HLV bóng đá: Trò chơi, cuộc đấu trí và những bài học
Người kế nhiệm Guardiola ở Bayern sẽ là Ancelotti, HLV cũ của Chelsea. Ai thay chỗ Pellegrini ở Man City? Có thể sẽ là van Gaal hoặc một người nào đó quen mặt. Tại Man Utd, cuộc khủng hoảng cũng đã đến hồi kết, van Gaal sớm muộn gì cũng sẽ phải "ra đường", người lên thay gần như chắc chắn là Mourinho, kẻ vừa bị Chelsea tống khứ, sau một cuộc "thanh trừng" dữ dội từ các cầu thủ ngôi sao.
Vậy ai sẽ ngồi vào ghế nóng ở Chelsea? Tạm thời là Hiddink, nhưng lâu dài có thể là Guardiola, thậm chí có thể là chính Pellegrini… Đấy, cuộc tráo đổi HLV chẳng khác gì những màn "xoay tua" đội hình hay những thương vụ cho mượn cầu thủ. Tất cả chung quy cũng chỉ vì khủng hoảng. Có thể là khủng hoảng phong độ, khủng hoảng nhân sự, khủng hoảng tâm lí, khủng hoảng lối chơi, hay khủng hoảng vì… bị học trò "chơi khăm".
Đến đây, câu chuyện số phận của HLV được khơi lại. Dù nó rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng thấm nhuần và thực hiện được trọn vẹn, vì đó là những bài học mà phải bỏ cả sự nghiệp, cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thành công. Đến đây, những câu chuyện về HLV được kể lại như những lời giải thích cho việc, tại sao những HLV hay thất bại. Mà càng giỏi, càng cá tính thì càng dễ bị sa thải.
Mourinho quá cá tính. |
Vào bữa ăn trưa trước trận chung kết Champions League năm 2012 gặp Bayern Munich, HLV của Chelsea khi ấy là ông Roberto Di Matteo đã công bố danh sách 10 trong số 11 cầu thủ đá chính. Vị trí còn khuyết duy nhất là tiền vệ cánh trái, người sẽ phải đối mặt với cặp đôi siêu hạng Robben-Philipp Lahm bên phía Bayern. Trong cuộc họp cuối cùng, Di Matteo đã có cuộc nói chuyện riêng với hậu vệ trái Ashley Cole. Ông nói rõ tình hình và hỏi A.Cole rằng: "Theo anh, ai sẽ chơi tiền vệ trái?".
Thay vì cái tên nào đó đầy kinh nghiệm, A.Cole đưa ra cái tên: Ryan Bertrand, một cầu thủ dự bị mới 22 tuổi, chưa từng đá một trận nào ở Champions League. Di Matteo ngạc nhiên hỏi lại: "Tại sao". A.Cole chỉ nó rằng: "Tôi tin anh ta sẽ làm tốt". Di Matteo chọn Bertrand và thực tế cầu thủ này đã chơi cực tốt giúp Chelsea đánh bại Bayern trên loạt luân lưu và giành chức vô địch. Ngày ấy, Di Matteo là HLV trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm và chỉ là tạm quyền thay Villas-Boas. Ông đã gạt cái tôi của mình để nâng cái tôi của cầu thủ lên. Và Di Matteo thành công rực rỡ.
2.Chuyên gia Chris Brady, giáo sư tại Salford Business School viết trong luận án của mình: "Luôn tồn tại một cuộc chiến nhân tài trong mọi đội thể thao. Các CLB bóng đá trả hơn 1/2 doanh thu cho các cầu thủ, những người giàu có, đa quốc gia, với điện thoại đắt tiền, xe hơi, nhà cửa sang trọng cùng cái tôi rất lớn. Quản lí họ là điều kiện tiên quyết. Tôn trọng họ là yếu tố quyết định để quản lí những người ấy".
Đúng tuyệt đối. Điều hiển nhiên trong xã hội là: một tài năng lớn thường đi kèm cái tôi lớn chẳng kém. Vì thế hãy chấp nhận nó và điều hòa nó. Về điều này, Mourinho cũng có cái tôi quá lớn, van Gaal cũng vậy. Vì thế, những cái tôi không được dung hòa. Kiểu như trời không chịu đất và đất cũng chẳng chịu trời. Nếu không muốn sự việc bị đẩy xa thành nghiêm trọng như chuyện Mourinho bị một nhóm ngôi sao "tạo phản", cần phải có những quy tắc ứng xử linh hoạt.
