Ca khúc Việt thời hội nhập

Thứ Ba, 27/10/2015, 11:26
Thời đại bây giờ, nghe nhạc cũng phải biết cách nghe. Lời nhạc phải có một chút tiếng Việt, tiếng Anh đá nhau. Ca sĩ phải biết hát tiếng Đông tiếng Tây. Có như thế, mới là nghệ sỹ thời hội nhập. Chưa biết tiếng nước nào đá tiếng nước nào, hội nhập ra làm sao. Nhưng cũng không quan trọng đâu mà. Nghe vui tai là chính! Sau một thời gian hội nhập, ngôn ngữ - một trong những căn cước văn hóa căn cốt, kiến tạo nên bản sắc dân tộc đã và đang bị "mài mòn", "xâm thực" bởi những thứ ngôn ngữ ngoại lai.

Khi Tiên "điên" (biệt danh của ca sỹ Tiên Tiên, một trong những ca sỹ mới nổi của làng giải trí) cất tiếng hát "Say you do", một ca khúc do cô sáng tác, với những câu Tây - Ta lẫn lộn như "Lỡ buông lời yêu anh, sợ anh xa lánh. Biết sao giờ chỉ thấy nắng trong tim mình. Say you do, say you do" thì hàng nghìn người nhún nhảy và hát theo hưởng ứng một cách cuồng liệt.

Hoặc như lúc nghe Kimmese, một người vừa có khả năng viết nhạc và hát của dòng nhạc underground, rất nhiều bạn trẻ đã bị những giai điệu xập xình cuốn đi theo phần nhạc nửa Việt nửa Anh. Ngay cả cô ca sỹ được nhiều người gọi là "nữ diva thứ 5" của Vpop Thu Minh, khi lên sân khấu, cũng phải có một chút Anh - Việt đá nhau thì mới thành hit mới điên cuồng trong giới trẻ ("hit" ý chỉ đến những ca khúc ngay sau khi ra mắt đã gây được tiếng vang, nhận được sự yêu thích, quan tâm lớn của khán giả - PV). "Everybody la la loves everybody/ Hãy cứ yêu đi, đừng đắn đo chi/ Để cho bao nhiêu ánh mắt ghen tị đi/ Everybody la la loves everybody/ Everybody la la loves everybody/ Hãy cứ hôn nhau, từng chiếc hôn sau/ mặc ai khen chê vẫn cứ yêu mải mê ... just love" (Just love).

Ca sỹ Bảo Thy.

Nhìn vào danh sách những ca khúc nổi đình đám trong thời gian qua, phần nhiều lời nhạc trong số đó đều có một chút tiếng ta, một chút tiếng Tây như "Say you do", "Everything", "Không phải dạng vừa đâu", "Em của ngày hôm qua", "Tell me why", "Tình về nơi đâu"… Người viết ra những ca khúc đó, hầu hết đang độ tuổi rất trẻ, cũng là những cái tên có "máu mặt" trong làng giải trí Việt Nam hiện nay như Sơn Tùng MTP, Tiên Tiên, Hoàng Tourliver, Thanh Bùi… Và mỗi lần họ tung sản phẩm mới, cũng là có thêm một "hit" mới trong các bảng xếp hạng, được những người hâm mộ chờ đợi và săn đón.

Chẳng nói hiện nay mà trước đây cũng có nhiều nghệ sỹ đã đưa hình thức lai ngôn ngữ này vào ca khúc. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ thời kỳ đầu xuất hiện, nữ ca sỹ Mỹ Tâm cũng tạo hit điên đảo với ca khúc "Nụ hôn bất ngờ". Chẳng ai quan tâm "Oh first kiss! You make me happy" nghĩa là gì đâu. Nghe cứ lạ tai, vui vui. Các bạn trẻ, thậm chí các em nhỏ "vắt nước mũi còn chưa sạch" chưa thạo bảng chữ cái cũng có thể hát theo "Oh first kiss! You make me happy/ Chẳng nói lên được tiếng chi, giờ chỉ nghe nhịp trái tim" là Mỹ Tâm “thắng” lớn rồi.

Kể ra như thế, để chúng ta thấy rằng, không cần sự tham gia của bất cứ người Anh, Mỹ hay Hàn Quốc nào, những nghệ sỹ 100% "made in Vietnam" đã chủ động viết ra/ thể hiện những ca khúc mà phần lời nhạc đã nhuốm màu "hội nhập" như thế nào.

