Dấu ấn Kiatisuk

Thứ Tư, 14/12/2016, 15:15
Sự hồi sinh của nên bóng đá Thái Lan sau giai đoạn khủng hoảng 2004-2012 không phải tự nhiên mà có. Ngược lại, nó là tổng hòa của nhiều yếu tố. Nhưng trong đó không thể không nhắc đến vai trò vô cùng quan trọng của kiến trúc sư trưởng Kiatisuk.


Trận lượt đi chung kết AFF Suzuki Cup 2016 giữa Indonesia và Thái Lan phải đến ngày 14/12 mới diễn ra. Còn trận lượt về sẽ diễn ra sau đó 3 ngày. Nhưng ngay từ khi trái bóng còn chưa lăn, hầu hết giới chuyên môn đều nhận định rằng thầy trò HLV Kiatisuk sẽ bảo vệ thành công ngôi vương mà họ đang nắm giữ. Đơn giản bởi người Thái đã thể hiện họ đang ở một đẳng cấp hoàn toàn vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á…

Indonesia dù rất nỗ lực và kiên cường, nhưng cũng đã bị chính Thái Lan nghiền nát tâm phục khẩu phục với kết quả 4-2 ở trận đấu mở màn vòng bảng. Đó cũng là lần duy nhất, người Thái phải nhận bàn thua ở AFF Suzuki Cup năm nay.

Sau trận đấu ấy, đoàn quân của Kiatisuk vẫn tiếp tục duy trì mạch chiến thắng quen thuộc. Nhưng họ đã không còn cho những đối thủ của mình có cơ hội ăn mừng, dù chỉ là những bàn thắng. Tổng cộng sau 5 trận đấu đã qua, Thái Lan đã ghi được tới 12 bàn (trung bình tới 2.4 bàn/trận) và chỉ để lọt lưới có 2 lần. Một con số thừa đủ nói lên sức mạnh đáng sợ của người Thái vào thời điểm này.

Thái Lan và cuộc “cách mạng nhân sự” của Kiatisuk

Sau một giai đoạn khủng hoảng kéo dài từ năm 2004 đến 2012 (5 kì AFF Suzuki Cup liên tiếp) Thái Lan không thể với tay tới chức vô địch, đội bóng xứ Chùa Vàng thực sự đã lấy lại vị thế độc cô cầu bại ở làng túc cầu khu vực. Điều đó không chỉ được thể hiện qua sự hủy diệt của Thái Lan ở kì AFF Suzuki Cup lần này, mà họ còn là đội bóng duy nhất tại Đông Nam Á lọt được đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực Châu Á.

Tất nhiên, sự hồi sinh của người Thái không phải tự nhiên mà có. Ngược lại, nó là tổng hòa của nhiều yếu tố. Từ nền tảng đào tạo trẻ và bóng đá phong trào cực tốt của bóng đá Thái Lan, cho đến sự phát triển của giải Ngoại hạng Thái Lan…Nhưng trong đó không thể không nhắc đến vai trò vô cùng quan trọng của kiến trúc sư trưởng Kiatisuk.

Chắc chắn không ít người sẽ lấy làm ngạc nhiên khi thành phần đội tuyển Thái Lan tham dự AFF Suzuki Cup lần này không có cầu thủ nào trong độ tuổi dự Sea Games 2017. Trẻ nhất trong thành phần Thái Lan chỉ là 5 cầu thủ 23 tuổi: Chanathip, Tristan Do, Tanaboon, Adison và Peerapat.

Nó khác hẳn với đội tuyển Việt Nam, khi có rất nhiều cái tên có đủ điều kiện góp mặt tại Sea Games sang năm như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Dũng, Văn Thanh. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, đội hình tương đối "cứng tuổi" của Thái Lan lại là thành quả của Kiatisuk.

Sau gần 4 năm nắm quyền (từ 2013), vị chiến lược gia 43 tuổi này đã xây dựng được bộ khung ưng ý,  là nền tảng cho những thành công của bóng đá Thái Lan hiện tại.

Đội hình đội tuyển Thái Lan không có cầu thủ nào trong độ tuổi U23. Đơn giản bởi cuộc cách mạng thay máu ấy đã được Zico Thái Lan thực hiện ngay từ khi lên nắm quyền.

"Tôi đã tìm kiếm và chọn lựa ra lứa cầu thủ này kể từ sau khi tôi được bổ nhiệm làm HLV ở SEA Games 2013", Kiatisuk khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Straits Times của Singapore.

ĐT Thái Lan đang thực sự là ''độc cô cầu bại'' tại khu vực Đông Nam Á.

