Đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND luôn hấp dẫn các nghệ sĩ

Thứ Ba, 21/07/2020, 21:25
Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần IV năm 2020 đã quy tụ rất nhiều đạo diễn tài năng của làng sân khấu, từ những cây đa cây đề như NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Hồng Lựu, NSND Giang Mạnh Hà đến những đạo diễn giỏi như NSƯT Sỹ Tiến, NSƯT Hoàng Tùng Lâm…


Điều đó cho thấy hình tượng người chiến sĩ CAND luôn có một sức hút đặc biệt đối với sân khấu. Phóng viên Chuyên đề CSTC đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của các đạo diễn khi tham gia liên hoan.

Cảnh trong vở kịch nói "Vẫn sống" của Nhà hát CAND.

Đạo diễn, NSND Lê Hùng: Đề tài về Công an luôn mới mẻ, hấp dẫn

Năm nay có rất nhiều vở hay, vì có nhiều đạo diễn gạo cội tham gia và rất hứng thú với đề tài này. NSND Công Bảy đã rất sát sao và tư vấn cho anh em nhiều, góp ý đầu tư cho kịch bản tốt hơn. Với tôi, nhiều năm tham gia Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND nhưng lúc nào tôi cũng thấy đề tài này mới mẻ, hấp dẫn. Nó không bao giờ cũ và khô khan.

Trong thời bình, sự hy sinh của lực lượng Công an rất lớn. Nhiều người cứ cho rằng Công an là cái máy, thực thi các nhiệm vụ, chứ họ không hiểu rằng Công an cũng là con người, có những nỗi buồn, niềm vui, đau đớn, hạnh phúc…

Họ vẫn phải hy sinh rất nhiều trong thời bình, trong đó lực lượng hy sinh nhiều nhất là Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát giao thông… Làm thế nào để chúng ta có thể kể được câu chuyện đó trên sân khấu mà không bị gượng gạo, khô cứng, thuyết phục được người xem.

Tôi nghĩ, chúng ta cần nhiều hơn nữa những vở kịch xúc động về hình tượng người chiến sĩ Công an và quảng bá rộng rãi hơn để cho khán giả đi xem. Điều đó sẽ giúp họ hiểu được những góc khuất trong cuộc đời và công việc lặng thầm của các chiến sĩ Công an.

Chính những vở kịch nhân văn và xúc động như vậy mới góp phần xóa nhòa định kiến của một bộ phận người dân về Công an, vì thực tế, ngoài cuộc đời, họ chưa thực sự hiểu và trân trọng công việc của Công an. Tôi đã chứng kiến nhiều người  xem và khóc, họ thổ lộ rằng, đến bây giờ, khi xem những vở này họ mới hiểu được công việc thực sự của Công an là gì, còn bình thường, người dân cứ nhìn thấy Công an là sợ, là ngại, là nghĩ đến bắt bớ, trừng phạt.

Tại liên hoan này, tôi tham gia dàn dựng hai tác phẩm của sân khấu Lệ Ngọc - một sân khấu tư nhân. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của đề tài, vì sân khấu tư nhân tham gia chắc chắn họ phải tính đến bài toán kinh doanh vở diễn sau kỳ liên hoan.

NSND Lệ Ngọc rất tự tin với hai tác phẩm tham gia lần này và dự định sẽ có lịch diễn định kỳ, hy vọng sẽ lan tỏa hơn nữa những hình tượng đẹp về người chiến sĩ Công an.

Đạo diễn, NSƯT Sỹ Tiến: Khi dựng kịch về Công an phải phản ánh được cuộc sống của họ trên sân khấu chân thực và sinh động nhất

Lần đầu tiên tôi dựng vở tham gia Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an. Nhà hát Tuổi trẻ lần nào tham dự và được giải thưởng cao. Lần này tôi dựng vở “Bộ cảnh phục”. Tên của vở diễn  có vẻ  đơn giản, nhưng hàm ý của câu chuyện rất sâu xa, phản ảnh về niềm tự hào về nghề của những chiến sĩ Công an khi được khoác trên mình bộ sắc phục CAND.

Câu chuyện giản dị về một nữ cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong ngày cưới muốn mặc sắc phục CAND. Nhưng rồi cô tham gia một chuyên án lớn và hy sinh. Tôi không khai thác sâu vụ án mà nói về sự hy sinh thầm lặng của họ, thậm chí có những lúc họ phải hy sinh cả tính mạng của mình. Với tôi, đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an là một thách thức, làm thế nào để có thể phản ánh được cuộc sống của họ trên sân khấu một cách chân thực và sinh động nhất.

Đó không chỉ là câu chuyện của những vụ án, những chiến công, mà ở đó là cả nước mắt, những giọt mồ hôi, sự hy sinh của họ vì bình yên của cuộc sống. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày không có Công an thì xã hội sẽ ra sao. Phải tìm được gốc giá trị của sự hy sinh bởi Công an cũng là con người, làm thế nào để họ có thể vượt qua chính mình để hành động, để xả thân mà không bị lên gân, cường điệu. Như thế mới thuyết phục được người xem.

