"Đại chiến" nhạc số và album CD

Thứ Hai, 28/11/2016, 10:35
Vừa qua, cuộc họp báo công bố Zing Music Space diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh “bùng nổ” với những ý kiến trái chiều xoay quanh câu hỏi giữa thời đại nhạc số, như thế nào được gọi là âm nhạc đích thực.


Lâu nay, cụm từ “âm nhạc đích thực” thường được dùng để nói về thứ âm nhạc chuyên môn, mang giá trị nghệ thuật cao.

Ngược lại với tính hàn lâm này được mặc định là âm nhạc đại chúng, nghĩa là âm nhạc hướng đến mọi lứa tuổi, đến thị hiếu của đại chúng, mang tính giải trí cao. 

Bảng xếp hạng ca khúc trên trang nghe nhạc trực tuyến của Zing.

Cùng với sự bùng nổ của các thiết bị nghe nhìn mới và sự phát triển của các trang nghe nhạc trực tuyến, nhạc số lên ngôi, thống lĩnh gu thưởng thức âm nhạc của số đông công chúng ở nước ta trong thời gian qua. Âm nhạc đại chúng được  đẩy lên một cách “nhạy” hơn.

Lướt qua bảng xếp hạng ca khúc ở các trang nghe nhạc trực tuyến hàng đầu ở nước ta hiện nay như Zing, Nhaccuatui, Keeng…, chúng ta dễ dàng nhận ra có một sự yếm thế của những ca khúc được xem là “đánh đố” với tai nghe đại chúng.

Thay vào đó là sự “nở rộ” của một loạt ca khúc theo mùa vụ có số tuổi thọ trung bình là 1 tháng, thậm chí 1 tuần.

Bài hát mới “gối” nhau ra đời liên tục, làm cho thị trường nhạc số sôi động vô cùng. Có những trường hợp ca khúc khi ra đời tại thời điểm đó “sốt xình xịch” thì chỉ sau đó 1 tuần, khán giả quên luôn và tìm đến ca khúc mới.

Thay vì để thưởng thức, để đắm chìm, âm nhạc thời nhạc số được sinh ra với mục đích giải trí là chính. Một lứa “nghệ sỹ một mùa” cũng theo đó mà hình thành. Họ sáng tác, biểu diễn chủ yếu vì đáp ứng thị hiếu của công chúng.

(Tất nhiên cũng nhờ nhạc số lên ngôi với phương thức đẩy bài lên một cách thoải mái, một số gương mặt âm nhạc underground ấn tượng cũng được công chúng điểm mặt chỉ tên. Tuy nhiên, con số này không nhiều).

Trong lúc đó, thị trường abum CD ngày càng lép vế và có xu hướng thoái trào dần. Điểm danh từ đầu năm đến nay, số lượng nghệ sỹ ra CD không nhiều, chủ yếu xuất phát vì đam mê, vì thích, vì “chơi”.

Câu chuyện kinh tế hoàn toàn không được tính đến trong chuyện ra album vì không cần tính cũng biết là… lỗ chỏng vó.

Kể cả những nghệ sỹ đã được định danh trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam như ca sỹ Tùng Dương, nhạc sỹ Đỗ Bảo, ca sỹ Hà Trần, ca sỹ Mỹ Linh, Lê Cát Trọng Lý… cũng chẳng khả quan hơn.

Nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong: Sự hài hòa là giá trị của âm nhạc giai đoạn này

Thị trường nhạc số vẫn đang đi lên. Trong khi đó, thị trường album CD tuyển tập đang thoái trào dần. Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, thế giới cũng thế. Tuy nhiên, việc thoái trào CD ở thế giới sẽ chậm hơn so với nước ta. 

