Ballet Việt đang biến mất trong đời sống?

Thứ Hai, 20/06/2016, 16:15
Lần đầu tiên khán giả Việt Nam được chạm tới giấc mơ ballet Pháp trong một đêm diễn đầy cảm xúc ở Trung tâm Hội nghị quốc gia. Nhưng nhìn người mà ngẫm đến ta,(dù mọi sự so sánh là khập khiễng), nhưng chắc hẳn những người làm nghề và cả công chúng yêu ballet không khỏi ngậm ngùi tự hỏi, ballet Việt của chúng ta đang ở đâu?


10 năm vắng bóng ballet

Khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia gần 3.500 ghế ngồi, khá kín chỗ. Đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng bởi khán giả Việt không làm ngơ với nghệ thuật đỉnh cao. Bởi nó đã thực sự chạm tới cảm xúc người xem. Ở đó, khán giả đã được thưởng ngoạn một không gian thuần Pháp, với những bước nhảy tinh túy, lộng lẫy của nghệ thuật đỉnh cao. Họ là những vũ công ngôi sao, họ sinh ra để múa và sống trọn vẹn cuộc đời mình cho múa.

Biên đạo múa Tuyết Minh ngậm ngùi khi chia sẻ cảm giác của chị sau đêm diễn: “Tôi cảm giác như mình đang ngồi ở đáy giếng, nhìn lên phía trên kia là bầu trời xanh, mơ chạm tới bầu trời xanh mà không biết bằng cách nào để lên được”. Bởi gần 10 năm qua, nghệ thuật ballet gần như vắng bóng, nếu không nói là biến mất trong đời sống. Có chăng, cũng chỉ là những trích đoạn cùng diễn với opera, nhạc cổ điển mà thôi.

Nghệ thuật ballet đỉnh cao của Pháp đến với khán giả Hà Nội.

Đành rằng, ai cũng hiểu, ballet không dành cho đại chúng, thậm chí kén khán giả. Nếu tính bài toán lợi nhuận từ nghệ thuật ballet không có điểm kết. Bởi dựng một vở ballet quá tốn kém, trong khi lượng khán giả bỏ tiền mua vé lại không nhiều. Nhưng, ballet trong thời 2000 - 2005 vẫn có khán giả. Tất nhiên, không phải là số đông. Nhưng không vì thế mà ballet biến mất trong đời sống nghệ thuật.

Theo khảo sát của chúng tôi, có một thực tế là hiện nay, các nhà hát không còn giữ được sự chuyên sâu, bản sắc riêng và con đường nghệ thuật của chính mình. Xu hướng tự chủ và xã hội hóa có nhiều mặt tích cực, nhưng chính nó đã góp phần không nhỏ xóa nhòa bản sắc riêng của từng nhà hát.

Không còn những chuyên sâu, nhất là trong nghệ thuật múa, dân gian, đương đại, hay cổ điển. Truyền thống đang mất dần đi bởi công cuộc chạy đua vì mưu sinh, vì đời sống. Vừa rồi, Nhà hát Nhạc Vũ kịch, cái nôi của ballet Việt sang Nga biểu diễn lại mang theo âm nhạc dân tộc. Đó là một thực tế khiến ballet ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi xu thế chung của thời đại.

Thực tế, ballet Việt Nam đã có những thời kỳ hoàng kim trong quá khứ, và ngay cả thập niên đầu của thế kỷ XXI, những năm 2000-2005, chúng ta đã có những vở ballet kinh điển như “Kẹp hạt dẻ”, “Rômeo và Juliet”, “Gió mùa”…

Thời đó, những lứa nghệ sĩ solid cuối cùng như nghệ sĩ Lưu Thu Lan, Trúc Quỳnh, Mạnh Hùng được đào tạo bài bản ở Nga, rồi Tuyết Minh, Anh Đức, Thi Ngọc, được gửi sang Pháp đào tạo. Năm 2005, “hoàng tử ballet Việt Nam” Cao Chí Thành từng giành giải 4 tại cuộc thi ballet quốc tế Helsinki, vượt qua nhiều nghệ sĩ múa đến từ các nước phát triển như Nga, Mỹ, Pháp…

Chúng ta đã từng có tài năng và ballet đã có những thời kỳ đỉnh cao với những vở diễn lớn. Nhưng bây giờ, lứa nghệ sĩ đó đã già, họ đã chuyển hướng sang làm công tác đào tạo ở những bộ môn khác, hoặc giải nghệ. Nghệ sĩ múa Tuấn Anh từng sang Pháp học về ballet và được giữ lại ở Pháp đào tạo thêm 4 năm.