Tôi tin, “Bộ cảnh phục” sẽ thuyết phục được người xem. Hôm tổng duyệt, nhiều đồng nghiệp Công an đã khóc vì xúc động, họ tự hào khi mặc bộ cảnh phục và thêm yêu màu áo của mình hơn.

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Tùng Lâm: Sự hấp dẫn khi khai thác đề tài Công an ở góc độ đời thường nhất

Lần này tôi dàn dựng vở “Yêu”, lúc đầu có tên là “Nữ cảnh sát SBC”. Nhưng chúng tôi quyết định lấy tên “Yêu” vì muốn phản ánh cuộc sống, tâm tư tình cảm của người chiến sĩ Công an, đó là tình yêu trong công việc, tình yêu cuộc sống, yêu đồng đội, gia đình.

Tôi không đi vào chuyên án mà tập trung khai thác những vẻ đẹp nhiều màu sắc của hình tượng người chiến sĩ CAND, một vẻ đẹp nhiều màu sắc, chân thực và không hề tô vẽ. “Yêu” là những lát cắt nhỏ kể về những chiến sĩ Công an nhân dân dám lựa chọn con đường chông gai luôn trên tuyến đầu đấu tranh với cái xấu, cái ác. Trong cuộc sống đời thường, họ là những chàng trai, cô gái biết yêu - ghét, hờn - giận...

 “Yêu” là kịch bản của tác giả Nguyễn Quang Vinh, sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ đơn thuần viết về công việc của những cán bộ Công an. “Yêu” khai thác một mặt khác, ít người hiểu, đó là sự đấu tranh trong tình yêu. Họ cũng là con người, cũng mềm mại, lãng mạn, cũng có cuộc sống nội tâm đầy màu sắc, phong phú. Tuy nhiên, khi đứng trước tình yêu và trách nhiệm công dân, họ sẽ lựa chọn như thế nào? Bi kịch tình yêu xảy đến với họ ra sao.

Vở “Bộ cảnh phục” của đạo diễn Sỹ Tiến.

“Yêu” công diễn đêm 15-7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả, nhiều giọt nước mắt đã rơi và tôi tin chắc, khi xem những vở kịch này, hơn bất cứ lời nói nào, khán giả sẽ thêm hiểu và yêu Công an hơn. Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Quốc Khánh, Tô Tuấn Dũng, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Thị Duyên, Lê Quang Đạo, Vương Trọng Trí, Nguyễn Minh Hải, Vũ Ba Duy…

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND)” lần IV năm 2020 đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Liên hoan lần này thu hút sự tham gia của 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, Nhà hát Công an nhân dân, Nhà hát Quân đội. 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch đã được các đoàn đầu tư, dàn dựng, đưa về Hà Nội dự Liên hoan.

Tối 16-7, sau lễ khai mạc, Nhà hát CAND đã “mở màn” Liên hoan với vở kịch nói “Vẫn sống”. Đây là tác phẩm ngợi ca người chiến sĩ Công an trên mặt trận phòng chống ma túy, do NSND Lê Hùng đạo diễn; Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND chỉ đạo nghệ thuật. Theo kế hoạch dự kiến, 32 vở diễn còn lại tham gia Liên hoan lần này được công diễn 2 vở/ngày, vào 9h đến 11h và 20h đến 23h, trong các ngày từ 17/7 đến 1-8.

Sau khi hoàn thành phần thi diễn, ngày 2-8, các nghệ sĩ, đại biểu sẽ tham quan Bảo tàng CAND. Cũng trong khuôn khổ Liên hoan, chiều ngày 2-8, tại trụ sở Bộ Công an, số 47 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội sẽ diễn ra tọa đàm, trao đổi về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” qua 4 kỳ tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về chủ đề này. Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải Liên hoan sẽ diễn ra vào 20h ngày 2-8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

l Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị - Bộ Công an, chia sẻ: “Chất lượng các vở diễn năm nay được đánh giá cao, đa dạng về đề tài và hình thức thể hiện hơn. Liên hoan cũng thu hút được nhiều đạo diễn tài hoa từ các nhà hát trong cả nước. Đó là điều đáng tự hào cho thấy sức hút của đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND. Nguồn kịch bản cho Liên hoan kỳ này rất phong phú nên các vở diễn đã khai thác được đa số các lĩnh vực của công tác Công an.

Từ hình ảnh của người chiến sĩ tình báo, người chiến sĩ an ninh, hình ảnh của Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; sự nỗ lực, quyết tâm của Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho đến các đồng chí quản giáo, giám thị trại giam, Cảnh sát hình sự… đều được tìm hiểu, khai thác trong các tác phẩm. Từ kỳ tổ chức lần thứ 3 và lần thứ 4 này, Liên hoan đã có sự tham gia đầy trách nhiệm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Các đơn vị này tham gia vào Ban Tổ chức, thẩm định chuyên môn, chất lượng của vở diễn. Đây là điều rất tốt để Liên hoan thành công.

Lan Tường (ghi)
.
.
.