Tất nhiên, việc sử dụng ngoại ngữ vào các ca khúc nói chung đã không còn xa lạ với nền giải trí châu Á, không chỉ ở Việt Nam. Và nói gì thì nói, chúng ta không thể phủ nhận hiệu ứng nâng tầm của một vài câu, từ tiếng nước ngoài - mà phổ biến nhất là tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế - với một bài hát thông qua một đoạn lời thoại "dẫn truyện", một đoạn rap giữa bài hát, một vài câu với vị trí đặc biệt hay có khi chỉ là một từ trong lời hát. 

Chẳng hạn như nhóm MTV đã từng thành công khi đưa vào ca khúc "Thiên thần nhỏ bé" (sáng tác của ca sỹ Anh Tuấn) một đoạn rap tiếng Anh hào hứng. Hay là Nguyễn Hải Phong - một nhạc sỹ có tố chất của làng nhạc Việt Nam đương đại nhưng anh cũng là người thích dùng tiếng Anh trong những sáng tác của mình… 

Rất nhiều tên bài hát có phần lời nhạc lai tiếng Việt và tiếng nước ngoài được những người nghe nhạc kể ra.

Cách đây gần 10 năm, khi những câu hát lơ lớ Anh - Việt được cất lên, nhiều khán thính giả Việt tỏ ra khó chịu, không thiện cảm lắm. Số lượng ca khúc như thế không nhiều. Nhưng nhìn vào mặt bằng số lượng cũng như các bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay, ta dễ dàng nhận ra người hâm mộ ngày nay tỏ ra hào hứng, cứ như bị "dẫn điện" vào người. Tinh thần âm nhạc ngày càng cởi mở, không gò bó. 

Nhiều ca khúc mới nhân đà này được viết ra đến nỗi khi nghe, người tiếp nhận không thể nhận biết được đây là thứ âm nhạc gì và nó được viết ra bằng ngôn ngữ gì. Nhưng chẳng sao. Hit thì vẫn cứ hit. Trong bảng khảo sát online mà chúng tôi thực hiện với 100 người, có tới 2/3 số người yêu thích những ca khúc dạng này. Điều đáng nói là họ không quan tâm lời nhạc lai căng ra sao, "vui là chính".

Đành rằng, có một số chỗ, thêm đôi ba từ tiếng nước ngoài vào, tạo hiệu ứng tích cực. Nhưng không ít người tỏ ra khó hiểu, cho dăm câu tiếng nước ngoài vào đây để làm gì. Đôi chỗ còn lạc điệu. Đó là chưa ai dám chắc, phát âm tiếng nước ngoài của nghệ sỹ chúng ta là chuẩn hay chưa. Một bạn sinh viên Khoa tiếng Nhật, trường ĐH Ngoại thương dẫn ra clip nhạc "Em sai" của Bảo Thy và nói thẳng thừng: "Phải chăng chàng trai mà cô đã bảo 'hãy đi đi' (ikite kudasai) đó là người Nhật? Với tư cách một người học tiếng Nhật và xem rất nhiều phim Nhật, tôi có thể khẳng định với các bạn rằng tất cả các ca sĩ của chúng ta nói tiếng Nhật đều không tốt!".

Khi thế giới đang “phẳng” dần, việc hội nhập, học hỏi, tiếp thu, thích ứng là một điều cần thiết. Tuy nhiên, hội nhập và hòa tan là hai câu chuyện khác nhau. Làm sao để giữ lại bản sắc - mà ở đây là ngôn ngữ của dân tộc - tồn tại và phát triển một cách trong sáng và "khỏe khoắn" giữa thời buổi này, đó là một câu hỏi cần phải được bàn nhiều. Và khi mà, mạnh ai người nấy làm, chúng ta chưa có một ủy ban/hội đồng thẩm định ngoại ngữ trong sáng tác ca khúc thì các nghệ sỹ của chúng ta, trước khi viết hoặc khi hát, phải chăng cần xem lại mình, nhỡ ca khúc đó được mang đi dự thi ở cấp quốc tế thì… ôi mặt lắm. Chẳng biết bao giờ, nhưng tôi cứ nói thế. Nhỡ như! Đây là thời thế giới phẳng cơ mà!