Nhưng khi về nước, anh lại trở về dạy múa dân gian. Hay như nghệ sĩ múa Anh Đức cũng từng sang Pháp học ballet rồi ngậm ngùi về công tác ở một đoàn nghệ thuật của Thái Nguyên. Đỗ Ngọc Thi Hoàng, solid chính của Nhà hát Nhạc Vũ kịch cũng bỏ ra làm tự do ở ngoài. Nghệ sĩ múa Lưu Thu Lan lui về trường múa giảng dạy.

Nhân tài ballet vốn đã hiếm, lại không được trọng dụng và không tạo cơ hội cho nghệ sĩ cống hiến. Họ nói về thời đỉnh cao của ballet như một giấc mơ, một giấc mơ mà không biết đến bao giờ, họ mới chạm tới được. Bởi để đào tạo một vũ công ballet phải mất 8 đến 10 năm, chúng ta mới có một lứa diễn viên có thể đứng chân trong những vở ballet kinh điển. Đó là một lý do khiến ballet Việt gần như biến mất trong đời sống.

Giấc mơ nào cho ballet Việt?

Theo khát sát của chúng tôi, nguồn đào tạo múa ballet chủ yếu từ Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Nhưng nhiều năm nay, mỗi khóa chỉ vỏn vẹn dưới 10 nam và khoảng 20 nữ tốt nghiệp. Muốn đi sâu vào nghệ thuật ballet, phải mất 6 năm học chuyên sâu.

Vì thế, thay vì chọn con đường nhọc nhằn, lại ít cơ hội kiếm sống, các diễn viên trường múa tỏa đi các ngả khác để kiếm sống. Phần lớn họ tìm những cơ hội công việc dễ kiếm tiền hơn là theo đuổi ballet như tiếp viên hàng không, làm ở các công ty bảo hiểm. Những nghề dường như chả liên quan gì đến múa. Đỡ xót xa hơn, khi nhiều người tìm công việc giảng dạy ở các trung tâm nghệ thuật, ít nhất còn chút liên quan.

“Bây giờ không có ai đủ tình yêu và đam mê để bền bỉ với ballet. Đây là một bộ môn nghệ thuật đặc thù, phải mất 8 đến 10 năm khổ luyện. Con đường tới nghệ thuật không trải hoa hồng như các em tưởng”, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ. “Chung thủy với ballet ở Việt Nam thời điểm này chả ai ghi nhận và không có đất sống”, một nghệ sĩ trẻ tâm sự. Nhân tài múa vốn đã thiếu, lại càng hiếm vì cuộc sống mưu sinh lấn dần những đam mê.

Hoàng tử ballet Cao Chí Thành trong một vở ballet.

Chính biên đạo múa Johanne Jakhelln Constant sang Việt Nam dựng vở đã phải thốt lên rằng: “Tôi nghĩ Nhà nước và nhà hát cần hỗ trợ nhiều hơn cho múa. Chuyện phải lo lắng về cơm áo gạo tiền chắc chắn là một vấn đề khiến các diễn viên mệt mỏi và nghĩ liệu có nên ở lại với múa”. Nghệ sĩ vốn đã sống chật vật bằng nghề, nghệ sĩ ballet lại càng không có đất sống. Họ phải xoay ra làm đủ việc, trong khi chuẩn mực của ballet có những đòi hỏi khá khắc nghiệt về hình thể, phong cách. Sống với ballet phải có đam mê và sự hy sinh.

Nhưng thực tế, ngọn lửa nghề không còn được trao truyền. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước rất thấp. Nhớ một thời, chính cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Hoàn đã trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm tài năng ballet và gửi sang Nga học, sau đó chúng ta mới có những lứa diễn viên ballet đỉnh cao như thế.

