"Con rồng cháu tiên" - bước chuyển mình của phim hoạt hình Việt

Thứ Tư, 15/11/2017, 19:57
Hơn 5 triệu lượt người xem, gần 40 nghìn lượt yêu thích và hàng ngàn lượt bình luận tích cực là những con số khá ấn tượng mà bộ phim hoạt hình "Con rồng cháu tiên" có được sau vài ngày phát hành.


Đây là lần hiếm hoi một bộ phim hoạt hình Việt nhận được sự quan tâm và yêu mến của đông đảo khán giả, phá vỡ mọi định kiến của họ về phim hoạt hình Việt Nam, nhất là dòng phim lịch sử, dân gian. 

Sức hấp dẫn từ cội nguồn lịch sử

Bộ phim hoạt hình "Con rồng cháu tiên" được xây dựng từ dựa trên truyền thuyết, văn hóa dân gian Việt Nam về Lạc Long Quân và Âu Cơ với việc đưa 50 người con lên núi và 50 người con xuống biển, cùng hành trình sơ khai lập quốc hình thành đất Việt. 

Đây là sản phẩm do Biti's - một nhãn hàng giày dép có tiếng của Việt Nam thực hiện với mong muốn lan tỏa tình yêu văn hoá dân gian đến thiếu nhi và người trẻ. Lịch sử và hoạt hình Việt Nam - hai thứ vốn được cho là "kén" sự quan tâm khi kết hợp trong dự án "Con rồng cháu tiên" thì lại gây tiếng vang đến không ngờ.

Quả thật, sức hút của "Con rồng cháu tiên" nằm ở cả nội dung và hình thức. Không đơn thuần chỉ là câu chuyện cha Rồng mẹ Tiên gặp gỡ và kết duyên, cùng nhau sinh ra bọc trăm trứng như truyện thường kể, bộ phim hé lộ thêm nhiều tuyến nhân vật phụ, những trường đoạn được đưa lên thành kịch tính để người xem cảm thấy thích thú và tò mò hơn về truyền thuyết mà chúng ta vẫn thường nghe kể.

Tuy nhiên, kịch bản của bộ phim vẫn dựa theo chất liệu dân gian, mọi sự sáng tạo trong câu chuyện đều đảm bảo yếu tố lịch sử và giá trị văn hóa. Tính cách các tuyến nhân vật cũng được khắc họa rõ nét hơn, dù là nhân vật chính diện hay phản diện, mang đến cho người xem một cái nhìn mới mẻ. Tất cả tạo nên một phiên bản mới lạ, cuốn hút, vẫn đậm bản sắc dân tộc, nhưng đã hiện đại, thú vị, gần gũi hơn với trẻ em thời nay.

Phim hoạt hình "Con rồng cháu tiên" đang gây sốt trên cộng đồng mạng.

Ông Hùng Võ - Giám đốc dự án phim, Phó tổng giám đốc phụ trách marketing thương hiệu Biti's chia sẻ, lý do để Biti's chọn câu chuyện con rồng cháu tiên với hai nhân vật chính là Lạc Long Quân và Âu Cơ đầu tiên là vì "Con rồng cháu tiên" là một "huyền thoại chung" cần thiết để xây dựng tự hào nòi giống, để gắn kết dân tộc. Đây cũng là câu chuyện thật sự ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa, bài học giá trị sâu sắc nhưng sách giáo khoa chưa làm rõ. 

Thêm một lí do quan trọng nữa, đó là cách đây 15 năm, Biti's cũng lấy câu chuyện "Bước chân Âu Cơ lên non; bước chân Lạc Long Quân xuống biển" để làm chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu của mình. "Con rồng cháu tiên" sẽ tiếp tục khơi nguồn lịch sử để có thể truyền lại cho thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.

Bên cạnh phần nội dung hấp dẫn, linh hồn của một bộ phim hoạt hình còn nằm ở hình ảnh và hiệu ứng kỹ xảo. Chia sẻ về quá trình thực hiện, đạo diễn Leo Dinh (Đinh Kiều Anh Tuấn) cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng từ ngoại hình nhân vật, trang phục cho đến phong cảnh trong phim để người xem có thể cảm nhận được từng thước phim sống động và là bộ phim hoạt hình của Việt Nam, không thể nhầm lẫn với một quốc gia nào khác". 

