Bi hài kịch  lệnh cấm VFF

Thứ Năm, 06/07/2017, 10:49
Sau khi một bộ phận các cổ động viên Hải Phòng quậy tưng bừng trên sân Mỹ Đình, trong trận đấu với CLB Hà Nội, Ban Kỷ luật VFF đã ra lệnh cấm các cổ động viên Hải Phòng đến sân khách từ nay đến hết mùa V.League 2017. Nhưng ngay ở vòng đấu sau, các cổ động viên Hải Phòng vẫn xuất hiện trên sân Cần Thơ, trong sự bất lực của cả VFF lẫn VPF.

Có thể nói, việc phạt các cổ động viên Hải Phòng là chính xác, bởi trong chuyến làm khách ở sân Mỹ Đình (Hà Nội), một bộ phận các cổ động viên này đã thi nhau đốt pháo sáng. Hình ảnh những quả pháo sáng được bắn trên khán đài rồi ném cả xuống đường piste, gây tróc lở đường piste  thật phản cảm. Nó khiến cho ngay cả những cổ động viên Hải Phòng chân chính cũng bức xúc.

Nhưng phạt theo cái kiểu... cấm đến sân khách đến hết giải thì kỳ lạ quá. Bởi CLB Hải Phòng không có hội cổ động viên chính thức, nên câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để phân biệt đâu là cổ động viên Hải Phòng và đâu là cổ động viên đội khác? Chẳng nhẽ từ giờ đến hết giải, mỗi lần Hải Phòng làm khách là Ban tổ chức sân chủ nhà lại phải kiểm tra giấy tờ, chứng minh thư của từng khán giả để xác minh điều này?

Ngay sau khi nghe xong án phạt, Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã tỏ ra bức xúc. Ông bảo CLB của mình với các nhóm cổ động viên hiện tại vốn diễn ra những quan hệ rất phức tạp. Cụ thể là có một nhóm nhỏ người cứ nhân danh là các cổ động viên bóng đá để vào sân thực hiện các hành vi cổ vũ phản cảm, khiến ngay cả giới lãnh đạo, HLV, cầu thủ Hải phòng cũng không đồng tình.

Ông Hùng còn bảo đã nhiều lần ông mời những cổ động viên này vào nhóm cổ động viên chính thức để dễ quản lý nhưng họ nhất định từ chối. Hình như họ muốn ở ngoài để có thể dễ dàng... xả và dễ dàng kích động?

Cổ động viên Hải Phòng "quậy" trên sân Mỹ Đình.

Trên diễn đàn Internet, một số cổ động viên tự xưng là "cổ động viên Hải Phòng" cũng không ngừng nhận định: Đố VFF cấm nổi chúng tôi? Mà không chỉ "đố", những người này còn lên cả một kế hoạch qui mô, đổ bộ đến sân Cần Thơ ở vòng 16 V.League cuối tuần qua hòng "tát" vào cái lệnh cấm mà ai cũng thấy là rất ít tính khả thi này.

Đến nước này thì ông Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng phải giải thích thêm rằng "cấm các cổ động viên Hải Phòng" ở đây là cấm những người mặc áo đỏ của Hải Phòng, có logo của đội Hải Phòng, và dùng cờ phướn trùng với màu áo thi đấu của Hải Phòng để cổ vũ, chứ tất cả những cổ động viên Hải Phòng không phạm phải những điều này thì...không cấm.

VPF cũng có công văn hướng dẫn về việc thực hành án phạt với ban tổ chức sân Cần Thơ cùng ban tổ chức các sân khác mà Hải Phòng sẽ đến thi đấu từ nay đến hết giải. Nhưng sự thực là bất chấp sự có mặt của ông Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng, các cổ động viên Hải Phòng với áo đỏ, cờ đỏ, và trên lá cờ in rõ dòng chữ: "Cổ động viên Hải Phòng" vẫn vào sân như thường. Họ liên tục hò reo cổ vũ, khiến cho trận đấu Cần Thơ - Hải Phòng phải tạm hoãn tới gần nửa giờ đồng hồ.

