Cuộc “chơi sang” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Thứ Sáu, 04/10/2019, 11:36
Kể từ khi công bố lần đầu tiên trước khi đất nước thống nhất, đến nay, vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn là một trong những di sản đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam mà các nghệ sĩ dòng nghệ thuật hàn lâm muốn chinh phục. Sau rất nhiều nỗ lực và quyết tâm, tháng 10-2019, lần thứ 2 vở nhạc kịch được các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đưa lên sàn diễn để chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát.


Tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam khóa I và II (từ năm 1958 đến năm 1983) và là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. 3 vở: "Cô Sao", "Người tạc tượng", "Nguyễn Trãi" là những tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam theo truyền thống của opera phương Tây.

“Người tạc tượng” được sáng tác, phục vụ tuyên truyền, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bối cảnh chính của vở diễn là buôn Bra trong thập niên 60 của thế kỷ XX, trên chiến trường Tây Nguyên giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thạch Sơn, người con đất Quảng Nam, là cán bộ quân giải phóng. Trong một cuộc chạm trán với địch, anh bị thương và đã được đồng bào che giấu đưa vào trong hang núi cứu chữa.

Đồn trưởng ác ôn Bẩy Vằn nghi ngờ có người lạ, cho quân đi sục sạo khắp buôn làng để lùng bắt cán bộ. Giặc phát hiện bức tượng dũng sĩ Tây Nguyên tạc trên vách đá. Bẩy Vằn hạ lệnh tra tấn già làng Aêpông, con gái già làng -  HNuôn. Trước nguy cơ hai cha con già làng bị giết, Thạch Sơn quyết định bước ra đối mặt với kẻ thù.  Thạch Sơn và HNuôn bị bắt về đặc khu trong sự phẫn nộ của dân làng.

Trong câu lạc bộ sĩ quan Mỹ ngụy, đồng thời là phòng tra tấn trá hình, Gơrin - cố vấn tâm lý chiến tỏ vẻ là một người lịch lãm, yêu nghệ thuật, nhưng thực ra là một lái buôn đồ cổ, đã vơ vét những bức tượng dân gian Việt Nam, Khơ me, Lào, đem về nước để làm giàu. Biết Thạch Sơn có nghề tạc đá, Gơrin tìm mọi cách lung lạc tinh thần để anh tạc tượng Thần Tự do nhưng không thành…

Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trên sàn tập vở “Người tạc tượng”.

Thạch Sơn bị xử tử theo hình thức đâm trâu của đồng bào Thượng nhưng tốp lính không dám cầm khiên đâm anh. Y Zang – chiến sĩ giả câm hoạt động trong lòng địch cầm giáo múa quanh cột đâm trâu trong nhịp chiêng sôi sục, phẫn nộ của đồng bào, rồi bất ngờ quay mũi giáo phóng thẳng vào ngực Gơrin. Trước khi hy sinh, Y Zang đã trăn trối với đồng bào và chiến sĩ: “Sống quỳ hay chết đứng? Hãy làm sao cho xứng đáng là con cháu Bác Hồ!”…

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận), hiện nhiều nguồn thông tin khẳng định vở “Người tạc tượng” được dựng lần đầu tiên vào năm 1975 là không chính xác.

Kịch bản “Người tạc tượng” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết và duyệt ở hội đồng nghệ thuật vào tháng 6-1969. Hai số nhạc cuối cùng của vở diễn, ông viết trong những ngày Bác mất. Trên quyển tóm tắt mà gia đình giữ được, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ghi phần piano và hát được viết vào ngày 17-7-1970.

Sau đó ông có một giai đoạn dài để phối khí. Theo bút tích để lại là phối khí vào ngày 12-5-1970. Đến tháng tháng 1-1971, phần hợp xướng của vở nhạc kịch được sửa lần cuối cùng. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là “bà đỡ” đầu tiên cho vở “Người tạc tượng”. Vở dựng năm 1971, khi ấy Nhà hát còn ở khu Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trước “Người tạc tượng”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác vở nhạc kịch “Cô Sao”. Ông viết vở nhạc kịch này dựa trên sự kiện lịch sử - khởi nghĩa Bắc Sơn. “Cô Sao” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết năm 1965. Đây là vở nhạc kịch đầu tiên, khai trương nền âm nhạc mới của Việt Nam – nhạc kịch Việt Nam theo phong cách opera của phương Tây. Trước “Cô Sao”, Việt Nam có nhạc kịch nhưng chỉ dừng ở các ca cảnh, màn hát dân gian, nghệ thuật truyền thống của dân tộc như hát Tuồng, Chèo.

