Đời lang bạt của gánh hát bội đào võ Ngọc Khanh
- Giai thoại gánh hát bội bị chôn sống cạnh Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu
- Sự thật về gánh hát bội bị chôn sống theo quan đại thần Thoại Ngọc Hầu để tiếp tục phục vụ ngài ở “thế giới bên kia”
Miếu Bà Ngũ Hành - Cây Da Trảng Cát ở đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, trưa nay tấp nập hơn ngày thường. Đoàn xe máy chục chiếc, lỉnh kỉnh tay xách nách mang, rương hòm tất bật được khiêng vào khoảng sân nhỏ phía sau sân khấu đối diện với khu chánh điện. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Khanh, bà bầu kiêm đào chánh cho gánh hát mang tên mình loay hoay giúp con cháu sắp xếp mớ hành lý, tìm chỗ mắc võng, trải chiếu và không quên cẩn thận tìm nơi cao ráo đặt bàn thờ Tổ.
Bà nói, đúng giờ diễn thì chỗ hậu trường "sắm tuồng" này sẽ chật kín, người và đồ đạc chen chúc nhau không còn kẽ hở. Xuyên suốt dịp cúng cầu an rằm tháng 3 âm lịch, gánh Ngọc Khanh sẽ có hai suất hát ở đây.
Rong ruổi trên con đường lưu diễn chỉ toàn bằng xe máy là đặc điểm dễ nhận ra nhất của gánh hát truyền thống này. Và có lẽ đó cũng không phải là hình ảnh xa lạ của các đoàn hát khác khi bộ môn nghệ thuật này đang hấp hối, bầu gánh phải tiết kiệm hết sức có thể mọi chi phí để cật lực vừa mưu sinh, vừa giữ nghề.
Một lớp diễn trong tuồng "San Hậu". |
Bà Ngọc Khanh, một tay giữ túi hành trang trước ngực vừa nói cười không ngớt với thành viên trong đoàn. Cô đào võ tài danh lừng lẫy một thời khắp các sân khấu Nam Bộ từ trước năm 1975 đến nay vui vẻ tiếp chuyện: "Tôi năm nay đã 62 tuổi rồi, đứng ra làm bầu kiếm hợp đồng, nhường lại sân khấu cho lớp trẻ, cho con em. Chỉ trừ khi diễn những lớp tuồng kinh điển, khó tìm người thế vai, tôi mới phải trở lên sân khấu, ví dụ như vai Đào Tam Xuân hay Cao Lan Anh trong Ngũ Biến Báo Phu Cừu. Đó đều là những vai diễn 'để đời' mà tôi từng diễn trong sự nghiệp", bà nói.
Con gái của cặp vợ chồng nghệ sĩ Ánh Ngọc - Ba Út (hai cây đại thụ trong giới hát bội - cải lương những năm 1945 của miền Nam, cùng thời với NSND Thành Tôn, NSND Phùng Há), chậm rãi hồi tưởng: "Là con nhà nòi, cha mẹ đều đã dọc ngang sân khấu cả đời nên máu ca hát ngấm vào tôi từ lúc còn nhỏ. Hồi 9,10 tuổi tôi đã đòi mẹ cho đi hát, nhưng bà quan niệm 'lão lai tài tận', khi quá lứa 40 là bắt đầu bị đào thải. Bà muốn tôi học làm ăn, chọn cái nghề nào ổn định. Nhưng một khi đam mê vận vào mình, Tổ đã chọn nên trọn kiếp đời tôi vẫn đang dành từng phút cho hát bội".
Năm 1973 khi học xong chuyên ngành hát bội tại trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện Thành phố), bà Ngọc Khanh được mời làm trợ giảng và vừa đi dạy vừa hát. Năm 1996, bà chính thức thành lập đoàn Ngọc Khanh. Theo bà có trên dưới 20 anh chị em nghệ sĩ cùng nhân viên hậu trường từ đó cho tới tận ngày nay.
