Billiard-Snooker Việt Nam bao giờ mới thực sự chuyên nghiệp?

Thứ Tư, 17/06/2020, 09:08
Vòng 1 giải vô địch quốc gia Billiards và Snooker Việt Nam đã chính thức được khai mạc vào ngày 11-6 tại nhà thi đấu đa năng thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang.

Giải đấu năm nay có quy mô rất lớn, với 944 vận động viên đến từ 26 tỉnh thành, thuộc 23 đoàn. Thế nhưng số lượng lớn người tham dự không phản ánh đúng thực tế về sự phát triển của billiards - snooker ở Việt Nam, hay nói đúng hơn, tính chuyên nghiệp của giải VĐQG vẫn còn là điều… phải xét.

Tiền thưởng không bù nổi chi phí tham dự

Billiards nói chung có một lịch sử lâu đời và du nhập vào Việt Nam rất sớm, từ thời kỳ Pháp thuộc. Trải qua rất nhiều thăng trầm, đến thời điểm này, billards có thể xem là một trong những môn thể thao có tính xã hội cao nhất. 

Các CLB billards mọc lên khắp nơi, thu hút một lượng người chơi đông đảo và cùng với đó là nguồn tài năng dồi dào, luôn sẵn sàng cung cấp những VĐV đỉnh cao có thể cạnh tranh ở đấu trường khu vực cũng như quốc tế. 

Đỗ Thế Kiên, á quân SEA Games 30 ở hai nội dung pool 9 bi và pool 10 bi hay Trần Quyết Chiến, tay cơ nằm trong tốp 10 thế giới ở nội dung carom 3 băng là những ví dụ.

Nhưng dù là môn thể thao có tính xã hội hóa rất cao, billiards - snooker Việt Nam vẫn cần có được sự đỡ đầu của một tổ chức như Liên đoàn. Cho đến thời điểm hiện tại, bộ môn billiards - snooker vẫn chưa chính thức có Liên đoàn mà chỉ thuộc sự quản lý chung của Tổng cục Thể dục thể thao với người phụ trách là ông Đoàn Tuấn Anh. 

Vậy sự khác biệt giữa có Liên đoàn và không có Liên đoàn khác nhau như thế nào? Câu hỏi đó được trả lời rõ nhất ở cách thức và điều lệ tổ chức giải VĐQG. Con số VĐV tham dự là rất khả quan, cho thấy sự phát triển của bộ môn trên khắp cả nước.  Các nội dung như Pool 9, 10 bi, Snooker hay carom 1 băng đều tăng từ 1/3 đến 2/3 số lượng VĐV. Nhưng đó chỉ là bề nổi.

Cảnh đìu hiu, ảm đạm của giải VĐQG Billiard-Snooker Việt Nam, với phông nền giải đấu được in vô cùng tạm bợ.

Tiền thưởng cho nhà vô địch ở các nội dung chỉ có vỏn vẹn… 3 triệu đồng. Trong khi đó theo điều lệ giải, các đội, chính xác hơn là các VĐV, phải hoàn toàn chịu những chi phí phát sinh và lệ phí tham dự. 

Như vậy, tính cả tiền ăn ở, đi lại, sơ sơ mỗi VĐV phải dắt lưng chục triệu. Đó còn chưa kể đến trang thiết bị thi đấu. Khoản này có thể nói là… vô cùng. Một bộ cơ xịn của các cơ thủ chuyên nghiệp có giá đến hơn trăm triệu là điều bình thường. 

Chức VĐQG có thể đem đến cho các VĐV nhiều hơn khoản tiền thưởng, ví dụ như danh tiếng hay một vị trí trong đội tuyển quốc gia dự các giải đấu như SEA Games, ASIAD. Nhưng không thể phủ nhận rằng khoản tiền thưởng ít ỏi đó không tương xứng với một môn thể thao đang trên đà phát triển mạnh mẽ. 

