Chênh vênh đời xiếc
Phòng trọ vỏn vẹn 15m vuông, với những đồ dùng giản tiện. Những ngày nắng này, nhà của chị như một chảo lửa. Nhưng có lẽ, vợ chồng Hoàn đã quen với sự khó nhọc đó, mùa nắng thì nóng, mà mùa mưa thì nước nhỏ giọt tong tong trong nhà. Cũng may còn có chỗ tá túc. Chứ với lương nghệ sĩ nghèo như vợ chồng Hoàn, thì lấy đâu tiền thuê nhà.
Vừa sinh nhật Tài, chồng của Hoàn. 3 năm lấy nhau, Hoàn vẫn giữ thói quen cắm hoa hồng trong ngày sinh nhật chồng. Nhưng cũng 3 năm ấy, chỉ một lần duy nhất, Hoàn có thể tự tay đi mua hoa. Những lần sau Hoàn đều phải nhờ bạn bè.
Tôi tự hỏi, cuộc sống của Hoàn sẽ ra sao nếu không có Tài bên cạnh, nếu Hoàn không có một bờ vai, đủ vững chãi, đủ ấm áp để dựa trong những ngày khốn khó, suy sụp ấy. Hoàn không nói nhiều về những nỗi đau, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác xót xa.
Cú ngã định mệnh khi Hoàn cùng chồng đang tập tiết mục đu dây chuẩn bị cho đêm diễn đã khiến đời Hoàn bước sang một ngã rẽ khác. Hoàn bị tổn thương tủy sống. Đôi chân hoàn toàn tê liệt. Lúc đó, Hoàn đang là Phó trưởng đoàn xiếc 2. Chị cũng mới cưới được 3 tháng. Hạnh phúc ngắn ngủi. Hoàn đã phải bỏ lại những giấc mơ của mình, giấc mơ bình dị của một người vợ, về hạnh phúc làm mẹ, giấc mơ được bay trên những vòng đu.
Nghệ sĩ Ngô Thị Tuyết Hoàn trong một tiết mục xiếc khi chưa bị tai nạn. |
Khi ngồi nói chuyện với tôi, đến bây giờ, Hoàn vẫn không tin, rằng cuộc sống đã lấy mất của chị tất cả chỉ trong một tích tắc. Năm tháng ròng rã, Tài cõng vợ đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội với chút hy vọng mong manh, có cơ hội nào cho đôi chân của chị. Nhưng trả lại vợ chồng chị là những cái lắc đầu buồn bã. Hoàn vĩnh viễn phải ngồi trên xe lăn.
Một người bình thường, chấp nhận sự thật đó hẳn đã rất khó khăn. Còn với một nghệ sĩ xiếc hơn 20 năm gắn bó với nghề như chị, cuộc đời là những chuyến lưu diễn, là ánh đèn sân khấu, những tràng pháo tay, chị sẽ đối diện với sự thật tàn nhẫn đó như thế nào.
"Tôi đã từng trải qua cảm giác tuyệt vọng khi nhìn đôi chân bất lực của mình. Tôi đã gắng gượng bằng tất cả bản năng sống trong mình để đứng dậy. Từ trước đến nay, có nhiều nghệ sĩ xiếc bị tai nạn, nhưng họ vẫn có cơ hội trở lại với nghề, còn tôi"… Hoàn bỏ lửng câu chuyện.
"Hoàn đã trải qua những ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Có những lúc tôi cảm tưởng cô ấy suy sụp và không chấp nhận sự thật là đôi chân đã hoàn toàn bị liệt. Tôi chứng kiến cô ấy dằn vặt, đau khổ vì không thể đứng lên để tiếp tục làm nghề. Với một nghệ sĩ yêu nghề như Hoàn, thì điều đó quan trọng hơn tất cả", Tài nói về vợ, thấu hiểu và chia sẻ.
Vừa mới đây thôi, những giấc mơ vẫn còn đó. Cuộc đời Hoàn là những chuyến lưu diễn, với những tiết mục độc đáo, đu dây, đu vòng, bê vòng, đu bay nhào lộn trên không. Hoàn đã từng đứng trên đỉnh cao của vinh quang, của những tràng pháo tay, những giải thưởng vì sự đóng góp, dấn thân của chị cho nghề xiếc.
Chị yêu nghề xiếc, một sự gắn bó gần như máu thịt. Đến bây giờ, khi nói về nghề, ánh mắt chị như bừng sáng. 20 năm, một sự gắn bó bền bỉ và dẻo dai với xiếc, Hoàn chưa bao giờ ân hận, dù chị đã phải đánh đổi bằng cả cuộc đời còn lại trên chiếc xe lăn. Nếu được chọn lại, Hoàn vẫn chọn xiếc, chọn con đường khó mà chị đã đi, đã trót dấn thân.
2. Cách đây 25 năm, cô gái bé nhỏ dân tộc Mường Ngô Thị Tuyết Hoàn lếch thếch theo mẹ xuống Hà Nội thi tuyển vào trường xiếc. Hồi đó, xem các anh chị biểu diễn xiếc trên tivi, Hoàn thích lắm. Thế rồi trúng tuyển. Hoàn trở thành học sinh xuất sắc và gắn bó với Liên đoàn xiếc Hà Nội ngót nghét 19 năm. Rất nhiều bạn bè đã lần lượt bỏ nghề, vì vất vả, vì nghèo. Còn Hoàn, vẫn ở lại với niềm đam mê của mình một cách trọn vẹn.
Tôi đã từng gặp nhiều nghệ sĩ xiếc, cảm nhận được nỗi vất vả, nhọc nhằn của họ khi bám giữ với nghề. Nếu không có đam mê, không có sự dấn thân, có lẽ không ai vượt qua được những vất vả nhọc nhằn với thù lao bèo bọt. Lương công chức của Hoàn, sau 20 năm cũng chỉ lên tới vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng.
