Anh em nhà họ Quách làm rạng danh bộ môn điền kinh Việt Nam

Thứ Tư, 29/04/2020, 15:28
Trong thế giới thể thao, chuyện một nhà có hai anh em cùng thi đấu không có gì lạ nhưng nếu cả hai người đều thành công như Quách Công Lịch và Quách Thị Lan thì thực sự rất hiếm.

Anh em nhà họ Quách không đơn thuần là những người vượt trội về mặt thể chất trong lĩnh vực chuyên môn của mình mà còn là tấm gương vượt khó đạt đến vinh quang điển hình.

Hoàn cảnh khó khăn

Quách Công Lịch sinh năm 1993 và chỉ hơn em gái Quách Thị Lan 2 tuổi. Với độ tuổi sàn sàn nhau như vậy, Lịch - Lan thân và hợp nhau cũng không có gì lạ. Sinh ra tại huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa), anh em Lịch- Lan là dân tộc Mường chính hiệu. Tuổi thơ của hai anh em gắn liền với đồng ruộng, rau cá…

"Gia đình tôi ở huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa và làm nông nghiệp, chăn nuôi. Những năm tôi còn nhỏ cuộc sống khá khó khăn, việc ăn cơm độn khoai, sắn là chuyện bình thường. Tôi cũng quen với việc ruộng đồng, nuôi gà, chăn lợn phụ giúp bố mẹ", Quách Thị Lan chia sẻ.

Với hình thể cao lớn, cả hai anh em nhanh chóng bén duyên với thể thao. Với Lan, năm học lớp 10 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc đánh dấu bước ngoặt về sự nghiệp thể thao khi được các nhà tuyển trạch của Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Thanh Hóa để mắt tới do có thành tích tốt tại một số giải thể thao dành cho học sinh trung học.

"Năm học lớp 10 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc, tôi tham gia một số giải thể thao cho học sinh. Sau đó tôi được các HLV tuyển về Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh Thanh Hóa để tập điền kinh. Ban đầu các thầy cho tôi tập nhảy sào, 7 môn phối hợp rồi sau đó mới chuyển sang tập chạy 400m và 400m rào. Tôi đến với điền kinh tình cờ như vậy và đến nay cũng đã tròn 10 năm", Quách Thị Lan nhớ lại.

Lịch - Lan bắt đầu những ngày sống xa nhà và dần quen với việc anh em tự lo cho nhau. Một thập kỷ đến với điền kinh là quãng thời gian anh em Lịch - Lan thân nhau như hình với bóng. “Cả hai anh em cùng xa nhà từ lúc còn nhỏ nên luôn thân thiết, gần gũi, giúp đỡ nhau trong tập luyện và cũng để quên bớt nỗi nhớ nhà, tập trung vào việc nâng cao thành tích”, Quách Công Lịch nói.

Hai anh em nhà họ Quách mang về nhiều vinh quang cho bộ môn điền kinh Việt Nam.

Sự chuyên nghiệp khó tin

Trong thể thao, việc vươn tới đỉnh cao đã khó, duy trì nó còn khó hơn gấp bội. Để đạt được điều đó, ngoài tố chất thuần túy còn cần một sự chuyên nghiệp từ sinh hoạt đến tập luyện của từng VĐV. Với những người đến từ miền quê nghèo, lại là dân tộc thiểu số như Lịch và Lan thì đấy lại càng là một đòi hỏi rất khó.

Nhưng càng gặp nhiều rào cản, khó khăn, đức tính chuyên nghiệp càng được hai anh em thể hiện mạnh mẽ. Cả Lịch và Lan đều là tấm gương, lá cờ đầu trong mắt đồng đội ở mỗi cấp độ. Chưa bao giờ có bất cứ lời than phiền, thất vọng nào về sinh hoạt, tập luyện hay thái độ của anh em nhà họ Quách. Họ sinh ra chân chất và giữ sự trong sáng đến cùng trong sự nghiệp của mình.

Chuyện luyện tập, sinh hoạt điều độ là khá bình thường đối với mỗi VĐV nhưng sự chuyên nghiệp của Quách Công Lịch thể hiện qua thái độ với người em gái tài giỏi của mình.

Dù có người nói rằng “anh trai thua kém em gái nhiều”, nhưng đó chưa bao giờ là vấn đề lớn đáng quan tâm với Quách Công Lịch. “Việc tôi và Lan ai có thành tích hơn không hề quan trọng bởi hai anh em đều là người một nhà và đều thi đấu mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Đó còn là sự tự hào cho gia đình nữa nên lúc nào cả hai anh em cũng động viên nhau cố gắng hết sức mình có thể.

Để có thể duy trì đến tận bây giờ thì lúc nào hai anh em cũng động viên nhau những lúc một trong hai người hoặc cả hai trong lúc chấn thương và gặp nhiều áp lực nhất, để vượt qua và cố gắng làm lại những thứ chưa làm được…”, Lịch tâm sự.

Theo huấn luyện viên Vũ Ngọc Lợi, kể từ tháng 4-2018 đến nay, khi gia nhập tổ 400m, Lịch đã giúp đỡ Lan rất nhiều trong việc tập luyện. Lịch không chỉ tập một mình mà còn trở thành người dẫn tốc để em gái đạt được tốc độ yêu cầu. Cả hai anh em cùng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chạy, cách ăn uống, ngủ nghỉ cho hợp lý đến cả những lúc tâm sự, thủ thỉ chuyện cuộc sống.

Quách Công Lịch sẵn sàng trở thành người dẫn tốc để em gái đạt được tốc độ yêu cầu.

