Bóng đá nữ, bóng đá nam dự SEA Games: Bình đẳng không chỉ ở lời nói

Thứ Hai, 09/12/2013, 15:04

12 ngày ở Đà Lạt, sau đó là hai tuần ở Nam Kinh, Trung Quốc, xem ra, lịch tập huấn của ĐT bóng đá nữ Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 27 có vẻ “sang” hơn so với ĐT bóng đá nam U-23, với địa điểm tập huấn chủ yếu quanh quẩn ở miền Nam là chính. Và nếu chỉ nhìn vào hiện tượng đó, người hâm mộ có thể sẽ hài lòng với việc bóng đá nữ đã được chú trọng hơn, được đầu tư bình đẳng hơn trong tương quan so sánh với bóng đá nam.

Nhưng thực chất, việc đầu tư không chỉ thể hiện ở khía cạnh vật chất là đủ. Khía cạnh tinh thần, tức tâm sức; toan tính; đường lối; chiến thuật; sách lược… cũng quan trọng không kém gì đầu tư tài chính. Một khoản đầu tư bằng tài chính lớn chỉ có thể phát huy hiệu quả tốt khi nó được sử dụng cho các kế hoạch, hạng mục đầu tư khôn ngoan và tỉnh táo. Ở phương diện này, bóng đá nữ lại trở về đúng với vị thế của mình, vị thế đúng như cái câu “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” nghe vô cùng hủ lậu và đau lòng.

Đà Lạt, thành phố cao nguyên, là nơi có không khí loãng, thực sự lý tưởng cho việc tập huấn chuẩn bị thể lực trước một giải đấu. Còn Nam Kinh, thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tô, là nơi có các điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng rất tốt để các cầu thủ nữ tập các bài tập kỹ-chiến thuật tập thể và cá nhân. Nhưng cả hai sự lý tưởng đó đều sẽ chỉ là lý-tưởng-trên-lý-thuyết đối với ĐT nữ Việt Nam ở chiến dịch SEA Games sắp tới mà thôi. Đơn giản, Đà Lạt là thành phố có khí hậu bốn mùa một ngày với chiều tối và đêm lạnh như mùa đông Hà nội, còn Nam Kinh thì đang lạnh với nhiệt độ trung bình luôn dưới 18 độ C ở thời điểm này.

Đội tuyển nữ Việt Nam trong buổi tập tại Nam Kinh.

Trong khi đó, Mandalay-Myanmar, nơi ĐT nữ Việt nam sẽ thi đấu các trận đấu tại Sea Games lại là nơi có khí hậu khô, nóng với nhiệt độ thường trực là 31 độ C. Trong bối cảnh thực tế thi đấu như thế, với lịch trình di chuyển san sát của ĐT nữ Việt Nam, chắc chắn các tuyển thủ nữ sẽ khó lòng đạt được phong độ tốt bởi sự thay đổi thời tiết, khí hậu đột ngột như thế. Trong khi đó, đội tuyển nam U-23 lại có thể đạt được phong độ, thể lực đủ đầy bởi nơi họ tập huấn suốt thời gian qua (các tỉnh phía Nam Việt Nam) có khí hậu gần như tương đồng với Nay Pyi Taw. Như vậy, rõ ràng ở công tác chuẩn bị, ĐT nam U-23 được xem trọng hơn ĐT nữ rất nhiều lần thể hiện qua những tính toán cụ thể trong kế hoạch tập huấn tiền SEA Games.

Đó là còn chưa kể tới việc 3 tháng trước SEA Games, ĐT U-23 đã được đi tập huấn ở Hungary, một đợt tập huấn được coi là tốn kém và sang trọng hơn đợt tập huấn tại Nam Kinh của ĐT nữ rất nhiều lần. Hoá ra, xét ở khía cạnh vật chất, ĐT nữ cũng chẳng được ưu ái như chúng ta đã tưởng tượng ra ở trên đây.

Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, bóng đá nam Việt Nam hiện đứng thứ 158, gần như thấp nhất lịch sử kể từ khi chúng ta hoà nhập trở lại với sân chơi SEA Games. Trong khi đó, bóng đá nữ lại đang đứng hạng 28 trên thế giới. Nên nhớ, một nền bóng đá có ĐT đứng hạng 28 thế giới có thể coi là một nền bóng đá mạnh. Và nếu như so sánh với bảng xếp hạng bóng đá nam, vị trí của tuyển nữ Việt Nam tương đương với vị trí của các đội tham dự World Cup 2014 tại Brazil.

Tất nhiên, so sánh đó là khập khiễng bởi ai cũng hiểu tạo hóa sinh ra nam giới có tố chất thể lực, thể hình mạnh mẽ hơn nữ giới. Nhưng tấm huy chương vàng nào cũng qúy như nhau cả và việc đổ xô vào “săn” tấm huy chương vàng bóng đá nam SEA Games mà quên đi giá trị đáng trân trọng của tấm huy chương vàng bóng đá nữ rõ ràng cho thấy cái nhìn lạc hậu, hủ lậu và thiếu văn minh của chính những người làm bóng đá Việt Nam hôm nay. Đó là còn chưa kể tới chuyện do quá “say đòn” với khát vọng vàng SEA Games cho bóng đá nam, người ta đã đầu tư công sức quá thừa thãi cho U-23 mà quên đi mất giá trị của ĐTQG (như thất bại nặng nề ở vòng loại ASIAN Cup vừa rồi là minh chứng) và các ĐT trẻ hơn như U-19; U-17…

Xem ra, việc cư xử bình đẳng với nữ giới vẫn còn là điều đáng bàn của xã hội Việt Nam hôm nay. Hãy thôi chỉ biết quan tâm đến phụ nữ ở những ngày 8-3; 20-10; Ngày của Mẹ mà cần biết quan tâm hơn đến nữ giới mỗi ngày. Hãy thôi chỉ biết bình đẳng giới bằng những lời nói suông và bắt đầu nghĩ đến chuyện tập trung vào nó bằng chính những việc làm thiết thực, cụ thể mà chuyện quan tâm đúng mức cho bóng đá nữ Việt Nam là một ví dụ rất, rất nhỏ thôi nhưng lại vô cùng điển hình…

Hà Quang Minh
.
.
.