Họ vẫn còn nhiều cửa hàng băng đĩa xịn như ngày nào. Các cửa hàng ấy vẫn còn bán được nhiều. Fan vẫn còn nhiều. Những người sưu tập đĩa vẫn còn trung thành. Song, so với trước đây, số lượng các cửa hàng này đang giảm dần và có xu hướng dẹp bỏ dần, nhường chỗ cho âm nhạc qua USB, internet, facebook… Nói chung là digital. Điều này là quy luật tất yếu. Bây giờ âm nhạc trực tuyến là xu hướng.

Theo đà đó, càng ngày, âm nhạc nước ta càng “phẳng” so với thế giới nhiều hơn. Bây giờ nghe nhạc Việt khá là gần với nhạc quốc tế. Đối với một số nhóm khán giả thì điều đó là tốt. Bản thân tôi cũng thích những điều mới mẻ, hiện đại. Nhưng có thể sẽ có một nhóm khán giả khác thích cái gì đó, không thích hoài niệm. Và đúng là cái gì cũng có 2 mặt của nó. Khi âm nhạc ngày một hiện đại lên, văn minh hơn, “phẳng” hơn thì cũng chính cái “phẳng” đó kéo theo việc mất dần bản sắc.

Riêng bản thân mình, tôi cố gắng cho ra những sáng tác đủ hiện đại nhưng luôn cho người ta thấy đâu đó là âm hưởng của Việt Nam. Tôi vẫn dùng quy luật ngũ cung trong âm nhạc để tôn lên vẻ đẹp của âm nhạc nước ta. Tôi nghĩ, không sớm thì muộn, những nghệ sỹ sẽ lựa chọn hòa nhập cùng dòng chảy âm nhạc thế giới nhưng tùy vào tư duy, nhận thức và mỹ cảm của mỗi người mà con đường đi của từng người sẽ khác nhau. Xu hướng âm nhạc về cơ bản là đang “phẳng” dần, càng ngày càng giống nhau dần. Nghệ sỹ nào đủ khả năng vừa để hội nhập, lại vừa giữ được bản sắc thì người đó sẽ thành công. Hài hòa – chính là giá trị của âm nhạc giai đoạn này.

Giữa thời buổi khán giả chỉ thích nghe nhạc miễn phí thì việc nghệ sỹ nào đó ra album, hay ra một concept truyền thống bao gồm album và show vô hình trung bị xem là chơi trội và chẳng khác gì “đem thóc đãi gà rừng”. Không ít trường hợp album được công bố ít phút đã bị đẩy lên mạng toàn bộ.

Đang có một khoảng cách về gu thưởng thức của công chúng ở nước ta hiện nay. Nhạc số thì “hấp dẫn” đám đông hơn. Trong khi đó, nhiều người đang ngày càng “ngại” mở một CD.

Cuộc chiến giữa nhạc số và album CD vốn là một cuộc chiến không cân sức khi mà “lượt view” áp đảo đang thuộc về nhạc @. Đó là kết quả nhìn thấy ngay.

Chữ “đại chiến” trong tựa bài viết này đang muốn xoáy đến cuộc chiến về ý thức hệ, về gu nhạc. Rõ ràng, chúng ta đang có một độ vênh rất lớn giữa hai quan điểm. Âm nhạc đại chúng và âm nhạc hàn lâm là hai con đường song song, chẳng liên quan đến nhau.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường: Nghệ thuật không có đời sống thì chỉ là thứ tư liệu

Người ta cứ tranh cãi với nhau về nhạc đại chúng và nhạc hàn lâm. Nhưng như thế nào là đại chúng? Như thế nào là nghệ thuật đích thực? Tôi nghĩ, bây giờ không còn ranh giới giữa âm nhạc bác học và âm nhạc đại chúng nữa. Các bạn chỉ cần lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe… Rồi bản năng sẽ làm nốt phần còn lại. Chúng ta cũng chẳng thể nào phân biệt âm nhạc đại chúng và âm nhạc hàn lâm khi nó đã phát triển tới mức độ không còn ranh giới nữa rồi.

