Từ vụ diễn viên Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh:

Bài học mang tên cảm tính

Thứ Bảy, 08/07/2017, 14:24
Những ngày qua, vụ diễn viên Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm lớn của công luận. Cho tới thời điểm này, ai thắng, ai thua vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Nhưng rõ ràng, một trong những lý do khiến phiên tòa kéo dài mà vẫn chưa giải quyết xong, có phần bởi cách làm việc cảm tính, thiếu chuyên nghiệp của người nghệ sỹ.


Chuyên nghiệp trên sân khấu chưa đủ

Vụ kiện giữa diễn viên phim “Mùi ngò gai” và Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ những tranh chấp kéo dài từ năm 2014 đến nay. Theo đó, nhóm kịch của Ngọc Trinh về hoạt động tại Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh theo chủ trương xã hội hóa từ tháng 4-2014.

Ngọc Trinh trong phiên tòa xét xử ngày 4-7.

Theo như thoả thuận, Ngọc Trinh có vai trò đầu tư dựng các vở diễn mới, kích thích hoạt động biểu diễn của đơn vị này. Thời điểm đó, nhà hát này do nghệ sĩ Khánh Hoàng (tên thật là Trần Khánh Hoàng) làm Giám đốc. Sau khi hợp đồng được ký kết, Ngọc Trinh cùng nhóm kịch của mình đã bỏ tiền của công sức đầu tư thực hiện 6 vở kịch tại Rạp Công Nhân, rạp này cũng do Nhà hát kịch thành phố quản lý.

Đến tháng 10-2014, nghệ sĩ Khánh Hoàng xin thôi việc ở nhà hát vì lý do sức khỏe. Tiếp quản và điều hành là nghệ sĩ Quý Bình, Phó Giám đốc nhà hát. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, ông Quý Bình đã chấm dứt hợp đồng hợp tác với nhóm kịch của Ngọc Trinh. Nhóm kịch của Ngọc Trinh buộc phải ngừng diễn giữa chừng.

Theo đơn kiện, Ngọc Trinh yêu cầu Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh bồi thường chi phí đầu tư cho 6 vở kịch đã biểu diễn: “Chỉ có thể yêu”, “Kẻ nói dối đa tình”, “Cặp đôi hoàn cảnh”, “A…MA…MA”, “Mắt âm dương”, “49 ngày yêu” với số tiền hơn 430 triệu đồng; chi phí bù lỗ tiền diễn viên gần 100 triệu đồng và chi phí đầu tư kịch bản Tết 2015 vở “Thuật hồi sinh” 20 triệu đồng.

Ước tính tổng cộng số tiền mà Ngọc Trinh đầu tư khoảng 550 triệu đồng. Ngọc Trinh đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Văn hóa-Thể thao TP Hồ Chí Minh, đề nghị Sở can thiệp để Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh giải quyết bồi thường thiệt hại cho mình.

Nhiều nghệ sỹ đến dự phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Ngọc Trinh và Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh ủng hộ đồng nghiệp và rút kinh nghiệm cho mình.

Tuy nhiên, sau 2 năm, câu chuyện vẫn chưa được giải quyết. Vì hai bên không tìm được tiếng nói chung nên Ngọc Trinh đã khởi kiện ra TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 30-6, sau đó diễn ra cả ngày 4-7, tập trung làm rõ những điều khoản liên quan đến thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Trong đó, phía Ngọc trinh có trình ra những chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, như: biên bản thỏa thuận hợp tác theo phương thức xã hội hóa năm 2014, các hóa đơn chứng từ chi phí đầu tư cho các vở kịch từ ánh sáng, phục trang… cũng như lời khai, các bản xác nhận của nhân viên đã làm việc tại Nhà hát. Điều đáng nói ở đây, những giấy tờ mà phía Ngọc Trinh trình ra, có những văn bản không điền ngày tháng, không kí tên, đóng dấu đỏ.

Mặc dù theo dõi diễn biến phiên tòa, hai bên đều xác nhận là có thỏa thuận hợp tác và nhiều tình tiết trong vụ việc cũng được xem là có lợi cho phía Ngọc Trinh. Song, chỉ vì sự tồn tại của những văn bản được thỏa thuận bằng miệng này cũng như những hóa đơn, chứng từ không có giá trị pháp lý mà câu chuyện đến lúc này vẫn chưa “ra ngô, ra khoai”.

Tất nhiên, phía Ngọc Trinh có đưa ra lý do cho nguồn gốc của những văn bản được xem là thiếu tính pháp lý này như, “do tôi tin ông Khánh Hoàng – nguyên Giám đốc Nhà hát”, “do tôi chỉ là một cá nhân đi thuê nên khi mua hoặc/ thuê cái gì không thể yêu cầu người ta xuất hóa đơn đỏ được”. Dù vậy, lời giải thích từ phía diễn viên Ngọc Trinh có vẻ chưa thỏa đáng lắm.

Mất điểm trong lòng khán giả

“Nếu… thì”, “giá như”, “biết vậy thì tôi đã”… là những cụm từ mà khi xảy ra tranh chấp, các nghệ sỹ của chúng ta thường dùng. Có những nghệ sỹ, như trường hợp diễn viên Ngọc Trinh, vì cảm thấy mình quá áp lực nên đã bật khóc và nhiều lần không giữ được bình tĩnh trước tòa.

Cánh phóng viên, nhà báo tranh thủ ghi được khoảnh khắc đó. Ngày hôm sau, những tít bài kiểu như “Diễn viên Ngọc Trinh khóc nức nở trước tòa”, “Ngọc Trinh bật khóc tại tòa…”… tràn đầy trên mạng, khiến một bộ phận không nhỏ khán giả cảm thấy mủi lòng, đồng cảm và chia sẻ.

