Bóng đá Việt Nam: Trong sạch minh bạch?

Thứ Ba, 21/05/2013, 15:14

Đã có những thời điểm người hâm mộ (Bóng đá Việt Nam) BĐVN khấp khởi hy vọng vào một cuộc đổi đời của BĐVN theo chiều hướng trong sạch, minh bạch hoá. Đấy là khi cựu bầu Nguyễn Đức Kiên cướp diễn đàn chỉ trích vào những ung nhọt tồn tại nhiều năm của VFF rồi đề nghị thành lập VPF và nhiều "ban bệ an toàn" khác.

Đấy là khi cuộc bầu bán quanh chiếc ghế chủ tịch VFF khoá 7 được hứa hẹn sẽ diễn ra một cách mới mẻ, khác biệt hoàn toàn so với trước đây. Thế mà…

Từ ông bầu đến  ông bầu

Ngay khi cái tin chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng được bầu làm chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long - nhà tài trợ chính của CLB Kiên Long Bank Kiên Giang (KG) được loan báo, cả một mớ những nghi ngờ đã được  lãnh đạo các CLB V.League đổ dồn cho ông Thắng. Người ta nghi ngờ, trong tư cách nhà tài trợ chính, ngân hàng Kiên Long của ông Thắng có thể tạo ra những tác động vào lộ trình thi đấu của CLB này. Và với việc vẫn có tầm ảnh hưởng tối nghiêm trọng ở CLB "ruột" Đồng Tâm Long An (ĐT.LA) (dù về lý thuyết, ông Thắng đã nhường ghế chủ tịch CLB cho em trai mình), ông bầu này có thể cùng lúc khuynh đảo 2 CLB đang cùng tham gia sân chơi V.League?

Mà cái chuyện những đội bóng anh em cấu kết với nhau để lũng đoạn sân chơi V.League dẫn đến những hậu quả xấu xa, khôn lường như thế nào thì cứ nhìn vào đoạn kết mùa giải năm ngoái là rõ cả. Cái đoạn kết mà HN.T&T đá "chung kết V.League" với Xi Măng Xuân Thành Sài Gòn trên sân Thống Nhất, và chỉ có thể giật cúp vàng nếu giành trọn 3 điểm, ấy thế nhưng HN.T&T lại không đá tấn công với tư tưởng "phải giành 3 điểm" mà lại chơi bài tử thủ cầu hoà, nhằm giúp người anh em SHB.Đà Nẵng của mình giành cúp trong trận đấu cùng giờ.

Sau cái đoạn kết tồi tệ xấu xa ấy, chủ tịch CLB XM.XT.SG Nguyễn Đức Thuỵ đã uất ức nói rằng: "Cả V.League bây giờ là quân xanh cho HN.T&T và SHB.Đà Nẵng của bầu Hiển", và thế là cả một chiến dịch truy quét vấn nạn "một ông chủ, hai đội bóng" được cả VFF, VPF lẫn thanh tra bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch mở ra. Nhưng chiến dịch ấy đã giải quyết vấn đề một cách rốt ráo hay chưa thì cứ nhìn cái cách các cầu thủ HN.T&T vừa đá trên sân Hàng Đẫy vừa nhìn về phía bầu Hiển ở trên khán đài, rồi cái cách ông bầu quyền lực này nghạo nghễ xuống sân trao thưởng cho cầu thủ SHB.Đà Nẵng ở siêu cúp QG là rõ cả.

Trở lại với câu chuyện của ông bầu Võ Quốc Thắng, mặc dù cá nhân ông và CLB Kiên Giang đã có những ý kiến chính thức về việc ngân hàng Kiên Long chỉ tài trợ, chứ tuyệt đối không can thiệp vào chuyên môn đội bóng này thì người ta cũng hiểu ở một vận động bóng đá mà "đồng tiền đi liền khúc ruột" thì tầm ảnh hưởng của những người kiếm tiền và chi tiền là dữ dội, mạnh mẽ. Chẳng phải đầu mùa giải năm nay, chỉ vì không giải quyết được bài toán tiền nong mà CLB Kiên Giang đã đứng trước nguy cơ phải tự rút khỏi cuộc chơi V.League đó sao? Và chẳng phải ngay cả khi V.League đã chạy qua 2 vòng đấu thì chính chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng từng đăng đàn cho biết: "Nếu thua thêm 1,2 trận nữa, sẽ có đội bỏ giải" (ám chỉ Kiên Giang) đó sao?

