Cổ tích Ngoại hạng Anh

Thứ Năm, 03/12/2015, 18:13
Ngoại hạng Anh là một thế giới xa xỉ và lộng lẫy. Nhưng trong cái thế giới tưởng như không có chỗ cho sự tồn tại của "những chàng lọ lem", kỳ lạ thay người ta lại nhìn thấy những sự cháy sáng, thăng hoa của những thân phận như đang đi ra từ cổ tích.

Chuyện của cậu bé đến từ đất nước nghèo thứ 2 thế giới

Những vòng đấu đầu tiên tại giải Ngoại hạng Anh mùa này, người ta nhắc khá nhiều đến tiền đạo Berahino - người mang nhiệm vụ lĩnh xướng hàng công của CLB West Brom. Tính đến lúc này, Berahino ghi bàn đều đặn, gây ấn tượng lớn với HLV trưởng ĐT An Roy Hodgson và đã có lúc trở thành mục tiêu tranh chấp giữa West Brom với Tottenham - một CLB thuộc tầng lớp chiếu trên của giải đấu này. Nhưng con đường đưa Berahino đến với giải đấu số 1 cấp CLB thế giới không phải là một con đường bằng phẳng.

Sinh ra ở Burundi - đất nước nghèo thứ 2 thế giới theo đánh giá của ngân hàng quốc tế, đấy chưa phải là thiệt thòi duy nhất của Berahino. Điều đáng nói là năm 1993 - năm cậu bé này ra đời cũng là năm xảy ra một cuộc nội chiến đẫm máu, đẩy đời sống người dân vào cảnh tột cùng đau khổ. Rất nhiều người, trong đó có gia đình Berahino đã buộc phải đi di tản, nhưng nghiệt một nỗi, trên con đường di tản, cha cậu bé đã không may qua đời. Năm ấy Berahino vừa tròn 4 tuổi, và những mảnh ký ức của cái tuổi lên 4 không cha và môi trường đạn bom khói lửa từng được anh kể lại với một tờ báo Anh cách đây chưa lâu: "Thời ấy, những đứa trẻ cứ lầm lũi lớn lên. Chúng tôi không bao giờ hỏi những người lớn đang làm gì, mà đơn giản là cứ nhìn và học cách làm theo người lớn".

Berahino.

Trong suốt quá trình lánh nạn sau đó, hai chị em Berahino cùng mẹ - bà Liliane đã phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống như đánh cá, hái cà phê, chăn cừu, nhưng kinh khủng nhất có lẽ là những ngày tháng làm thuê ở một mỏ khai thác kim cương - nơi mà những đứa trẻ bị bóc lột sức lao động từ sáng đến tối. Những ai đã xem bộ phim "kim cương máu" hẳn sẽ thấu hiểu nỗi khổ tột cùng của Berahino trong giai đoạn này.

Không thể sống một cuộc sống đau khổ, vật vờ như thế, bà Liliane quyết tâm tìm đường giải phóng chính mình. Bà gửi Berahino - năm đó 9 tuổi vào nhà một người bạn, cùng con gái lớn tìm đường sang Anh. Thời điểm ấy, sự lan rộng của cuộc nội chiến khiến gia đình cưu mang Berahino tiếp tục phải di tản sang nước láng giềng Tanzania, và một quãng thời gian dài sau đó Berahino mất liên lạc với mẹ. Anh kể về quãng thời gian đáng thất vọng này: "Nhiều sáng tôi tỉnh dậy và tự hỏi mình đang ở đâu? Xung quanh tôi toàn những người xa lạ, và tôi đã từng nghĩ rằng cuộc đời mình vậy là chấm hết ở đây".

Phải đến năm 2004, bà Liliane mới bất ngờ tìm được liên lạc với con trai mình, và sau đó cũng đã tìm mọi cách để đưa cậu bé 11 tuổi sang Anh đoàn tụ. Nhưng trên con đường tới Anh, Berahino đã không may rơi vào tay của một nhóm buôn người quốc tế, và phải rất may mắn mới có thể thoát ra. Ngay cả khi tới Anh, Berahino cũng phải trải qua vài tháng trời cô đơn để đợi kết quả xét nghiệm ADN trước khi chính thức được đoàn tụ với mẹ.

Từ một cậu bé châu Phi, Berahino bỗng trở thành một công dân Anh, nên thoạt đầu anh cảm thấy xa lạ, hoang mang với cuộc sống mới của chính mình. Lúc đó, bóng đá và kinh thánh là niềm cứu rỗi duy nhất của anh. Thật may, một tuyển trạch viên của CLB West Brom đã phát hiện ra anh, và sau khi trải qua quãng thời gian dài ở lò đào tạo trẻ của CLB này, Berahino chính thức được  lên đội 1, tham dự Premier League vào năm 2011.

Khi được hỏi ai là người quan trọng nhất trong một hành trình sống cực kỳ gập ghềnh, khốc liệt đã qua của mình, Berahino cho biết: "Đó chính là mẹ tôi. Nếu không có bà, với những hy sinh to lớn của bà thì tôi đã không thể trở thành cầu thủ ở một trong những giải VĐQG hàng đấu thế giới như bây giờ".

