Các nhà làm phim có còn “mặn mà” với phim Tết?

Thứ Hai, 08/01/2018, 07:57
Nhiều năm trước, Tết là một cơ hội vàng để các nhà làm phim nhảy vào thị trường được cho là béo bở này. Nhưng hai năm gần đây, dòng phim này chỉ giữ ở mức ổn định: 4, 5 phim. Phải chăng, các nhà làm phim không còn mặn mà với phim Tết?


Lý giải cho vấn đề này, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Công ty BHD cho rằng, bây giờ phim Việt phát hành quanh năm và được khán giả đón nhận, Tết không còn là một thời điểm vàng nữa, vì thế, nhiều nhà làm phim không coi Tết là một cột mốc quan trọng để đón đầu. Theo thông tin từ phía các nhà sản xuất, Tết năm nay có 4 phim ra rạp, đó cũng chỉ là con số ở mức “ổn định”.

Đó là các phim "Về quê ăn Tết" (Đạo diễn Diệp Tiên), "Yêu em bất chấp" (Đạo diễn Văn Công Viễn), "Đích tôn độc đắc" (Đạo diễn Trần Ngọc Giàu) và "789 Mười" (Đạo diễn Dustin Nguyễn). Đây là con số ít ỏi nếu so với con số hàng chục phim ra rạp tại vài mùa Tết trước.

Bộ phim được chờ đợi của đạo diễn Dustin Nguyễn.

Vẫn không thoát khỏi những chủ đề truyền thống, phim Tết năm nay chọn lối đi an toàn, hài và tâm lý tình cảm nhẹ nhàng, vui vẻ.  Cả 4 phim đều tập trung vào các đề tài quen thuộc với các mảng miếng hài, bối cảnh hướng về miền quê với thông điệp đơn giản, nhẹ nhàng về tình yêu, về gia đình.

Bộ phim “Về quê ăn Tết” là câu chuyện của những người con xa quê trên một chuyến xe với mong mỏi, khát khao đoàn tụ gia đình. Phim “Đích tôn độc đắc” xoay quanh chuyện tình giữa đại gia chốn thị thành với một cô gái quê thôn.

“789 Mười” là câu chuyện hài hước xoay quanh một anh chàng bán bánh tiêu bị một ông trùm giang hồ “nẫng tay trên” cô người yêu xinh đẹp. Anh chàng đành cầu cứu đến sự giúp đỡ của cậu bạn thân nhất ở tận dưới quê. Nhưng oái oăm thay, anh bạn thân này lại chỉ là một gã mù, lần đầu lơ ngơ lên thành phố cùng với chú vịt cưng.

Theo chia sẻ của nhà sản xuất, ngoài yếu tố hành động - hài xuyên suốt phim, “789 Mười” còn mang đến nhiều câu chuyện cảm động và ý nghĩa về tình bạn, tình yêu. Phim có sự tham gia của diễn viên Kiều Minh Tuấn do Dustin Nguyễn đạo diễn.

Theo đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, đây là một bộ phim đáng được chờ đợi trong dịp Tết này vì sự đầu tư kỹ lưỡng của nhà sản xuất, từ kịch bản cho tới diễn viên. Phim cũng được “bảo chứng” bởi bàn tay tài hoa của Dustin Nguyễn.

“Đích tôn độc đắc” với những tình huống đầy hài hước. Trong phim, NSƯT Hoài Linh đảm nhận vai đại gia bất động sản luôn khao khát có chắt đích tôn để truyền lại sản nghiệp. Cách tạo hình của nhân vật do Hoài Linh đảm nhận khá mới mẻ so với những bộ phim Tết trước đây. Ngoài ra, phim có sự tham gia của Bạch Công Khanh, Thanh Vy, Tấn Beo, Trung Dân...