Biên đạo múa Johanne Jakhelln Constant chia sẻ rằng: “Nếu có một giấc mơ dành cho những diễn viên múa ở đây, tôi ước gì ngày nào đó họ sẽ được múa toàn bộ thời gian trong một môi trường ổn định, chuyên nghiệp, bền vững và được trả thù lao hậu hĩnh.

Tôi cũng muốn khi gặp lại họ trong những năm sau, ai cũng đều ở lại với múa và phát triển kỹ năng của mình lên một mức cao hơn. Tôi đã đến với ballet hơn 30 năm và sẽ cảm thấy mất phương hướng nếu không được làm việc nữa. Vậy nên tôi tin các học trò Việt Nam của mình cũng nghĩ giống tôi. Múa ballet rõ ràng là thứ mà người ta phải thật sự yêu thì mới làm được vì nó sẽ lấy của họ ít nhất mười năm để rèn luyện”.

Còn một trong những vũ công ngôi sao hàng đầu của ballet Pháp, nghệ sĩ Agnés Letestu  quan niệm: “Không thể múa mà không đam mê, phải yêu đến mức gần như bị điên thì người ta mới để cuộc sống của mình chỉ còn xoay quanh múa”. Chúng ta không còn đam mê, và đam mê đó không còn được truyền lửa, được nuôi dưỡng bằng một cơ chế, bằng sự tôn vinh, thì mãi mãi, nghệ thuật đỉnh cao ballet chỉ còn là một giấc mơ.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Chúng ta không có kế hoạch đào tạo ballet bài bản

Ballet là một bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, nếu chỉ dựa vào nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân thì không bao giờ thành công, mà nó phải nằm ở chiến lược phát triển và đầu tư của các nhà quản lý văn hóa. Nếu nghệ sĩ sống được bằng nghề, và có đất để cống hiến thì họ sẵn sàng. Nhưng dường như gần 10 năm nay và từ nay về sau, ballet sẽ vắng bóng trong đời sống, vì muốn có một lứa diễn viên tốt, chúng ta phải mất 10 năm đào tạo. Bây giờ, solid ballet không có ai, chúng ta cũng không có kế hoạch đào tạo.

Bản thân những gia đình có điều kiện cho con đi học ở nước ngoài, họ cũng không chọn ballet, vì họ biết về Việt Nam sẽ không có đất sống. Một lý do nữa là các nhà hát của chúng ta bây giờ đang phát triển theo xu hướng ôm đồm, thiếu chuyên sâu. Tôi từng tham gia đề án xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ cho các nhà hát, để các nhà hát hoạt động theo hướng chuyên sâu vào con đường nghệ thuật của mình. Nhưng rồi đề án vẫn nằm trên giấy tờ.

Đã có một thời, chúng ta muốn tách Nhà hát Nhạc vũ kịch ra, thành Nhà hát Ballet Việt Nam, nhưng rồi vẫn chưa làm được. Trong điều kiện càng khó khăn, chúng ta càng cần chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn thì chúng ta lại đang chạy theo chiều rộng, ôm đồm.

Chúng ta cũng chưa trọng dụng nhân tài, hiểu được giá trị của nhân tài cũng như tâm tư nguyện vọng của nghệ sĩ. Nghệ thuật ballet có những đặc thù riêng, khá khắc nghiệt, phải trưởng thành từ diễn viên, mới có thể làm biên đạo, mới truyền tải được tâm hồn múa, cảm xúc múa.

Nhưng bây giờ, chúng ta đang đi ngược lại điều đó, gửi người đi học biên đạo khi không trải qua diễn viên. Còn một vấn đề nữa là truyền thống của một nhà hát rất quan trọng, tình yêu, đam mê, nhiều khi được thắp lửa và nuôi dưỡng từ chính truyền thống đó, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nhưng truyền thống đó cũng không còn, bản sắc của các nhà hát không còn. Nếu nói về khó khăn thì nhạc giao hưởng và ballet đều giống nhau, đều là nghệ thuật đỉnh cao, nhưng vì sao giao hưởng càng ngày càng có cơ hội phát triển, còn ballet thì không. Điều đó nằm ở chính sách phát triển của các nhà quản lý văn hóa.

Việt Hà
.
.
.