Bóng đá Việt Nam trong mối quan hệ với bóng đá Nhật Bản: Nhập siêu!

Thứ Ba, 13/10/2015, 15:23
Kể từ cuối nhiệm kỳ VI VFF của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đến nhiệm VII của Chủ tịch Lê Hùng Dũng hiện nay, bóng đá Việt Nam đã thực hiện chiến lược hợp tác toàn diện với bóng đá Nhật. Chiến lược mà với nó, hai chiều xuất - nhập của chúng ta với người Nhật đang diễn ra liên tục, nhưng có lẽ cũng đã tới lúc nhìn lại các phương pháp xuất - nhập và ý nghĩa của sự xuất - nhập để có thể đạt hiệu quả tốt nhất cho mình.
Người Nhật đầu tiên xuất hiện ở bóng đá Việt Nam thời kỳ này chính là cố chuyên gia bóng đá Tanabe. Cuối năm 2012, ông Tanabe được ướm vào ghế trưởng BTC V.League - một V.League đổi mới dưới sự lãnh đạo của VPF, thay vì VFF như trước, nhưng sau đó, vì nhiều lý do khác nhau mà ông Tanabe đã đóng vai trò cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng. Ngày đầu tiên ra mắt báo giới, dư luận, chuyên gia này bày tỏ giấc mơ: "Khoảng 50 năm nữa, Đội tuyển Việt Nam có thể đá sòng phẳng và giành chiến thắng trước ĐT Nhật Bản". Tiếc là vì lý do bạo bệnh mà phần hợp tác giữa ông Tanabe với bầu Thắng nói riêng và VPF nói chung bị đứt gánh giữa đường.

Nhưng ngay sau đó, người Nhật lại cử một chuyên gia khác là ông Tanaka Koji sang làm Trưởng BTC V.League. Tuy nhiên, trong tư cách đứng mũi chịu sào ở một giải đấu mà những vấn đề hậu trường phức tạp của nó khác xa so với cái lý thuyết "bóng đá chuyên nghiệp" gắn liền với mình và nền bóng đá của đất nước mình, ông Koji cũng không "sờ" được vào những vấn nạn V.League mà có lẽ chỉ người Việt Nam mới biết và hiểu với nhau.

Đóng góp lớn nhất của ông Koji trước khi về Nhật chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử ông đã đưa ra một con số thống kê  liên quan  đến việc mỗi trận đấu, mỗi cầu thủ V.League chỉ chạy trung bình 5,6 km, trong khi con số này của cầu thủ châu Á là 10 km. Và nhờ con số thống kê của ông Koji, chúng ta mới biết đích xác xem thể lực cầu thủ Việt Nam đang yếu và thiếu như thế nào so với mặt bằng châu Á nói chung.

Nếu các ông Tanabe và Koji đóng góp cho bóng đá Việt Nam ở cấp độ quản lý, điều hành thì 2 ông thầy Nhật Toshiya Miura và Norimatsu Takashi lại "đóng góp" cho bóng đá Việt Nam trên cương vị HLV. Điều giống nhau giữa hai ông thầy Nhật là cả hai đều đã tạo nên một tác phong làm việc nền nếp, chuyên nghiệp, và cả hai đều xây dựng sơ đồ 4-4-2 với những pha đánh biên - tạt bóng mang màu sắc bóng đá hiện đại.

Tuy nhiên hiệu quả cuối cùng của triết lý bóng đá này tới đâu, và nó có thật phù hợp với thể hình, thể trạng của con người Việt Nam hay không thì vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận. Chẳng thế mà sau khi ĐTVN của ông Miura thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1 hẳn hoi, nhưng thắng một cách may mắn thì PCT chuyên môn VFF Đoàn Nguyên Đức đã lên tiếng chỉ trích ông Miura nặng nề. Còn với ông Takashi, gần đây đã xuất hiện thông tin các cầu thủ ĐT nữ không hoàn toàn thống nhất với cách thức huấn luyện của ông, và đây đó đã bắt đầu xuất hiện những phản ứng ngầm.