Có vẻ như, nhiều năm nay, chứng kiến doanh thu tụt dốc của nhiều phim Tết nên các nhà làm phim không còn dám mạo hiểm trong cuộc đua này. Vì thế, phim Tết vẫn chọn lối đi an toàn của phim hài, tình cảm, tâm lý nhẹ nhàng.

Còn nhớ, năm 2016, chứng kiến sự thất bại của “Ám ảnh” (phim kinh dị) hay “Siêu trộm”,  một đề tài quá mới lạ về tiền ảo hay “Rừng xanh kỳ lạ truyện” (2017) nên các nhà làm phim không còn dám thử nghiệm những đề tài mới. Họ vẫn chọn lối đi an toàn, những đề tài quen thuộc và đôi khi bị nhàm chán.

Thực tế, có 4 phim thì may lắm chỉ có 1 phim thắng, một phim hòa, còn 2 phim lỗ. Đó là một thực trạng khiến các nhà làm phim tự điều chỉnh để phim Tết không bị bội thực. Hơn nữa, sự tấn công mạnh mẽ của phim nước ngoài trong mấy năm gần đây cũng là một trong những lý do khiến phim Tết Việt lép vế. Giới trẻ đổ xô đi xem những phim “bom tấn” của Mỹ, Hàn…

Sự ưu tiên một cách mất cân đối giữa phim Việt và phim nước ngoài trong khâu phát hành đang là một bài toán đau đầu của các nhà quản lý, dẫn đến những hệ lụy về thị phần của phim Việt dần dần bị đánh mất ngay chính trên sân nhà mình. Trong khi đó, các nhà phát hành chỉ quan tâm đến một mục đích duy nhất, phim có ăn khách không.

Mặt khác, cũng là một yếu tố quan trọng, phim Tết được người ta ví như bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ không thể thiếu trong ngày Tết, nó chỉ là một gia vị, nên không được đầu tư kỹ lưỡng. Họ chỉ coi đó là một cơ hội kiếm tiền.

Vì thế phim Tết thường đi theo một lối mòn, hài hước, chọc cười khán giả. Chất lượng phim dở, nhạt, thậm chí nhiều phim ngô nghê cũng là một lý do khiến khán giả hoài nghi về chất lượng và họ sẽ không ngại lựa chọn một phim bom tấn của nước ngoài thay vì phim Việt. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho rằng, làm phim Tết là một áp lực, vì khán giả bây giờ có nhu cầu thưởng thức rất cao.

Những năm trước, sự dễ dãi của phim Tết đã đánh mất một phần thị phần khán giả, vì họ cho rằng, phim tết hài, nhảm. Ông cho rằng, khuynh hướng phim chiếu rạp ngày Tết đã có sự thay đổi mấy năm nay. Lí do đơn giản là vì cứ đổ xô chiếu Tết thì sự cạnh tranh tăng lên khiến cho doanh thu bị giảm đi.

Cảnh trong phim “Đích Tôn độc đắc”.

Ngoài ra, nếu các phim chiếu Tết trước đây chủ yếu chỉ mang tính chất gây cười thì bây giờ đã chú trọng đến những tình huống cười trí tuệ. Sở dĩ có sự thay đổi này là do thị hiếu của công chúng bây giờ đã khác. Các nhà làm phim cần đầu tư chiều sâu, mang đến những tiếng cười sâu sắc hơn là việc chọc cười cho khán giả theo cách thông thường, thậm chí có khi hơi lố bịch.

Đó là những lý do khiến thị trường phim Tết hai năm gần đây không còn sôi động. Bài học về việc muốn kiếm tiền nhanh từ điện ảnh đã khiến nhiều nhà đầu tư phải trả giá đắt khi họ cho ra lò những sản phẩm hời hợt. Thế nên dù là dịp Tết, một thời điểm dễ thu hút khách nhất cũng đòi hỏi các nhà làm phim đầu tư kỹ lưỡng cho sản phẩm của mình. Đó là một xu thế tất yếu trong cuộc chạy đua giành thị phần của phim Việt, nhất là dịp Tết trên chính thị trường Việt Nam.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Làm phim Tết bán vé cho ai?

