Những nghệ sĩ Việt kết nối Đông – Tây
1.Ngô Hồng Quang đang sống ở Hà Lan và cuộc sống của anh là những chuyến lưu diễn, khi ở Pháp, ở Đức, ở Italia, khi thì ở Hà Lan. Nhạc sĩ Quốc Trung nhắc đến Ngô Hồng Quang như một người nghệ sĩ “dấn thân” cho âm nhạc. Còn với Ngô Hồng Quang, đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ khi anh được tự do sáng tạo, tự do trong không gian của mình. Và trong không gian đó, Quang mang đến sự kết nối Đông - Tây, Việt Nam với thế giới.
Khi tôi viết bài này thì Quang đang bay sang Hà Lan biểu diễn ở một nhà thờ cổ bên đó. Lịch được đặt từ 1 năm trước. Trong không gian ấm cúng và trang nghiêm đó, Quang sẽ chơi nhị, sáo, khèn môi. Nhưng điều Quang thích thú hơn là những sáng tác đương đại của anh từ chất liệu dân gian như quan họ cổ chơi với dàn dây hay những bài hát mới do chính Quang sáng tác.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang |
Hành trình của Quang bắt đầu từ cơ hội đi học ở Hà Lan cách đây 5 năm. Hồi đó, Quang chơi chèo, xẩm, cải lương nguyên bản. Nó tạo ra sự tò mò, thích thú cho khán giả châu Âu về một nền văn hóa khác biệt và Quang cũng làm tròn vai của một nghệ sĩ nhạc dân tộc. Nhưng càng đi, thế giới quan trong Quang càng mở rộng. Anh nhận ra, nếu chỉ chơi nhạc dân tộc nguyên bản, chỉ mang đến sự tò mò mà thôi.
Âm nhạc phải chạm đến những cảm xúc đa chiều: “Ngoài việc biểu diễn âm nhạc truyền thống, tôi muốn có sự giao lưu, kết nối với thế giới, đưa âm nhạc ra thế giới bằng những sáng tác mới, kết hợp với các nghệ sĩ thế giới, chơi cùng họ. Hướng đi đó được công chúng đón nhận và mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả hơn sự tò mò vì lạ tai”.
Những vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc trở thành chất liệu cho Ngô Hồng Quang sáng tạo, một “Hanoi duo” thú vị cùng nhạc sĩ Nguyên Lê hay một album “Nam Nhi” - quan họ cổ phối với dàn dây phương Tây và mới đây nhất là Album “Nhìn lại”, những sáng tác mới của Ngô Hồng Quang dựa trên lời thơ của giáo sư Phan Lê Hà.
Một không gian đương đại của những suy tư, trăn trở của người nghệ sĩ trước cuộc sống và những chuyến xê dịch, nhưng được chuyển tải bằng thứ âm nhạc mang sắc màu Việt Nam, những chất liệu được lấy từ kho tàng dân gian vô cùng phong phú của âm nhạc Mông, của Tây Nguyên, của dân ca Bắc bộ.
Ngô Hồng Quang say mê với con đường đó và trên hành trình của mình, anh gặp nhiều nghệ sĩ tài hoa, như Nguyên Lê và Trung Bảo, họ tự hào cùng nhau biểu diễn những giai điệu mang âm hưởng Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Nhưng họ là những nghệ sĩ đương đại chứ không phải là nghệ nhân.
Dàn nhạc tre nứa của nghệ sĩ Đồng Quang Vinh. |
Ngô Hồng Quang- người nghệ sĩ tự do ấy sẽ đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá âm nhạc Việt Nam theo cách riêng của mình, cá tính, độc lập và sâu sắc. Đi xa để trở về, đó là cách Quang đang làm trong hành trình sáng tạo của mình.