Thoáng chút buồn nhìn vào chái hiên sân miễu, nơi gánh hát đang căng màn sân khấu, bà nói rành mạch, "thời cực thịnh của các môn nghệ thuật sân khấu là vào đầu những năm 1950 tới khi khựng lại cho công cuộc tiếp quản năm 1975, sau đó thì nhen nhóm, suy tàn dần. Thời đó, thời của cha mẹ tôi 'lên xe xuống ngựa', được công chúng săn đón, trái ngược hẳn với không khí điêu tàn của những gánh hát ngày nay, lưu lạc hát bữa có bữa không ở các đình chùa, dinh miếu".
Khi được hỏi về tần suất diễn ở các địa điểm, bà trả lời dứt khoát rằng "rất vô chừng". Vừa mới trở về từ Phước Tĩnh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trảng Bom (Đồng Nai), đoàn lại quầy quả xuôi về Sài Gòn diễn cho ngôi miếu ở xa tít ngoại ô thành phố. "Hai ngày cuối tuần đóng đô tại đây, sau đó chúng tôi ra Vũng Tàu diễn tiếp ở Dinh Cô (Long Hải)", bà chi tiết. Cuối tháng Tư âm lịch tới, đoàn sẽ có chuyến diễn lớn trong năm tại Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc An Giang, nơi các nghệ sĩ giới sân khấu có dịp hội ngộ đông đủ.
Tự gọi mình là "gánh hát nhà nghèo" nhưng quả thật đoàn Ngọc Khanh đi đến đâu hát cũng rất đông vui, đùm bọc san sẻ nhau từng thứ nhỏ nhặt. Nếu như người con cả và hai người con gái sau nối nghiệp gia đình thì vợ chồng người chị cả Nguyệt Nga đứng phía sau lo việc âm thanh, áo mão cân đai. Ngoài việc ở gánh hát gia đình, chị còn làm thêm thiết kế trang phục sân khấu để bỏ mối cho các chợ.
Đàn ông thì làm công việc âm thanh, khiêng vác đồ nặng. Phụ nữ thì lo cơm nước, chỗ ngủ, phục trang. Các cháu nội, ngoại, cháu cố của bà Khanh cũng rong ruổi theo bà ngoài giờ học.
Một nghệ sĩ lão làng đang trang điểm trong hậu trường. |
Bà đặc biệt tự hào khi nhắc tới cháu nội Đoàn Minh Khoa (nghệ danh Khánh Minh), con của cậu con trai cả năm nay 21 tuổi, tự tin lên sân khấu "giọng nghe được lắm và rất chững chạc, làm tôi bất ngờ vô cùng". Vợ của Khánh Minh là nghệ sĩ Phương Loan cũng là một "đào sắc" của đoàn. Nhìn cháu, bà nói được nhìn thấy lại hình ảnh của mình những năm chưa quá chục tuổi bắt đầu nhón chân lên thảm nhung sân khấu.
Bà Ngọc Khanh nói, trong đời mấy chục năm đi hát không bao giờ quên được chuyến đi về xã vùng xa Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cách đây mười mấy năm. "Người mời chúng tôi là ông Cả Mặn. Ông nhấn mạnh, lặp đi lặp lại hết sức chân thành, 'mời cô về diễn cho bà con xem, con dâu của tôi hứa nhất định chịu 100 ngàn tiền son phấn', mà 100 ngàn thời đó là cả một gia tài", bà hớn hở kể. Bà nói, dù đi tới đâu, gặp bao nhiêu người cũng khó quên được câu chuyện "100 ngàn tiền son phấn" của cha con ông cụ miệt vườn Nam bộ, tiếp thêm sức mạnh cho cái nghề của bà.
Kéo ống quần lên lộ những vết thâm tím, bà thoáng rùng mình kể về tai nạn xe cách đây hơn 5 năm trên đường lưu diễn. Tràn dịch màn phổi, cố định xương suốt 8 tháng, bà bị mất tiếng suốt thời gian đó.
Vì đặc thù chỉ di chuyển bằng xe máy nên gánh của bà chỉ quanh quẩn hát ở Sài Gòn và các khu vực lân cận như Biên Hoà, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai. Thi thoảng đoàn cũng nhận được lời mời đi miền Tây hát, nhưng bà thật tình thổ lộ, đi hát tỉnh thì xa, vận chuyển đồ đạc cũng không tiện, tiền hát không đáng bao nhiêu, nhưng bù lại, khán giả miền Tây là những người hâm mộ nhiệt tình nhất. "Về dưới quê diễn, có khi cả đoàn đi ghe cả ngày trời mới tới, ở cái nơi không có cơm để ăn nhưng nghe có đoàn hát về là người ta tụ tập ra coi đông nghẹt. Đến giờ diễn, anh em nghệ sĩ nhìn xuống phía dưới rợp toàn là đầu người".
