“Gặp nhau cuối năm” - không nên duy trì một chương trình chỉ để mua vui

Thứ Bảy, 01/02/2020, 07:25
“Gặp nhau cuối năm” được chờ đợi và kỳ vọng sẽ là một chương trình ấn tượng trong đêm giao thừa sau khi chương trình “Táo quân” nói lời từ biệt. Nhưng điều đáng tiếc, “Gặp nhau cuối năm” đã không được như mong đợi của nhiều người, thậm chí còn bị cho là nhạt và nhiều đoạn… nhảm.  

Trong khoảnh khắc linh thiêng chào năm cũ đón năm mới, khán giả cần những chương trình có ý nghĩa và sâu sắc hơn là chỉ mua vui với những nụ cười nhạt.

1. 16 năm nay, khán giả truyền hình đã quen chờ đợi một chương trình “Táo quân” đã thành thương hiệu, với những câu chuyện châm biếm thâm thúy, đi vào những vấn đề nóng của xã hội. Lời từ biệt của “Táo quân” sau 16 năm cũng là điều dễ hiểu vì sự đơn điệu và cạn kiệt ý tưởng.  Khán giả chờ đợi một chương trình hay hơn, có ý nghĩa hơn vào khoảnh khắc đặc biệt của đêm giao thừa. Năm 2020, “Táo quân” đã được thay thế bằng “Gặp nhau cuối năm”.

Không chỉ nhạt nhẽo, nhiều chi tiết của “Gặp nhau cuối năm” lạm dụng yếu tố tục, phản cảm.

Thay vì xây dựng kịch bản hài theo hướng “trào phúng”, đả kích các vấn đề xã hội như thương hiệu của “Táo quân”, format mới của “Gặp nhau cuối năm” mang đậm tính giải trí. Chương trình không đi sâu vào việc phê phán các sự kiện nổi cộm trong năm mà chỉ gây cười bằng những chuyện vụn vặt, thậm chí đôi khi hơi nhảm, không đáng có, không nên có trong đêm giao thừa.

Thay vì mượn cốt truyện dân gian của “Táo quân” với hình ảnh các Táo lên chầu trời và báo cáo Ngọc Hoàng tình hình của lĩnh vực mà bản thân đảm nhận trong suốt một năm dưới hạ giới, “Gặp nhau cuối năm” xoay quanh câu chuyện về làng Vũ Đại thời hội nhập. Các nhân vật trong chương trình chủ yếu bước ra từ các tác phẩm văn học thời kỳ hiện thực phê phán, như Lão Hạc (Quốc Khánh), Thị Mầu (Vân Dung), Nô (Tự Long), Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc), Mõ (Quang Thắng)…

Đặc biệt, “Gặp nhau cuối năm” lần đầu tiên có sự tham gia của bộ đôi danh hài là Xuân Hinh (vai Chí Phèo) - Thanh Thanh Hiền (bà Phó Đoan). Câu chuyện mở đầu với sự kiện Mõ (Quang Thắng) kêu gọi họp làng. Từ đó, lần lượt các nhân vật cứ thế xuất hiện. NSƯT Quốc Khánh bước ra sân khấu với vẻ già nua trong vai cụ Hạc. Nhưng đây thực chất lại là nhân vật có tiếng nói quyền lực trong làng. NSND Tự Long đảm nhận vai anh Nô mê làm ca sĩ.

Một cảnh trong “Gặp nhau cuối năm”.

Nô luôn luôn khắc khẩu với Chí Phèo của Xuân Hinh. Cả hai sau đó còn có màn “đấu khẩu” qua việc thể hiện tài năng ca hát, nhưng chung cuộc không có ai chiến thắng. Cùng với Nô là Thị Mầu của Vân Dung với biệt tài "sinh con ngoài giá thú". Chí Trung vào vai “ông hoàng truyền thông nghìn like”.

So với các nhân vật khác, Chí Trung là đại diện của lối sống hiện đại, với phương châm "thốc, thếch, thến”. Nhân vật có hai đệ tử là Duy Nam và Trung “Ruồi” với những màn livestream bán hàng online. Chương trình miêu tả về một ngôi làng trong thời hội nhập, người người mở homestay để kinh doanh. Và Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc) xuất hiện cùng với vợ mình là bà Phó Đoan (Thanh Thanh Hiền).

Cả hai liên tục đưa ra những sáng kiến đột phá nhằm phát triển ngành du lịch ở làng Vũ Đại như chặt cây đa, lấp giếng làng, rồi đập cổng làng. Chiếc cổng làng linh thiêng khiến những nhát cuốc nâng lên rồi hạ xuống và cuối cùng, ai cũng nhận ra, ngôi làng cần được gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của nó dù phát triển đến mức nào.

Chương trình khá hấp dẫn về mặt âm nhạc vì sử dụng nhiều bài hát chế cùng những làn điệu truyền thống như chèo, dân ca lồng ghép với các trend nổi tiếng trên mạng như “Để tao Phèo cho mà nghe” hay 1977 Vlog. Ngoài ra, hình thức thể hiện của chương trình cũng khá phong phú, ngoài chất hài, chương trình còn múa dân gian, múa đương đại, nhảy hip hop, dance, ballet…

2. Đây là format hài tổng hợp, được đầu tư khá kỹ lưỡng về âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu. “Gặp nhau cuối năm” cho thấy nhiều nỗ lực trong việc đổi mới. Ngoài format, tính chất của chương trình cũng thay đổi, và chứng tỏ sự mạo hiểm của nhà sản xuất nhằm cố gắng vượt thoát khỏi cái bóng quá lớn của “Táo quân” suốt 16 năm qua.