Thật là nghịch lý nếu biết rằng một cơ thủ chưa chắc đã nằm trong tốp đầu cũng có thể kiếm được số tiền mà nhà vô địch quốc gia giành được chỉ sau một giải phong trào ở CLB billiards nào đó.

Nguyên nhân thì thật đơn giản, vì không có liên đoàn nên không có tổ chức nào đủ tư cách pháp nhân đứng ra kêu gọi tài trợ cho giải đấu. Cần biết rằng những nguồn tiền thưởng lớn nhất ở các giải thể thao chuyên nghiệp chủ yếu đến từ những doanh nghiệp muốn quảng bá hình ảnh thông qua sự kiện. Môn thể thao có tính xã hội cao mà lại chưa được xã hội hóa một cách triệt để, đó là nỗi xót xa của billiards - snooker Việt.

Có 50 VĐV tham dự bộ môn snooker nhưng chỉ có 2 bàn thi đấu, kéo dài thời gian chờ đợi khiến các cơ thủ vô cùng mệt mỏi.

Giải vô địch quốc gia… nghiệp dư

Ngoài chuyện tiền thưởng, có rất nhiều điều để nói về giải VĐQG billiards - snooker đang được tổ chức tại Kiên Giang.

Do điều lệ của giải không có phân hạng hạt giống, lại diễn ra theo hình thức knock-out nên việc những tay cơ hàng đầu đối mặt với nhau quá sớm là điều đã xảy ra. Tại nội dung pool 9 bi, hai cơ thủ lão làng từng tham gia SEA Games là Đặng Thành Kiên và Lê Quang Trung đã phải đụng độ. 

Hệ thống thi đấu không rõ ràng khiến cho tính cạnh tranh giảm mạnh và việc một số tay cơ không được đánh giá cao lọt sâu nhờ lá thăm may mắn thật sự đã xảy ra.

Bên cạnh đó, các tay cơ chỉ đủ điều kiện tham gia giải nếu thuộc biên chế một đoàn địa phương. Nhưng ngược lại họ không nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào, và việc các VĐV chỉ được tập trung khi có giải đấu, trong khi không nhận được bất cứ đãi ngộ nào là điều hoàn toàn vô nghĩa. 

Thế mới có chuyện một vài tay cơ trên thực tế không hề hoạt động ở địa phương mà mình đăng ký, đến khi có giải mới xin "ké" tên để đủ điều kiện. Hình thức quản lý này hoàn toàn không phù hợp với đặc thù của bộ môn khi các tay cơ thường đi đánh giải quanh năm, không cố định ở một nơi nào.

Quan trọng nhất, với các cơ thủ xuất sắc, nguồn thu nhập của họ chủ yếu đến từ việc đi đánh giải, từ các CLB cho đến giải quốc tế. Vì thế việc tham dự giải VĐQG đối với nhiều tay cơ hàng đầu chỉ là vấn đề thành tích (thêm thì tốt mà không thêm cũng chẳng sao) và giữ chỗ đứng ở đội tuyển. Khi yếu tố phần thưởng và cả chuyên môn đều không thể được đưa lên hàng đầu, thật khó để tin rằng giải VĐQG sẽ có chất lượng cao.

Hy vọng trong tương lai gần, các cơ thủ Việt Nam sẽ có một sân chơi xứng tầm.

Một sự phi lý khác diễn ra ở Rạch Giá mấy ngày qua là cách tổ chức lịch thi đấu. Chỉ có 4 bàn pool được lắp, khiến nhiều VĐV phải chờ tới… 4 ngày mới được đánh trận đầu tiên. Nếu đen đủi, đấy cũng là trận… cuối cùng của họ. 

