Hài nhảm vì sao vẫn có đất sống?
- Hài nhảm trên truyền hình: Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên?
- Hài ảo, hài nhảm lại "gây bão" trên mạng internet
Làm hài-khẩu ngữ của những người trong nghề-luôn là một phương pháp hữu hiệu trong nghệ thuật biểu diễn, bởi xét ở góc độ đơn giản nhất, nó đáp ứng được nhu cầu của khán thính giả nói chung. Đó là nhu cầu được giải trí, được “xả hơi”, nhất là trong cuộc sống hiện đại bây giờ vốn gấp gáp và nhiều căng thẳng. Chính vì thế mà dù các chương trình hài nhiều đến mức bội thực, nhưng cảnh “nhà nhà làm hài”, “người người làm hài” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Xét về góc độ chi phí sản xuất thì thực ra làm hài không đắt đỏ và tốn kém như người ta vẫn tưởng. Ngay cả cát sê cho các ngôi sao hài cũng không đến nỗi quá nhiều nếu tính toán kỹ, bởi nhiều khi, đó là quan hệ hai bên. Ngôi sao cũng cần phải xuất hiện liên tục để tạo ảnh hưởng cần thiết, là vì nếu không chỉ một thời gian ngắn là công chúng sẽ quên ngay họ là ai. Và để bù vào chi phí ấy, nhà sản xuất phải hối hả làm việc để thời gian không được kéo dài, và hệ lụy là gì thì không cần phải nói ra.
Một clip hài hoặc thậm chí một phim ngắn chừng 30-45 phút được quay trong một ngày là chuyện hoàn toàn bình thường, dù trước đó, người ta đã từng coi là chuyện không tưởng hoặc nếu có, là minh chứng của việc làm ăn chụp giật, mỳ ăn liền. Còn lại, những chi phí khác đều không cao, kể cả làm hài dân gian.
Nhà sản xuất tìm một vài bối cảnh cổ, cố gắng tránh dây điện đường nhựa là xong. Còn nếu không, tìm một vài khu du lịch làm theo lối cổ mà thực chất là cổ kim cách điệu chẳng hiểu theo trường phái kiến trúc của thời nào, hoặc thậm chí kéo về phủ điện nhà mình quay, thế là ngon-bổ-rẻ. Đến những khu du lịch theo lối cổ đó, thậm chí còn được tài trợ bởi cứ xuất hiện trên phim là được PR rồi, sau đó là sẽ có khách, hai bên cùng có lợi.
Còn trang phục cổ thì lại càng đơn giản hơn, bởi đa phần các diễn viên chuyên nghiệp đều có sẵn ít nhất bộ quần áo nâu để vào vai nông dân, bộ áo dài khăn đóng để làm vai chức sắc. Nếu trang phục phức tạp hơn thì đi thuê, giá cũng rất hợp lý. Chính vì thế mà công chúng sẽ thấy sự giống nhau của các chặp hài cổ trang, lý do chỉ là giảm chi phí.
Còn lại, các diễn viên phụ thì càng không cần lo đến cát-sê, bởi nhiều khi họ chỉ cần được xuất hiện để tăng độ phủ sóng. Thậm chí, nhiều khi, ông bầu của các hot-girl, ca sỹ, nếu không có quan hệ thân thiết với nhà sản xuất hài, còn phải trả thêm tiền để “gà” của mình được xuất hiện. Và tất nhiên, để sự xuất hiện ấy gây được ấn tượng mạnh, không gì đơn giản và hiệu quả hơn là khoe thân và làm những trò nhảm nhí lố lăng khác.
Hài nhảm đầu độc khán giả (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Điều này lý giải vì sao các chương trình hài thời gian qua hay dùng đến cách này. Điểm qua một số chương trình gây chú ý về độ nhảm như “Làng ế vợ”, “Tỷ phú đè đại gia”, “Bản nhiều vợ”… người ta sẽ thấy tần suất các hot-girl khoe thân càng lúc càng dày đặc. Xét về cơ bản, việc khoe cơ thể của cả phụ nữ và đàn ông, nếu được làm một cách thật khéo léo, thì cũng góp phần làm tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm, bởi nó hướng tới cái đẹp của con người. Tuy nhiên, ở những chương trình hài này, nó là một sự thu hút chú ý rẻ tiền và thậm chí phản cảm.
Vì đầu tư kịch bản không kỹ cho nên những cảnh khoe thân này đôi khi không liên quan gì đến nội dung câu chuyện cũng như không mang mục đích nghệ thuật gì. Nó có khi chỉ là cảnh mấy cô hot-girl ngồi trên xe bò, rồi cái áo tự nhiên mắc vào cành cây, thế là nhân vật nam tiến đến tra hỏi trong lúc cô gái cố tỏ ra luống cuống che phần nhạy cảm lại.
Hoặc cảnh thôn nữ tắm suối rồi đột nhiên các hot-girl từ thành thị về nhảy xuống tắm cùng, té nước rồi lên bờ, khiến người xem có cảm giác như đó là một cảnh có cũng được không có cũng chẳng sao. Tất nhiên ống kính máy quay sẽ tả những cảnh ấy thật chậm và ấn tượng. Hay có khi thô thiển hơn, cứ cho các hot-girl ấy ăn mặc khêu gợi đi lại từ đầu đến cuối, ai diễn được thì nói vài câu, ai không diễn được thì cứ hiên ngang mà đi đi lại lại, thế cũng là tốt rồi bởi cuối cùng khán giả chỉ xem cơ thể họ chứ cũng không đòi hỏi gì hơn.
