Điền kinh Việt Nam hướng tới Olympic 2021: Đường dài còn lắm gian truân

Thứ Hai, 05/10/2020, 10:20
Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến thời gian tổ chức của Olympic 2020 mà nó còn kéo theo hệ lụy là những kết quả tích lũy để đánh giá các VĐV đạt chuẩn tham dự thế vận hội cũng phải thay đổi. Vô hình trung, điền kinh Việt Nam cũng bị liên đới, mà phần nhiều trong đó là ảnh hưởng không mấy “dễ chịu”.


Chướng ngại vật hay đòn bẩy bật xa?

Dịch COVID-19 khiến cho Olympic phải tổ chức trong năm lẻ vốn là điều hiếm có trong lịch sử. Cụ thể, thay vì tổ chức vào giữa năm 2020 như kế hoạch ban đầu, Ban tổ chức Thế vận hội mùa hè phải chuyển dịch hoàn toàn sang tháng 7-2021. Không chỉ ban tổ chức bị ảnh hưởng mà các đội tuyển, VĐV nói chung và điền kinh Việt Nam nói riêng cũng náo loạn vì sự thay đổi thời gian tổ chức.

Theo đó, với việc chuyển sang năm 2021, Liên đoàn Điền kinh thế giới quyết định cách tính chuẩn mới dự Olympic Tokyo 2021. Tất cả thành tích của các giải từ ngày 6-4 đến 30-11-2020 sẽ không được công nhận để xét chuẩn dự Olympic năm 2021. Và chỉ thành tích tại các giải đấu từ ngày 1-12-2020 đến 29-6-2021 mới được xem xét chuẩn dự Olympic 2021.

Cơ hội để các VĐV điền kinh Việt Nam dự 2021 là không nhiều, cho dù còn thời gian để chuẩn bị và thi đấu.

Sự thay đổi này mang lại cả mặt tích cực lẫn tiêu cực đối với điền kinh Việt Nam. Trước hết về mặt tích cực thì vốn dĩ, theo lịch thi đấu cũ, điền kinh Việt Nam cần phải tham dự một số giải đấu để tích điểm tham dự Olympic. Tiêu biểu có thể kể tới Giải vô địch châu Á ở Trung Quốc vào tháng 6-2020, Giải đi bộ châu Á vào tháng 3-2020 tại Nhật Bản. Nhưng do dịch COVID-19, các giải đấu đều bị hoãn, hủy và hiện tại điền kinh Việt Nam vẫn chưa giành được vé chính thức tham dự Olympic Tokyo tới. Kế hoạch thi đấu tích điểm của điền kinh Việt Nam chỉ có thể bắt đầu lại vào tháng 12-2020.

Dẫu sao, cơ hội dành cho điền kinh Việt Nam đến Olympic với sự thay đổi thời gian kể trên là không đổi. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho rằng, cách tính mới của Liên đoàn Điền kinh thế giới không ảnh hưởng đến vận động viên của đội tuyển Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho họ có thêm thời gian để chuẩn bị cho hành trình giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo. Đấy là chưa kể điền kinh Việt Nam có cơ hội đến Olympic 2021 với 2 tấm vé đặc cách dành cho mọi thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế, nhằm động viên phong trào và mang tính khích lệ tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này

Tuy nhiên, sự thay đổi về chuẩn tham dự Olympic không chỉ nằm ở khía cạnh thời gian mà còn là cả chất lượng đầu vào. Trưởng Bộ môn điền kinh Dương Đức Thuỷ thừa nhận chuẩn dự Olympic ngày càng khó. Như trường hợp của Olympic 2020, bảng thành tích yêu cầu các VĐV đủ điều kiện tham dự còn khiến cho chính giới chuyên môn khá sốc bởi nó... khó nhất từ trước đến nay.

Theo đó, VĐV có thể có hai cách để đạt chuẩn dự Olympic. Hoặc là VĐV đạt được thành tích như các thông số chuẩn đã phê duyệt, hoặc là VĐV có thể đi “cổng hậu” bằng cách đạt thứ hạng cao trong khoảng thời gian diễn ra vòng xét tuyển Olympic. Nhiều thành tích đạt chuẩn Olympic còn cao tương đương với... kỷ lục điền kinh của một số quốc gia. 

Ai là niềm hy vọng cho điền kinh Việt Nam?

Về mặt thời gian, đúng là điền kinh Việt Nam vẫn còn có nửa năm để tham dự các hệ thống giải nhằm hy vọng đủ điều kiện dự Olympic 2021. Nhưng với thang điểm chuẩn cực khó thì ngay cả thời gian chuẩn bị có được ưu tiên như thế nào chăng nữa, không phải VĐV điền kinh nào của Việt Nam cũng có thể đến Tokyo vào mùa hè sang năm.

“Bảng điểm chuẩn” dự Olympic 2021 yêu cầu quá cao.

Hy vọng giành vé dự Olympic Tokyo của điền kinh Việt Nam không thể đặt vào những nội dung 400m và 400m rào cá nhân dù vẫn còn Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Quách Công Lịch hay tài năng trẻ mới nổi Trần Nhật Hoàng. Bởi dù có “vai vế” nhất định trên đường chạy SEA Games nhưng thành tích của họ so với chuẩn để được tham dự Olympic của năm tới còn một khoảng cách nhất định.