Ngoài ra, sự tồn tại của liên đoàn còn nhiều ý nghĩa khác. Ví dụ như chuyện nhập khẩu thiết bị, nếu có liên đoàn, phí nhập khẩu sẽ giảm từ 20-25% xuống còn 5% và cơ hội để các cơ thủ có được điều kiện tập luyện, thi đấu với trang thiết bị hiện đại nhất sẽ tăng lên đáng kể.

Thái độ quyết định tất cả

Các tay cơ không hiểu sẽ có cảm xúc gì khi thi đấu trong bầu không khí nóng bức của nhà thi đấu thành phố Rạch Giá. Điều hòa nhiệt độ chỉ được bật trong khoảng 30 phút đầu khi có sự xuất hiện của các quan khách. Ghế cho VĐV ngồi nghỉ giữa các lượt cơ cũng chỉ là ghế gỗ theo phong cách "thập niên 90". Điều kiện thi đấu đó kém cả các giải đấu phong trào tổ chức ở các CLB chứ chưa nói đến các giải đấu tầm cỡ quốc tế.

Năm ngoái, tại nhà thi đấu thành phố Đồng Xoài tỉnh Bình Phước, một cơ thủ đã ra nói với người viết rằng "Anh ơi, khéo em phải cởi trần ra mất, vừa đánh vừa lau mồ hôi thế này thì oải quá". Năm nay, dù đã được góp ý rất nhiều nhưng không hiểu sao những người đứng đầu Tổng cục Thể dục thể thao không lắng nghe.

Thái độ với môn thể thao này sẽ quyết định tất cả. Đã có một thời gian dài, billards - snooker mang những định kiến là một môn chơi mang tính đỏ - đen, nơi mà những người chơi có thể đốt nhiều triệu bạc vào những ván đấu cá cược. 

Những thành tích ở đấu trường quốc tế gần đây đã góp phần làm thay đổi cách nhìn đó. Người chơi billiards đang văn minh hơn và ngày càng có nhiều cơ thủ phong trào thực sự mong muốn, khát khao đi theo con đường chuyên nghiệp. 

Nhưng billiards Việt Nam cần nhiều hơn sự quan tâm, nhiều hơn sự ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần. Điều kiện đủ tốt, những tài năng lớn sẽ tự xuất hiện. Có thể sau giải VĐQG năm nay, một vài cái tên mới đáng chú ý sẽ lộ diện, nhưng để họ phát triển hết tiềm năng lại là một câu chuyện dài.

Hệ thống giải VĐQG là thế nào?

Vòng 1 của giải VĐQG hàng năm thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 nhưng năm nay phải hoãn đến tháng 6 vì đại dịch COVID-19. Đây cũng là giải đấu giúp tuyển chọn những gương mặt tham dự SEA Games 31. 

Như vậy ngay cả những cơ thủ hàng đầu nếu không cẩn thận cũng sẽ mất chỗ đứng trong đội tuyển nếu có thành tích không tốt. Tuy nhiên việc hệ thống thi đấu không phân chia hạt giống và loại trực tiếp cũng có thể khiến nhiều tay cơ tài năng mất cơ hội nếu như đen đủi.

Vòng 1 giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia năm 2020 diễn ra từ ngày 11- 20/6. Các vận động viên tham dự sẽ thi đấu ở 6 nội dung đơn nam, bao gồm Carom 3 băng (25 điểm đồng lượt cơ), Carom 1 băng (80 điểm/25 lượt cơ), English Billiard (đấu 3 ván mỗi ván 100 điểm), Snooker 6 bi đỏ (đấu 5 ván), Pool 9-ball (đánh đến 9), Pool 10-ball (đánh đến 7).

Các nội dung thi đấu loại trực tiếp và áp dụng đồng hạng Ba theo Luật thi đấu Billiards và Snooker của Tổng cục Thể dục thể thao ban hành năm 2009. Riêng nội dung English Billiard áp dụng quy định về thời gian; nội dung Carom 3 băng áp dụng luật thời gian 30 giây và 3 lần xin thời gian.

Đơn Ca
.
.
.