Và chuyện của cầu thủ đá ở giải hạng 8 nước Anh

Sau vòng 14 giải Ngoại hạng Anh cuối tuần qua, người ta nói rất nhiều đến một kỷ lục, kỷ lục của cầu thủ đã ghi bàn sau 11 trận liên tiếp của Vardy - tiền đạo hàng đầu của CLB Leicester City lúc này. Không chỉ ghi bàn liên tiếp, Vardy còn đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới và được cho là một phát hiện bất ngờ của HLV trưởng ĐTQG Anh Roy Hodgson.

Nhưng để có được ngày hôm nay, Vardy đã phải trải qua một hành trình thử thách cực kỳ khắc nghiệt.

Vardy.

Mười sáu tuổi, Vardy từng bị một lò đào tạo trẻ từ chối với lý do: "Quá mỏng cơm, và không có khả năng phát triển". Khoảnh khắc ấy cậu bé Vardy đã khóc, và phải sau vài tuần cậu mới lấy lại cân bằng để có thể nuôi dưỡng đam mê của mình bằng những... trận đá bóng đường phố. Hai mươi tuổi, Vardy vào làm việc cho một nhà máy, và tham gia đội bóng của nhà máy này, CLB Stocksbridge, và trong trí nhớ của anh thì: "Hồi ấy, mỗi trận đấu tôi được thưởng 30 bảng, số tiền vừa đủ để mua vài ổ bánh mì". Bốn năm sau, đội bóng này leo lên giải hạng tư, và đấy là lúc mà Vardy đã lên tiếng với những bàn thắng liên tiếp. Từ đây, anh được nhiều đội bóng hạng trên để mắt, và ngã rẽ thực sự diễn ra vào năm 2012 khi Leicester City - đội bóng khi ấy đang chơi ở giải hạng Nhất đã quyết định vung 1,7 triệu bảng mua anh về.

Vardy cho biết: "Từ hạng 8, hạng 4 lên hạng Nhất, rồi bây giờ là Premier League, nhiều lúc tôi tự hỏi: mọi thứ là sự thực hay là một giấc mơ? Nghĩ thế, tôi phải tự lấy tay cấu lên người mình một cái để biết rằng, đấy không phải giấc mơ". Có một chi tiết rất thú vị mà báo giới Anh kể lại, đó là khi còn đá giải hạng 4, Vardy thường cùng bạn bè vừa ngồi uống bia trong quán bar, vừa xem ĐTQG Anh thi đấu, và một tờ báo bình luận: "Khi ấy, cơ hội khoác áo ĐTQG của anh ta cũng cao tương tự với cơ hội của những gã bụng phệ, đang ngồi uống bia bên cạnh". Thế mà bây giờ, sau khi trình diễn một gương mặt xuất sắc, Vardy đã được gọi vào ĐTQG, và sẽ không bất ngờ nếu anh có mặt ở Vòng chung kết Euro vào năm sau.

Quyết tâm, nghị lực, và luôn phấn đấu hết mình cho giấc mơ bóng đá của mình nhưng Vardy đồng thời cũng là một gã xù xì, gai góc ngoài đời sống. Anh thậm chí từng bị cảnh sát kiểm soát một thời gian ngắn sau một vụ ẩu đả trong quán bia, và mới đây nhất anh sẵn sàng không nói chuyện với bố mẹ mình chỉ vì "ông bà đã không chấp nhận tình yêu hiện tại của tôi". Số là Vardy đã yêu một cô cựu hoa hậu hơn mình 5 tuổi, có 2 con riêng, và quyết tâm cưới cô này vào mùa hè năm tới, nhưng bố mẹ anh đã phản đối tới cùng.

Vĩ thanh

Nếu Berahino là hiện thân cho một số phận đau khổ, nhiều tai ương thì Vardy lại là hiện thân cho một số phận cầu thủ từng có lúc tưởng như không thể theo đuổi đam mê số 1 của đời mình. Nhưng với nghị lực, tình yêu với bóng đá, và chắc chắn là cả sự đóng góp của yếu tố may mắn, tính đến lúc này cả hai đều đang sống trong những ngày tháng cực kỳ tươi đẹp. Chuyện về họ - hai cầu thủ - hai mảnh đời - hai thân phận chắc chắn là lời cổ vũ lớn lao cho tất cả những cậu bé có tình yêu bóng đá nhưng vì một lý do nào đó lại đang ở một vạch xuất phát không như mong đợi.

Ai dám bảo, cái thế giới xa xỉ, xa hoa như bóng đá Anh không còn chỗ cho cổ tích?

Ước mơ nhân hậu của "Vua"

Cứ với cái đà phong độ như hiện tại, sẽ không bất ngờ nếu Vardy kết thúc mùa giải năm nay với danh hiệu vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh. Nhưng điều đáng nói ở con người nhiều khả năng sẽ lên ngôi "vua" này là từ những gì đã xảy ra với mình, anh đang tìm cách để tạo điều kiện, giúp đỡ cho những đứa trẻ yêu bóng đá, nhưng lại không có một xuất phát điểm may mắn như mình. Vardy chia sẻ với báo giới: "Tôi rất muốn thành lập một học viện bóng đá, và đấy là một học viện đặc biệt, chỉ tuyển những học viên đã bị những học viện khác trên toàn quốc từ chối. Tôi vẫn tin rằng, trong số những cậu bé bị từ chối ấy, sẽ có không ít người có thể thành tài". Chờ xem, cái học viện đầy tính nhân văn này của Vardy rồi có thành hình được không?

Diệp Xưa
.
.
.