Điện ảnh Việt khốn đốn vì COVID-19
Những đề xuất của Hiệp hội
Với những đặc thù như làm việc tập thể, phải tập trung đông người từ khâu sản xuất, phát hành và chiếu phim, chính vì thế điện ảnh là loại hình kinh doanh phải ngừng hoạt động sớm nhất để phòng ngừa dịch bệnh.
Theo nội dung văn bản mà bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội, đề xuất lên Chính phủ thì thời gian qua, hoạt động chiếu phim phải đóng cửa khiến rạp chiếu phim không có bất kỳ nguồn thu nào; kế hoạch phát hành của nhiều phim phải hoãn mặc dù được đầu tư sản xuất và có kế hoạch ra rạp. Việc đọng vốn do không thể phát hành phim dẫn tới không có doanh thu.
Dịch bệnh có thể khiến dự án phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị ảnh hưởng về tiến độ. |
Ngoài ra, một tiên lượng mà người đứng đầu Hiệp hội Điện ảnh nêu ra là ngay cả trong trường hợp dịch bệnh được khống chế, các hoạt động khác quay trở lại nhịp thông thường thì rạp chiếu phim cũng khó mở cửa sớm hơn vì tâm lý phòng dịch và e ngại của khán giả. Cùng với việc dừng chiếu phim, việc sản xuất các phim cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn. Không thể sản xuất phim, song các doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cố định hàng tháng.
Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam cũng chỉ rõ thực trạng kinh doanh trên thị trường chiếu phim Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước như BHD Star, Galaxy, Trung tâm chiếu phim Quốc gia... chỉ chiếm 30% thị phần chiếu phim. Đó hầu hết là công ty của những người làm điện ảnh, không có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch COVID-19. Trong khi 70% doanh nghiệp còn lại đều là những công ty con của các tập đoàn lớn.
Rạp chiếu phim vắng bóng khán giả. |
Ví dụ, CGV là của CJ và Samsung. Lotte Cinema của Lotte... nên tình hình kinh tế khả quan hơn. Vì vậy, "nếu không có hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng tư nhân sẽ phá sản và đóng cửa hàng loạt, dẫn đến vấn đề nghiêm trọng sau dịch là thị trường chiếu phim, phát hành phim sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến ổn định văn hóa - xã hội và chiến lược của đất nước về bảo vệ văn hóa dân tộc".
Trước lo ngại rằng, việc "kêu cứu" có vi phạm luật cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cùng kinh doanh lĩnh vực này, Hiệp hội cũng chia sẻ thêm đã xem xét cách thức hỗ trợ của các quốc gia khác đối với văn hóa nghệ thuật. Theo đó, các nước như Singapore, Trung Quốc, Italia hay Mỹ cũng đã giải ngân các gói hỗ trợ hàng chục triệu USD để cho các doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật để giải quyết phần nào khó khăn tài chính hiện nay. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngân sách còn hạn chế và bản thân điện ảnh chưa phải là nhóm doanh nghiệp khó khăn nhất để cần các gói tài chính tương tự nên Hiệp hội kiến nghị 4 hướng giải pháp về thuế, bảo hiểm xã hội và lãi suất ngân hàng.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị miễn thuế VAT năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn thu bù lại những tổn thất và chi phí cố định vẫn phải gánh mà không có doanh thu trong thời kỳ dịch bệnh.
Đồng thời, hoãn nộp thuế cá nhân năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn chi trả các chi phí cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh. Ngoài ra, Hiệp hội kiến nghị hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam hoặc có chính sách cụ thể để hỗ trợ.
Khó khăn thấy rõ
Thực tế hệ thống rạp chiếu phim trên cả nước đóng cửa từ 15-3, những phim đang quay dở dang không thể tiếp tục. Theo thống kê của CGV, tháng 3-2019, hệ thống rạp cả nước thu hút 5 triệu lượt khách, doanh thu 350 tỉ đồng. Nhưng đến tháng 3-2020, hệ thống rạp cả nước thu được 1 triệu lượt khách, doanh thu 76 tỉ đồng (chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Hầu hết các bộ phim bom tấn đều dời ngày ra mắt vào quý 4, thậm chí sang năm 2021 nên con số này còn suy giảm mạnh trong những tháng sắp tới.
Phim ''Trạng Tí'' buộc phải dời ngày công chiếu vì dịch bệnh. |
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty BHD, cho biết, hiện nay doanh thu bằng không nhưng chi phí cố định cho rạp hàng tháng vẫn tốn cả chục tỷ đồng. Công ty đang làm việc với các trung tâm thương mại xin giảm chi phí cho thuê địa điểm, làm việc với ngân hàng xin giảm lãi suất và giãn tiến độ trả nợ. Còn Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) vẫn phải chi 5 - 10 tỷ đồng/tháng để trả tiền thuê mặt bằng cho hệ thống rạp, trả lương nhân viên và nhiều chi phí khác tại thời điểm này.
Không chỉ sụt giảm doanh thu, điện ảnh Việt Nam còn có nguy cơ không có phim chiếu khi dịch bệnh chấm dứt vì hàng loạt bộ phim đã thay đổi thời gian công chiếu. Đầu tháng 4 này, đạo diễn Lý Hải công bố bộ phim "Lật mặt 5: 48 giờ" dời lịch chiếu sang tới mùng 1 Tết Tân Sửu thay vì 30-4 như dự kiến.
Phim “Chị Mười Ba” chưa biết khi nào mới ra mắt khán giả. |
Bên cạnh "Lật mặt 5", các phim "Trạng Tí", "Thanh Sói" đều hoãn lịch chiếu sang năm 2021. "Chị Mười Ba" chưa có lịch chiếu chính xác vì theo nghệ sĩ Thu Trang, việc ra mắt vào thời điểm nào còn phải chờ đến khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ còn "Tiệc trăng máu" dự kiến ra mắt cuối hè là chưa công bố dời lịch.
Những bộ phim đã kịp ra mắt trước khi dịch bệnh bùng phát là "Gái già lắm chiêu" và "Đôi mắt âm dương" doanh thu sụt giảm hơn nhiều so với mong đợi. Còn "Bí mật đảo linh xà" và "Tiền nhiều để làm gì" còn rơi vào tình cảnh thất thu thê thảm.
Thiệt hại của doanh nghiệp sản xuất phim là điều dễ dàng nhìn thấy cũng như tính bằng con số vì nhiều phim hoàn thiện không thể phát hành hoặc đang bấm máy cũng phải dừng lại. Không chỉ có vậy, đây còn là ngành phục hồi chậm nhất khi kết thúc cách ly xã hội vì tính chất tập trung đông người, ê kíp sản xuất và khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, có khả năng sau dịch, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng phim tư nhân sẽ đóng cửa hàng loạt, dẫn đến vấn đề là thị trường điện ảnh sẽ chỉ còn doanh nghiệp nước ngoài.