Tiền thù lao sau mỗi đêm diễn chỉ 80 ngàn đồng. Thế mà Hoàn đã vượt qua những nặng nhọc đời thường ấy, để đi trọn hành trình với xiếc, hành trình mà chị trót dấn thân, trót đam mê. Có nghệ sĩ nói đùa, nghèo như đời xiếc. Đời xiếc, nước mắt trước, nụ cười sau.
Nghệ sĩ Hoàn và điểm tựa vững chãi- người chồng của chị. |
Còn Hoàn, chị yêu nghề xiếc. Như lúc này đây, khi nói với tôi về những vai diễn của mình, Hoàn rơm rớm nước mắt. Nhưng đời nghệ sĩ xiếc ngắn ngủi. Vinh quang, hạnh phúc, đôi khi chỉ như một tia sáng vụt qua. Còn lại trong chị lúc này là nỗi đau. Chị không bao giờ tưởng tượng được, con chim luôn tự do tung cánh trên bầu trời như chị, một ngày lại bị bó chân vào bốn bức tường lạnh lẽo, với chiếc xe lăn. Chị sẽ làm gì với cuộc đời dài dằng dặc phía trước. Chị sẽ sống ra sao với tình yêu vẫn cháy trong chị mà chị hoàn toàn bất lực.
"Nhiều lúc tôi ngồi một mình, chồng đi lưu diễn, tôi tự hỏi, mình sẽ sống ra sao, để không lãng phí những ngày tháng buồn này. Tôi muốn làm một điều gì đó có ích hơn là việc ngồi buồn bã, trách móc số phận. Đời tôi, suy cho cùng, vẫn còn may mắn hơn nhiều cuộc đời bất hạnh ngoài kia".
Và Hoàn đã gượng đứng lên trên đôi chân của mình. Hàng ngày, những lúc khỏe mạnh, chị lên lớp truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận. Đó là cách chị khuây khỏa nỗi nhớ nghề. Với chị, bây giờ, đó là một niềm vui sống.
Nhưng tôi hiểu, khi nhìn vào đôi mắt của chị, đôi mắt buồn nhưng đầy nghị lực. Tôi biết chị sẽ không để lãng phí những tháng ngày còn lại của mình trong nỗi buồn hay sự tuyệt vọng. Bởi bên cạnh chị luôn có Tài, người chồng ân cần, yêu thương. Số phận nghiệt ngã khi lấy đi của chị đôi chân. Nhưng số phận lại công bằng khi mang đến cho chị một người chồng thương yêu, bao bọc. Họ gặp nhau, yêu nhau bắt đầu từ những tiết mục biểu diễn chung trong rạp xiếc.
Một đám cưới giản dị, ấm cúng đã diễn ra cách đây 3 năm. Có những lúc, Hoàn hạnh phúc vì có tất cả, hạnh phúc riêng tư và tình yêu với nghề. Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau ngày cưới, cú ngã định mệnh đã lấy đi của Hoàn tất cả. Chỉ còn lại tình yêu của Tài, tình yêu của người đàn ông, mà nếu Hoàn không có Tài trong những ngày tuyệt vọng đó, Hoàn không thể vượt qua.
Năm tháng ròng rã, Tài cõng vợ đến các bệnh viện tìm thầy thuốc, với hy vọng mong manh, đôi chân của Hoàn sẽ có cơ hội bình phục. Nhưng rồi, chính anh phải đối diện với những cái lắc đầu buồn bã. "Đưa vợ trở về, học cách chấp nhận sự thật là cả một hành trình dài với cả hai chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã vượt qua những ngày tháng kinh hoàng đó. Hoàn cũng đã biết cách sống chung với bệnh tật, và lạc quan hơn".
Thương vợ, Tài loay hoay sửa chữa căn nhà nhỏ thật gọn gàng, giản tiện để vợ có thể xoay xở một mình những lúc Tài đi lưu diễn. Một chiếc xe lăn tự chế, có thể ấn nút tự động từ tầng 1 lên tầng 2 dễ dàng, một chiếc máy có thể giúp Hoàn tự vệ sinh, tắm rửa. "Tôi không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu nếu không có Tài. Có lẽ số phận đã không quá bất công khi mang Tài đến cho cuộc đời tôi. Những lúc đi công tác xa, ngày nào Tài cũng gọi điện về kiểm tra xem tôi thế nào".
Hoàn nhỏ nhẹ, nắm chặt tay chồng. Một cảm giác nương tựa, tin cậy. Cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Căn nhà tập thể của Liên đoàn xiếc có thể giải tỏa bất cứ lúc nào. Không biết lúc đó, vợ chồng Hoàn sẽ xoay xở ra sao với đồng lương diễn viên ít ỏi. Thế nên, Hoàn không nói về những ước mơ của mình, dù tôi biết trong chị có quá nhiều khát vọng, đôi khi chỉ là một khát vọng giản dị, đời thường thôi, chị cũng không bao giờ chạm tới.
Tôi rời ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Hoàn- Tài trong cái nắng như đổ lửa của Hà Nội. Một cảm giác buồn bã, xót xa. Đời nghệ sĩ xiếc là vậy ư, cống hiến, dấn thân cho nghề, để rồi, vì nghề mà phải gánh chịu những bất hạnh. Dù bạn bè quan tâm, dù Liên đoàn xiếc đã tạo điều kiện cho vợ chồng Hoàn, thì tôi vẫn thấy xót xa cho thân phận đời nghệ sĩ xiếc. Đáng lẽ, họ phải được quan tâm và bù đắp nhiều hơn thế. Dù tôi biết, với nỗi đau của Hoàn, thì không gì có thể bù đắp nổi.