Hơn nữa, tôi thấy, nghệ thuật, âm nhạc mà không có đời sống thì sao gọi là âm nhạc được? Nó chỉ là thứ tư liệu mà thôi. Nghệ thuật phải hòa vào đời sống, để đời sống khen, đời sống chê. Kể cả thứ nghệ thuật bị chê còn hơn thứ nghệ thuật đóng kín trong hộp. Tôi nghĩ, chúng ta không nên nghĩ rằng như thế này mới là ghê gớm, mới là nghệ thuật. Trước khi mở lời coi thường và gọi đó không phải là thứ nghệ thuật đích thực, anh hãy thử viết ra một bài hát khiến công chúng thích đi. Đừng tưởng làm âm nhạc đại chúng mà dễ. Không dễ đâu. Bản thân tôi cũng thấy khó. Lịch sử âm nhạc có nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn sẽ có một thế hệ thưởng thức của mình. Thế hệ nào sẽ tương ứng với âm nhạc đó. Tôi cho rằng, cái thú vị của âm nhạc ở chỗ nó tạo ra nhiều sự lựa chọn.

Thế nào là nghệ thuật đích thực? Nếu khái niệm “đích thực” mà chúng ta đang mặc định không “chạm” được vào công chúng thì “đích thực” đó có phải là nghệ thuật đúng nghĩa không?

Âm nhạc đại chúng lôi kéo được số đông về phía mình nhưng giá trị nghệ thuật không có nhiều, số lượng ca khúc nhiều hơn cả lá mùa hè, sau mỗi mùa “rụng” luôn thì đó có phải là âm nhạc, là nghệ thuật đích thực hay không? 

Người viết bài này đồng ý quan điểm của nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong khi anh cho rằng ở thời buổi này, chúng ta đang cần một sự hài hòa: “Xu hướng âm nhạc về cơ bản là đang “phẳng” dần, càng ngày càng giống nhau dần. Nghệ sỹ nào đủ khả năng vừa để hội nhập, lại vừa giữ được bản sắc thì người đó sẽ thành công. Hài hòa – chính là giá trị của âm nhạc giai đoạn này”.

Ca sỹ Nguyễn Đình Thanh Tâm: Âm nhạc đôi khi cần chỉn chu, đôi lúc lại cần đơn giản

Thật khó để dựa vào những căn cứ học thuật hay quy chuẩn văn hóa nào để phân định rạch ròi giữa "âm nhạc đích thực" và "âm nhạc đại chúng". Có những bài hát vô cùng phổ biến trong công chúng vẫn mang nhiều giá trị nghệ thuật đó thôi. Thêm nữa, cũng không phải bài hát nào ít "dụng công nghệ thuật" là mặc định nó là dễ dãi và mùa vụ đâu. Âm nhạc đôi khi cần chỉn chu, đôi lúc lại cần đơn giản. Theo quan điểm cá nhân, Tâm chỉ có thể nhận diện âm nhạc và rác âm nhạc - những bài hát được nhiều "kẻ đốt đền" cố tình dùng làm cần câu cơm tạm bợ dựa trên những giá trị trần tục tạm thời.

Mỗi sản phẩm âm nhạc ra đời đều có sứ mệnh và đối tượng phục vụ riêng của nó. Chỉ cần phục vụ đúng đối tượng, âm nhạc đã là nghệ thuật rồi.

Có người sẽ thưởng thức âm nhạc bằng sự cảm thụ lý tính lẫn cảm tính, lại có người chỉ cần bài hát chạm đúng vào tâm trạng của mình lúc đó là đủ. Suy cho cùng, không ai có quyền phán xét về sở thích và nhu cầu thưởng thức riêng của người khác. Dựa trên tính cách và nền tảng giáo dục , mà người ta để âm nhạc tự nhiên chảy vào mình theo một cách rất riêng. Chỉ khi nào âm nhạc bị cố tình đối xử theo cách không tử tế, để rồi bị biến thành "rác âm nhạc" như đề cập ở trên, thì mới đáng bị lên án!

Đậu Dung
.
.
.