“Cô Sao” là vở nhạc kịch – opera đúng nghĩa, theo chuẩn quốc tế. 6 năm sau, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra mắt vở nhạc kịch “Người tạc tượng” và năm 1980, ông hoàn thành vở nhạc kịch “Nguyễn Trãi”.

Cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, opera là sân khấu âm nhạc đỉnh cao, tổng hợp nhiều yếu tố. Gần 50 năm trước, điều kiện của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam rất khó khăn nhưng bằng tình yêu, nỗ lực không ngừng, các nghệ sĩ đã hoàn thiện và ra mắt được vở nhạc kịch “Người tạc tượng”.

Buổi biểu diễn thứ 100 của vở diễn được tổ chức vào tháng 7-1975, ở rạp Hào Huê, Sài Gòn (nay là rạp Nhân Dân, ở quận 5, TP Hồ Chí Minh). Khi ấy Sài Gòn mới giải phóng. Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng cùng các nghệ sĩ của Nhà hát đi tàu thủy vào Sài Gòn biểu diễn phục vụ khán giả.

Cuộc "chơi sang" đầy vất vả

Sau “Người tạc tượng”, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam còn đưa vào dàn dựng vở “Nguyễn Trãi”. Tuy nhiên, vì điều kiện cơ sở vật chất và nhiều điều kiện khác đi kèm không đáp ứng được nên việc dàn dựng bị dừng lại. Năm 2019, vở nhạc kịch “Người tạc tượng” mới được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng lại trên sân khấu.

Việc dựng lại vở nhạc kịch này được coi là một cuộc “chơi sang” của NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc của Nhà hát. Như chia sẻ của chính nữ nghệ sĩ là chỉ mong muốn để lại dấu ấn nhất định trong lịch sử phát triển của Nhà hát cũng như quá trình hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.

Vở diễn hội tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của “làng” nhạc và kịch nghệ Việt hiện nay. Ngoài nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân với vai trò biên tập, đạo diễn âm nhạc và chỉ huy, vở diễn có sự tham gia của NSƯT Trần Lực với vai trò đạo diễn sân khấu; Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, NSND Hồng Phong tổng biên đạo, NSƯT Thúy Hằng, Đức Việt biên đạo múa…

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và bản rút gọn vở “Người tạc tượng”.

Về bản dựng mới này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, công việc vô cùng vất vả. Chỉ riêng việc dựng lại bản tổng phổ đã rất khó khăn. Lý do là thời chiến tranh, các nhạc sĩ chủ yếu viết bằng tay và viết bằng bút chì, khó bảo quản, dễ thất lạc. Vì thế, nhiều tác phẩm, đến nay đã không thể dựng được vì không còn bản tổng phổ. Vì con cái trong gia đình theo âm nhạc nên các tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được quan tâm,  bảo quản đến hôm nay.

Tuy nhiên, quyển chép tác phẩm khổ rộng hơn giấy A4 dày hàng trăm trang mà gia đình đang giữ mới chỉ là bản rút gọn, có piano và hát, tóm tắt ca từ, giai điệu. Để ghi lại toàn bộ các giai điệu, nốt nhạc, kết cấu, những gì xảy ra trong vở nhạc kịch thì cần đến 4 quyển khác có kích thước, quy mô tương tự. Trong lần phục dựng lại vở nhạc kịch, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã cố gắng rút gọn vở diễn, chắt lọc phần âm nhạc, bớt những chỗ rườm rà của các màn diễn… Nguyên bản của vở diễn phải dài đến 2h30 phút nhưng bản dựng mới chỉ còn 1h40 phút.

Dù vậy, tinh thần gốc của vở diễn mà nhạc sĩ gửi gắm trong tác phẩm, sự nhân ái, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc được chuyển tải qua âm nhạc, cảm nhận từ nghe, nhìn, ngẫm vẫn phải được đảm bảo tối đa. Tất cả chỉ được nâng cao lên bằng kỹ thuật, diễn xuất, các mảng múa… cho phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người xem hiện nay.

NSƯT Trần Lực cũng cho biết, trong bản dựng mới “Người tạc tượng”, anh và ê kíp đã quyết định sẽ trung thành với tác giả về tư tưởng của vở. Mặc dù “Người tạc tượng” là vở opera theo dòng nghệ thuật tuyên truyền nhưng bản dựng mới, các nghệ sĩ sẽ phát triển tư tưởng của nhạc sĩ, không quá nhấn mạnh về cuộc chiến của người Việt Nam với kẻ thù cụ thể mà hình tượng hóa lên.

Ê kíp vẫn cố gắng tối đa để chuyển tới khán giả tinh thần yêu nước, quật khởi của người Việt mỗi khi đất nước bị xâm lăng,  tôn vinh dân tộc, vun đắp lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước của người Việt Nam.

Hải Hà
.
.
.