Bóng đá Việt Nam: Từ Guillaume đến Miura
Chứng kiến cái cảnh ông Miura nhồi thể lực liên tục cho các cầu thủ U.23 trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á, và quá trình hàng loạt cầu thủ bị chấn thương - hệ quả tất yếu của việc nhồi thể lực theo đánh giá của một bộ phận các nhà chuyên môn, đã có dư luận đặt vấn đề: một năm trước, trong màu áo ĐT U.19, các cầu thủ không bị HLV Guillaume Graechen "nhồi nhét" như vậy.
Chứng kiến hình ảnh ĐT U.23 đá các trận giao hữu chuẩn bị cho giải đấu không thuyết phục, người ta lại nhớ tới hình ảnh bừng bừng khí thế của ĐT U.19 - một ĐT mà đi tới sân Thống Nhất thì sân Thống Nhất kín người, ra sân Hàng Đẫy thì sân Hàng Đẫy cháy vé và vào sân Cần Thơ thì người Cần Thơ lên cơn "sốt" nặng.
Thậm chí chính cha đẻ của lứa U.19 là ông bầu Đoàn Nguyên Đức khi trả lời phỏng vấn truyền thông cũng có ý nói rằng mặc dù rất tôn trọng triết lý và quan điểm huấn luyện của HLV Miura nhưng ông vẫn không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối khi nhớ lại lối chơi kĩ thuật, giàu sức sống mà HLV Guillaume từng tạo nên.
Mạnh Hùng là chuyên gia đá phạt của ĐT U.23 Việt Nam. |
Cũng có những đánh giá rằng ông Miura tiếng là gọi tới hơn chục cầu thủ U.19 vào ĐT nhưng lại không xây dựng ĐT U.23 dựa trên nòng cốt U.19, và những cầu thủ U.19 thường được ra sân đá chính như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh lại không thể hiện được mình giống như một năm về trước.
Và từ cả một lô lốc những so sánh, đánh giá như vậy đã có người đặt ra vấn đề: phải chăng triết lý bóng đá đơn giản, hiện đại, giàu thể lực của Miura chỉ phù hợp với ĐTQG - nơi mà các cầu thủ vừa có những trải nghiệm đủ dày về năng lực thi đấu, vừa có những tích luỹ đủ lớn về sức lực, chứ không thật phù hợp với những cầu thủ thuộc diện vừa đá vừa học như U.23?
Và câu trả lời đầu tiên
Xem U.23 Việt Nam đá hai trận đầu tiên trong khuôn khổ vòng loại giải U.23 châu Á tại Malaysia vừa qua (thắng chủ nhà Malaysia 2-1 và thua Nhật Bản 0-2) thì tất cả những thắc mắc, nghi vấn nói trên đã có được những câu trả lời nhất định, và nội dung trả lời trải đều trên các khía cạnh sau.
Về phương diện thể lực - cái phương diện cơ bản nhất của mọi hoạt động thể thao (không riêng gì bóng đá) dễ thấy là trong màu áo U.23 hiện nay, những "con người U.19" đã có một sự tiến bộ trông thấy. Ở trận ra quân với U.23 Malaysia - một đối thủ vốn cũng có truyền thống giàu thể lực, các cầu thủ Việt Nam đã chạy trơn tru từ đầu tới cuối, trong khi mới chỉ ở phút thứ 70 - 75, đã có cầu thủ Malaysia nằm sân vì chuột rút. Ở trận sau đó với Nhật Bản - một trận đấu mà các cầu thủ cũng phải tiêu hao năng lượng rất lớn khi gồng lên chống chọi với thế công liên tiếp của đối phương thì vấn đề thể lực cũng đã được đảm bảo đến những phút cuối cùng.
Điều này khác và khác rất nhiều so với hình ảnh những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... thường chỉ đá được trong khoảng 75 phút đầu tiên, rồi xìu dần ở 15 phút cuối các trận đấu, trong màu áo ĐT U.19 trước đây. Cũng chưa thể vội vàng kết luận xem có phải phương pháp huấn luyện thể lực của Miura đã giúp những "con người U.19" chữa được cái điểm yếu chí mạng, điểm yếu lớn nhất của mình về sức lực hay không, nhưng rõ ràng là đã có một sự khác biệt không thể nào phủ nhận về vấn đề này.
Về phương diện lối chơi, U.19 của HLV Guillaume trung thành với lối chơi tấn công, dựa trên những pha đan lát giàu kĩ thuật. Cũng có thời điểm U.19 chấp nhận đá phòng ngự, và ít nhiều phát huy tính hiệu quả từ lối chơi này nhưng về cơ bản đấy là một tập thể hướng đến thứ bóng đá cống hiến - thứ bóng đá mà bất luận kết quả thắng, thua thì người xem cũng luôn có một cảm giác "sướng con mắt".