Khán giả càng chú ý, càng phẫn nộ, càng bình phẩm càng tốt, vì có thế mới tạo được ấn tượng, mới dễ dàng được lan tỏa rộng. Nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ việc đó để thực hiện những cảnh quay khêu gợi này ở mức đủ để tạo chú nhưng lại không vi phạm bất cứ chuẩn mực gì của hệ thống kiểm duyệt Nhà nước nếu muốn phát hành băng đĩa hay chiếu rạp cũng như hệ thống tự kiểm duyệt của các mạng xã hội nổi tiếng như YouTube hoặc Facebook. Và vì không bị cấm phát hành hay bị gỡ xuống, nên chỉ sau ít ngày, những cảnh khoe thân ấy được lan truyền đến chóng mặt.
Nhà sản xuất có ngay đội ngũ thực hiện những clip ngắn trích những cảnh quay ấy, đặt tiêu đề thật sốc để tăng truy cập, và việc còn lại thì ai cũng biết là những clip ấy được chia sẻ và xem đến chóng mặt. Điều này không có gì lạ, bởi theo một thăm dò gần đây do mạng tìm kiếm Google thực hiện, thì người Việt đứng đầu thế giới về tìm kiếm theo từ khoá “sex”.
Người ta coi đó là dung tục, là tầm thường, nhưng người ta vẫn xem bởi sự tò mò và ham thích. Bản năng con người là vậy. Một clip hài có cảnh khoe thân hoặc những trò gây sốc khác, sau một ngày tung lên kênh YouTube có thể đạt lượt xem lên đến con số triệu, đồng nghĩa với việc họ có thể được hưởng phần trăm quảng cáo từ chính kênh đó. Chính vì thế mà không tội gì không làm hài.
Khán giả chưa quên câu chuyện Trấn Thành bị Đài Vĩnh Long cấm lên sóng vì diễn hài nhảm. |
Đấy là nói đến những nhà sản xuất hài có quy mô, chưa nói đến cách nhà sản xuất nhỏ hơn. Ngày hôm nay, việc thực hiện clip hài để đưa lên mạng không có gì dễ dàng hơn với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số.
Người ta chỉ cần một cái máy ảnh tốt, thế là đủ, thậm chí, một cái điện thoại thông minh có độ phân giải cao cũng được. Tự làm clip tung lên mạng, rồi tìm nhà tài trợ, không có nhà tài trợ thì chờ đợi đủ lượt xem rồi mạng sẽ trả tiền cho mình. Thảng hoặc cũng có người thành công, do may mắn, do đáp ứng được thị hiếu của cư dân mạng. Một đồn mười, mười đồn trăm, thế là đua nhau làm. Đây lại không phải sản phẩm phát hành chính thống, nên không hề được qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc.
Vậy là khoe thân thoải mái, nói nhảm thoải mái, nhân vật càng kỳ dị càng tốt, thậm chí cả clip nội dung và nhân vật nói chuyện với nhau cứ như ở trại tâm thần bằng loại ngôn ngữ do trí tưởng tượng ngô nghê nghĩ ra. Thế nhưng, họ vẫn có người xem của họ, điều này là hiển nhiên không phải bàn cãi. Nhất là các nhãn hàng, khi có nhu cầu quảng cáo sản phẩm mà chi phí quảng cáo trên truyền hình hay trên các phương tiện chính thống khác rất cao nhưng đôi lúc không đạt được hiệu quả. Vậy nên cách hay nhất là thuê làm clip hài quảng cáo, rẻ mà hiệu quả bởi sự lan tỏa của nó.
Bởi vì quảng cáo là gây ấn tượng nên clip hài (nhảm) vẫn có đất sống, và thậm chí sống khoẻ trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhất là về chi phí sản xuất. Người ta có thể hạ chi phí sản xuất đến mức tối thiểu để có chương trình mà làm, thành thử các nhãn hàng vẫn dành ưu tiên cho clip hài, nhất là ở những sản phẩm liên quan đến gia đình cũng như sức khoẻ sinh sản. Đã có nhiều công ty truyền thông làm ăn phát đạt từ những hợp đồng quảng cáo kiểu này và xu thế này cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. Rẻ mà hiệu quả, tội gì không làm.
Trích đoạn “Tấm Cám” trong chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi” được xem là hài nhảm. |
Của đáng tội, nhu cầu giải trí, “xả xú páp” của đại đa số công chúng vẫn rất cao, nhất là khi được xem gần như miễn phí, chỉ phải trả một số tiền hằng tháng cho dịch vụ internet. Cho nên, hài nhảm vẫn có đất sống, không bằng cách này thì bằng cách khác.
Hôm nay xu thế là khoe da thịt, hôm sau có thể xu thế là gây những tình huống phi thực tế nhưng phải rất sốc, ngày sau nữa có thể là những trò lời-gây hài bằng câu văn-đầy ngô nghê. Và cuối cùng, người chịu thiệt chính là công chúng.
Bởi miếng pho mát miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột, nên cuối cùng công chúng phải xem những sản phẩm tinh thần không hay, dần dần làm giảm đi khả năng cảm thụ nghệ thuật đích thực, khơi dậy những cảm xúc thấp hèn nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Và đến một lúc nào đó, họ sẽ không còn phân biệt được đâu là nghệ thuật và đâu là giải trí đơn thuần nữa.