Đơn cử như trường hợp của Quách Thị Lan. Tại giải điền kinh châu Á 2019, cô về nhất ở chung kết 400m rào nữ với thành tích 56 giây 10. Nhưng tấm HCV châu Á vừa qua của Lan vẫn còn kém chuẩn A Olympic 2020 tới 10% giây. Trong khi đó, các VĐV chủ lực khác của đội tuyển điền kinh Việt Nam như Lê Tú Chinh (100m, 200m), Nguyễn Văn Lai (5.000m, 10.000m), Nguyễn Thị Oanh (1.500m), Phạm Thị Huệ (5.000m và 10.000m)… đều không có ai đạt chuẩn dự Thế vận hội.

Lúc này, niềm hy vọng sáng giá hơn cả được hướng về Phạm Thị Thu Trang, nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung đi bộ nữ. Cô cũng được đánh giá cao trong việc giành chuẩn tham dự Olympic. Thời gian vừa qua, cô cùng HLV Nguyễn Văn Toản hoàn toàn tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, tập luyện trong cảnh một thầy, một trò tại nội dung 21km mà không có “quân xanh” cũng ảnh hưởng đến kết quả của cô gái này. Kể cả cô vẫn được chuyên gia Trung Quốc chỉ dẫn theo hình thức trực tuyến thì thành tích vẫn chưa như kỳ vọng.

Phạm Thị Thu Trang là niềm hy vọng lớn nhất cho tấm vé dự Olympic 2021 của Điền kinh Việt Nam.

Tạm thời trước mắt, giải pháp cho Phạm Thị Thu Trang là đưa cô về đơn vị chủ quản Hà Nội tập luyện cùng các quân xanh, là các VĐV đi bộ nam Hà Nội. Tuy nhiên, về lâu về dài, Phạm Thị Thu Trang cần những giải đấu tiền vòng loại Olympic, trước khi giải đi bộ châu Á diễn ra vào tháng 3 năm sau. Một vấn đề khác là kinh phí đầu tư, chế độ và trợ cấp cho Thu Trang cũng cần phải được nâng cao, nếu như Liên đoàn Điền kinh Việt Nam xác định rằng cô chính là trọng điểm để có thể chen chân vào Olympic 2021 vào mùa hè năm tới.

Bởi thời điểm hiện tại, Thu Trang vẫn phải… chạy xe ôm mỗi ngày 2 tiếng sau giờ tập luyện, thậm chí còn làm cả phụ bếp vì lương VĐV bèo bọt, không đủ để nuôi sống bản thân chứ chưa nói đến hỗ trợ gia đình. "Từng có lúc, tôi được trợ cấp 80.000 đồng/ ngày. Khi lên đội tuyển quốc gia, trợ cấp được tăng lên 200.000 đồng nên khá hơn. Mỗi tháng, tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng, trừ đi ăn uống, sinh hoạt thì còn vài ba triệu", Thu Trang bùi ngùi chia sẻ. Rõ ràng, những gì mà Thu Trang được nhận so với hàng tá thành tích mà cô cống hiến cho điền kinh Việt Nam vẫn còn là một tỷ lệ nghịch rất lớn.

Nếu như không cải thiện chế độ đãi ngộ cho Thu Trang nói riêng hay các VĐV khác nói chung, nguy cơ điền kinh Việt Nam thất bại ngay từ vòng loại hiện diện ngay trước mắt. Khi đó, lần đầu tiên sau 8 năm, điền kinh Việt Nam coi như trắng ở Thế vận hội.

Thu Trang, hiện tượng đi bộ và nỗi khổ gia đình

Sinh năm 1998, ở vùng quê nghèo tại Chương Mỹ, Hà Nội, trong một gia đình 4 chị em, Thu Trang thấm thía cảnh nghèo khó của gia đình. Bố mẹ đều làm nông, khi thấy Thu Trang theo nghiệp VĐV điền kinh khổ cực mà thu nhập chẳng đáng là bao, có lúc bố mẹ gọi cô về để đi làm công nhân cho cuộc sống ổn định. Vì thế Thu Trang còn phải chạy xe ôm, làm phụ bếp để có tiền nuôi dưỡng giấc mơ cho mình.

Thu Trang tham gia tổ chạy dài của đội tuyển Hà Nội từ năm 2013. Ba năm sau, cô bắt đầu tập môn đi bộ. Đỉnh cao sự nghiệp của Thu Trang chính là ở SEA Games 2019 trên đất Philippines. Thu Trang gây bất ngờ khi vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Thanh Phúc và các đối thủ để về đích đầu tiên ở nội dung đi bộ 10.000 m với thành tích 52 phút 59,45 giây tại SEA Games 2019. Đây là chiến thắng đầy ý nghĩa với cô gái nhỏ nhắn này, trong lần đầu dự SEA Games. Cô thậm chí từng chỉ là VĐV thuộc diện bổ sung dự SEA Games, được triệu tập lên đội tuyển chỉ cách đây hai tháng.

"Đây là lần đầu tôi tham dự SEA Games, không nghĩ có thể giành Huy chương vàng. Chưa biết các đối thủ thế nào nên tôi chỉ cố hết sức. Tôi chưa có kinh nghiệm nên để ý đối thủ rất nhiều và bị ảnh hưởng tâm lý. Tuy nhiên, khi đã bỏ xa các đối thủ ở vòng cuối, tôi cảm thấy thoải mái và đi rất dẻo trước khi về đích. Sau thành tích ấy, bố mẹ mở tiệc ăn mừng. Tôi vui lắm, chỉ muốn sau này sẽ không bị ngăn cản, hay phải lái xe ôm, để yên tâm theo nghiệp điền kinh", Thu Trang chia sẻ.

Đơn Ca
.
.
.