Bóng chuyền Việt Nam: Phong trào càng mạnh càng… thiếu chuyên nghiệp

Chủ Nhật, 18/08/2019, 17:58
Bóng chuyền có lẽ chỉ thua bóng đá về tính phổ biến và độ hâm mộ ở Việt Nam. Bóng chuyền được chơi rộng rãi từ thành phố đến nông thôn, với những người chơi ở mọi lứa tuổi. Thế nhưng, có một nghịch lý là phong trào lên càng cao thì độ chuyên nghiệp của môn thể thao này càng… giảm.


Giao hữu quan trọng hơn Olympic?

Hồi giữa tháng 7, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) khiến nhiều người ngỡ ngàng khi bỏ giải vô địch nữ châu Á và chấp nhận đóng một khoản phạt cho Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC). Đáng nói hơn, giải vô địch châu Á còn là nơi các đội tuyển bóng chuyền quốc gia cạnh tranh để giành tấm vé dự Olympic Tokyo 2020. Tất nhiên với tầm vóc của mình, đây là giải đấu mà đội tuyển bóng chuyền Việt Nam có cơ hội cọ xát và nâng cao trình độ tốt nhất.

Nguyên do ban đầu được VFV đưa ra là việc giải đấu được đẩy sớm lên 1 tháng, gây ra khó khăn trong công tác chuẩn bị. Theo kế hoạch thi đấu năm 2019 mà VFV công bố hồi đầu năm, các đội tuyển bóng chuyền nữ sẽ dự những giải đấu quốc tế chính thức gồm: Giải Vô địch U23 châu Á (tháng 7), VTV Cup (tháng 8), Giải Vô địch châu Á (tháng 9) và SEA Games 30 (tháng 11). Tuy nhiên, với việc giải vô địch châu Á đẩy sớm lên 1 tháng, VFV đã quyết định lựa chọn VTV Cup, vốn là một giải đấu giao hữu.

Đội bóng chuyền nữ Việt Nam.

Theo kết quả bốc thăm của giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019, Việt Nam nằm cùng bảng với Trung Quốc, Sri Lanka và Indonesia. Ngoại trừ Trung Quốc vượt trội, hai đối thủ còn lại đều không phải là quá mạnh với ĐT Việt Nam. Cơ hội chiếm vị trí nhì bảng là khá rộng đối với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Mặc dù vậy, giải đấu sẽ khai mạc ngày 17-8, chỉ sau khi VTV Cup kết thúc đúng 1 tuần. Nếu muốn tham dự, ban huấn luyện của đội tuyển sẽ buộc phải tính đến chuyện cân đối lực lượng.

Cần phải nhắc lại rằng sau thất bại trước Indonesia ở SEA Games 29 và mất tấm Huy chương Bạc đã sở hữu suốt 7 kỳ đại hội trước đó, bóng chuyền nữ Việt Nam đang tiến hành trẻ hóa lực lượng. Các tuyển thủ nữ mới trên dưới 20 tuổi như Đinh Thị Thúy, Trần Thị Thanh Thúy, Đặng Thị Kim Thanh, Trần Thị Bích Thủy, Nguyễn Thu Hoài… đang là thành viên của đội U23, vừa là nòng cốt của đội tuyển quốc gia.

Những người đứng đầu VFV cho rằng mật độ thi đấu quá dày sẽ khiến các tuyển thủ kiệt sức. Bên cạnh đó, Chủ tịch Lê Văn Thành cũng cho biết việc thiếu kinh phí cũng là vấn đề khiến VFV đưa ra quyết định từ bỏ giải châu Á.

Nhưng cách giải quyết của VFV sau đó lại hoàn toàn mâu thuẫn với những nguyên nhân nêu trên. Đầu tiên là lý do mật độ thi đấu, thay vì dự giải vô địch châu Á, đội bóng chuyền nữ Việt Nam lại tham gia ASEAN Grand Prix 2019 - giải đấu được tổ chức lần đầu tiên dành cho các đội bóng nữ Đông Nam Á vào tháng 9 với thể thức sân nhà sân khách tại 4 quốc gia là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và kéo dài đến tận giữa tháng 10. Lịch thi đấu giải vô địch quốc gia thì bị đẩy đến cuối tháng 12 và có thể sang cả năm 2020.

Nếu dự cả ASEAN Gran Prix 2019 và sau đó là SEA Games 30, được xem là đấu trường quan trọng nhất trong năm của đội bóng chuyền nữ, các tuyển thủ chắc chắn khó có thể đạt được thể trạng tốt nhất khi trở lại câu lạc bộ, vốn là nơi trả lương cho họ.

Lý do thứ 2 là kinh phí. VFC sẵn sàng nộp phạt cho AVF trong bối cảnh tài chính của liên đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đội U23 nữ thậm chí đã phải bỏ tiền túi để thuê bác sĩ ngoài vào hồi phục thể lực trước trận đấu tranh Huy chương Đồng với Thái Lan ở giải U23 châu Á.

Chế độ tập luyện của đội U23 nữ cũng không ở tình trạng tốt nhất khi họ thường xuyên tập xen kẽ thời gian với đội nam chỉ vì… thiếu bóng. Trong thời tiết nóng như đổ lửa, các tuyển thủ cũng phải tập mà không có điều hòa.

