Cần thay đổi tư duy tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc

Thứ Bảy, 19/12/2020, 11:23
Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 5 năm diễn ra một lần, nhưng năm nay đã xảy ra hiện tượng xước tranh, mất tượng… Giới họa sĩ và công chúng yêu hội họa thất vọng và bất bình. Đó còn chưa kể đến câu chuyện chất lượng của triển lãm, cũ và nhàm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc được tổ chức đúng với giá trị phải có? Phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông về thực trạng này.


- Anh có đánh giá như thế nào về Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2020, từ khâu trưng bày đến chất lượng tác phẩm?

+ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2020 có chất lượng trưng bày kém hơn cả những lần trước, mặc dù những lần trước có chất lượng trưng bày cũng rất kém vì Nhà triển lãm ở Hoa Lư không phải và không phù hợp cho trưng bày mỹ thuật khi không có hệ thống xà treo tranh, không có hệ thống đèn rọi tiêu chuẩn, mặt sàn lát gạch men bóng khiến ánh sáng bị nhiễu loạn, trưng bày tác phẩm không thể đẹp khi bóng hắt xuống nền, mất sự tập trung vào tác phẩm…

Nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông.

Trên hết, với số lượng tác phẩm quá lớn như thế, mặt bằng và diện tích tường treo tranh không thể đáp ứng yêu cầu về khoảng cách cần thiết, độ “nghỉ” giữa các khu vực, thể loại… Do số lương tác phẩm quá lớn, đội ngũ thực hiện trưng bày (dàn tranh, sắp xếp tranh, treo tranh, tượng…) không thể bao quát và thực hiện tốt một công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao, cần thời gian, kinh phí để thực hiện.

Những hạn chế về việc bảo quản đã thấy rõ hơn, nghiêm trọng hơn những lần trước (tác phẩm bị vảy sơn lên, xước, vỡ và thậm chí bị mất, việc ghi chú thích không đồng nhất, chính xác về chất liệu, kích thước, trưng bày những bức tranh theo bộ tùy tiện, khó hiểu…). Đây là những vấn đề không thể chấp nhận trong một cuộc triển lãm lớn nhất cả nước, sự kiện tâm điểm của giới mỹ thuật.

Triển lãm cũng thiếu vắng hoàn toàn hệ thống sơ đồ hướng dẫn, đội ngũ nhân viên hỗ trợ người tham quan (có thể giải thích, hướng dẫn cho người xem…); các khâu vệ sinh, hệ thống sàn, cửa sổ, cửa ra vào, tường treo tranh, trang thiết bị của nhà trưng bày đều có những hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng trưng bày và ảnh hưởng trực tiếp tới tác phẩm.

- Có vẻ như mọi thứ vẫn rất cũ kỹ và thiếu vắng những tác giả/ tác phẩm lớn?

+ Chất lượng tác phẩm nhìn chung vẫn như mọi khi, thiếu vắng các tác phẩm gây sư chú ý đặc biệt về tính sáng tạo mới (sáng tạo về ngôn ngữ tạo hình, sáng tạo về sử dụng chất liệu, sáng tạo về phương pháp thực hiện và trưng bày tác phẩm); ngày càng ít những hình thức nghệ thuật mới (như video art, sắp đặt, trình diễn… chỉ có 2 tác giả tham dự thể loại video art)…

Năm nay vẫn xuất hiện những tác phẩm xem trọng tính tuyên truyền hơn ngôn ngữ nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật, nếu là tranh tuyên truyền, cổ động thì phải tham gia những cuộc triển lãm về thể loại đó hoặc những triển lãm chuyên đề (ví dụ: triển lãm chuyên đề Bảo vệ biển đảo; chuyên đề tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19…). Một số tác phẩm tốt ở thể loại hội họa, đồ họa vẫn thuộc những tác giả đã khẳng định được ngôn ngữ, phong cách và thành tựu.

Một tác phẩm bị xước khi gửi đến triển lãm.

- Thường thì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc là một sự kiện lớn của giới Mỹ thuật để nhìn nhận, đánh giá lại quá trình 5 năm phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam. Với triển lãm 2020 này, anh có nhận thấy những xu hướng mới, những gương mặt mới?

+ Đánh giá 5 năm hoạt động đồng nghĩa với một thời gian đủ dài để phát hiện những nhân tố mới, tài năng mới hoặc định vị chắc chắn những người đã từng được ghi nhận ở giai đoạn trước. Triển lãm lần này chỉ thấy xu hướng thoái trào với các thể nghiệm hình thức đương đại (video art, sắp đặt, trình diễn…); sáng tạo mới đặc biệt đáng chú ý không có, chỉ có những tên tuổi đã biết về khả năng vẫn khẳng định được năng lực sáng tạo (nhưng phần lớn dựa trên nền tảng kỹ thuật tốt), không có đột biến ở chính những tác giả đã được ghi nhận.

- Vậy theo anh, chúng ta cần phải thay đổi cách thức tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc như thế nào để đạt hiệu quả tốt hơn và có sức lan tỏa hơn, tránh tình trạng đến hẹn lại lên như hiện nay?

+ Tôi cho rằng, chúng ta cấp thiết phải thay đổi cách thức tổ chức, nhận thức về Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc trong thời đại hiện nay.