Và để tạo nên một thế giới "Con rồng cháu tiên" trọn vẹn, cả ê-kíp đã tốn hơn 180 ngày làm việc, trải qua 10.000 giờ sáng tạo của 100 nghệ sĩ. Trong đó gần 2 tháng chỉ để nghiên cứu lịch sử, văn hóa với sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc; hơn 2 tháng để đưa cốt truyện thành hàng nghìn khung hình, thực thi chuyển động với 3D & 2D motion, thực thi âm thanh & bài hát.

Lấy bối cảnh chính ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, từng thước phim về khung cảnh Việt xưa được hiện ra hoành tráng và hùng vĩ, chuyển động của từng nhân vật mượt mà và sống động. Đặc biệt, ở những đoạn Lạc Long Quân hóa Rồng hay Lạc tiên hóa thành người, phân cảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ nhau và đem lòng yêu thương, cảnh Rồng và Lạc hợp sức chống yêu quái..., hiệu ứng chuyển cảnh lung linh và hoành tráng, lay động lòng người. 

Một điểm cộng lớn của bộ phim "Con rồng cháu tiên" chính là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh. Nếu như phần hình ảnh được chỉn chu từ tạo hình nhân vật đến từng khung cảnh thì phần âm nhạc cũng được đầu tư không kém, từ bản phối, âm nhạc cũng như ca từ trong ca khúc. 

Bài hát chủ đề của bộ phim "Cùng nhau ta thắp sáng" do ca sĩ Thanh Bùi và Novel Production sáng tác - sản xuất, ca sĩ Bích Ngọc trình bày là sự cộng hưởng hài hòa giữa giai điệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét tinh túy của âm nhạc dân gian, hùng hồn và hào sảng nguồn gốc dòng máu Lạc Hồng.

"Dưới bóng cây" là bộ phim 3D thu hút được khán giả Việt.

Phim hoạt hình Việt vẫn cần sự bứt phá

Giữa lúc thị trường phim ảnh, truyện tranh Việt cho trẻ em đang thiếu thốn những tác phẩm xuất sắc thì sự xuất hiện "Con rồng cháu tiên" thực sự tạo bước đột phá mạnh mẽ. 

Kể từ khi "Dưới bóng cây" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hay "Bố của gà con" của đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn ra mắt khán giả cùng một số phim hoạt hình ngắn được các bạn trẻ tự dựng và đưa lên yotube gây tiếng vang lớn như "Cô bé bán diêm" của nhóm True -D Animation, "Đại chiến Bạch Đằng" do một nhóm sinh viên Trường đại học Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh thực hiện, "Bay" của nhóm Smile AD, "Hột vịt lộn" của Colory Animation, "Chiếc cầu xoay" của Bamboo Animation, hay "Câu chuyện bút chì" của 2 sinh viên đang học ngành báo chí tạo được sự chuyển động mới của phim hoạt hình Việt Nam thì đây là lần đầu tiên một bộ phim hoạt hình Việt đạt được nhiều lượt người lớn thích xem chỉ sau vài ngày ra mắt. Đó là một điều đáng vui đáng khích lệ của phim hoạt hình Việt Nam.

Không thể phủ nhận "Con rồng cháu tiên" có sự đầu tư kĩ lưỡng cả về nội dung, hình thức, nhưng xét một cách toàn diện thì những bộ phim hoạt hình Việt Nam vẫn chưa đạt được chất lượng cao, đáp ứng được phần nhìn, phần nghe cho khán giả, để ngỏ thị trường và khán giả cho phim hoạt hình quốc tế độc diễn.

Một trong những nguyên nhân khiến phim hoạt hình Việt yếu kém là do cách nhìn về phim hoạt hình ở ta đã lỗi thời. Chúng ta quan niệm, phim hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi, trong khi đó, nước ngoài họ làm phim hoạt hình cho cả người lớn. 

