiều tiền, thậm chí đưa chúng tôi đi nhiều nước trên thế giới. Đó là một nghịch lý của nghệ thuật”, NSƯT Chí Trung khẳng định.
Thực trạng đó cho thấy, việc xuất ngoại của “Hamlet” trong thời điểm “ngủ đông” của sân khấu là một tín hiệu tốt, mở ra một hướng đi mới cho sân khấu kịch. “Văn hóa, nếu khéo kết hợp với một thương hiệu sẽ tạo nên những thương hiệu tốt. Tính nhân văn nằm ở từng đêm diễn ở các tỉnh, từ vùng nghèo, sân khấu mở tung mời mọi người vào. Đó phải là sự cùng đồng lòng, đồng hành với nhau. Đó là mối quan hệ 3 bên, doanh nghiệp, nhà hát và khán giả”.
NSƯT Chí Trung: Sẽ đưa vở kịch kinh điển “Quan thanh tra” sang Nga, tại sao không? Khi sang Nhật, ông giám đốc một nhà hát nổi tiếng ở Nhật nói rất nhiều điều hay về sân khấu, về nghệ thuật. Nhưng tôi nhớ mãi một điều ông nói rằng, ở Nhật, từng quận, huyện khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp tiền để nuôi các nhà hát trong quận hoạt động. Ở Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp tài trợ cho sân khấu, bởi họ chưa nhìn thấy lợi ích của mình. Nhưng nếu nhìn vào chiều sâu, thì thực sự có những hiệu quả không ngờ. Tháng 11-12, tôi cũng dự định đưa “Quan thanh tra” sang Nga. Điều này không gì là không thể. Đó là một dự án đã đi vào kế hoạch. Vấn đề còn chờ các doanh nghiệp bắt tay mà thôi. Để vực dậy cả một nền sân khấu, chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của nhà nước mà cần sự chung tay của toàn xã hội. |