Theo vị thuyền trưởng của đội tuyển Thái Lan ở thời điểm ông được LĐBĐ nước này chính thức trao trọng trách dẫn dắt ĐTQG (trước đó Kiatisuk chỉ là HLV tạm quyền), ông đã phải viện tới những cựu binh như Datsakorn Thonglao và Rungsan Viwatchaichok để định hướng cho phong cách chơi bóng của đội nhà. Nhưng sau đó ông đã nhanh chóng nhận ra để thực sự hồi sinh thì tuyển Thái Lan cần một luồng gió mới.

"Tôi nhận thấy rằng đây là thời điểm để thay đổi và đội tuyển Thái Lan được thay máu từ đội hình già nua thành đội hình chỉ có độ tuổi trung bình khoảng 22 và tôi tin rằng đó sẽ là thế hệ vàng của Thái Lan trong quãng thời gian 10 năm nữa", Kiatisuk bật mí những gì đã diễn ra ở đội tuyển Thái Lan.

Quả thật với tầm nhìn của mình, Kiatisuk đã đúng, ít nhất là cho đến lúc này. Người Thái đang thực sự sở hữu một thế hệ vàng nữa, giống như khi Kiatisuk và các đồng đội còn tung hoành trên sân cỏ.

Với việc đã chơi bóng cùng nhau liên tục trong vài năm liền, theo đường lối đã được ông thầy vạch sẵn, Thái Lan hiện là một tập thể rất đáng gờm. Trong một ngày đẹp trời, Thái Lan đủ sức gây khó khăn cho bất kì đối thủ hàng đầu Châu lục nào. Minh chứng là trận hòa 2-2 trước Australia ngay trước thềm AFF Suzuki Cup 2016. Không chỉ vạch ra đường lối chiến lược, mà trong thành công của đội tuyển Thái Lan dấu ấn chiến thuật của Kiatisuk cũng là rất rõ ràng.

Để chiếc Ferrari không đâm vào tường

Không cần phải bàn cãi, Teerasil Dangda chính là chân sút số 1 của đội tuyển Thái Lan vào lúc này. Tiền đạo có thời gian tu nghiệp tại Tây Ban Nha này, được nhìn nhận là sát thủ toàn diện nhất trong khu vực. Dangda cũng đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới tại AFF Suzuki Cup năm nay với 5 bàn thắng.

Nhưng có lẽ tài năng trẻ Chanathip Songkrasin mới là con bài quan trọng bậc nhất trong lối chơi của Thái Lan dưới thời Kiatisuk. Tiền vệ nhỏ con này chính là nhân tố đã được Zico Thái Lan hết sức trọng dụng khi ông thực hiện cuộc cách mạng ở ĐTQG. Chanathip giống như là người kế vị Datsakorn Thonglao, là linh hồn, nhạc trưởng trong lối chơi của Thái Lan.

Không có lợi thế về thể hình, nhưng Chanathip lại sở hữu nền tảng kỹ thuật vô cùng khéo léo, tốc độ tuyệt vời cùng một nhãn quan thiên tài. Chanathip được Kiatisuk ví như một chiếc Ferrari, một loại xe siêu sang hoàn mỹ mà ai cũng thèm muốn. Chỉ có điều, Ferrari dù có khả năng tăng tốc cực nhanh, nhưng không phải lúc nào cũng chiến thắng trên đường đua.

"Một chiếc Ferrari rất nhanh, nhưng nếu nó phóng về phía rào chắn, thì cái gì sẽ chiến thắng? Dĩ nhiên phải là rào chắn", Kiatisuk đặt vấn đề. Chính từ góc nhìn ấy, Kiatisuk đã phát triển một phong cách chơi bóng phù hợp với người Thái Lan.

"Chanathip phải chuyền bóng thật nhanh bởi sẽ có nhiều cầu thủ cao to lao tới giành bóng". Đấy cũng chính là bí quyết mấu chốt tạo nên lối chơi đặc trưng của người Thái. Đội tuyển này luôn cố gắng chuyền bóng nhanh nhất có thể.

Kiatisuk đang thành công rực rỡ cùng ĐT Thái Lan.

"Chúng tôi phải luân chuyền bóng thật nhanh, cứ như vậy nhiều lần. Không có cầu thủ nào bị chấn thương hay bị tắc bóng nếu bạn chuyền bóng đủ nhanh", Kiatisuk nói về cách triển khai lối chơi của Thái Lan.

Và Kiatisuk đặt tên cho lối chơi ý là tik-tok. Cái tên ấy bắt nguồn từ nguồn cảm hứng tiki-taka, phong cách chơi bóng gắn liền với thành công của Tây Ban Nha và Barcelona. Kiatisuk nhận ra rằng giữa Thái Lan và các cầu thủ Barcelona có nhiều điểm chung. Họ đều là những cầu thủ nhỏ con và khéo léo, vì vậy giống như CLB xứ Catalan, Thái Lan cũng không thể chơi biên, chơi bóng bổng.