Trẻ nhỏ đương nhiên thích vì đó là thế giới của cổ tích, của phép thuật, của những công chúa nàng tiên, những con vật và câu nói ngộ nghĩnh, dễ thương hay những chuyến phiêu lưu tới vùng đất chúng chưa thấy bao giờ. Còn người lớn cũng cảm thấy thú vị, mãn nhãn với hình ảnh lộng lẫy, những kỹ xảo mới lạ…

Trong khi đó phim hoạt hình Việt Nam không chỉ ngắn về thời lượng mà còn phải "gánh" trên mình sứ mệnh là "để giáo dục trẻ em" như một vị đứng đầu của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từng phát biểu với truyền thông. Có lẽ khởi điểm bởi mục đích khá "nặng nề" đó nên các phim hoạt hình dành cho thiếu nhi có phần khô cứng, ít hấp dẫn các em?

"Con rồng cháu tiên" gây sốt cả về hiệu ứng âm thanh, hình ảnh, kĩ xảo.

Bên cạnh đó, đầu ra trên kênh truyền hình quốc gia cho phim hoạt hình vẫn hạn chế, còn việc phát hành phim tại các rạp chiếu với mục đích thương mại thì chưa từng được nghĩ tới, có chăng chỉ là một vài dự án "liều lĩnh" với mục đích thăm dò thị trường, sản xuất phim nhưng lại không có kinh phí quảng cáo, tiếp thị. 

Việc thiếu nhân lực khiến sản xuất phim hoạt hình ở ta bị hụt là chuyện tất yếu. Một vấn đề nữa là kinh phí, một phim hoạt hình 10 phút lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, muốn cập nhật những thiết bị mới nhất, công nghệ 3D tiên tiến nhất, người đầu tư cần phải có tiền tỷ. Trong điều kiện tối thiểu nhất cũng phải mất khoảng 100-200 triệu đồng để hoàn thành một phim truyện hoạt hình 3D dài 5-7 phút.

Thêm nữa, sự thiếu đầu tư chất xám trong việc tạo hình nhân vật cũng gây nên sự nhàm chán. Cái khó của những người làm phim hoạt hình giờ đây không chỉ là công nghệ, kỹ thuật hay phương tiện để làm phim... mà còn là nguồn kịch bản. 

Phim hoạt hình Việt Nam vẫn là những câu chuyện triết lý, răn dạy khô khan, những nhân vật mờ nhạt, na ná nhau, nói những câu kiểu như người lớn, thiếu chất hồn nhiên, vô tư của trẻ em. Người viết kịch bản tìm cách "né" hoặc thực sự không đặt được mình vào vị trí của các em nhỏ để xem các em cần xem gì, thích xem gì, suy nghĩ, cảm xúc ra sao… 

Chỉ cần xem 1 bộ phim hoạt hình nước ngoài, chưa nói đến mặt hình ảnh, âm thanh cực kì đẹp, chất lượng, thì nội dung phim cực kì đơn giản, gần gũi với cuộc sống của các em, với những lời thoại, hành động hài hước, dí dỏm khiến cả trẻ em và người lớn phải bật cười. Nhưng đằng sau cả câu chuyện lại là những triết lí giáo dục có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Việt Nam không thiếu người tài, không thiếu những chất liệu dân gian hay để tạo nên những bộ phim đặc sắc. Lực lượng người Việt "đánh thuê" cho các hãng phim hoạt hình nước ngoài khá đông, nhưng nơi quy tụ được nhiều nhất không đâu khác chính là… Hollywood. 

Trong các loạt phim bom tấn như Madagasca, Ice Age, Brave, Igor… từng làm mưa làm gió trên toàn thế giới không khó để khán giả có thể nhận thấy sự hiện diện của những cái tên Việt có tham gia vào sản xuất như: Huy Nguyễn, Quân Trần, John Trương, Dennis Dương… 

Nhưng cho đến nay, những bộ phim hoạt hình hay, nhận được sự yêu mến của khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhất là phim được công chiếu tại rạp thì chưa hề có. Chính vì thế, thị trường này đang bị bỏ ngỏ cho các siêu phẩm nước ngoài. Sau "Con rồng cháu tiên", khán giả vẫn đang mong chờ một cuộc bứt phá ngoạn mục của phim hoạt hình Việt Nam. 

Mai Ngọc
.
.
.