Bóng đá Trung Quốc & giấc mộng Trung Hoa

Thứ Sáu, 26/02/2016, 15:49
Jiangsu Suning đã không thể đánh bại được nhà đương kim vô địch V-League Becamex Bình Dương ở trận đấu mở màn vòng bảng AFC Champions League (hòa 1-1). Nhưng điều đó không có nghĩa là 2 CLB còn lại ở bảng E, đến từ những nền bóng đá mạnh nhất châu lục như Jeonbuk Hyundai Motors (Hàn Quốc) và FC Tokyo (Nhật Bản) có quyền chủ quan trước đại diện đến từ Trung Quốc…


Đấy là điều hiển nhiên. Bởi chẳng ai có thể đánh giá thấp một đội bóng có giá trị đội hình lên tới cả trăm triệu euro. Jiangsu Suning sở hữu bộ ba người Brazil lừng danh từng tung hoành ở những sân chơi danh giá nhất thế giới như giải ngoại hạng Anh, UEFA Champions League hay thậm chí là World Cup: Alex Teixeira, Ramieres và Jô. Dẫn dắt đội bóng này cũng không phải là một cái tên tầm thường: Dan Petrescu – cựu danh thủ thuộc thế hệ vàng của Romania, người cũng có rất nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các CLB châu Âu.

Trung Quốc, “đại gia” mới của bóng đá thế giới

Đương nhiên để có được sự phục vụ của những cái tên đầy sức nặng như thế, Jiangsu Suning đã phải bỏ ra rất nhiều tiền. Với Alex Teixeira là bản hợp đồng chuyển nhượng có giá trị kỷ lục lên tới 50 triệu euro, còn Ramieres là một thương vụ 28 triệu euro. Về cơ bản, đó đều là những con số gợi cho người ta nghĩ đến những thương vụ thuộc về các CLB hàng đầu thế giới, chứ không phải là một vùng trũng của làng túc cầu như châu Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người đam mê bóng đá và khao khát đưa bóng đá Trung Quốc “hóa rồng”.

Với trường hợp của Dan Petrescu con số cụ thể không được 2 bên tiết lộ. Nhưng chắc chắn nó phải vô cùng hấp dẫn, để vị chiến lược gia này chấp nhận đánh đổi rời bỏ đội bóng đang là á quân giải VĐQG Romania chỉ sau vỏn vẹn 1 trận dẫn dắt (và giành luôn Siêu Cúp Romania).

Càng đáng nói hơn là vào thời điểm ấy Petrescu còn hoàn toàn chưa biết gì về Trung Quốc, chứ chưa nói gì đến bóng đá Trung Quốc. Trong buổi họp báo chia tay Targu Mures, Dan Petrescu thậm chí đã phát biểu rằng: “Tôi không biết ở Trung Quốc sẽ như thế nào. Tôi hi vọng rằng ở đó giống như ở Nga”. Sự lựa chọn lạ lùng ấy của Petrescu đã khiến báo chí thế giới không ngại ngần gọi đây là cú áp phe vì tiền.

Cần phải nhấn mạnh rằng Jiangsu Suning không phải là cái tên duy nhất của làng bóng đá Trung Quốc tích cực đổ tiền ra trong thời gian gần đây. Trước khi Alex Teixeira và Ramieres đến Trung Quốc, giải VĐQG nước này (CSL) cũng đã kịp đón 2 tuyển thủ quốc gia Colombia với những bản hợp đồng giá trị không hề thua kém.

Jackson Martinez từ bỏ giấc mơ chinh phục UEFA Champions League cùng Atletico Madrid để thi đấu ở AFC Champions League cùng Guangzhou Evergrande. Mức phí chuyển nhượng của tiền đạo này là 45.8 triệu USD (kỷ lục tại Trung Quốc vào lúc đó). Còn người đồng hương của anh là Fredy Guarin đã chuyển từ Inter Milan đến Shanghai Greenland Shenhua với mức giá 14 triệu USD.

Tính tổng cộng trong kì chuyển nhượng mùa Đông năm nay các đội bóng Trung Quốc đã đổ ra tới 258 triệu euro để chiêu binh mãi mã. Trong khi đó, 20 CLB thuộc giải Ngoại hạng Anh – giải đấu vẫn nổi tiếng là chịu chi và giàu có nhất thế giới cũng chỉ tiêu tốn có 247 triệu euro ở kì chuyển nhượng giữa mùa này.

Chỉ riêng sự so sánh này cũng đã đủ nói lên tham vọng lớn của bóng đá Trung Quốc. Trên thực tế, việc các tên tuổi lớn cập bến giải VĐQG Trung Quốc cũng không phải là điều gì mới mẻ. Bóng đá nước này vốn rất mở với các cầu thủ ngoại quốc.