Phải đến khi đích thân HLV trưởng Hải Phòng Trương Việt Hoàng tới thuyết phục thì nhóm cổ động viên này mới chịu di chuyển về phía khán đài mà Ban tổ chức sân yêu cầu, nhưng sau đó, trong suốt 90 phút bóng lăn họ vẫn hò hét, cổ vũ cho đội bóng của mình như thể không có điều gì xảy ra. Rõ ràng, các cổ động viên Hải Phòng muốn chứng minh cái lệnh cấm của VFF là không thể áp dụng đối với mình, và thực tế rõ ràng là như vậy.

Cần phải nhắc lại, năm 2009, Ban Kỷ luật VFF cũng từng ra lệnh cấm tương tự, và ai cũng thấy đấy là một cái lệnh cấm kỳ quặc. Cái lệnh cấm mà nói theo một chuyên gia là chẳng khác gì... chém gió. Cấm đấy mà thực tình là không cấm nổi.

Đấy là lý do vì sao mà lần này,  sau khi "lệnh cấm" xuất hiện, giới phóng viên phải đổ xô đi tìm ông Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường, để nghe ông giải thích. Thế nhưng ông Trưởng ban đã "mất tích" một cách khó hiểu. Ông tắt máy điện thoại nhiều ngày, không thể nào liên lạc nổi.

HLV trưởng Trương Việt Hoàng của Hải Phòng cho biết đội bóng không có hội CĐV chính thức.

Sau khi báo chí đề cập tới việc: "Vì sao ông Trưởng ban Kỷ luật VFF "trốn" thì đến buổi sáng Chủ nhật vừa qua - ngày diễn ra vòng đấu thứ 16 ông mới đột ngột đăng đàn trở lại. Khi đó, trả lời phỏng vấn Báo Thể thao & Văn hoá, ông Nguyễn Hải Hường cho biết: "Ban Kỷ luật chỉ cấm những người vào sân mà có hành vi quá khích, quậy phá, đi xem bóng đá mà có hành vi phá rối. Đối với những cổ động viên chân chính, chúng tôi còn rải chiếu hoa mời họ đến chứ có bao giờ cấm người ta đâu...

Trước đây, khi đến sân khách, họ được vào riêng 1 cửa, thậm chí có người đưa, đón, một số sân còn giảm giá vé, bây giờ, với án kỷ luật sẽ không được như vậy nữa. Logo của CLB Hải Phòng là thương hiệu của đội bóng nhưng CLB Hải Phòng không thừa nhận Hội cổ động viên. Vì vậy, CĐV mặc áo có logo của CLB Hải Phòng ảnh hưởng đến uy tín CLB sẽ không được vào sân, cổ động viên Hải Phòng vào sân khách thời gian tới sẽ không được ngồi khu vực riêng và nếu quậy phá sẽ bị lực lượng an ninh giám sát. BTC các sân phải phối hợp với công an địa phương giám sát cổ động viên Hải Phòng ngay từ vòng ngoài có gì bất bình thường là phải có biện pháp xử lý ngay. Nếu vẫn để xảy ra mất an ninh, an toàn thì BTC sân rõ ràng phải chịu trách nhiệm vì lúc ấy, BTC giải, Ban Kỷ luật đã làm hết cách".

Có thể thấy cách nói của ông Nguyễn Hải Hường cũng trùng với cách nói của Tổng Giám đốc VPF mà chúng tôi đã dẫn ở trên, rằng lệnh cấm ở đây chỉ áp dụng với những cổ động viên mặc áo đỏ, có logo của Hải Phòng, và dùng lá cờ truyền thống của Hải Phòng để cổ vũ, chứ không cấm những cổ động viên Hải Phòng chân chính. Nhưng thực tế những gì diễn ra trên sân Cần Thơ cho thấy, ngay cả những người mặc áo đỏ, dùng lá cờ truyền thống của Hải Phòng cổ vũ cho CLB Hải Phòng, Ban tổ chức sân cũng không sao cấm nổi.