Ở đây, tuyệt đối không nên bàn tới chuyện giữa HLV và các cầu thủ, ai đúng ai sai, mà cái chính là những HLV đến từ một nền bóng đá chuyên nghiệp, và quá quen với những tác phong, nền nếp chuyên nghiệp rõ ràng không dễ "nhập gia tuỳ tục", "liệu cơm gắp mắm" để đạt được hiệu quả tốt nhất ở một môi trường vẫn còn nhiều ngổn ngang.

Huấn luyện viên người Nhật Miura tạo ra nhiều tranh luận ở Đội tuyển Việt Nam. (H.M)

Bên cạnh những nhân sự Nhật thì tiền tệ Nhật cũng đã được rót vào bóng đá Việt Nam thông qua những bản hợp đồng tài trợ cho ĐTQG và V.League. Trước thềm V.League 2015, khi cả VPF vẫn VFF đều lo sốt vó trong việc tìm kiếm nhà tài trợ mới thay thế cho Eximbank rút lui thì doanh nghiệp Nhật Toyota đã vào cuộc, và mặc dù khoản tiền Toyota đổ vào V.League chỉ bằng 1/5 khoản tiền họ đổ vào Thái League (giải VĐQG Thái Lan) thì đó vẫn là một "liều thuốc" cứu rỗi với chúng ta thời điểm đó. Theo tiết lộ của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, không loại trừ khả năng Toyota sẽ tiếp tục gắn bó với V.League, ít nhất là thêm một mùa giải mới.

Và như thế, sự tràn ngập nhân sự Nhật, tiền tệ Nhật ở bóng đá Việt Nam cũng đã giúp bóng đá Việt Nam giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên vì mặt bằng bóng đá giữa Việt Nam và Nhật Bản là quá chênh lệch, văn hoá Việt Nam và văn hoá Nhật Bản cũng có những khác biệt đáng kể, nên chắc chắn sự áp dụng máy móc, rập khuôn một "mô hình Nhật" vào bóng đá Việt Nam cũng sẽ dẫn tới nhiều điều không như ý.

Ở đây, cần phải nhìn lại chính quá trình người Nhật học hỏi người Brazil và người châu Âu để xây dựng, rồi phát triển nền bóng đá của mình. Hiểu rõ bóng đá Nhật Bản không giống với bóng đá Brazil, cũng không giống với bóng đá Italia, và văn hoá Nhật Bản càng không giống những nền văn hoá này nên người Nhật hợp tác có chọn lọc và biến đổi những mô hình bóng đá tiên tiến của Brazil, Italia, Đức, chứ tuyệt nhiên không áp dụng một cách khô khan, máy móc mô hình phát triển của các nền bóng đá này vào nền bóng đá của mình.

Ở giải nhà nghề Nhật Bản, Công Vinh rồi cũng học được nhiều bài học quý như Công Phượng? (H.M).

Tiếc là ở ngôi nhà VFF hiện nay, khi ông Chủ tịch Lê Hùng Dũng nêu chiến lược "Nhật hoá" nền bóng đá thì tất cả đã lập tức nghe ông và chạy theo ông, chứ không có những phân tích, phản biện cặn kẽ xem nên "Nhật hoá" như thế nào cho hiệu quả. "Nhật hoá" một cách chọn lọc hay "Nhật hoá" theo kiểu  các chuyên gia Nhật tới đây, và thông qua họ để áp dụng một cách dập khuôn mô hình Nhật và mô hình bóng đá xứ mình. Thời gian tới, chắc chắn câu chuyện nhập khẩu từ Nhật Bản cần phải được VFF và cả cấp trên của VFF là Tổng cục TDTT tổng kết, xem xét và rút ra những bài học cần thiết cho tương lai.