Kiatisuk cũng hướng Thái Lan đến lối đá kiểm soát bóng tương tự như tiki-taka. Nhưng sự khác biệt là vị HLV từng dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai này lại yêu cầu các học trò phải chuyền bóng thật nhanh, để tránh nguy cơ bị các đối thủ có thể hình, thể lực và đẳng cấp nhỉnh hơn cướp bóng.

"Không phải chúng tôi chơi tiki taka mà là tik tok. Tiki taka là chơi bóng "hai chạm" dựa trên những đường chuyền ngắn, còn chơi tik tok là chỉ chơi bóng một chạm, các cầu thủ di chuyển nhỏ qua những đường chuyền "một chạm" với nhau". Kiatisuk nói về sự khác biệt giữa tiki-taka và tik-tok.

Có lẽ chính vì những sự cải tiến ấy của tiki-taka so với tik-tok mà trong khi tiki-taka đang có dấu hiệu bị bắt bài, mất đi sự hiệu quả (bằng chứng là những kết quả không thực sự như ý của đội tuyển Tây Ban Nha, Barcelona hay Manchester City trong giai đoạn vừa qua) thì các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa biết cách nào để cản bước người Thái. Thậm chí ngay cả các ông kẹ ở châu Á cũng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi phải đối đầu với đoàn quân của Kiatisuk.

"Giải đấu chưa kết thúc. Chúng tôi thắng trong trận bán kết nhưng vẫn còn 2 trận chung kết nữa để quyết định đến chức vô địch. Và chúng tôi cần phải chuẩn bị tốt nhất cho 2 trận đó", vị HLV trưởng của Thái Lan đã phát biểu như thế trước 2 trận chung kết với Indonesia. Một phát biểu thể hiện sự cẩn trọng của Kiatisuk trước ngưỡng cửa vô địch. Nhưng ai cũng hiểu AFF Suzuki Cup giờ không còn là cái đích tối thượng trong mắt Kiatisuk cũng như LĐBĐ Thái Lan.

Mục tiêu của người Thái cao và xa hơn sân chơi ao làng này rất nhiều. AFF Suzuki Cup nếu có thì chỉ là một bệ phóng về mặt tinh thần, chứ hoàn toàn không phải là nơi để Kiatisuk và các học trò bị đánh giá thành bại. Mà như Kiatisuk từng tuyên bố thì đích ngắm của Thái Lan ở thì tương lai gần là top 10 châu Á. Hiện đội bóng này đang xếp thứ 19 và con đường vào top 10 không quá xa. Đó là cái đích rất thực tế, đồng thời khẳng định tham vọng lớn lao cũng như sự tự tin của Thái Lan.

Nếu người Thái tiếp tục đà thăng tiến như hiện tại dưới tài thao lược của Kiatisuk thì rõ ràng phần còn lại của Đông Nam Á sẽ có lí do để mà quan ngại rằng sẽ chẳng ai có thể cản bước chiếc Ferrari Thái Lan. Và có thể AFF Suzuki Cup 2016 cũng chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc thống trị ấy mà thôi…

Kiatisuk - tượng đài sống của bóng đá Thái Lan

Nếu phải bầu chọn một nhân vật có ảnh hưởng nhất đến bóng đá Thái Lan trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây thì chắc chắn danh hiệu ấy phải thuộc về Kiatisuk.

Khi còn thi đấu, Kiatisuk chính là cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Thái Lan nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Anh nắm giữ cả 2 kỉ lục của bóng đá Thái Lan: cầu thủ có số lần khoác áo và có số bàn thắng ghi cho ĐTQG nhiều nhất.

Cụ thể, Kiatisuk đã ghi được 70 bàn sau 131 trận khoác áo ĐT xứ Chùa vàng. Đáng chú ý, dù rất bạn rộn với trái bóng tròn, Kiatisuk cũng kịp lấy bằng Cử nhân và Thạc sỹ quản trị kinh doanh.

Có lẽ những kiến thức về quản trị kết hợp với chuyên môn bóng đá và cái uy của Kiatisuk với bóng đá Thái Lan mà anh này nhanh chóng thành công trên cương vị HLV trưởng ĐT nước này (dù trước đó, Kiatisuk đã không mấy thành công trong sự nghiệp HLV ở Việt Nam). Kiatisuk đã cùng ĐT Thái Lan vô địch AFF Suzuki Cup 2014, King Cup 2016.

Ngoài ra, anh cũng dẫn dắt đội Olympic nước này vô địch Sea Games 2013 và lọt vào Top 4 Asiad 2014. Và rất có thể sau AFF Suzuki Cup 2016, Kiatisuk sẽ lại có cho mình một chiến quả nữa.

Tất Đức
.
.
.