Trong suốt 12 năm qua, quy định của LĐBĐ Trung Quốc cho phép các CLB sở hữu 5 cầu thủ nước ngoài (trong đó phải có 1 cầu thủ đến từ các nước thuộc AFC). Những Didier Drogba, Alberto Gilardino, Seydou Keita… đều từng “kiếm ăn” tại CSL. Thế nhưng, điểm mấu chốt là trong quá khứ những ngôi sao kể trên đến với Trung Quốc để dưỡng già.

Còn hiện tại thì khác hẳn. Những quả “bom tấn” được các CLB Trung Quốc đưa về đều chưa hề hết thời. Họ vẫn là những cầu thủ chưa bước vào giai đoạn tuổi băm, họ vẫn hoàn toàn có thể tỏa sáng ở châu Âu cũng như Nam Mỹ. Thậm chí, có nhiều người vẫn còn đầy tiềm năng phát triển như Ricardo Goulart, năm nay mới 24 tuổi, được coi là một trong những ngôi sao triển vọng của bóng đá Brazil (hiện đang chơi cho Guangzhou Evergrande) hay tương tự là trường hợp của Alex Teixeira (26 tuổi và vốn đang thăng tiến mạnh mẽ tại Shakhtar Donetsk trước khi đến Trung Quốc).

Như vậy, có thể thấy rõ sự dịch chuyển về xu hướng trong những “thương vụ” của bóng đá Trung Quốc. Họ không còn đoái hoài đến những danh thủ ở độ tuổi xế chiều chỉ để làm vật trang trí cho đội bóng nữa. Mà người Trung Quốc đang dùng nguồn lực tài chính khủng khiếp của mình để nhập khẩu những tài năng vẫn đang ở độ chín, còn nhiều giá trị sử dụng.

Không chỉ dừng lại ở đấy, hiện diện ở CSL vào lúc này không chỉ có những đôi chân “dát vàng”, mà ở đó còn có cả những chiến lược gia lão luyện của bóng đá thế giới như Felipe Scolari và Sven Goran Eriksson… (trước đó là cả Macelo Lippi – người mới tuyên bố nghỉ hưu hồi năm ngoái). Ngay cả Jose Mourinho hồi tháng 1 vừa qua cũng bất ngờ có mặt ở Thượng Hải làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Người đặc biệt có thể quan tâm đến việc làm việc ở Trung Quốc.

Điều này cho thấy hấp lực khủng khiếp của CSL ở thì hiện tại. Rõ ràng, bóng đá Trung Quốc đang nổi lên trở thành một quyền lực mới của bóng đá thế giới, ít nhất ở khía cạnh thu hút những ngôi sao. Nên biết rằng, cựu HLV trưởng ĐT Anh, Sven Goran Eriksson còn bày tỏ quan điểm rằng ông sẽ chẳng bất ngờ nếu những Messi, Cristiano Ronaldo hay Rooney có đến Trung Quốc chơi bóng.

Tham vọng của người Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra là người Trung Quốc bỗng bạo chi như vậy để làm gì? “Đó là cách định vị thương hiệu. Đó là cách nói với cả thế giới rằng: Chúng tôi đang ở đây và đây là những gì chúng tôi có thể làm được. Xét về mặt danh tiếng, Trung Quốc là một quốc gia có vị thế quan trọng trên toàn cầu, và người Trung Quốc muốn giải đấu bóng đá của họ có một tầm vóc tương xứng”, giáo sư chuyên nghiên cứu về tổ chức và các doanh nghiệp thể thao của Đại học Salford, Simon Chadwick lý giải.

Những ngôi sao như Ramieres (phải) chính là những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ vàng của bóng đá Trung Quốc.

Theo Giáo sư Simon Chadwick việc đưa về các tài năng trên sân cỏ và các huấn luyện viên giỏi chính là một cách nâng cao đẳng cấp cũng như hình ảnh của giải đấu. Nhưng thật ra, đấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sự “đốt tiền” một cách điên của người Trung Quốc không chỉ gói gọn trong mục tiêu nâng tầm CSL, mà xa hơn là để hướng tới giấc mơ World Cup.

Đầu năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch gồm 50 điểm với cái đích tạo ra một cuộc cách mạng đại nhảy vọt đưa bóng đá Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới, giống như những gì nền kinh tế nước này đã làm được.

Tất cả các hoạt động đều được đề cập rất chi tiết trong kế hoạch này: Về mặt thể thao, trong 10 năm tới dự kiến số lượng trường học đưa bóng đá vào giảng dạy sẽ phải lên tới 50 nghìn trường, tức là gấp 10 lần hiện nay.