Bên cạnh chuyện nhập khẩu thì bóng đá Việt Nam đã và sẽ có những sự xuất khẩu, dĩ nhiên chỉ là "xuất khẩu" manh mún, nho nhỏ vào bóng đá Nhật. Đầu tiên là sự "xuất khẩu" của Lê Công Vinh đến CLB Nhật Bản Sapporo, và có thể nói đấy là một chuyến xuất khẩu thành công khi một mặt qua Công Vinh CLB này đã thực hiện được chiến lược phát triển hình ảnh ở Việt Nam, và mặt khác trong màu áo Sapporo Công Vinh cũng đã học hỏi và thể hiện được năng lực ít nhiều.

Sang năm 2016, sẽ lại có một sự "xuất khẩu" khác sang Nhật liên quan đến cầu thủ trẻ tài năng Nguyễn Công Phượng. Những thông tin từ CLB chủ quản của Phượng là Hoàng Anh Gia Lai cho hay, nếu không có những thay đổi vào phút chót thì Phượng sẽ sang đá ở giải hạng 2 Nhật Bản, và chắc chắn đấy sẽ là một chuyến đi giúp Phượng học hỏi được nhiều điều.

Nhìn vào cán cân và tính chất của sự xuất- nhập giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản lúc này, có thể kết luận một cách hình ảnh rằng chúng ta đang ở trong trạng thái "nhập siêu". Vấn đề quan trọng bây giờ là cần phải mổ xẻ trạng thái "nhập siêu" để xem trong thời gian hợp tác ban đầu đã qua, cái trạng thái "siêu" đã thực sự tác động tới chúng ta như thế nào?

Không đổ tiền ào ào, vô tội vạ

Khi quyết định đổ một khoản tiền vào khoảng 30 tỷ đồng tài trợ cho V.League 2015, doanh nghiệp Nhật Bản Toyota cũng đưa ra yêu cầu những nhà tổ chức điều hành V.League phải hành sự làm sao để giải đấu diễn ra hấp dẫn, trung thực. Thế nên ở đoạn cuối V.League năm nay, khi hàng loạt các trận đấu diễn ra trong cảnh "khét lèn lẹt", đã từng xuất hiện thông tin nhà tài trợ đã gửi công văn chất vấn VPF. Tuy nhiên theo Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc thì tuyệt đối không có chuyện này. Còn theo Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì: "Nhà tài trợ tỏ ra rất hài lòng với giải đấu năm nay, và tỏ ý muốn tiếp tục tài trợ trong thời gian tới". Nếu đúng là nhà tài trợ hài lòng như ông Thắng nói thì quá tốt, nhưng nếu đấy chỉ là một lập luận nhằm che đi những biến động không thật êm ả bên trong như nhiều người suy đoán thì rõ ràng, VPF sẽ đứng trước một thách thức không hề nhỏ. Nhưng bất luận sự thực như thế nào thì câu chuyện này cũng cho thấy người Nhật đổ tiền cho ta, nhưng cũng không "đổ ào ào", mà luôn có sự xem xét, giám sát kỹ càng. 

Không phân biệt cầu thủ trong - ngoài nước

Theo chia sẻ của Lê Công Vinh thì chuyến xuất ngoại sang Sapporo của anh diễn ra rất dễ chịu, mà dễ chịu nhất là việc ban lãnh đạo cùng các cầu thủ sở tại luôn tỏ ra rất niềm nở với anh. Điều này khác 100% so với lần Công Vinh xuất ngoại sang CLB Leixoes để chơi bóng ở giải VĐQG Bồ Đào Nha. "Ở đấy là một nền văn hoá khác, với những cách cư xử hoàn toàn khác. Lần ấy nhờ vợ của HLV Henrique Calisto (cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam) mà cuộc sống của tôi ở Bồ Đào Nha mới đỡ cô đơn" - Công Vinh kể lại. Hy vọng là chuyến xuất ngoại sang Nhật tới đây, Công Phượng rồi cũng sẽ được người Nhật đối xử niềm nở, tận tình như cách họ đã đối xử với Công Vinh.

Diệp Xưa
.
.
.