Chẳng lẽ thị trường phim Việt chỉ có giải trí?
Còn nhớ, “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng nhận được nhiều giải thưởng ở nước ngoài, công chiếu rầm rộ ở nhiều nước, đạo diễn đi nước ngoài giới thiệu phim liên tục. Thế nhưng, khi về Việt Nam, câu chuyện phát hành lại là một vấn đề. Chính Nguyễn Hoàng Điệp đã lấy cảm hứng từ việc phát hành thành công phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của diễn viên Hồng Ánh để dũng cảm đứng ra tự phát hành phim của mình.
Tôi nhớ, chị từng nói với tôi rằng, đạo diễn ở Việt Nam như một con bò gầy gò phải kéo theo sau nó rất nhiều gánh nặng, từ việc làm phim đến cả phát hành, trong khi rất cần một đơn vị chuyên nghiệp đứng ra làm điều này. Thực tế các đơn vị phát hành phim lớn trong nước hầu như đều nói lời từ chối với “Đập cánh giữa không trung”, vì họ không muốn mạo hiểm với dòng phim được dán nhãn mác nghệ thuật.
“Đập cánh giữa không trung” cũng khó khăn khi tìm đối tác phát hành. |
“Đập cánh giữa không trung”, sau những nỗ lực phát hành vẫn có thể trụ lại rạp một thời gian dài, dù số lượng khán giả không quá đông và không gây được cơn sốt như khi công chiếu ở nước ngoài. Tuy nhiên, đạo diễn Phan Đăng Di nói: “Đập cánh giữa không trung” có hiệu ứng tốt từ truyền thông nên mới đạt được những thành công đáng kể như thế”.
Còn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, được cho là dũng cảm khi mạo hiểm bước ra thị trường với mong muốn: “Tôi muốn thay đổi cái nhìn của nhà phát hành và các chủ rạp chiếu về phim nghệ thuật, xưa nay họ cứ mặc định phim dạng đó khỏi nghĩ chuyện bán vé với doanh thu. Tôi cũng muốn phần nào đó tác động đến khán giả để họ đa dạng hóa sự thưởng thức của mình và sẵn lòng mua vé thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật chứ không nghĩ nó đau đầu, nặng nề, tốn kém thời gian.
Tôi muốn sau đây, các bộ phim khác của bạn bè tôi, cũng những người tôi yêu mến, nể phục cũng lần lượt ra rạp, bán vé đàng hoàng, dẫu không doanh thu về lượng khán giả khổng lồ nhưng mưa dầm thấm lâu, những tác phẩm sẽ được đón nhận bằng cả tấm lòng”.
Phim của Phan Đăng Di đang chiếu rộng rãi ở Pháp. |
Nhưng nghe chừng, nỗ lực và mong muốn của Nguyễn Hoàng Điệp bị lọt thỏm giữa một thị trường phát hành phim đang chạy theo phim bom tấn và giải trí như hiện nay. Thực tế, “Đập cánh giữa không trung” là một thành công về phát hành của phim nghệ thuật. Nhưng dường như, những tiếng nói nhỏ lẻ đó không đủ để các nhà phát hành phim nhìn vào và dũng cảm chấp nhận rủi ro. “Mekong stories” của đạo diễn Phan Đăng Di là một minh chứng.
Bộ phim được phát hành thương mại tại 14 thành phố của nước Pháp do Memento - một hãng phát hành phim nghệ thuật lớn nhất châu Âu đã gây sự chú ý đáng kể. Sau gần một tháng phát hành, theo đạo diễn Phan Đăng Di, bộ phim vẫn đang nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả Pháp. Trong khi đó, ngay chính ở quê hương mình, đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất kiêm diễn viên chính, Đỗ Thị Hải Yến đang chật vật tìm cách phát hành bộ phim mà chưa có kết quả.
Nhà phát hành CGV vẫn mở rộng cửa cho “Mekong stories” vào hệ thống rạp Arthose, nhưng rất ít phòng chiếu và xa trung tâm. Chắc chắn lựa chọn đó sẽ là một thất bại của “Mekong stories” ở Việt Nam. Đạo diễn và nhà sản xuất vẫn muốn phim của họ được phát hành như một bộ phim thông thường, được xuất hiện ở tất cả các rạp lớn mà khán giả dễ dàng tiếp cận nhất. Phan Đăng Di tin rằng, bộ phim có nhiều yếu tố để thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ bởi anh đang kể câu chuyện của chính họ.
Vì thế anh vẫn kiên nhẫn đàm phán với một số đối tác phát hành lớn để tìm đường ra rạp cho đứa con của mình: “Thị trường phim Việt không thể chỉ có một màu giải trí mãi được. Chúng ta cần khởi động cho những dự án phim nghệ thuật được phát hành ở Việt Nam, để khán giả có thể tiệm cận được với những mảng màu đa diện hơn về cuộc sống, về thế giới”.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại ở Việt Nam, có hai nhà phát hành lớn là CGV và Lotte, chiếm thế thượng phong với hệ thống rạp hiện đại, thu hút nhiều khán giả. Nhưng ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là dòng phim giải trí và phim bom tấn của Hollywood với doanh thu cao. Thực tế, những phim nào được đưa vào hai hệ thống phát hành này và nhận được sự ưu ái của họ sẽ cầm chắc phần thắng.
Thị trường phát hành phim ở Việt Nam được ví như một khu chợ, kẻ bán người mua, mạnh ai nấy làm. Thực tế, khu chợ đó còn thiếu cả sự minh bạch. Điều đó cũng lý giải vì sao, rất nhiều bộ phim Nhà nước, đầu tư tiền tỷ, vài chục tỷ nhưng đắp chiếu, bởi chính ở khâu phát hành. Nhà nước lơ ngơ với phát hành. Còn các hãng tư nhân chỉ nhăm nhăm phát hành phim của họ, hoặc những phim đảm bảo doanh thu cao. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã rất bức xúc khi nói đến vấn đề này.