Rất có thể vì điều này mà Ban tổ chức sân Cần Thơ nói riêng sẽ phải chịu những hình phạt tiếp theo. Và BTC các sân đấu chuẩn bị đón đội Hải Phòng làm khách tới đây khả năng cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhưng vấn đề sâu xa rõ ràng không nằm ở các BTC sân, mà nằm ở cái lệnh cấm thiếu hẳn tính thực tiễn của những người gìn giữ gia pháp cuộc chơi này. Đây không phải là lần đầu tiên những lệnh cấm của Ban kỷ luật VFF bị dư luận, giới truyền thống lên án. 

Án kỷ luật “chém gió” của...VFF

VFF biết tỏng tòng tong những ngóc ngách, những khó khăn mà lãnh đạo CLB Hải Phòng phải đối mặt với nhóm CĐV tự phát. Tuy nhiên, Ban Kỷ luật lại vô tình hay hữu ý đánh đồng tất cả để ra một án phạt chung chung nhắm vào CĐV dù CLB Hải Phòng thừa nhận là họ không có hội CĐV chính thức.

Trước đây, việc xin phép hay cấp phép cho những nhóm cổ động viên bóng đá của các CLB luôn là vấn đề được đưa vào dạng "nhạy cảm". Riêng Hải Phòng thì CLB đi một đằng, cổ động viên đến sân làm một nẻo và thậm chí là còn thách thức lại những người làm bóng đá. Chính vì thế mà có những banderole không giống ai và cũng không ai chịu trách nhiệm nhưng nó vẫn nhơn nhởn diễn ra. Những người đến cổ vũ theo số đông đấy là dạng tự phát và tất nhiên không chịu quyền kiểm soát của bộ phận nào. Đám đông còn thách thức Ban tổ chức, gây khó cho đội nhà.

Cũng sau án kỷ luật cấm cổ động viên Hải Phòng đi xem sân khách, chính ông Chủ tịch Trần Mạnh Hùng đã lên tiếng đăng đàn "Đố mà cấm được!". Ông Hùng nói hoàn toàn đúng. Bởi khi đưa ra một quyết định nào, một án kỷ luật nào cũng phải cân nhắc yếu tố ngoài phạm vi bóng đá, quy chế còn phải yếu tố pháp luật. Việc VFF đưa ra án phạt cấm cổ động viên Hải Phòng đi xem sân khách là không thể được.

Ông Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng rất mệt mỏi vì nhiều nhóm cổ động viên của đội nhà không thuộc quyền quản lý của CLB, làm sao cấm người hâm mộ đến sân trong khi cổ động viên Hải Phòng thì chỉ là khái niệm chung chung, mơ hồ".

(Tấn Phước - Ng. Huy, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Tự hào và ám ảnh

Những gì diễn ra ở Mỹ Đình ở vòng 14 V.League là điều không mới khi lâu nay, sự cuồng nhiệt của cổ động viên đất Cảng luôn đi liền với sự quá khích. Và đến lúc này, người ta nhắc nhiều đến "tình yêu lý trí". Thế nhưng có một điều đáng để suy ngẫm khi HLV Trương Việt Hoàng thừa nhận trong bất lực rằng, CLB không thể quán triệt được cổ động viên, bởi Hội cổ động viên Hải Phòng chưa được công nhận chính thức, chưa trực thuộc CLB. Lâu nay, sự cuồng nhiệt của những máu áo đỏ kia diễn ra trong sự tự phát.

Nhiều người Hải Phòng yêu bóng đá, điều đó không phải bàn cãi. Nhưng chính một bộ phận không nhỏ cổ động viên đất Cảng đã khiến số đông bị ảnh hưởng. Và cũng đã đến lúc những cổ động viên chân chính của mảnh đất này cần nghiêm túc nhìn lại để ý thức, thay đổi khi niềm tự hào lại song hành với những ám ảnh…

Hoài Đan (Báo Lao động) 

Hoàng Anh
.
.
.