Do vậy, “Gặp nhau cuối năm” Xuân Canh Tý 2020, ngay từ khi chưa lên sóng, đã nhận được nhiều kỳ vọng của khán giả. Giá quảng cáo của chương trình cũng ở mức ngất ngưởng với 400 triệu đồng cho một TVC 30 giây. Nhưng chất lượng của chương trình đã khiến nhiều khán giả thất vọng. Dù chương trình quy tụ hầu hết các danh hài đất Bắc như Chí Trung, Xuân Bắc, Xuân Hinh, Tự Long, nhưng không thoát khỏi cái bóng quá lớn của “Táo quân”.

“Gặp nhau cuối năm” hội tụ đủ các anh tài hài Bắc nhưng không làm nên sức hút.

Trong khi khán giả đã quá thừa mứa với các chương trình hài nhảm, hài nhạt trên VTV ở các game show truyền hình. Nhiều câu chuyện đặt ra trong chương trình mang tính mua vui nhiều hơn là những suy ngẫm sâu cay. Nhiều câu thoại và tình tiết trong chương trình bị cho quá bỗ bã, thậm chí phản cảm.

“Tại sao một chương trình phát trên sóng giao thừa lại có những từ ngữ như nứng, toạc toạc, nhân vật thậm chí còn dùng cử chỉ để mô tả điều đó?”, một khán giả bình luận. Nhiều khán giả phát hoảng khi thấy nhân vật Nô nói với Chí Phèo (nghệ sĩ Xuân Hinh): “Anh là người có kinh nghiệm cướp, giết, hiếp và đi tù nhất làng.

Kinh nghiệm ấy bây giờ đến lúc phải dùng để giúp làng. Em sẽ thưởng cho anh một phóng tiết lợn thật là sắc. Anh chỉ cần ngồi ở đầu làng, thằng nào đi qua giết phát là xong”. Không chỉ vậy, có khán giả ngã ngửa khi ông hoàng truyền thông bàn kế gây sốc với lão Hạc là làm “bả chó siêu to siêu khổng lồ” để “cộng đồng mạng nó hốc hết ngay”… Hay như chi tiết Thị Mầu được hỏi có khả năng gì, thì Thị hỉ hả khoe khả năng “có con ngoài giá thú” khiến nhiều người phải chép miệng ngán ngẩm vì cách chọc cười kém duyên.

3. Hài lâu nay vẫn tràn ngập trên các chương trình truyền hình nhưng rất hiếm khi có những chương trình hài chất lượng cao mà NSND Khải Hưng gọi là “hài trí tuệ”. Vậy không có lý do gì chúng ta cố gắng xây dựng một chương trình hài, không có tầm hơn cái cũ, thậm chí còn nhạt và nhiều đoạn nhảm nhí trong đêm thừa.

Dàn diễn viên hùng hậu không đủ làm nên sức hút của “Gặp nhau cuối năm”.

Chúng ta cần những tiếng cười trào phúng sâu cay, có hiệu ứng tốt trong xã hội. Đó là điều mà hiện nay các chương trình nghệ thuật đang thiếu vắng. Vì thế, thiết nghĩ, không cần thay thế “Táo quân” bằng một chương trình hài như “Gặp nhau cuối năm”, vẫn những con người cũ nhưng câu chuyện không mới và hay hơn, hấp dẫn hơn.

Khán giả là những người công tâm nhất, chính họ sẽ quyết định chương trình có nên tiếp tục hay không. “Tôi nghĩ hiện nay VTV đã quá nhiều chương trình hài nhạt, thậm chí mua vui rất bông phèng, vì thế không cần thêm một chương trình hài như vậy trong đêm Giao thừa.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay thế bằng một chương trình khác có ý nghĩa hơn. Không nhất thiết phải là hài nếu chúng ta không làm tốt hơn “Táo quân”, vì dù thế nào, “Táo quân” vẫn là chương trình có hiệu ứng xã hội tốt vì nó đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội” - khán giả Minh Hạnh cho hay.

“Hài hiện nay cứ quẩn quanh và cũ kỹ, thậm chí nhảm nhí. Tiếng cười có chăng trong “Gặp nhau cuối năm” rất nhạt nhẽo, không phải là tiếng cười mang ý nghĩa trào phúng sâu cay, trong khi xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề nóng đặt ra. Vì thế, tôi nghĩ, không nên làm một chương trình như vậy vào đêm giao thừa, tốn quá nhiều tiền bạc, công sức của nghệ sĩ, thậm chí còn ảnh hưởng đến hình ảnh nghệ sĩ khi họ vào những vai diễn tầm phào” - khán giả Văn Minh chia sẻ.

Đã đến lúc cần cân nhắc có nên duy trì một chương trình hài như vậy trong đêm giao thừa, bởi đây là chương trình được khán giả chờ đợi vào thời khắc linh thiêng chuyển giao của năm cũ và năm mới. Nên chăng, VTV nên làm một fomat hoàn toàn mới để thu hút khán giả và đáp ứng được nhu cầu vừa giải trí vừa có những hiệu ứng tích cực lan tỏa trong xã hội hơn là chỉ mua vui.

Linh Nguyễn
.
.
.