Theo lẽ thường, những cái tôi lớn sẽ làm hỏng một tổ chức. Nhưng cầu thủ giỏi thành công một phần là do cái tôi của họ, bởi họ được định hướng để trở thành ngôi sao. Trong trận chung kết Champions League 2008 ở Moscow (Chelsea gặp Man Utd), Drogba bị đuổi khỏi sân ngay trước khi diễn ra loạt luân lưu. Drogba không đá và Chelsea thua.
Sau đó được hỏi, Drogba đã khẳng định: "Tôi chỉ muốn đá quả cuối cùng, sau khi tất cả mọi thứ đã xảy ra tại Moscow". Bốn năm sau, trong trận chung kết Champions League 2012, Didier Drogba là người ghi bàn gỡ hòa, sau đó trực tiếp thực hiện cú sút luân lưu thứ 5 mang lại chức vô địch cho Chelsea.
Cá tính ở chỗ ấy. Nếu một HLV nào đó chỉ muốn quản lí những anh lính biết vâng lời, nó sẽ là chính HLV đó đơn giản và không thể có những tài năng. HLV Chelsea là ông Guus Hiddink tin rằng những người khó quản lý là thứ tốt nhất của một HLV: "Không cầu thủ nào lớn hơn CLB, nhưng CLB cần phải đủ lớn để chứa bất kỳ cầu thủ tốt cá tính nào". Khi Hiddink dẫn dắt PSV Eindhoven cách đây 25 năm, ngôi sao của ông là Romario. Tiền đạo người Brazil này thường ở lại Rio quá hạn nghỉ dự lễ hội carnaval. Hiddink kỷ luật thẳng tay, nhưng vẫn coi anh Romario là mắt xích không thể thiếu. Điều đó giúp ông bảo vệ những cầu thủ chăm chỉ, nhưng vẫn tạo cảm hứng cho Romario.
Có lẽ thành tựu lớn nhất của Alex Ferguson trong 27 năm huấn luyện Man Utd là kiểm soát được Eric Cantona. Cầu thủ người Pháp gia nhập Man Utd năm 26 tuổi, sau khi đã rời bỏ hầu hết các CLB trước đây vì cá tính quá mạnh. Ferguson hiểu rằng chìa khóa để kiểm soát Cantona rất đơn giản, là luôn đứng về phía anh ta. Cantona cảm giác được bảo vệ, và anh ta sẵn sàng hi sinh vì người bảo vệ mình.
Boudewijn Zenden, cầu thủ người Hà Lan từng chơi cho Barcelona và Chelsea, nói: "Bóng đá là môn thể thao nhóm có tính cá nhân". Tại sao? Vì mỗi người trong đó đều muốn tạo vinh quang cho chính mình chứ không chỉ cho đội.
Tại Euro 2000, cả Zenden và Marc Overmars đều muốn chơi bên cánh trái cho ĐT Hà Lan, dù Overmars thực tế có thể chơi được cánh phải. Trong trận mở màn với Đan Mạch, HLV Hà Lan là Frank Rijkaard cho Overmars ra sân ở cánh trái. Zenden miễn cưỡng đồng ý chơi bên phải, vì lợi ích của đội bóng. Zenden nhớ lại hiệp 1: "Tôi đã chơi 45 phút tệ nhất sự nghiệp". Zenden chắc chắn sẽ bị thay ra. Nhưng không, Rijkaard thay Overmars và chuyển Zenden sang cánh trái. Kết quả, Zenden kiến tạo 1 bàn, ghi 1 bàn giúp Hà Lan thắng 3-0. Phần còn lại của EURO 200, Zenden chơi ở cánh trái.
Bài học cho sự hi sinh. Điều này cả van Gaal và Mourinho đều không thực hiện được ở Man Utd và Chelsea. Van Gaal thì thay đổi liên tục, không tập trung khai thác điểm mạnh, điểm yếu từng người vì sự cố chấp, bảo thủ của mình. Còn Mourinho quá cứng nhắc trong ứng xử, ai chống lại ông dù chỉ là thái độ hoặc lời nói đều bị đẩy ra ngoài cuộc chơi. Và đây là cách Mourinho bày tỏ sự độc đoán, muốn thống trị cả các tài năng cá tính khác mà ông có. Mà đây lại là bài học thứ 3.