Về tài chính, chính phủ cho mở xổ số bóng đá để lấy tiền nuôi bóng đá. Về chính trị sẽ phân tách cơ cấu lãnh đạo bóng đá ra khỏi các cấp quản lý của chính phủ. Mục tiêu của kế hoạch, theo mong muốn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là nước này phải có lần thứ 2 lọt vào vòng chung kết World Cup, tiếp đó là sẽ được đăng cai tổ chức một kỳ World Cup và… cuối cùng là giành chiếc Cúp vàng thế giới.

Và ngay sau khi kế hoạch này được đưa ra, năm 2015 đã lập tức chứng kiến cuộc “xâm lăng” mạnh mẽ của người Trung Quốc vào châu Âu, nơi vẫn được coi là có những nền bóng đá phát triển nhất thế giới. Đầu tiên là việc tập đoàn Wanda, của nhà tỷ phú giàu thứ 42 thế giới Wang Jianlin bỏ ra 45 triệu euro để trở thành cổ đông chiếm 20% tài sản CLB Alectico Madrid.

Đến tháng 7, Công ty Ledus của Trung Quốc đã mua lại toàn bộ cổ phần của tập đoàn PSA Peugeot Citroen tại câu lạc bộ FC Sochaux – Montbéliard. Tháng 11, tập đoàn Rastar Group đã mua lại 56% cổ phần của Espanyol Barcelona. Đầu tháng 12, đại tập đoàn đầu tư Nhà nước Trung Quốc, Media Capital và CITIC Capital đã mua được 13% cổ phần của câu lạc bộ giàu hàng đầu nước Anh Manchester City với chi phí lên tới 375 triệu euro.

Các thương vụ này được cho là nhằm giúp người Trung Quốc tạo ra bàn đạp để có thể dễ dàng xuất khẩu các cầu thủ quốc nội đến những nền bóng đá hàng đầu thế giới trong tương lai gần.

Đến năm 2016 lại tiếp tục chứng kiến một làn sóng mới là việc nhập khẩu ồ ạt các ngôi sao của các CLB Trung Quốc. Chiến thuật này bên cạnh việc giúp nâng cao chất lượng và hình ảnh của CSL, có lẽ còn nhằm giúp các tuyển thủ Trung Quốc có được sự thăng tiến về năng lực cũng như kinh nghiệm, khi được hàng ngày tập luyện, thi đấu với các ngôi sao đẳng cấp thế giới

Chứng kiến sự mạnh tay cải tổ của bóng đá Trung Quốc, HLV Sven Goran Eriksson đã chẳng ngại ngần đưa ra đánh giá với sức đầu tư như hiện tại, bóng đá Trung Quốc sẽ đủ sức giành chức vô địch World Cup ngay trong 10 đến 15 năm nữa.

Đấy có thể chỉ là một nhận xét chủ quan và có phần ngoại giao của một con người đã “ăn lương” của người Trung Quốc suốt từ năm 2013 đến nay. Nhưng ở khía cạnh nào đó, các ông kẹ của làng bóng đá thế giới cũng không được phép chủ quan trước sự trỗi dậy của bóng đá Trung Quốc. Hãy dè chừng, người Trung Quốc đang đến!

Sức mạnh đồng tiền kiểu Trung Quốc

Đầu năm nay, bóng đá Bồ Đào Nha đã có một phen dậy sóng khi công ty đa quốc gia Ledman trụ sở tại Thẩm Quyến, đã ký hợp đồng tài trợ với Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Bồ Đào Nha (LPFP), trong đó có điều khoản yêu cầu các câu lạc bộ hàng đầu của giải hạng nhì nước này phải tiếp nhận các cầu thủ Trung Quốc đến đầu quân

Theo nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ, nội dung cụ thể của thoả thuận là: “Mười cầu thủ và ba trợ lý huấn luyện viên Trung Quốc sẽ được đưa vào thành phần của 10 câu lạc bộ hàng đầu giải hạng hai Bồ Đào Nha để cải thiện trình độ chuyên môn”. Đây là lần đầu tiên một đối tác thương mại gây sức ép để các đội bóng buộc phải tuyển quân. Tất nhiên, điều này gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các CLB thuộc giải hạng 2 Bồ Đào Nha. Điều khoản này được cho là trái với quy định của FIFA cũng như LPFP. Dù vậy, theo các luật sư phía Trung Quốc vẫn có thể lách luật bằng cách đề nghị một khoản lót tay, hoa hồng để các CLB “tự nguyện” tiếp nhận các cầu thủ Trung Quốc.
Tất Đức
.
.
.