“Âm vang chiến công” - những âm vang còn mãi
- Chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công": Những dấu ấn không quên
- Các nghệ sĩ CAND "cháy" hết mình trong Âm vang chiến công
1. Có thể nói, đêm nghệ thuật “Âm vang chiến công” đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một chương trình kỷ niệm. Trung tướng Mai Văn Hà, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND khẳng định: “Chương trình “Âm vang chiến công” nhằm ca ngợi chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc trong cuộc Cách mạng Tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ, trong đó có đóng góp to lớn và hết sức quan trọng của lực lượng CAND. Đồng thời, thông qua các ca khúc cách mạng, chương trình ôn lại truyền thống 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND, tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Công an dũng cảm, mưu trí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…”.
“Âm vang chiến công” đưa người xem ngược dòng thời gian trở về với những trang sử hào hùng của cha ông, của lực lượng Công an trong những ngày đầu thành lập. Phần 1, “Mùa thu chiến thắng”, mở đầu bằng ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Xuân Oanh “19 tháng 8”.
Âm vang chiến công được đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng nghệ thuật. |
Đây là một tiết mục được dàn dựng đẹp, hoành tráng do Hợp xướng và Đoàn ca múa CAND thể hiện. Khán giả như được hòa mình vào không khí của những ngày đầu giải phóng, khí thế hừng hực…
Sau những cảm xúc trào dâng đó, chúng ta lại được lắng mình trong những giai điệu đẹp nhưng đầy hào sảng của ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện. Một Hà Nội với những ngày đầu giải phóng, hừng hực khí thế chiến công “Khói lửa ngập trời, Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên”. Một Hà Nội rất dịu dàng và rất thơ với “nước Hồ Gươm xanh thắm, bóng Tháp Rùa êm”… với từng góc phố, con đường quen.
Bài hát kết hợp với múa đã mang đến một cảm xúc mới mẻ cho người xem về một Hà Nội từ rất xa và cũng rất gần gụi. Lần này, ca sĩ Phạm Phương Thảo sẽ gặp lại khán giả với một sáng tác mang âm hưởng hào hùng “Bài ca thống nhất”. Đó cũng là bài hát kết phần một để bắt đầu cho phần hai, tôn vinh và ca ngợi hình tượng người chiến sĩ CAND.
NSND Quốc Hưng, người nhiều năm gắn bó với vị trí là Tổng đạo diễn của chương trình “Âm vang chiến công” chia sẻ: “Với đêm nhạc “Âm vang chiến công” tôi đã dành rất nhiều tâm huyết, kỹ lưỡng trong việc lựa chọn từng bài hát, thứ tự bài hát, bởi kho tàng âm nhạc cách mạng khá phong phú.
Sao mai Quách Mai Thy là gương mặt mới của đêm nhạc. |
Nhưng chọn được những bài hát đặc sắc và tiêu biểu nhất về hình tượng người chiến sĩ Công an thì không đơn giản. Trong đó, tác phẩm “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vẫn là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất và không thể bỏ qua.
Trong các chương trình “Âm vang chiến công”, tôi đều chọn ca khúc này khi muốn ngợi ca và tôn vinh người chiến sĩ Công an. Tuy nhiên, lần này, tôi mời ca sĩ Lương Hải Yến thể hiện. Yến vừa đạt giải nhất tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc (Giải Sao Mai) năm 2019. Yến là ca sĩ trẻ và là giọng nữ cao, trong sáng nên Yến sẽ hát rất hay ca khúc này”.
Đó cũng chính là phần hai của chương trình, tôn vinh hình tượng người chiến sĩ CAND từ quá khứ đến hiện tại. Ngoài những ca khúc kinh điển về hình tượng người chiến sĩ Công an như “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, lần này, đạo diễn, NSND Quốc Hưng đưa thêm vào chương trình những sáng tác mới.
Đó là bài hát “Kỷ niệm về cha” của nhạc sĩ Ngọc Thịnh, phổ thơ Đậu Thị Hoài Thanh. Đây là một bài hát xúc động về người cha đã hy sinh để lại lời hứa dang dở với cậu con trai của mình rằng, cha sẽ về sinh nhật con. Bài hát do NSƯT Minh Lương thể hiện chắc chắn sẽ là một điểm nhấn của chương trình, giúp người nghe hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an giữa thời bình.
Ca khúc như một lời nhắc nhở với những người đang sống về sự hy sinh của lực lượng Công an cho độc lập và tự do hôm nay. Kết của phần 2 là ca khúc kinh điển “Chúng tôi là chiến sĩ Công an” đầy tự hào, mạnh mẽ để chuyển sang phần 3 với những bài hát trữ tình sâu lắng.