HLV Miura là một nhà "đánh trận" giàu ý tưởng. |
Ở sơ đồ này, một mình Công Phượng được cắm ở tuyên đầu hàng công, và có thể khẳng định rằng trong cuộc đời cầu thủ của mình, tính đến lúc này lần đầu tiên Công Phượng mới tham gia một trận đấu mà cả một hệ thống phòng ngự triệt để, tối đa như vậy. Điều đáng nói: nhìn cái cách Công Phượng tích cực di chuyển, và sẵn sàng chia lửa với đồng đội trong cả thế trận phòng ngự lẫn phản công sẽ thấy Công Phượng tỏ ra thích ứng nhanh với lối chơi này, thay vì kêu ca, phàn nàn về nó.
Một cầu thủ cũng như một đội bóng có năng lực đánh trận phải là một cầu thủ, một đội bóng biết đá theo nhiều kiểu khác nhau. Và rõ ràng là phải trong màu áo U.23 của HLV Miura, chứ không phải trong màu áo U.19 của HLV Graechen thì Phượng và những cầu thủ có xuất phát nghề nghiệp như Phượng mới có thể trải nghiệm, thấm thía điều này.
Ai hơn ai?
Bây giờ thì chắc chắn là sẽ có nhiều người nhìn vào HLV Guillaume Graechen và HLV Miura để đặt ra câu hỏi ấy? Theo chúng tôi, đấy là một điều không nên vì mỗi HLV có một nhiệm vụ riêng, gắn với từng giai đoạn phát triển riêng của các cầu thủ.
Ở lứa tuổi U.19, khi các cầu thủ cần phải học những kỹ năng cơ bản, và phải biết đá cơ bản, nhuần nhuyễn theo duy nhất một bài thì rõ ràng vai trò của HLV Guillaume là cực lớn. Nhưng khi phát triển đến lứa U.23, khi các cầu thủ cần phải học cách đánh trận, và phải sẵn sàng thích ứng với các sơ đồ đấu pháp khác nhau với từng đối thủ khác nhau thì HLV Miura lại tỏ ra phù hợp.
Giải quyết vấn đề này cũng là để nhận thức rõ hơn vai trò của từng ông thầy trong từng giai đoạn phát triển của một lứa cầu thủ, một ĐT, từ đó sẽ có cách dụng nhân chính xác, hiệu quả trong từng trận đánh của mình.
Ví dụ như ở SEA Games 28 tới đây, một giải đấu mà ĐT U.23 đã được Tổng cục TDTT giao chỉ tiêu rõ ràng là "phải vào chung kết", nghĩa là một giải đấu mà chúng ta cần phải đánh trận một cách rõ ràng, hiệu quả, chứ không phải là một giải đấu để trình diễn thì một người cầm lái như Toshiya Miura chắc chắn sẽ tạo nên một cảm giác yên tâm.
Vấn đề nằm ở chỗ, một khi đã xác định tư tưởng mạch lạc, rõ ràng, thống nhất thì các quan chức VFF cũng cần phát ngôn một cách mạch lạc, rõ ràng, thống nhất, tuyệt đối tránh kiểu ông chủ tịch thì bảo "phải cảm ơn Miura", còn ông phó chủ tịch tài chính lại bảo "xem U.23, tôi nhớ và tiếc U.19". Có thể đấy chỉ là những phát ngôn mang tính cá nhân, nhưng nếu nó còn tiếp tục xuất hiện và được nhân lên thì những người được giao mục tiêu "đánh trận" khó có thể toàn tâm toàn ý vào cái trận được dự đoán là "cũng chẳng dễ xơi" mà mình phải dấn thân vào!
Khi "bóng chết" được khai thác triệt để Trong suốt quá trình chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á với mục tiêu cố gắng giành vị trí nhì bảng, từ đó hy vọng có thể trở thành một trong 5 đội nhì bảng xuất sắc nhất giành vé tham dự vòng chung kết, HLV trưởng ĐT U.23 Việt Nam Toshiya Miura đã cho các cầu thủ luyện đi luyện lại những tình huống "bóng chết". Có lẽ so với HLV Graechen, ông Miura chú ý đến khía cạnh này một cách rốt ráo, triệt để hơn. Có thể một phần do mặt trận tấn công của U.23 không cho thấy tính hiệu quả cao như của ĐT U.19, nhưng có lẽ lý do căn bản nằm ở chỗ: là một nhà đánh trận, ông Miura lường trước những đặc điểm riêng của cái trận mà mình dấn thân, từ đó phải tìm ra những cách đánh giúp mình có thể chắt chiu các cơ hội ăn bàn nhỏ nhất. Chẳng hạn như ông đã lường trước đá với Malaysia có lợi thế chủ nhà, sân bãi, và thoạt tiên được dự đoán là rất đáng gờm (sau khi bóng lăn mới vỡ lẽ: họ không đáng gờm như vậy) hay đá với một Nhật Bản quá giàu sức tấn công thì những tình huống đá phạt hiếm hoi sẽ giúp đội bóng của mình có xác suất ăn bàn, giành điểm khá cao. Thực tế thì ở trận gặp Malaysia, Mạnh Hùng đã hai lần sút phạt đưa bóng tông thẳng xà ngang, còn ở trận gặp Nhật Bản chúng ta cũng có khoảng 2 tình huống phối hợp đá phạt nguy hiểm, tiếc là thủ môn Nhật Bản quá xuất sắc, nên ở những tình huống này đã không có bàn thắng nào được ghi. |