Guardiola (trái) và Ancelotti, những HLV tiêu điểm của mùa đông này. |
Những HLV tài năng, khôn ngoan sẽ không cố gắng xâm nhập và quản lí phòng thay đồ. Pep Guardiola của Bayern Munich, cho rằng phòng thay đồ là lãnh thổ của các cầu thủ. Ông chỉ đi vào đó trong thời gian nghỉ ngơi giữa giờ. Những HLV hiện tại được gọi là "manager", tức là nhà quản lí, giống như những đạo diễn phim, có nhiệm vụ dỗ dành chứ không phải chỉ huy.
Ngay cả Sir Alex Ferguson, người đã từng tìm cách kiểm soát phòng thay đồ, cũng phải chấp nhận khi ông không thể sở hữu nó. Năm 2010 cầu thủ tốt nhất của Man Utd, Wayne Rooney, công khai đe dọa sẽ ra đi, đến CLB khác lương cao hơn, Ferguson đã phật ý nhưng ông cần Rooney, vì vậy ông đã gia hạn với mức lương cao hơn để cho Rooney ở lại. Công việc của người quản lý là để giành chiến thắng trận đấu, chứ không phải sự đụng độ với những ngôi sao của mình. Mourinho và cả van Gaal đã chọn "đụng độ" chứ không "thỏa hiệp".
3. Tương tự như câu chuyện của Di Matteo với A.Cole năm 2012, năm 2010, HLV Chelsea lúc ấy là Carlo Ancelotti đã chọn 11 cầu thủ cho trận chung kết FA Cup với Portsmouth, nhưng ông để các cầu thủ tự đưa ra chiến thuật phù hợp. Suốt mùa đó, Ancelotti đã để các cầu thủ đưa ra chiến thuật họ muốn và quyết định sử dụng nó lần lượt. Kết quả Chelsea thắng Portsmouth 1-0. Ancelotti nói: "Tôi chắc chắn các cầu thủ sẽ hoàn thành tốt chiến thuật, bởi vì họ nghĩ ra và muốn thực hiện nó".
Đội đua xe đạp Sky cũng áp dụng cách này và thành công rực rỡ. Nhưng quyết định cuối cùng phải thuộc về HLV, ví dụ trường hợp của Guardiola. Trước trận bán kết Champions League lượt về gặp Real năm 2014, ông đã để Bayern chơi đội hình 4-2-4 mà họ thích, dù lối chơi này ông chưa từng áp dụng. Bayern thua 0-4.
Tóm lại, làm HLV nói vậy thì dễ nhưng làm thì khó, với rào cản chính là cá tính. Họ có thể dạy cầu thủ nhưng khó có thể dạy chính mình. Và đến đây, chuyện van Gaal và Mourinho thất bại cũng là điều dễ hiểu, cũng là chuyện thường như chính những bài học này!
"Mánh" của HLV Tưởng như điều HLV cần làm với cầu thủ là truyền động lực, nhưng thực ra không phải Mike Forde, cựu trợ lí ở Chelsea, một người rất có tiếng nói trong bóng đá và giờ đang làm giám đốc thể thao ở một CLB bóng rổ Mỹ từng thành công với cẩm nang HLV. Trong đó ông viết, thực tế HLV không cần truyền động lực cho cầu thủ. Lí do: Ancelotti khi còn làm việc cùng Forde ở Chelsea cũng rút ra rằng, hãy nhắc nhở họ về chiến thắng, về hành vi và tính chuyên nghiệp. Theo họ, một tài năng bản thân nó đã là động lực. Guardiola cũng khẳng định: "Không, tôi không thể để tạo động lực cho họ nếu họ không tự có động lực. Nếu không có động lực, họ sẽ không thể là tài năng. Điều cần với họ là thả lỏng trước trận chiến". HLV lừng danh của Nottingham Forest là Brian Clough thực hiện đúng điều đó. Ông chia bia cho cầu thủ uống trên xe bus khi ra sân đấu, cho cầu thủ tận hưởng thứ họ muốn, kể cả xuống xe đi dạo rồi bắt taxi đến sân. Hoặc Nicolas Anelka, khi gia nhập Bolton 2006, CLB không mong anh ở lại đủ 4 năm, không tạo động lực. Họ nói, anh ấy phải chơi hết mình, bởi có thế Anelka mới đến được CLB lớn hơn, nhiều tiền hơn. Đúng vậy, sau 2 năm Anelka chuyển sang Chelsea với mức lương gấp 2. "Mánh" tiếp theo của HLV là: đừng mong cầu thủ tin tưởng mình, mà hãy để họ tin tưởng lẫn nhau trên sân. |