Ca sĩ Lan Anh. |
“Mùa xuân trên quê hương” là chủ điểm của phần 3. Đạo diễn Quốc Hưng đưa vẻ đẹp của các vùng miền của đất nước vào trong đêm nhạc, để dựng nên một bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam từ trong chiến tranh. Từ miền Nam với “Đất phương Nam” đến “Xa khơi”, “Biển hát chiều nay”...
Đây cũng là một khoảng lặng sâu lắng của đêm nhạc về tình yêu, nỗi niềm của người chiến sĩ CAND đối với quê hương đất nước. Sau khoảng lặng ngọt ngào, da diết ấy, khán giả được đưa đến một không khí khác với chủ đề “Tự hào đi lên ôi Việt Nam”. Ở đây, ta gặp giọng ca thính phòng hàng đầu, NSND Quốc Hưng và hợp xướng cùng nhóm múa đoàn nghệ thuật CAND.
2. Chia sẻ về áp lực sau nhiều năm đảm nhiệm vị trí Tổng đạo diễn, làm thế nào để mỗi năm mang đến cho khán giả một “món ăn” mới, NSND Quốc Hưng cho biết: “Tôi nghiên cứu rất kỹ kho tàng âm nhạc về hình tượng người chiến sĩ Công an, có nhiều bài hát quen thuộc nhưng phối khí hơi cũ nên tôi cho làm lại, mới hơn, với tiết tấu rất trẻ trung, tươi sáng, rộn ràng. Tôi cũng cố gắng tìm những bài hát mới đưa vào chương trình để dần dần khán giả sẽ quen và bài hát sẽ có đời sống. Yếu tố bài hát mới rất quan trọng nhưng chúng ta đang thiếu những bài hát hay. Ngoài ra, tôi sẽ giới thiệu những gương mặt mới, đây cũng là điểm nhấn của chương trình để mang lại không khí trẻ trung tươi mới cho những đêm nhạc bị gắn mác làm chính trị. Lần này tôi mời nhóm Mây và hai cô gái vừa bước ra từ giải Sao mai, Quách Mai Thy và Hồng Duyên. Đó cũng chính là điểm mới của chương trình”.
Điều đáng nói là “Âm vang chiến công” sau chặng đường ba năm, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng gắn bó, đồng hành với chương trình. Ca sĩ Phạm Phương Thảo năm nào cũng có mặt trong đêm nhạc. Chị chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi được tham gia chương trình ý nghĩa này. Tưởng như đây là một đêm nhạc mang tính chính trị nhưng nó thực sự xúc động, bởi ý nghĩa tri ân.
Năm ngoái tôi hát bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, còn năm nay, tôi sẽ thể hiện hai ca khúc “Bài ca thống nhất” và “Con sông tuổi thơ tôi”. Hai bài hát có hai nhịp điệu khác nhau, nhưng đều là những bài hát kinh điển trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Gắn bó với chương trình nhiều năm, tôi hiểu hơn những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ CAND và sẻ chia nhiều hơn với nỗi vất vả, hy sinh của các anh”.
Còn ca sĩ Trọng Tấn, dù bận gì, chạy show ở đâu anh cũng sẽ gác lại và dành ưu tiên đêm nghệ thuật “Âm vang chiến công”. Lần này Trọng Tấn sẽ thể hiện ca khúc kinh điển “Người Hà Nội”. Anh nói: “Tôi may mắn được hát trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và khoảnh khắc kỷ niệm ngày truyền thống của Lực lượng Công an cũng là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi.
Đêm nhạc mang đậm ý nghĩa tri ân. |
Tôi nghĩ, âm nhạc là một cầu nối giúp khán giả hiểu sâu hơn về những người chiến sĩ Công an. Ở đó, không chỉ có những trận đánh, không chỉ có cuộc chiến mà còn là những khoảnh khắc bình dị, đời thường…”.
Điều đọng lại trong đêm nhạc “Âm vang chiến công” không chỉ là những bài hát hay, những giai điệu đẹp mà đó còn là một đêm nhạc tri ân. Sau hành trình hai năm, cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp đêm nhạc trở thành nơi gặp gỡ của các nhà hảo tâm để tri ân, giúp đỡ những cán bộ chiến sĩ Công an có hoàn cảnh khó khăn.
Đó là những khoảnh khắc đẹp và xúc động. Nước mắt đã rơi. Nước mắt của những người mẹ, người vợ có con, chồng, những chiến sĩ CAND đã hy sinh giữa thời bình. Và năm nay, “Âm vang chiến công” cũng dành những khoảnh khắc xúc động đó để gặp gỡ và tri ân những gia đình cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, những người đã hy sinh thầm lặng vì nhiệm vụ, để lại mẹ và con thơ… Chắc hẳn, đó sẽ là những khoảnh khắc làm tôn thêm ý nghĩa của đêm nghệ thuật “Âm vang chiến công”.