Công sức được đền đáp

“Có lẽ tôi đã quyết định nên dừng lại mọi thứ tại đây. Với thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, tôi không thể lo cho gia đình sau này được. Có giải lớn thì có tiền, nếu không có giải thì không có gì cả. 

Điền kinh chắc một năm chỉ có một giải thôi là có thể kiếm tiền. Cảm ơn người hâm mộ đã quan tâm và động viên nhưng đam mê không bao giờ mang đến cho mình được tất cả. 

Có thành tích thì mình mới được tung hô còn không thì mình là kẻ thất bại. “Vua” vẫn là “vua” còn “nữ hoàng” có “vàng” vẫn thua “vua” thôi. Cảm ơn và cảm ơn”, đó là tuyên bố "giải nghệ" của Quách Công Lịch sau ASIAD 2018.

Năm 2018 khi lần đầu tiên dự ASIAD, Lịch gặp chấn thương lúc thi đấu. Chấn thương cứ lặp đi lặp lại tới 4 lần chỉ trong vòng 2 tháng nên lúc đó Lịch buồn chán. 

Chấn thương, đãi ngộ thấp, tương lai bấp bênh, Lịch nảy sinh ý định nghỉ tập. Thực tế, trước thềm SEA Games 30, Lan cũng dính chấn thương dai dẳng. Những tổn thương thể xác đến ngày một nhiều với hai anh em đã không ít lần làm họ nản chí. Nhưng nhờ có gia đình và bạn bè, đặc biệt là có nhau, Lịch và Lan vẫn vững bước cho đến tận bây giờ.

Ông trời không phụ lòng người, sau khi Lịch chia sẻ về việc này thì chế độ đãi ngộ của hai anh em cũng được nâng lên. Bản thân Lịch và Lan hiện được hưởng lương và các loại chế độ ở Thanh Hóa và đội điền kinh quốc gia vào khoảng gần 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra là VĐV khi có huy chương thì cũng được thưởng một khoản cho thành tích đạt được.

Quan trọng nhất, với lối sống “sạch” và tinh thần trách nhiệm, hai anh em họ cũng là những VĐV hiếm hoi của Việt Nam, đặc biệt trong môn điền kinh có bảo trợ truyền thông, tự tạo được nguồn thu từ việc khai thác hình ảnh.

Cùng với Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là hai trong số 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019. Thành công là thế nhưng cả hai anh em không bao giờ muốn mình bị động hay là người tụt hậu. 

Hiện cả Lịch và Lan đều đang cố hết sức để hoàn thành việc học tại Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh), chuyên ngành Huấn luyện thể thao để chuẩn bị cho tương lai sau này. Hai người đã theo đuổi con đường này được sáu năm và chuẩn bị được hưởng thành quả.

Hai anh em thiệt thòi nhất làng thể thao Việt Nam

Tài năng như vậy nhưng sự nghiệp của Quách Công Lịch và Quách Thị Lan không ít lần dính vào chữ "đen". Tại SEA Games 29, ở chung kết nội dung chung kết 400m rào nam, cuộc đua tay đôi giữa Quách Công Lịch và Eric Cray (Philippines) diễn ra rất gây cấn khi cả hai về đích gần như cùng lúc. BTC đã phải mất rất nhiều thời gian xem lại video, cũng như phân tích hình ảnh mới có thể công bố người chiến thắng. 

Chung cuộc, Công Lịch chỉ giành HCB với thời gian 50'05, kém Eric Cray 2% giây. Không đồng tình với quyết định vừa nêu của BTC SEA Games 29, bộ môn điền kinh thuộc đoàn thể thao Việt Nam quyết định khiếu nại nhưng kết quả không được thay đổi.

Xét ở một khía cạnh nào đó, Quách Thị Lan còn "đen đủi" nhưng cũng... may mắn hơn người anh trai khi viết nên chuyện hy hữu bậc nhất lịch sử thể thao Việt Nam khi được đôn lên giành tới 3 tấm HCV châu lục chỉ trong một năm do đối thủ sử dụng chất kích thích.

Cụ thể, tháng 10/2019, Liên đoàn Điền kinh Thế giới (IAAF) ra án phạt cấm thi đấu 4 năm đối với VĐV người Ấn Độ Nirmala Sheoran do dương tính với chất cấm. IAAF đồng thời hủy mọi kết quả thi đấu và thành tích của VĐV này trong giai đoạn tháng 8/2016 đến tháng 8/2018. 

Điều này đồng nghĩa với việc 2 chiếc HCV nội dung 400m nữ và 4x400m tiếp sức nữ mà Sheoran đoạt được tại giải vô địch điền kinh châu Á 2017 bị hủy bỏ. Như vậy, với việc đối thủ dương tính với chất cấm, Quách Thị Lan bất ngờ nhận thêm 2 HCV châu Á nội dung 400m nữ và 4x400m.

Trước đó, hồi tháng 7/2019, VĐV người Thanh Hoá được đôn lên nhận HCV 400m nữ tại ASIAD 2018 sau khi VĐV Bahrain Kemi Adekoya dương tính với chất cấm, bị cấm thi đấu 4 năm và tước các thành tích từ ngày 24/8/2018. Dù đây là tin vui với thể thao Việt Nam, nhưng lại là điều đáng tiếc và thiệt thòi với cá nhân Quách Thị Lan bởi các khoản thưởng nóng của các cá nhân, doanh nghiệp vào năm ngoái cho Điền kinh dồn hết vào tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa.

Hà My
.
.
.