Thực ra ai cũng biết, kể từ khi bước chân vào làng bóng bầu Thắng là một trong những ông bầu hiếm hoi của làng bóng này kiên quyết giương cao ngọn cờ "bóng đá sạch". Người ta cũng biết, trên cương vị chủ tịch VPF - đơn vị điều hành, quản lý hàng loạt  sân chơi cấp CLB của BĐVN, hơn ai hết ông Thắng ý thức rõ về việc mình phải làm gương cho nhiều lãnh đạo, nhiều CLB khác.

Nhưng bất chấp những sự thực như thế, và bất chấp cả việc ông Thắng mấy hôm nay luôn phải cau mày giải thích "ngân hàng Kiên Long chỉ tài trợ đơn thuần cho bóng đá Kiên Giang" thì cái cách ông cùng lúc đứng 3 chân ở 3 vị trí nhạy cảm (là chủ tịch VPF, là nhà tài trợ chính của Kiên Giang, là người có tầm ảnh hưởng ghê gớm ở CLB ĐT.LA) vẫn khiến người ta không thể không nghi ngờ.

Và một ngày những nghi ngờ còn tồn tại (dù cứ tin rằng đấy chỉ là những nghi ngờ quá đà về một hiện trạng "tình ngay lý gian) thì chắc chắn niềm tin mà người ta đặt vào nhân vật đứng đầu VPF, và vào chính VPF sẽ bị lung lay, giảm sút rất nhiều.

Từ trọng tài đến trọng tài

Nói tới tình trạng "tình ngay lý gian", người ta không khỏi nhớ lại câu chuyện ông Nguyễn Văn Mùi 2 năm trước từng làm chủ tịch Hội đồng trọng tài (HĐTT) QG nhưng đồng thời lại có con trai và con rể là thành viên của cái Hội đồng điều tiếng ấy. Và thế là rất nhiều lần ông Mùi bị chính những thành viên trong ngôi nhà trọng tài nghi ngờ về việc đã có nhiều ưu ái cho hai người con của mình.

Những nghi ngờ lớn tới mức trong cuộc họp tổng kết V.League năm đó, ông PCT VFF Lê Hùng Dũng đã tức khí "độp" thẳng: "Một là anh Mùi nghỉ đi. Hai là các con anh phải nghỉ đi. Chứ bố làm chủ tịch hội đồng, hai con làm hai thành viên của hội đồng, ngay cả khi các anh có trong sạch, tử tế thì cũng không thể tránh khỏi điều tiếng của dư luận". Ngay sau khi ông PCT VFF "tiền hô" thì ông bầu Nguyễn Đức Kiên - một nhận vật đình đám thời kỳ ấy lập tức "hậu ủng" bằng một loạt những dẫn chứng thuyết phục "đánh tơi tả" HĐTT. Và thế là chỉ trong tích tắc, cái HĐTT nổi tiếng là uy thế và quyền lực đã tức thì tan vỡ, và sau đó được thay thế bằng một Ban Trọng tài QG được cho là phù hợp với xu thế của sự phát triển hơn.

...Cũng giống như ông Nguyễn Văn Mùi trước đây vừa làm chủ tịch Hội đồng Trọng tài QG, vừa có con trai lẫn con rể tham gia Hội đồng này.

Nhưng người ta không ngờ rằng cái đoạn sau của câu chuyện trọng tài lại rẽ theo một hướng mà trước đó ít ai lường tới. Cái hướng mà những đội bóng của bầu Kiên (CLB Bóng đá Hà Nội trước khi giải thể) hoặc thuộc tầm ảnh hưởng của bầu Kiên ( Kiên Long Bank Kiên Giang năm ngoái, vì khi ấy bầu Kiên có cổ phần lớn tại ngân hàng Kiên Long) luôn nhận được những sự ưu ái đặc biệt của các trọng tài, và ngược lại, những đội bóng của những ông bầu không "cùng tiếng nói" với bầu Kiên như SHB.Đà Nẵng lại luôn bị các trọng tài thổi ép. Hồi đó, CLB SHB.Đà Nẵng ức trọng tài, và ức cách điều hành của Ban trọng tài tới mức đã có công văn đề nghị VFF, VPF phải tạm dừng V.League lại.