Vụ kiện vẫn chưa vào hồi kết do nhiều khúc mắc liên quan đến thỏa thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, những chia sẻ hay những giọt nước mắt đó có giá trị pháp lý hay không? Nghệ sỹ thường cảm tính. Sự cảm tính đó đã quay sang “phản chủ”. Và những mệt mỏi mà Ngọc Trinh đang gánh, phần nào cũng xuất phát từ cách làm việc thiếu khoa học của mình.

Nghệ sỹ phải chuyên nghiệp trên sân khấu. Thì rõ. Nhưng nghệ sỹ cũng nên chuyên nghiệp phía bên ngoài sân khấu nữa, nhất là khi làm việc liên quan tới giấy tờ, con số thì cần phải theo nguyên tắc. Bởi nếu xảy ra tranh chấp, không ai khác, chính họ ăn phải “trái đắng” từ sự cả nể, cả tin và cảm tính của mình.

Hơn nữa, nghệ sỹ ra tòa, nói cho cùng cũng chẳng có gì là hay ho cả. “Cũng vì bất khả kháng, một việc làm bất đắc dĩ” – như lời diễn viên Ngọc Trinh thừa nhận. Nghệ sỹ ra tòa tranh chấp nhau, chẳng cần biết ai thắng, ai thua nhưng ít nhiều cũng mất điểm trong lòng công chúng. Rồi chưa kể, tình nghệ sỹ sẽ đi đâu về đâu?

Có người bảo, chuyện trong nhà có gì đóng cửa bảo nhau. Nhưng có phải chuyện gì cũng đóng cửa bảo nhau mà được? Khi không tìm thấy được tiếng nói chung, việc kéo nhau ra tòa là tất yếu.

Lẽ ra, câu chuyện sẽ đi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn nếu như ngay từ đầu, hai phía làm việc khoa học, cặn kẽ. Ông Khánh Hoàng khi đó vì muốn ủng hộ, giúp đỡ Ngọc Trinh nên mới đồng ý thỏa thuận. Tuy nhiên, thương nhau như thế bằng mười hại nhau...

Tham dự phiên tòa xét xử vụ Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh có không ít đồng nghiệp của Ngọc Trinh như danh hài – NSƯT Hoài Linh, diễn viên Quý Bình, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Trịnh Kim Chi, diễn viên Lý Thu Thảo,  đạo diễn Công Ninh… đến dự. Có lẽ ít nhiều, những nghệ sỹ của chúng ta cũng rút ra được cho riêng mình bài học lớn.

Diễn viên Ngọc Trinh: Lẽ ra nhờ luật sư tư vấn từ đầu

Trước đây, tôi có xem tin tức báo chí nước ngoài, thấy rằng, một nghệ sỹ kiện công ty quản lí ra tòa, hoặc ngược lại, một công ty quản lý đâm đơn kiện nghệ sỹ khi vi phạm hợp đồng có rất nhiều.

Tôi chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó mình sẽ đứng trước tòa để tranh luận một điều gì đó, với bất kì ai, nhất là với những người mà mình từng kính trọng trước đây. Nghệ sỹ ra tòa là một việc làm bất đắc dĩ, là điều chúng tôi không hề mong muốn.

Trước khi là người của công chúng, là nghệ sỹ, họ là một người lao động bình thường và chân chính như bao nhiêu người khác. Ai cũng mong nhận được sự đối xử công bằng và được pháp luật bảo vệ. Có chăng, vì họ là nghệ sỹ nên khi ra tòa, vụ việc liên quan đến họ sẽ được khán giả chú ý nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn.

Tâm lý người Việt Nam, thường dùng cái tình nhiều hơn khi làm bất cứ việc gì đó. Đây là lần đầu tiên, ở vào thế bất khả kháng, Ngọc Trinh mới nhờ tới pháp luật. Thành ra, câu chuyện của Ngọc Trinh tự nhiên nhiều người để ý.

Sau vụ việc này, Trinh nghĩ niềm tin là thứ mà mình bị mất nhiều nhất. Song, khi mất đi điều gì đó thì chắc chắn mình cũng nhận được một bài học nào đó. Dù ít dù nhiều. Riêng Trinh, đó là một bài học lớn, một đòn đau nhớ đời. Để rồi, nếu sau này, mình muốn quay lại làm sân khấu hay làm một việc gì đó kiểu như thế, sẽ nhờ luật sư tư vấn và làm việc cụ thể hơn. Những người nghệ sỹ như Trinh có một cái nhược điểm mà Trinh phải thừa nhận đó là làm việc với nhau chủ yếu bằng cảm tính. Chuyện diễn ra suôn sẻ thì không nói làm gì. Nhưng nếu xảy ra chuyện thì đau lắm.

Riêng vụ việc này, ngay từ đầu, nếu biết sự việc đi theo chiều hướng xấu và không mong muốn như thế này, Trinh sẽ tỉnh táo hơn, lí trí hơn. Trinh đã quá tin tưởng vào Nhà hát kịch nên khi xảy ra chuyện thì buồn lắm. Đó là điều Trinh chưa bao giờ mong muốn nhưng ở hoàn cảnh của Trinh, nếu không ra tòa, Trinh cũng không biết phải làm gì?

Việc đâm đơn kiện ra tòa là một việc làm bất đắc dĩ. Bản thân diễn viên như Trinh rất ngại ra tòa. Thua dĩ nhiên buồn nhưng thắng cũng chẳng vui vẻ gì. Cái mất nhiều hơn là cái được. Trinh chỉ mong câu chuyện được giải quyết càng sớm càng tốt, để trắng đen rõ ràng, để mình được trút đi cái gánh nặng suốt mấy năm nay.

Đậu Dung
.
.
.