Trong một cuộc hội thảo, bà cho rằng: “Vật cản lớn nhất chính là vấn đề chợ, nơi chúng ta phát hành không minh bạch và thống nhất trong một hệ thống quản lý, mạnh ai nấy làm, nên rất khó, vì thế những bộ phim Nhà nước, dù có đổ hàng trăm tỷ cũng chết thôi, phim hay cũng sẽ đắp chiếu thôi”.
Đạo diễn Phan Đăng Di: Giới trẻ cần một cái nhìn khác qua phim ảnh Tôi cho rằng, nghịch lý này không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Bao giờ dòng phim nghệ thuật cũng khó khăn hơn trong khâu phát hành. Chỉ ở nước Pháp, nơi có hệ thống rạp phong phú và thói quen thưởng thức văn hóa cao, chúng ta mới có cơ hội. Ở đó, họ cũng có sự chuyên nghiệp trong vấn đề viết phê bình phim một cách thấu đáo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu để khán giả có thể tiệm cận với phim một cách dễ dàng nhất. Ngay cả “Mekong Stories” cũng có rất nhiều bài phân tích trên các tờ báo lớn của Pháp. Điều đó vô cùng cần thiết giúp khán giả làm quen và tạo thành một thói quen, dần dần tạo thành thị trường. Tôi mong muốn được chiếu bộ phim của mình rộng rãi trong nước, bởi tôi nghĩ, thị trường phim Việt không thể cứ giải trí mãi được. Thực tế, khán giả đến rạp bây giờ phần lớn là giới trẻ. Vậy điện ảnh giúp họ nhận thức được gì, khi toàn những phim bom tấn và hài. Chúng ta cần cung cấp cho giới trẻ một cái nhìn khác về đời sống, qua phim, để họ hiểu hơn về chính đất nước mình, về thế giới, góp phần tạo nên một thế hệ trẻ văn minh, hiểu biết hơn. Tôi có tham dự một buổi chiếu đầu tiên tại một rạp chiếu ở Pháp chừng 300 người. Khán giả chỉ có khoảng 100 người thôi, nhưng họ xem rất chăm chú, say mê và thích thú. Phần lớn khán giả Pháp đều cho điểm cao với “Mekong stories”. Cho nên, tôi nghĩ, chất lượng khán giả cũng rất quan trọng. Điều đó, chúng ta cũng còn khoảng cách rất xa so với thế giới. Tôi sẽ cố gắng đàm phán để bộ phim có thể đến với khán giả Việt một cách rộng rãi nhất. |
Diễn viên Mai Thu Huyền - Giám đốc Công ty TNHH Tincom Media: Thị trường phát hành phim thiếu minh bạch Có một thực tế là các nhà sản xuất phim hiện nay đang gặp khó khăn về vấn đề phát hành. Khán giả đến rạp phần đông là giới trẻ, họ chọn dòng phim giải trí, nhẹ nhàng. Phim nghệ thuật kén khán giả, đối tượng xem ít và họ cũng ít bỏ tiền mua vé vào rạp. Gần như chỉ có giới trẻ bỏ tiền ra xem phim. Thực sự là khó. Những nhà phát hành phim tư nhân như chúng tôi khá vất vả trong việc phát hành phim. Những hãng lớn họ thường có hệ thống phát hành riêng của mình, còn những công ty tư nhân nhỏ lẻ khá khó khăn khi phải qua các nhà phát hành khác. Hiện nay, phát hành đang chịu sự thống trị của hai hệ thống phát hành lớn CGV và Lotte, họ gần như thâu tóm toàn bộ hệ thống phát hành ở Việt Nam. Như Tết vừa rồi, có 5 phim ra rạp tốt, làm truyền thông bài bản, nhưng phim “Mỹ nhân ngư” vẫn thắng thế bởi các các rạp không bắt tay với nhau. CGV không chiếu của Lotte, Lotte không chiếu của CGV. Vậy nên các nhà sản xuất phim Việt bị thất thu. Một bộ phim ra rạp khoảng 20 suất chiếu trong một ngày, thì phim đó kiểu gì cũng thành công. Vì khán giả chỉ có lựa chọn đó mà thôi. Nhưng những phim có thể tốt mà công tác phát hành, làm việc với rạp không tốt, chỉ có 5 suất 1 ngày thì kiểu gì cũng thua, vì 1 tuần đầu tiên sẽ bị loại khỏi rạp. Liệu các cơ quan quản lý có hỗ trợ gì cho tư nhân trong vấn đề phát hành hay không vì thực tế vô cùng khó khăn. Tôi muốn lấy dẫn chứng phim “Em là bà nội của anh” mới ra rạp, khán giả thích, phim cảm động, đánh đúng thị hiếu khán giả, tuy nhiên, một tuần đầu ra rạp, hiệu ứng chưa phải là tốt. Sau đó họ đổ cho truyền thông rất mạnh, bằng 40-50% kinh phí sản xuất. Chiếu vòng 1 qua vòng 2 lại có phiên bản mới dành cho Tết và CGV chỉ chiếu phim đó chứ không chiếu phim Việt nào khác. Đó là lý do tại sao doanh thu cao vì CGV chiếm nhiều rạp nhất và các rạp khác gần như bị vô hiệu hóa, những phim tốt thì chỉ chiếu được 1 tuần, nên muốn xem cũng không có mà xem. Bài toán phát hành là bài toán nhức nhối và đau đầu nhất. |