Bây giờ thì bầu Kiên đã xộ khám, và chuyện các trọng tài vì lo bóng lo gió mà phải bắt thế này thế khác đã giảm hẳn. Nhưng câu chuyện nhức nhối trong ngôi nhà trọng tài Việt Nam lại rẽ theo hướng những nhân vật có quyền cầm cân nảy mực cuộc chơi dường như luôn có những động thái ứng xử theo kiểu con yêu con ghét.

Cái kiểu mà ở đấy, có ông trọng tài mắc lỗi hẳn hoi, bị đình chỉ làm nhiệm vụ hẳn hoi, nhưng đình chỉ làm trọng tài chính thì ông ta lại được sang làm trọng tài bàn - công việc được cho là nhàn nhã, ít đụng chạm hơn trọng tài chính rất nhiều. Ngược lại, có những trọng tài từng được tôn vinh "còi vàng", lại là trọng tài được nhiều đội bóng nể sợ lại phải đứng ngoài…nhìn cuộc thế mà theo giải thích của những người thạo việc thì "chỉ vì ổng không hợp cạ với…vua của các vua".

Có thể nói, chưa bao giờ niềm tin vào ngôi nhà của các trọng tài Việt Nam lại sứt mẻ đến mức đáng báo động như lúc này.

Và từ chủ tịch VFF đến chủ tịch VFF khóa VII

Đúng giờ này tháng sau, VFF sẽ có vị chủ tịch khoá 7 thay cho chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ sẽ chính thức rút lui. Chuyện bầu chủ tịch khoá mới từng được hứa hẹn là sẽ diễn ra sòng phẳng, khách quan theo đúng điều lệ bầu bán của FIFA, và nhiều người tin rằng nếu nó diễn ra đúng như thế khả năng trúng cử của PCT đương nhiệm Lê Hùng Dũng là cao nhất. Vì suốt thời gian qua, ông Dũng chứng tỏ mình là người nói được làm được, mà điển hình nhất là việc ông đã kết hợp với ông bầu Đoàn Nguyên Đức ký hợp đồng mời Arsenal qua Việt Nam thi đấu. Nhưng nghe đâu bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch sẽ giới thiệu thứ trưởng Lê Khánh Hải vào vị trí này, dù trước đó cá nhân ông Hải đã hai lần từ chối.

 Và thế là lại xuất hiện những thông tin cho rằng ông Dũng trước sau gì cũng rút, vì ông hiểu chạy đua với một nhân vật được giới thiệu từ Bộ là điều không tưởng. Nó cũng giống với việc trước thềm VFF khoá 5, chuyên gia bóng đá Dương Nghiệp Chí đã không thể giành chiến thắng trước ông Nguyễn Trọng Hỷ khi đó đang là Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, cho dù ai cũng biết kiến thức và uy tín bóng đá của ông Chí cao hơn ông Hỷ rất nhiều.

Nếu một tháng tới đây, mọi thứ diễn ra đúng như những điều trên đây thì cảm giác như cái ghế chủ tịch VFF vẫn là một cái ghế được sắp đặt, chứ không phải cái ghế mà ở đó các ứng cử viên phải thi thố một cách sòng phẳng, công bằng để giành lấy quyền sở hữu? Và nếu đúng thế, thì ông chủ tịch VFF khoá mới liệu có thể cải cách hơn, dũng cảm hơn ông cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ được không?

Rõ ràng, từ những vấn đề bầu bán chủ tịch VFF đến những vấn đề hết sức  tế nhị của ông chủ tịch đương nhiệm VPF rồi đến cả những vấn đề của ban trọng tài QG - cái ban mà lẽ ra phải trong sạch, công bằng hơn bất cứ ban bệ nào khác (vì trọng tài là…Bao Công sân cỏ mà), người ta có quyền nghi ngờ về độ trong sạch, minh bạch trong những kết cấu cơ bản nhất của BĐVN đương thời.  

Chẳng nhẽ lại bảo, khái niệm trong sạch của BĐVN cần phải hiểu theo nghĩa tất cả những gì được coi là TRONG trẻo đều đã…SẠCH sành sanh mất rồi!?

Phan Đăng
.
.
.