Di sản của bố già

Thứ Sáu, 08/11/2013, 15:08

Với thành tích kém cỏi của M.U dưới bàn tay tân HLV David Moyes, có thể chúng ta sẽ dành cho ông một sự thông cảm bởi kết quả nào cũng cần phải có thời gian. Ngay cả Alex Ferguson cũng suýt bị sa thải ở thời gian đầu khởi nghiệp tại M.U đó thôi. Nhưng xét trên mối liên hệ Ferguson - Moyes qua lăng kính M.U, vẫn có rất nhiều điều cần phải suy ngẫm…
>> David Moyes: "Gã nhà quê" trên con đường danh vọng

Trong lời từ biệt các ủng hộ viên Manchester United hồi tháng 5, Alex Ferguson cho biết ông muốn được gắn với bóng đá theo cách của một huyền thoại khác, sir Bobby Charlton. Đó là ngồi trên khán đài danh dự của sân Old Trafford, mắt ánh lên, bàn tay hân hoan vỗ vào nhau sau mỗi chiến thắng của M.U. Ferguson bây giờ đã làm được một nửa như Charlton: ngồi dự khán các trận sân nhà của M.U ở Old Trafford. Nhưng một nửa khác ông vẫn chưa có được, nửa của đôi mắt ánh lên và đôi bàn tay hân hoan vỗ vào nhau. M.U vẫn có những trận thắng nhưng nó không xóa nổi âu lo trong mắt Fergie. Tất cả là bởi người kế nhiệm David Moyes vẫn chưa làm được điều mà Ferguson vẫn thường mang lại cho Bobby Charlton.

Những người say mê các tác phẩm của Mario Puzo vẫn thường luôn lôi bộ Bố già của ông ra để bình luận với nhau. Trong bộ tiểu thuyết đó, ai đã đọc qua chắc đều để ý đến chi tiết Bố già Don Vito Corleone ban đầu không muốn để lại di sản của mình cho Micheal, một người con mà ông muốn đi theo con đường sạch sẽ, lương thiện. Giữa Sonny và Fredo, ông chọn Sonny, một người nóng tính không đủ tư chất làm thủ lĩnh. Tại sao ông lại không đưa nó cho Tom Hagen, người con nuôi trung thành tuyệt đối, thông minh dĩnh ngộ và khôn ngoan hết mực nhỉ? Có bao giờ ông nghĩ rằng chính quyết định không chọn Tom Hagen cuối cùng đã đẩy Micheal phải bước vào cuộc chơi mà ông không muốn ấy???

Dễ hiểu, Tom Hagen không phải là người Ý. Anh ta là người lai Đức-Ireland.

Trong cuốn tự truyện mới xuất bản hôm 23/10/2013 của mình, Alex Ferguson đã nói về những người Scotland, với những ưu điểm lớn, như thể gián tiếp biện giải cho lý do ông đã chọn David Moyes. Trong lớp học trò của Fergie; trong những HLV trẻ đương thời, không thiếu những người tài đang đạt được thành quả nhất định ở cương vị huấn luyện. Điển hình như Pep Guardiola, như Laurent Blanc, như Rudi Garcia… Vậy mà khi ông quyết định sẽ chia tay nghiệp huấn luyện vào thời điểm Giáng sinh 2012, ông lại không thuyết phục họ. Hoá ra, ông cũng giống như Vito Carleone kia. Ông tin vào dòng giống Scotland, những người ông nói rằng “có ý chí đến mức khắc kỷ”.

Xem ra, quyết định lựa chọn một người kế thừa di sản, kế thừa gia tài, là một quyết định quá nặng nề với mỗi người. Và Fergie đã cân nhắc rất nhiều, thậm chí có cả tranh luận với chủ của CLB (nhà Glazers) trong các cuộc gặp ở New York (như ông tiết lộ), để chọn một người Scotland điển hình thay thế mình. Và ông đã viết trong hồi ký rằng “Tôi tự hào để lại cho David Moyes một di sản gồm các cầu thủ, các cộng sự xuất sắc”.

Nhưng David Moyes đang dùng di sản ấy không (hoặc CHƯA) xuất sắc chút nào. Ông ta sẵn sàng ném những “đệ tử” của Fergie như RenéMeulensteen, Mick Phelan và Eric Steele ra đường chỉ để kéo bộ sậu của mình từ Everton sang. Và ông ta cũng xử sự với những tài năng trẻ đã nhận lời hứa đảm bảo của Fergie (như Kagawa, Evra) như những con bài dư thừa khi chú tâm đến Fellaini, và cố săn chữ ký của Baines, những học trò cũ tại Everton. Nói cách nào đó, Moyes muốn tạo ra di sản riêng cho mình ngay từ bây giờ. Và suy nghĩ ấy của Moyes không sai.

Có một nhà thơ đã viết hai câu thơ rất hay rằng “Kẻ nào rồi cũng chết/ Trăng soi một chỗ nằm”. Đúng vậy. Ai rồi cũng phải chết cả và khi nằm xuống, người đã từng có một di sản vĩ đại, một sự nghiệp lẫy lừng cũng chỉ nhận từng ấy phần trăng soi trên nấm mồ của mình mà thôi, không nhiều hơn, không ít hơn một người cần lao dung dị khác.

Vậy thì bận tâm đến di sản để lại làm gì cho nặng lòng. Di sản để lại đó chỉ là một bằng chứng rằng ta đã sống một quãng đời có ý nghĩa, đáng sống mà thôi. Ta không mang nó theo được khi ta đã rũ tay khỏi tất cả bụi đường trần.

Hoá ra, quyết định lựa chọn ai là người kế thừa di sản lại không nặng nề đối với người để lại mà lại nặng nề với người phải nhận nó. Giống như cách Moyes đang nhận cả tấn chỉ trích trên đầu khi cầm trong tay di sản của Ferguson hôm nay vậy. Và chúng ta cũng gặp cả ngàn câu chuyện tương tự đó xung quanh ta trong cuộc sống hôm nay, không cứ gì bóng đá. Như chuyện của một chú bé mới đầy năm đã phải đón lấy gánh nặng từ dư luận khi được cha cho thừa kế toàn bộ gia sản lên tới hàng chục ngàn tỷ mới đây thôi, một ví dụ quá điển hình.

Bố già Vito Corleone không để lại cho Tom Hagen, người ngoài dòng giống của mình, mà ông để cho Sonny, người con trai cả. Nhưng sản nghiệp cuối cùng lại nằm dưới tay Micheal, người con trai út. David Moyes có thể không khôn ngoan như Tom Hagen, nhưng ông cũng không hẳn đã như bất kỳ ai. Ông có lựa chọn riêng của mình, theo một cách khác. Và với cách đó, có thể một ngày ông sẽ là Sonny của bố già Fergie hoặc biết đâu chừng, lại là một Micheal, với một đế chế riêng lẫy lừng.

Nhưng nói gì thì nói, Moyes cũng đang gánh oằn lưng một di sản lớn của Fergie. Và bố già của M.U vẫn đang ngồi đó, với đôi mắt chưa thể ánh lên, và bàn tay chưa thể hân hoan đúng nghĩa…

Hà Quang Minh
.
.
.