Thiếu chiến lược đồng bộ

Nội bộ của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từ nhiều năm nay đã có vấn đề. Tổng thư ký Lê Trí Trường, từng là trọng tài quốc tế và là người nắm chuyên môn rất vững, người được các câu lạc bộ đánh giá cao nhờ những phát kiến thay đổi thể thức thi đấu, công tác trọng tài lại không được phát huy hết khả năng chuyên môn.

Trong cuộc họp ngày 21-6 công bố những kế hoạch quan trọng của bóng chuyền Việt Nam của nửa sau năm 2019, trong đó có việc bỏ giải vô địch châu Á, chỉ có Chủ tịch Lê Văn Thành và những nhân vật không nắm rõ về chuyên môn tham dự. Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Nguyễn Thành Lâm và Tổng thư ký Lê Trí Trường đều chỉ nhận được thông báo khi sự đã rồi.

Hồi tháng 7-2018, VFV từng gây ồn ào với việc ban hành văn bản "trả" ông Lê Trí Trường về Trường Đại học TDTT Bắc Ninh với giải thích tuân thủ tinh thần chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL: "Các đơn vị phải dừng việc cử cán bộ biệt phát tại các tổ chức xã hội".

Tuy nhiên, VFV lại đề xuất đưa Trưởng bộ môn bóng chuyền là ông Đào Xuân Chung (trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao) vào vị trí Phó Tổng thư ký VFV. Sau đó, VFV bị phát hiện tự ý ban hành văn bản để ép ông Lê Trí Trường rời vị trí nên đề xuất bị bác bỏ.

Là người có chuyên môn nhưng Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường lại ít có cơ hội phát huy khả năng.

Lục đục về nội bộ lãnh đạo đang khiến cho bóng chuyền Việt Nam thiếu đi một chiến lược phát triển khoa học, hợp lý dù tiềm năng của môn thể thao này là rất lớn. Xét về thành tích, lứa cầu thủ nữ U23 Việt Nam đang có phong độ cao khi bảo vệ được vị trí thứ ba châu lục sau khi đánh bại chính kình địch Thái Lan, đương kim á quân của Giải Vô địch U23 châu Á, trong trận tranh Huy chương Đồng.

Đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn lần đầu tiên giành chức vô địch một giải đấu giao hữu quốc tế (Asian Peace Cup tại Indonesia) và mới nhất là giành Huy chương Bạc tại VTV Cup.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch thi đấu sẽ thấy sự bất hợp lý khi đội tuyển phải dự 3 giải đấu trong khoảng 40 ngày với mật độ 4-12 ngày/giải. Chấn thương của chủ công Thanh Thúy trước trận chung kết VTV Cup là lời cảnh báo cho sự quá tải của các tuyển thủ.

Với việc căng sức liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, câu hỏi được đặt ra là liệu đội tuyển nữ Việt Nam có thể đạt điểm rơi phong độ vào đúng SEA Games 30 cùng nhiệm vụ tối thượng là đòi lại ngôi vị thứ 2 khu vực từ tay Indonesia?

Bóng chuyền nữ Việt Nam đang có lực lượng tốt trong nhưng với cách làm hiện tại, mục tiêu tranh huy chương SEA Games sẽ rất khó khăn khi Thái Lan và Indonesia vẫn rất mạnh, còn Philippines tăng cường rất nhiều ngoại binh nhập tịch.

Ngoài 2 đối thủ chính là Thái Lan và Indonesia, Philippines đang nổi lên như một đối thủ rất khó chịu của bóng chuyền nữ Việt Nam tại SEA Games 30 khi mới nhập tịch 3 cầu thủ ngoại rất chất lượng.

Ngoài chủ công Jaja Santiago có chiều cao tới 1m96, Philippines còn có 3 tuyển thủ đều sinh năm 1995 là chủ công Kalei Mau cao 1m88, người Mỹ gốc Philippines được đào tạo từ "lò" bóng chuyền của Trường Đại học Arizona; Alohi Robins Hardy cao 1m90, từng góp mặt trong đội hình BIP (Mỹ) tham dự Cup VTV9 Bình Điền 2018 và Mar Jana Phillips cao 1m80, người Mỹ gốc Philippines đến từ đội bóng của Trường Đại học Juniata, Mỹ.

Họ sẽ là những đối thủ xứng tầm với Trần Thị Thanh Thúy, ngôi sao sáng nhất của đội bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay. Thanh Thúy có chiều cao 1m93 và tầm đánh lên đến 3,04m. Cô cũng là đội trưởng U23 Việt Nam dự VTV Cup vừa qua.

Tuyển thủ sinh năm 1997 đang có cơ hội lớn để trở thành VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên khoác áo một CLB hàng đầu Nhật Bản, tranh tài tại giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của nền bóng chuyền đang xếp hạng 6 thế giới. Chủ công cao Thanh Thúy đã có mặt tại Nhật hôm 13-8 để thử việc tại Denso Airy Bees - câu lạc bộ đứng hạng 5 giải Nhật Bản mùa trước.

Theo tiết lộ thì không chỉ Nhật Bản, Thanh Thúy còn nhận được nhiều lời mời từ các câu lạc bộ của Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi cân nhắc về sự thuận lợi trong tập luyện thi đấu, sinh hoạt, di chuyển, Thanh Thúy cùng câu lạc bộ Bình Điền Long An quyết định chọn Nhật Bản.

Thanh Thúy sẽ là trụ cột quan trọng nhất trong hành trình chinh phục các danh hiệu tương lai của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, trước mắt là SEA Games 30 tại Philippines cuối năm nay.

Đơn Ca
.
.
.