Điện ảnh Việt Nam và những niềm hy vọng
Sự “đổ bộ” của những bộ phim “thiếu calo”
Đó là đánh giá của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khi ngồi chiếu duyệt phim. Sau cú hích thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Tắc xi, em tên gì”, “Em là bà nội của anh”, tưởng điện ảnh Việt sẽ có đà hứng khởi cho những khởi động mới.
Đó là những bộ phim không chỉ đạt doanh thu phòng vé cao mà còn mang những thông điệp nhân văn, thú vị, khiến người xem không tiếc khi bỏ thời gian và tiền ra mua vé đi xem. Nhưng cuối cùng, sau một năm nhìn lại vẫn quẩn quanh với con đường cũ. Giấc mơ của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vẫn xa vời. Thực tế, số lượng phim sản xuất trong năm 2016 khá lớn.
Phim “Tấm Cám - chuyện chưa kể” vẫn đi theo lối mòn về tư duy. |
Theo tổng kết của Cục Điện ảnh, năm 2016 có trên 40 bộ phim ra rạp. Tuy nhiên, chất lượng có đồng hành với số lượng lại là điều cần phải bàn. Rõ ràng, nhiều phim được đầu tư công phu, quảng cáo và PR bài bản, hứa hẹn doanh thu cao nhưng chỉ trụ được ở rạp một thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn.
“Truy sát” của đạo diễn Cường Ngô do Trương Ngọc Ánh đầu tư, khá chuyên nghiệp và bài bản với lực lượng diễn viên toàn ngôi sao nhưng cũng thất bại tại phòng vé. “Găng tay đỏ” còn ngậm ngùi hơn sau khi chiếu 1 tuần đã phải rút lui. Phim “Sứ mệnh trái tim” của Hãng phim Phước Sang đẹp, lãng mạn, nhẹ nhàng cũng chìm vào im lặng sau khi ra rạp trong tuần lễ Liên hoan phim quốc tế.
Sự đổ bộ của một loạt phim hài, kinh dị trong xu hướng xã hội hóa làm phong phú đời sống phim Việt nhưng không làm nên cơn sốt cho điện ảnh Việt. Đành rằng điện ảnh có nhiều món ăn, không cứ phải phim nghệ thuật mới hay. Đạo diễn Hồng Ánh từng chia sẻ: “Dù là phim gì cũng phải làm tử tế, sạch sẽ, hài hước hay kinh dị cũng phải mang lại những cảm xúc tích cực cho người xem”.
Có thể, có những phim vẫn ăn may thu hồi được vốn nhưng nó không góp phần gì vào diện mạo của điện ảnh. Một số dự án có kinh phí lớn, được đặt niềm tin như “Fan cuồng” hay “Vệ sĩ Sài Gòn”, rốt cuộc đều gây ra tranh cãi về chất lượng. Còn nhiều phim chính kịch, hành động, oái oăm thay, lại gây ra tiếng cười vì sự ngô nghê và bị người xem coi như “phim hài”.
Thất bại vì đâu?
Một bộ phim thất bại, điều người ta quan tâm đầu tiên chính là đạo diễn. Thực tế, chưa bao giờ phim Việt lại có một đội ngũ đạo diễn hùng hậu như lúc này.
Gần 10 năm trở lại đây, luồng gió mới từ nước ngoài thổi về đã mang đến cho khán giả nhiều đạo diễn Việt kiều được đào tạo chuyên sâu, như Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Derek Nguyễn, hay thậm chí là cả đạo diễn Nhật “xịn” Ken Ochiai của “Vệ sĩ Sài Gòn”. Nhiều diễn viên, nghệ sĩ cứng nghề cũng chuyển hướng qua làm nhà sản xuất, đạo diễn như NsưT Đức Thịnh - Thanh Thúy, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh.
Nhưng nhìn trên bề mặt, nhiều đạo diễn trẻ thiếu kinh nghiệm làm nghề, xử lý tình huống non, khiến phim có nhiều tình huống ngớ ngẩn. Chính nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã trong một phỏng vấn đã thẳng thắn: “Bản chất cách nhìn của chúng ta vẫn bị cũ.
Như phim "Tấm Cám, chuyện chưa kể" cũng thế, một cách tư duy rất cũ. Trong khi thế giới, phiên bản "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn" rất khác nhau. Còn chúng ta vẫn làm phim theo kiểu an toàn, truyền thống, theo lối minh họa cho một chủ đề nào đó. Xem những tác phẩm điện ảnh trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã thấy họ đi cách mình rất xa rồi”.
“Đảo của dân cư ngụ” - của đạo diễn Hồng Ánh - niềm hy vọng của phim Việt 2017. |
Xem phim Việt, không khó để nhận ra, các đạo diễn trong nước bị lối mòn của tư duy làm cho cũ kỹ, phim mang tính minh họa, thiếu ám ảnh số phận. Đạo diễn nước ngoài, giỏi kỹ thuật, công nghệ, tư duy mới mẻ lại gặp phải rào cản về văn hóa và ngôn ngữ.
Nhiều khán giả hài hước nhận xét về “Vệ sĩ Sài Gòn” của đạo diễn người Nhật Ken Ochiai như “đem sushi chấm với mắm tôm”. “Kịch bản thiếu vắng, nhiều tác giả viết theo đơn đặt hàng, thiếu sự trau chuốt, kỹ lưỡng, thiếu cả tâm tư, suy nghĩ của người Việt trong tác phẩm. Các kịch bản cứ na ná giống nhau, thiếu không khí của thời đại”, một đạo diễn trẻ chia sẻ.
Hy vọng nào cho phim Việt
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh ảm đạm của phim Việt 2016, ta vẫn thấy những khoảng sáng, dù rất nhỏ. Rất nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn dấn thân vào điện ảnh, cuộc chơi tốn kém và khá rủi ro của tiền bạc. Bên cạnh sự ồ ạt, bề nổi ít nhiều ồn ào, vẫn có những người trẻ đam mê, dấn thân, coi điện ảnh là cuộc sống của họ. Đó là những nhà làm phim độc lập.
“Chính họ chứ không phải ai khác, sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của điện ảnh Việt trong tương lai, bởi tâm thế làm nghề và sự dấn thân của họ cho điện ảnh, coi điện ảnh không phải là công cụ để kiếm tiền mà đó là đam mê, là cuộc sống của họ”. Lần đầu tiên bộ phim “Cha và con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di được công chiếu rộng rãi ở Pháp và nhận được những phản hồi tích cực của công chúng Pháp. Nguyễn Hoàng Điệp vẫn đang ấp ủ dự án “Câu chuyện buồn nhất thế gian”.
Diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh mất 10 năm thai nghén để chuẩn bị ra mắt bộ phim nghệ thuật “Đảo của dân ngụ cư” với nhiều tâm huyết và hy vọng về sự chỉn chu và kỹ lưỡng trong nghề của chị. Và rất nhiều bạn trẻ, vẫn đang say mê khởi nghiệp tình yêu điện ảnh bằng dòng phim ngắn gây tiếng vang trong thời gian qua.
Các đạo diễn gạo cội hay cả những người trẻ tâm huyết đều nhận ra một chân lý rằng, trong khi điện ảnh Việt chưa có điều kiện để làm những bộ phim lớn, tốn tiền, kỹ thuật cao thì hãy kể những câu chuyện đời thường dung dị, xúc động, chạm đến tình cảm của người xem. Nhưng xem ra, không biết chúng ta còn phải mất bao nhiêu “học phí” mới ngộ ra một chân lý tưởng như rất giản đơn đó.