2. Đồng Quang Vinh là một nghệ sĩ cổ điển, được đào tạo chỉ huy dàn nhạc ở Thượng Hải. Về nước, Vinh vẫn là chỉ huy trưởng Dàn nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nhưng Vinh có một niềm đam mê với dàn nhạc tre nứa dân tộc, bởi anh lớn lên trong cái nôi truyền thống đó khi bố và mẹ đều là những nghệ sĩ đàn dân tộc. Tôi gọi Vinh là nghệ sĩ đa-gi-năng khi anh có thể chơi được tất cả các loại nhạc cụ tre nứa, sáo, đàn bầu, đàn trưng…
Nhưng hành trình của Vinh không dừng lại ở đó. Anh là người tiên phong dùng âm nhạc tre nứa biểu diễn những bản nhạc cổ điển nổi tiếng của thế giới. Cái tên Đồng Quang Vinh gắn liền với dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới”. Và khán giả sẽ ngạc nhiên khi trưng có thể chơi với Jazz, sáo có thể thổi cùng piano. Đó là con đường đưa âm nhạc Việt ra thế giới chứ không chỉ chơi những bản nhạc truyền thống, bài bản.
Đồng Quang Vinh với cây đũa thần vẽ thế giới của anh trên cương vị là một chỉ huy. Anh đi trên con đường sáng tạo, tìm kiếm những chất liệu mới cho âm nhạc Việt trong sự kết hợp đa sắc màu giữa cổ điển và truyền thống, giữa phương Đông và Phương Tây. Đi nhiều, có cơ hội được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Trong những chuyến đi đó, Đồng Quang Vinh luôn mang theo “gia tài” của mình là những nhạc cụ tre nứa. Ở đó, Vinh sẽ chơi sáo, chơi trưng với đàn piano, với dàn nhạc giao hưởng, hay cả với Jazz.
Những sự kết hợp lạ lùng và thú vị, tạo ra nhiều không gian âm nhạc mới và mang đến những cảm xúc mới mẻ cho người xem. Cùng trên một hành trình đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới, nhưng Đồng Quang Vinh lựa chọn lợi thế của mình là âm nhạc cổ điển và anh chuyển soạn lại những bản nhạc cổ điển cho dàn nhạc tre nứa.
Đó là con đường giúp anh tiếp cận với khán giả. Anh từng đi Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Pháp, Đức và tại những nơi này, khán thính giả đều ngạc nhiên khi những tác phẩm âm nhạc kinh điển của họ lại có thể được chơi bởi dàn nhạc đơn sơ làm từ tre nứa.
“Tôi mất rất nhiều thời gian để chuyển soạn cho những bản nhạc cổ điển sang dàn nhạc tre nứa, bởi nhìn sâu vào bên trong, chúng ta sẽ bắt gặp sự tương đồng về âm thanh, cảm xúc. Bây giờ, nhiều nhạc sĩ phương Tây tò mò thích thú với âm nhạc Phương Đông và châu Phi, nó phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Hành trình kết nối Đông - Tây là một hành trình tất yếu trong sự giao thoa văn hóa”.
Vinh thích xê dịch, cuộc sống của anh là những chuyến đi. Và trên mọi hành trình ấy, gắn bó với Vinh vẫn là những cuốn tổng phổ để đêm về, có thời gian yên tĩnh, anh lại giở ra, mày mò nghiên cứu và viết.
Vinh nói, anh sẽ dành nhiều thời gian cho con đường mình đang khai phá. Dù đó là một con đường gian nan, nhiều thử thách và luôn đối diện với sự khen chê, hoài nghi. Nhưng anh tin, khi thấu hiểu văn hóa Việt và âm nhạc Việt thì con đường của anh sẽ gặp được những tri âm không chỉ nằm trong biên giới Việt Nam.
Ngô Hồng Quang và Đồng Quang Vinh đang tạo ra những không gian âm nhạc riêng của mình. Một không gian được kết nối bằng những giá trị tinh hoa của Phương Đông - Phương Tây, của Việt Nam và thế giới. Trong hành trình đó, họ gặp nhau ở tình yêu và sự thấu hiểu âm nhạc truyền thống. Chỉ khi hiểu sâu sắc âm nhạc truyền thống, bám rễ sâu vào truyền thống chúng ta mới có cơ hội tự tin đi ra thế giới.