NSND Trung Kiên: Làm gì thì làm, cũng phải giữ ngôn ngữ của đất nước mình

Tôi không thấy một nước nào lệ thuộc vào ngôn ngữ tiếng Anh như nước chúng ta. Không chỉ riêng trong việc sáng tác ca khúc mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Ở các nước khác, người ta đâu có thế. Làm gì thì làm, cũng phải giữ ngôn ngữ của đất nước mình chứ. đằng này…, tôi cũng không biết sao để diễn đạt được tất cả ý của tôi trong câu chuyện này. Không biết các nhà ngôn ngữ học, chuyên gia về văn hóa nghĩ sao về điều này? Sao mà khủng khiếp thế? Mà cứ làm như mình là văn minh, là trí thức, rất là đau khổ. Tôi thì không nghe loại ca khúc ấy đâu.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng: Nếu đó là các nhạc sỹ ở hải ngoại, điều đó hoàn toàn dễ hiểu

"Nếu đó là các nhạc sỹ ở hải ngoại, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Vì tiếng Việt của họ không tốt. Các nhạc sỹ gốc Việt ở hải ngoại viết nhạc với ca từ hoàn toàn bằng ngoại ngữ. Khi cố gắng dịch ra tiếng Việt thì khó chuyển tải hết ý nên có những câu họ để lại bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ gốc. Thói quen này dễ hiểu vì y chang cách nói năng giao tiếp của họ tại xứ họ sinh ra và trưởng thành. Tiêu biểu là trường hợp của Thanh Bùi. Còn các nhạc sỹ trẻ sinh ra và lớn lên trong nước, tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ. Sống một đời sống Việt toàn phần. Vậy lý do tại sao họ viết ca từ phải có vài câu ngoại ngữ? Có lẽ nên hỏi thẳng các tác giả. Còn tôi, một người mồm miệng quen mắm muối dưa cà, tôi chưa từng để tai nghe những ca khúc như thế.

Trong bầu khí nhạc Việt của tôi không có những ca khúc như thế. Nhạc pop Pháp, Bỉ từng xuất hiện đâu đó một vài ca khúc có một vài câu tiếng Anh và đã bị đào thải trong chớp mắt. Người Pháp và công chúng nghe nhạc Pháp trong Cộng đồng Pháp ngữ tẩy chay thẳng thừng. Tuy nhiên, họ chấp nhận những bài hát với hai bản ca từ khác nhau: thuần Pháp hoặc Anh ngữ "tinh khiết", trường hợp của Jacque Brent chẳng hạn. Hoặc có thể kể đến trường hợp song ca của hai danh ca Andrea Boccelli baritone số 1 thế giới và danh ca nhạc pop Celine Dion. Họ song ca bằng tiếng Ý và tiếng Anh, nhưng mỗi người đều hát trọn vẹn phần ca từ với ngôn ngữ của mình, không pha tạp. Những danh ca của Pháp, họ hát tiếng Anh cực hay nhưng bài nào tiếng Anh là tiếng Anh, tiếng Pháp là tiếng Pháp. Mirrele Mathieu bảo rằng: "Thêm một câu tiếng Anh vào một ca khúc Pháp là lăng nhục âm nhạc Pháp đấy".

Ca sỹ Ngọc Anh: Phần lời là nhân sinh quan cuộc sống của nghệ sỹ

Theo quan điểm cá nhân của tôi, chúng ta không nên nặng nề chuyện này quá. Một bài hát, âm nhạc mang tính quốc tế và phần lời của một ca khúc có cả phần tiếng Việt và phần tiếng Anh thì cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mình đừng xen vào quá nhiều phần lời tiếng Anh, nếu có 2 lời thì nên tách thành 2 phần ngôn ngữ khác nhau. Chuyện xen lẫn tiếng Anh và tiếng Việt đấy là cách nhìn của mỗi nhạc sĩ thôi. Tôi thì không đánh giá nhiều lắm sự sáng tạo ấy vì tôi cho rằng, bất cứ đánh giá nào cũng phải phù hợp với nội dung cũng như cách trình bày và mong muốn truyền đạt của mình đến khán giả, không nên vì thị hiếu hay các đơn đặt hàng ca khúc. Tất nhiên, ở thời buổi bây giờ, viết theo đơn đặt hàng, theo thị hiếu là một phần của công việc, ai cũng phải sống thôi, và ai cũng có quyền được viết theo đơn đặt hàng, miễn tác phẩm âm nhạc ấy có giá trị, không độc hại và không PR lộ liễu quá.

Tôi không biết với những người khác ra sao, với tôi, một tác phẩm âm nhạc hay phải trọn vẹn cả phần lời và phần nhạc. Tuy nhiên, phần lời của ca khúc nhiều lúc còn quan trọng hơn cả phần nhạc. Phần lời là nhân sinh quan cuộc sống, là góc nhìn, tư tưởng của nhạc sỹ, được tái tạo một lần nữa qua sự thẩm thấu của ca sĩ và khán giả.

Đậu Dung
.
.
.