Tất cả những người làm phim Tết đều đi theo hướng bán vé, phát hành. Cách đây hai năm, họ vẫn tranh thủ dịp Tết để kiếm tiền, vì thế thời điểm đó phim Tết nở rộ. Nhưng gần đây, phim Tết không còn thu hút khách như  xưa nữa. Làm phim Tết bán vé cho ai? Các nhà làm phim không còn mặn mà vì nhu cầu của khán giả đã thay đổi, khán giả không tin vào chất lượng của phim Tết. Vì chúng ta quan niệm sai.

Rất nhiều người làm sân khấu chuyển sang làm phim Tết, thay vì kịch Tết thì làm phim Tết, những bộ phim kinh phí thấp, cơ may thì hút bạc chứ không có sự đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. 10 năm nay, họ vẫn quan niệm làm phim Tết như thế. Phim Tết trở nên nhạt nhòa vì nhu cầu của người xem đã thay đổi, trong khi chúng ta vẫn giữ lối tư duy cũ.

Tại sao khán giả lại bỏ tiền ra mua vé xem lại những danh hài họ đã xem đến nhàm chán trong các game show. Các nhà làm phim  Tết vẫn chọn lối đi an toàn, làm theo kiểu “cơm gạo”, kinh phí vừa phải, làm cho có.

Họ quan điểm làm phim Tết chỉ như một cú đánh bạc”, may rủi chứ không có sự đầu tư kỹ lưỡng, rất nguy hiểm. Họ không sai khi đặt vấn đề kinh doanh lên hàng đầu nhưng chúng ta vừa có thể làm kinh tế vừa có thể cho ra đời những sản phẩm tốt hơn chứ. Ai đã làm cho khán giả Việt quay lưng với phim Việt, đó chính là các nhà làm phim.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Xu hướng của những bộ phim được đầu tư chỉn chu

Thực ra trước đây, thị trường điện ảnh Việt Nam có mỗi mùa phim Tết, mọi người làm phim chiếu Tết vì đó là thời điểm tốt nhất để có doanh thu khả quan. Nhưng hiện nay, phim Việt có thể phát hành quanh năm mà vẫn được khán giả đón nhận, quan tâm, thích thú.

Bởi vậy, người ta cảm giác các nhà làm phim không quan tâm lắm đến phim chiếu Tết. Thực tế, vẫn có nhiều nhà sản xuất quan tâm và coi phim Tết là một dự án quan trọng của năm, và nếu nhìn vào lịch phim Tết năm nay, ta có thể thấy sự cạnh tranh của các bộ phim được đầu tư chỉn chu, đầy tiềm năng.

Có một xu hướng khác, đó là phát hành đĩa và online mang đến sự rủi ro ít hơn phim chiếu rạp, bởi đó là cách mà các nhà sản xuất chưa đủ tiềm lực hoặc chưa sẵn sàng cho phim chiếu rạp lựa chọn. Và cũng có nhiều nhà sản xuất chỉ quan tâm đến thị trường phát hành băng đĩa này mà không có ý định lấn sân, bởi họ muốn phim của mình đến được với những khán giả ở nhiều miền xa trên cả nước, những nơi mà rạp chiếu phim chưa xuất hiện.

Trong tương lai, khi điện ảnh phát triển cùng với nhiều hệ thống rạp mới được xây, chắc chắn thị trường phim chiếu rạp Tết sẽ càng được mở rộng hơn. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến phim đĩa hay phim online, bởi xét cho cùng, Tết là thời gian cả gia đình sum vầy.

Phim Tết mấy năm vừa rồi bị phim ngoại lấn át, các nhà phát hành ưu tiên phim ngoại quá, nên thị phần phim Việt vốn đã ít lại càng hạn chế.

Hạnh Nguyên
.
.
.