Trong khoảnh sân nhỏ Miếu Cây Đa Trảng Cát trưa nay, màn trướng đã căng, phía trong 20 nghệ sĩ tất bật chuẩn bị. Người lớn nhất hơn 65 tuổi, người nhỏ nhất 18 tuổi là nghệ sĩ Tấn Vũ đã theo đoàn khi vừa học xong cấp ba. Sân khấu nhỏ hẹp, diễn viên phải nép vào nhau. Một sàn diễn hiếm khi thấy tiếng vỗ tay, diễn trong không khí xô bồ nhưng chưa từng thấy ai lên sân khấu mà thiếu chỉn chu, dù chỉ là một chi tiết nhỏ, dù là vai chính hay vai phụ. Diễn ròng rã 5 tiếng đồng hồ từ 9 giờ sáng đến 2 giờ trưa, sau đó cả đoàn mới quây quần bên mâm cơm quá bữa nhưng vẫn không ngơi những tiếng cười giỡn, câu chuyện vui sau suất diễn.
Nếu như các diễn viên chủ chốt đều đến trước giờ diễn vài tiếng để chuẩn bị thì một số nghệ sĩ khác lại theo chân bà bầu Ngọc Khanh tới sớm hơn cả ngày. Họ là những người ở xa, có vai thì mới đón xe lên Sài Gòn diễn. Cô đào chánh tài sắc Kim Hiền, người vừa lăn lộn trên sân khấu với vai Hồ Bạch Ngọc (trích đoạn "Trương Sa Đoạt Ngọc") khi trở xuống, cởi bỏ xiêm y, tẩy rửa son phấn, trở về với hình ảnh bình dị một bà nội trợ đúng nghĩa.
Người nghệ sĩ tâm sự, trong 42 năm tuổi đời chị đã có 25 năm đứng trên sân khấu, từ khi còn là cô bé 17 tuổi mê hát theo chân thầy Ngọc Khanh học nghề, đến khi đã là mẹ của đứa con 18 tuổi. Nhà ở tận Vũng Tàu, chị Kim Hiền chỉ trở xuống Sài Gòn theo đoàn khi có hợp đồng diễn, hát xong hai suất lại một mình trở về. Chị nói, phải làm thêm nghề làm móng như nghề tay trái để trang trải cuộc sống.
Cũng chịu cảnh ở xa như chị Kim Hiền, tuy nhiên hoàn cảnh của nghệ sĩ Ngọc Hạnh (65 tuổi) lại đáng trân trọng hơn. Lớn tuổi, chỉ đóng vai "dàn bao" (những vai phụ trợ cho đào - kép chính) nhưng mỗi khi được hát, người bạn đồng môn của bà Ngọc Khanh vẫn khăn gói từ Mỹ Tho lên. Có khi chỉ đóng vai tiểu đồng, quân sĩ, nhưng người nghệ sĩ lão làng nói, được đứng trên sân khấu đã là nghiệp nợ của bà từ mấy chục năm nay, dù khi phiêu bạt cùng đoàn phải chịu cảnh ngủ chiếu, ngủ võng sân đình, bà cũng không bao giờ ca thán.
Nghệ sĩ Ngọc Khanh nói, trung bình mỗi hợp đồng, bà nhận từ 20-30 triệu đồng cho cả đoàn. Bà nói buồn, "chưa ai trong đoàn từng cầm hơn 500 ngàn đồng một suất diễn". Nếu lương không nuôi nổi họ thì có thứ gì cao quý hơn trên đời níu giữ họ ở lại sân khấu suốt mấy chục năm ngoài đam mê. "Trót mê rồi thì nghề chọn mình, Tổ chọn mình, không bỏ được đâu em", chị Kim Hiền từ tốn nói, rồi lại ăn vội chén cơm trễ bữa.