Về nhận thức, chúng ta phải bỏ ngay nhận thức rằng tổ chức triển lãm để phát triển phong trào mỹ thuật trên toàn quốc. Phát triển phong trào phù hợp những giai đoạn trước. Nhưng trong thời đại hiện nay, mỹ thuật là làm văn hóa và văn hóa ở bậc thượng tầng, là bộ mặt văn hóa của quốc gia, dân tộc. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc phải là nơi trưng bày những tinh hoa văn hóa trong mỗi thời điểm lịch sử, không cần là sự đại diện cho tất cả các vùng miền trên toàn quốc (cái đó đã có triển lãm mỹ thuật các khu vực do Hội Mỹ thuật làm).

Tác phẩm của nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch bị sứt một mảng.

Chúng ta nên lựa chọn tinh hoa, không lựa chọn số đông, không thể xuê xoa tư duy “ưu tiên” vùng sâu, vùng xa, ưu tiên những tên tuổi quen thuộc đã có nhiều đóng góp… Và trưng bày tinh hoa thì không thể cứ 3 năm một lần (như quyết định mới nhất của Cục Mỹ thuật về kế hoạch triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc) mà vẫn nên duy trì 5 năm/lần nhằm đủ thời gian chuẩn bị, đủ thời gian cho tác giả (tài năng) định hình, không tạo áp lực cho nhân lực tổ chức và kinh phí nhà nước.

Thứ hai, về phương thức, chúng ta không thể làm theo cách hiện nay: ra thông báo, chờ tác giả gửi ảnh, duyệt qua ảnh, gửi thư mời (những tác phẩm được chọn), xem thực tế, chấm giải, trưng bày. Mà chúng ta nên tổ chức đội ngũ giám tuyển đông đảo (có thể 10 - 15 người), những người nắm rõ hoạt động mỹ thuật ở một số trung tâm và cả ở những vùng xa, những người hiểu rõ nghệ sĩ, theo dõi và từng theo dõi các cá nhân theo cả một quá trình làm việc, sáng tạo lâu dài.

Những giám tuyển đó sẽ trực tiếp đề cử, mời các tác giả họ đánh giá tốt, phù hợp… tham dự triển lãm (mỗi tác giả được mời sẽ gửi (qua ảnh) không giới hạn một hồ sơ nghệ thuật chi tiết, đầy đủ nhất; toàn bộ hội đồng nghệ thuật trong đó có các giám tuyển sẽ cùng trao đổi, bảo vệ ý kiến, bỏ phiếu… để chọn mỗi tác giả khoảng 5 tác phẩm để trưng bày (việc chọn số lượng bao nhiêu có thể linh hoạt theo đặc trưng tác phẩm của mỗi nghệ sĩ: ví dụ video art có thể 5 tác phẩm, nhưng điêu khắc kích thước lớn chỉ 2 tác phẩm…).

Việc chọn tác giả thay vì thiếu chủ động (ra thư mời và chờ nghệ sĩ gửi ảnh) sẽ cho ban tổ chức sự chủ động nhất quán từ đầu tới cuối, mỗi giám tuyển khi đề cử nghệ sĩ sẽ gắn trách nhiệm, năng lực, uy tín của mình theo các nghệ sĩ, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc hội đồng chấm giải mà chẳng biết nghệ sĩ đó là ai, quá trình làm việc ra sao… Khâu trưng bày sẽ có sự phối hợp đồng bộ của ban tổ chức, giám tuyển, nghệ sĩ để đạt chất lượng tốt nhất. Rút gọn số lượng trưng bày để có thể phù hợp điều kiện thực tế (hiện nay ở Hà Nội không có bất kỳ địa điểm nào có thể trưng bày tới 500 tác phẩm đa dạng và kích thước lớn như triển lãm hiện nay).

Một góc triển lãm.

- Một điểm yếu nữa của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc là khâu truyền thông để tạo sự lan tỏa trong xã hội. Theo anh, chúng ta nên làm như thế nào để tiếp cận rộng hơn với công chúng?

+ Chúng ta nên cải tổ tất cả các khâu truyền thông nhằm đưa sự kiện tiếp cận và tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng tốt nhất tới xã hội (hiện mối quan tâm của xã hội với sự kiện này là quá ít phản ánh qua số lượng người tham quan triển lãm, số lượng phương tiện truyền thông đề cập tới sự kiện, số lượng các cuộc tranh luận, thảo luận trong xã hội, các tổ chức chuyên môn văn hóa, nghệ thuật).

Mặt khác, chúng ta nên xã hội hóa (phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp…) để tăng sức ảnh hưởng của hoạt động, tăng kinh phí tổ chức, tăng giá trị giải thưởng, khiến giải thưởng thật sự có giá trị (cả tên tuổi và giá trị tài chính), như hiện nay Giải Nhì chỉ được 20 triệu đồng thì chỉ có tính chất “động viên”. Chúng ta cũng cần có chính sách lâu dài đối với các nghệ sĩ, tác phẩm được trao giải (Bảo tàng Mỹ thuật mua để lưu giữ; hỗ trợ tài năng trẻ tổ chức triển lãm cá nhân, đưa các tp đi tham dự triển lãm khu vực, quốc tế…)…

- Cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn của anh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.